Tuệ Trung Thượng sĩ - Trần Tung (1230 - 1291) là tác giả lớn của văn học thời Trần. Trước tác của ông hiện còn ba phần chính gồm Đối cơ, Tụng cổ và thi ca. Từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về sự nghiệp của tác giả ở nhiều cấp độ khác nhau. Thơ ca của ông được nghiên cứu về văn bản, tư tưởng, văn phong và một số phương diện nghệ thuật. Tuy nhiên, việc tìm hiểu giá trị thơ ca dưới góc độ ngôn từ chưa được thực sự đặt ra với trước tác của Thượng sĩ, nhất là từ ngữ then chốt, hàm chứa nghĩa lý phong phú. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu chữ không (空) trong thơ của bậc Thiền sư đặt nền móng cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Trước tác của Trần Tung chủ yếu được tập hợp trong cuốn Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục hiện còn 2 văn bản gồm Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục (竹 林 慧 忠 上 士 語 籙), kí hiệu A.1932 và Tam tổ thực lục (三 祖 寔 籙), kí hiệu A.2048 tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Việc khảo cứu vấn đề văn bản học của 2 văn bản này được chúng tôi thực hiện trong bài viết Khảo sát văn bản Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục(1). Hai văn bản hiện còn bao gồm trước tác của Tuệ Trung Thượng sĩ và trước tác liên quan như Tiểu dẫn, Lược dẫn Thiền phái đồ, Thượng sĩ hành trạng, Chư nhân Tán tụng, Thượng sĩ hậu bạt. Số bài thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ trong hai văn bản này đều gồm 49 bài. Tuy nhiên, bài Tứ sơn khả hại thuộc tác phẩm Phổ thuyết tứ sơn của Trần Thái Tông nên số bài thơ của Thượng sĩ còn lại 48 bài.
Trong 48 bài thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ, chữ không xuất hiện 15 lần trong 12 tác phẩm, gồm các bài: 佛 心 歌 (Phật tâm ca– Bài ca Phật và tâm), 生 死 閑 而 已 (Sinh từ nhàn nhi dĩ – Sống và chết là lẽ thường mà thôi), 凡 聖 不 異 (Phàm Thánh bất dị - Phàm và Thánh không khác nhau), 迷 悟 不 異 (Mê ngộ bất dị - Mê lầm và giác ngộ không khác nhau), 萬 事 歸 如 (Vạn sự quy như– Muôn việc đều về cõi chân như), 世 態 虛 幻 (Thế thái hư huyễn – Thói đời hư ảo), 江 湖 自 適 (Giang hồ tự thích – Vui thích giang hồ), 上 福 堂 逍 遙 禪 師 (Thướng Phúc Đường Tiêu Dao Thiền sư – Trình Thiền sư Tiêu Dao ở Phúc Đường), 勸 世 進 道 (Khuyến thế tiến đạo – Khuyên đời vào đạo), 頓省 (Đốn tỉnh – Chợt tỉnh), 示 修 西 方 輩 (Thị tu Tây phương bối – Gợi bảo người tu Tây phương), 脫 世 (Thoát thế - Thoát đời). Chữ không trong thơ Trần Tung mang nội hàm phong phú với tư tưởng căn cội của Phật giáo, sự hiện hữu không gian thiên nhiên khoáng đạt và xúc cảm nhân sinh sâu lắng.
1. Chữ không – tư tưởng căn bản của Phật giáo
Trong 15 lần chữ không xuất hiện có 10 trường hợp chữ không mang nội hàm khái niệm Phật giáo. Không là thuật ngữ Phật giáo “chỉ sự hư huyễn, bất thực của sự vật, hoặc sự không tịch minh tịnh của lý thể. Phật giáo cho rằng mọi hiện tượng đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, sinh diệt trong từng sát na, không có tính quy định về thể chất và không phải thực thể độc lập, giả mà không thực nên gọi là không”(2). Sau đó, không được chia thành nhân không và pháp không. Nhân không phủ định tự ngã của con ngưởi, pháp không phủ định tự ngã của vạn vật hiện tượng. “Tính không vốn là giáo thuyết của kinh điển Bát nhã, cũng là nguyên lưu của triết thuyết và kỷ luật tu trì của Đại thừa” (3). Đại Bát nhã của Huyền Trang có kể đến 18 hình thức của không(4). Đây là những con đường dẫn tới ý niệm về không. Trong thơ ca, Thượng sĩ viết về tính không từ một mệnh đề căn bản, gốc rễ của Phật giáo (bài Sinh tử nhàn nhi dĩ)(5):
生 自 妄 生 死 妄 死,
四 大 本 空 從 何 起?
Sinh tự vọng sinh tử vọng tử,
Tứ đại bản không tòng hà khởi?
Sinh từ cái càn rỡ mà sinh ra, chết từ cái càn rỡ mà chết đi,
Tứ đại vốn là không thì còn từ đâu mà dấy lên được.
Bản chất của thế giới là một dòng biến chuyển liên tục, không thể tìm ra nguyên nhân đầu tiên (vô thủy) và cũng không có kết quả cuối cùng (vô chung), không có gì tồn tại vĩnh cửu (vạn pháp vô thường). Tứ đại gồm bốn yếu tố đất, nước, lửa, gió tạo ra vạn vật. Trần Tung khẳng định những yếu tố chất rắn, chất lỏng, chất khí, nhiệt độ mang bản chất là không. Các sự vật hiện tượng đều do các nhân tố của tứ đại hội tụ, kết hợp trong một khoảng thời gian nhất định rồi lại chuyển sang một trạng thái khác. Sự kết hợp chỉ mang tính tạm thời, huyễn ảo. Con người cũng như nhành hoa, ngọn cỏ, ngọn núi, dòng sông đều không vĩnh cửu, chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nhất định rồi lại chuyển sang thực thể khác. Vậy nên, sự vật hiện hữu về bản chất cũng là không. Tuệ Trung Thượng sĩ nhấn mạnh hữu và không vốn chẳng sai biệt:
斷 知 空 有 不 相 差,
生 死 原 從 一 派 波.
Đoán tri không hữu bất tương sai,
Sinh tử nguyên tòng nhất phái ba.
Đoán biết rằng không và có không cách nhau lắm,
Sống và chết vốn từ một đợt sóng.
Trong thơ ca, Thượng sĩ viết nhiều về lẽ sinh tử, chữ sinh (生) xuất hiện 30 lần, chữ tử (死) xuất hiện 16 lần. Đi tìm căn nguyên của sự sống và cái chết là mối quan tâm của vạn kiếp chúng sinh. Nhiều tư tưởng, học thuyết, cá nhân đã mang khát khao bất tận và trả giá không ngần ngại cho cuộc kiếm tìm sự trường sinh bất tử. Nhưng theo Phật giáo, con người sinh ra rồi lại mất đi là đúng quy luật sinh lão bệnh tử, sự sống và cái chết về bản chất không khác nhau.
生 死 元 來 自 性 空,
此 幻 化 身 亦 當滅.
Sinh tử nguyên lai tự tính không,
Thử huyễn hoá thân diệc đương diệt.
Sống chết vốn là không có tự tính,
Cái thân do huyễn ảo hoá thành này rồi cũng phải diệt.
Người ta cần phải bình tâm trước mọi biến động và bất trắc của cuộc đời, ngay cả trước cái chết. Ngày Thượng sĩ về thế giới bên kia, “Người nhuốm bệnh ở trang Dưỡng Chân, không nằm ở phòng riêng mà cho kê chiếc giường gỗ giữa ngôi nhà bỏ trống và nằm theo phép cát tường, nhắm mắt mà tịch. Người hầu, thê thiếp trong nhà khóc rống lên. Thượng sĩ mở mắt ra ngồi dậy, đòi nước súc miệng rửa tay, rồi quở nhẹ rằng: “Sống chết là lẽ thường, đâu nên buồn thảm luyến tiếc, làm nhiễu động chân tính của ta”. Nói xong ngài an nhiên thị tịch” (Thượng sĩ hành trạng).
Trần Tung đặt khái niệm không trong mối tương quan với khái niệm sắc. Con người mê lầm nên sinh ra phân biệt sắc không, nếu ngộ được chân lý lẽ không thì đâu còn không và sắc nữa. Mọi sự vật hiện tượng đều cấu tạo bởi các yếu tố vật chất (sắc) và tinh thần (danh). Danh và sắc gồm ngũ uẩn là sắc, thụ, tưởng, hành, thức. “Thân ta biến hóa luôn, cái ngã kiến của ta cũng chỉ do ngũ uẩn tích tụ mà thành. Sắc là hình thể, hình hài vật chất. Thụ là cảm xúc lĩnh nạp. Tưởng là tưởng nghĩ. Hành là hành vi tạo tác. Thức là hiểu biết. Năm cái ấy không thuần nhất, thường định mà phiền phức, hỗn tạp. Năm cái ấy tích tụ lại thành cái ngã, cái ta, xưng là ta. Cái ngã của ta như thế nên không có gì là xác định. Thế mà ta lại nhận cái ngã ấy là chân thực, vĩnh viễn, thì chẳng phải sai lầm lớn hay sao?”(6). Sự mê lầm, vô minh sẽ dẫn đến việc con người khư khư một cách đầy tuyệt vọng vào sự tồn tại hữu hình, trường tồn, bất biến của sắc tướng (bài Mê ngộ bất dị):
迷 去 生 空 色,
悟 來 無 色 空.
色 空 迷 悟 者,
一 理 古 今 同.
Mê khứ sinh không sắc,
Ngộ lai vô sắc không.
Sắc không mê ngộ giả,
Nhất lý cổ kim đồng.
Lúc mê sinh ra không và sắc,
Khi ngộ không còn sắc, không, mê, ngộ.
Sắc, không với mê, ngộ,
Xưa nay vẫn chung nhau ở một lẽ.
Trong Đối cơ, Tuệ Trung Thượng sĩ nhấn mạnh tư tưởng không. Có vị hỏi: “Trong kinh có câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, ý như thế nào?”. Thượng Sĩ ngồi im lặng. Một lát sau, ông nhìn người kia và hỏi rằng: “Ông có hiểu không?”. Đáp: “Không hiểu”. Sư hỏi: “Ông có sắc thân không?”. Đáp: “Có”. Sư hỏi: “Vậy, sao gọi sắc là không?”. Thượng Sĩ hỏi tiếp: “Ông thấy cái không có hình sắc không?”. Đáp: “Không thấy”. Sư hỏi: “Vậy, sao gọi không là sắc?”. Hỏi: “Như vậy, rốt cuộc là thế nào?”. Sư đáp: “Sắc chẳng phải không, không chẳng phải sắc”. Thượng sĩ lại nói tiếp: “Sắc chính là không, không chính là sắc / Sức phương tiện của Như Lai ba đời / Không vốn không sắc, sắc vốn không không / Thể tính sáng choang, không hề được mất”.
Tư tưởng không của Phật giáo chặn bước con người khỏi sa ngã, cám dỗ và nâng đỡ tâm hồn con người trước vọng động, khổ đau. Con người buộc mình vào tiền tài, danh vọng, muôn ngàn sự sở hữu, toan tính thiệt hơn ắt dẫn đến tham, sân, si. Còn tam độc tham lam, tức giận, ngu tối thì cứ mãi quanh quẩn nơi bến mê, không đến bờ giác ngộ, chẳng tường thấu lẽ không. Trần Tung chỉ ra cái nhìn nhị kiến, phân biện thành thái cực với vạn vật chính là căn nguyên gây ra mê lầm (bài Phàm Thánh bất dị):
身 從 無 相 本 來 空,
幻 化 分 差 成 二 見.
Thân tòng vô tướng bản lai không,
Huyễn hoá phân sai thành nhị kiến.
Thân từ "vô tướng" vốn là không,
Vì huyễn hoá mà chia biệt thành nhị kiến.
Thượng sĩ dẫn dắt chúng sinh đến tư tưởng không bằng con đường rũ bỏ cái nhìn nhị kiến về sắc không, hữu vô, thị phi, vọng chân, sinh tử, phiền não bồ đề, mê ngộ, mộng tỉnh, địa ngục thiên đường, ma Phật, phàm Thánh… Con người không nên cương tỏa, giam cầm mình vào sự tồn tại vốn chỉ là sự kết hợp tạm thời. Vong nhị kiến nghĩa là con đường tiêu diệt, phá bỏ cách nhìn phân biệt vô minh (bài Vạn sự quy như).
煩 惱 菩 提 元 不 二,
真 如 妄 念 總 皆 空.
Phiền não bồ đề nguyên bất nhị,
Chân như vọng niệm tổng giai không.
Phiền não và bồ đề vốn chẳng phải là hai,
Chân như và vọng niệm hết thảy đều là không.
Trên con đường đi đến đạo không, con người cần biết cầu tìm chân tâm của chính bản thân mình. Tâm cũng là khái niệm quan trọng bậc nhất trong thơ Trần Tung. Chữ tâm (心) xuất hiện 54 lần trong 48 bài thơ, ngoài ra tâm còn được biểu thị bằng hình tượng gián tiếp như đứa trẻ (đồng tử - 僮子), gương mặt mẹ (nương sinh diện - 娘生面)… Thượng sĩ khẳng định trong mỗi người đều có tâm Phật. Mỗi cá thể chỉ cần hướng vào tâm Phật trong mình là có thể thành Phật. Vị Tổ sư thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử kể lại lần chỉ giáo của Thượng sĩ: “Một ngày kia, ta hỏi Người về cái gốc của tôn chỉ Thiền, Thượng sĩ ứng khẩu đáp: “Hãy quay lại tìm cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được” (Thượng sĩ hành trạng). Trần Tung cũng khẳng định điều đó trong Bài ca về Phật và tâm:
欲 求 心, 休 外 覓,
本 體 如 如 似 空 寂.
Dục cầu tâm, hưu ngoại mịch,
Bản thể như như tự không tịch.
Muốn tìm tâm, đừng tìm ở bên ngoài,
Bản thể của nó cứ như thế và không tịch.
Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa mang theo tông chỉ và phương pháp trực chỉ truyền tâm của Thiền Tông: Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật (Không thông qua chữ nghĩa, đạo truyền riêng ngoài kinh điển, nhắm thẳng vào nội tâm, nhìn thấu vào tự tính mà thành Phật). Giải thoát là hành trình tự giác ngộ, kiến tính thành Phật của mỗi cá nhân. Con người nhận ra Phật tính của mình ắt không cần câu chấp vào lễ nghi rườm rà, giáo điều phiền phức. Tuệ Trung Thượng sĩ cảm nghiệm Phật tính cá nhân, vượt qua khuôn phép tầm thường. “Ngày kia, Thái hậu làm tiệc lớn đãi người. Người dự tiệc, gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ, hỏi rằng: “Anh tu Thiền mà ăn thịt thì thành Phật làm sao được?”. Thượng sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật cũng chẳng cần làm anh. Cô chẳng nghe các bậc cổ đức nói: “Văn Thù là Văn thủ, giải thoát là giải thoát đó sao?” (Thượng sĩ hành trang). Bỏ khuôn khổ lề thói cũ, người đắc đạo có thể nhập trần một cách ung dung, tự tại. “Thượng sĩ trộn lẫn cùng thể tục, hòa cùng ánh sáng, chứ không trái hẳn với người đời. Nhờ đó mà nối theo được hạt giống pháp và dìu dắt được kẻ sơ cơ. Người nào tìm đến hỏi han, người cũng chỉ bảo cho biết điều cương yếu, khiến họ trụ được cái tâm, mặc tính hành tàng, không rơi vào danh hay thực” (Thượng sĩ hành trạng).
Tư tưởng không là tư tưởng căn cốt của Phật giáo – Thiền tông. Thượng sĩ giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm thời Trần với sự ảnh hưởng sâu sắc đến vị tổ sư thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm - Trần Nhân Tông. Với nền tảng tư tưởng không, Thượng sĩ đã “đưa lại cho Phật giáo thời Trần một tinh thần phóng nhiệm, một thái độ dấn thân mạnh bạo, góp phần tích cực giải quyết các yêu cầu chính trị của đất nước, phá bỏ được những giằng kéo, chấp nê trong hình thức và danh từ”(7). Sự xuất hiện thuật ngữ Phật giáo trong thơ tạo nên đặc sắc cho thơ của Tuệ Trung thượng sĩ cũng như thơ ca Phật giáo thời Trần.
2. Chữ không – vẻ khoáng đạt của thiên nhiên
Thiên nhiên chiếm luôn giữ một vị trí quan trọng trong thơ ca Phật giáo. Sự hiện hữu này bắt nguồn từ nhiều nhiều căn nguyên. Căn nguyên từ tư tưởng vạn vật đồng nhất thể, vạn vật đều là tiểu ngã bình đẳng trong đại ngã. Căn nguyên từ sự rung động thẩm mỹ hàm chứa sự mẫn cảm tôn giáo của thi nhân trước giọt sương tan trên đầu ngọn cỏ, nhành mai trước sân, đóa hoa âm thầm, hình ảnh ngọn đồi xa trong mắt con chuồn chuồn, con chim hoạ mi cuối cùng cất tiếng hót, cánh diệc trắng xóa lướt đi giữa ngàn thông xanh… Cõi trời đất ùa vào thơ ca với muôn ngàn sắc vẻ tác động mạnh mẽ đến trực giác, tâm trạng, suy lý, chiêm nghiệm. Từ không trong thơ Trần Tung ngoài ý niệm giả hợp, vô ngã, vô thường còn hàm nghĩa bầu trời bao la vô tận (bài Thế thái hư huyễn và Thị tu Tây Phương bối):
西 月 沉 空 難 復 影,
東 流 赴 海 豈 回 波.
Tây nguyệt trầm không nan phục ảnh,
Đông lưu phó hải khởi hồi ba.
Mặt trăng phương Tây đã chìm xuống chân trời thì bóng trăng khó quay trở lại,
Dòng Đông đã ra tới biển thì sóng nước há có thể trở về.
長 空 只 見 孤 輪 月,
剎 海 澄 澄 夜 漫 秋.
Trưòng không chỉ kiến cô luân nguyệt,
Sát hải trừng trừng dạ mạn thu.
Bầu trời bát ngát chỉ nhìn thấy vừng trăng cô đơn,
Bể phật trong suốt, đêm chuyển dài vào thu.
Bầu không, thái hư trong thơ ca Phật giáo trở thành hình tượng nghệ thuật giàu giá trị biểu đạt. Thi trung hữu họa, bức tranh mà Thượng sĩ vẽ lại bằng ngôn từ gồm một khoảng không gian có bầu trời, vầng trăng, mặt biển. Khoảng không bao la đem đến cho độc giả trực cảm về sự trống rỗng tuyệt đối. Trạng thái nguyên sơ, vĩnh tịch, hư tĩnh này là cơ sở để đón nhận cuộc sống với tất cả những cung bậc thăng trầm mà cái tâm vẫn an nhiên, không mê vong, ảo tưởng. Người đọc thơ Thiền dưới giác độ giáo lý Phật nhận ra tư tưởng về nhân tâm, Phật tính, tạo vật vô thủy vô chung. Bài Thế thái hư huyễn mang tư tưởng vạn vật trên thế giới có quan hệ mật thiết và chúng đều vô thường, biến hóa bất định như trăng lặn thì bóng mất, nước chảy bọt tan. Trong bài Thị tu Tây Phương bối, vầng trăng trở thành biểu tượng cho pháp thân. Thích Thanh Từ giảng giải: “Cả bầu trời đêm mười sáu nhìn lên chỉ thấy một vầng trăng, nhưng nhìn xuống biển thì có cả biển trăng. Biển chùa (sát hải) là chỉ bóng mặt trăng. Đêm trăng có một trăm chiếc thuyền đi trên biển thì có một trăm bóng mặt trăng đi theo. Nhưng trên trời chỉ có một vầng trăng. Bóng mặt trăng thì nhiều mà mặt trăng thật thì không có hai. Pháp thân của chúng ta cũng không có hai. Nhưng khi mê thì nó dấy lên bao nhiêu thứ trong tâm, lường tính không hết”(8). Những lát cắt của thơ ca Trần Tung đem đến sự tương đồng giữa thơ ca Phật giáo Việt Nam với thơ Haiku (bài cú) của Nhật Bản. Lúc Basho đang còn học Thiền với Quốc sư, một hôm Quốc sư đến thăm ông và hỏi: “Lúc này con ra sao?”. Basho trả lời: “Sau cơn mưa vừa qua, rong rêu xanh hơn trước”. Quốc sư lại hỏi: “Trước khi rêu xanh thì Phật pháp là gì?”. Basho lại trả lời: “Con ếch nhảy vào nước, kìa tiếng động”. Kể từ đó một giai đoạn mới trong lịch sử bài cú bắt đầu. Bài cú trước thời Basho chỉ là một lối chơi chữ, ít liên hệ đến đời sống. Basho khi được thầy hỏi về chân lí của mọi vật trước khi có thế giới sai biệt này đã thấy một con ếch nhảy xuống giếng cạn, tiếng động rung lên giữa một vùng tĩnh lặng. Nghệ sĩ đã bắt được nguồn mạch của đời sống và nghệ sĩ ngồi đây nhìn cõi lòng mình đang xuôi theo dòng sinh hoá triền miên của thế giới(9) … Thiền sư – thi sĩ tìm thấy trong sự vận động, biến đổi của vạn vật những biểu tượng tôn giáo. Hình tượng thiên nhiên có khả năng biểu đạt khái niệm, tư tưởng một cách giản dị, sâu lắng và nhất là trực cảm.
Bức tranh thiên nhiên trong thơ Trần Tung thực sự hữu hình, huyền nhiệm. Không chỉ có bầu trời thênh thang, vầng trăng cô quạnh, biển đêm yên bình mà thiên nhiên trong thơ Thượng sĩ còn tràn đầy sức sống khi trời đất vào xuân, cỏ hoa phơi phới: Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa (一 點 春 光 處 處 花 Chỉ một chấm ánh sáng mùa xuân xuất hiện thì khắp nơi đều nở hoa – bài Thị học), Xuân hoa sắc đóa, đóa hồng tiên (春 花 色 朵 朵 紅 鮮 Sắc hoa xuân đóa, đóa hồng tươi – bài Trữ từ tự cảnh văn), Xuân lai tự thị hoa xuân tiếu (春 來 自 是 春 花 笑 Mùa xuân tới hoa xuân cười - bài Phật tâm ca), Thông môn đào lý lộng xuân quang (門 桃 李 弄 春 光 Suốt từ ngõ vào, đào mận đùa giỡn ánh xuân - bài Phúc Đường cảnh vật), Phong sắc lai xuân mai dĩ hoa (風 色 來 春梅 已 花 Sắc gió vời xuân đến, mai đã nở hoa – bài Thế thái hư huyễn), Tự đắc nhất triêu phong giải đống / Bách hoa như cựu lệ xuân đài (自 得 一 朝 風 解 凍 / 百 花 仍 舊 淚 春 臺 Một sớm gió thổi tan sương giá / Trăm hoa như cũ reo trước gió xuân – bài Nhập trần).
Trong 48 bài thơ của Trần Tung, hình tượng thiên nhiên trở thành mạch nguồn cảm hứng, sức hấp dẫn tự thân của văn chương. 48 bài thơ xuất hiện nhiều từ chỉ thiên nhiên được lặp lại với tần suất cao như 16 từ sơn (山), 15 từ phong (風), 15 từ nhật (日), 14 từ nguyệt (月), 14 từ hoa (花), 12 từ thủy (水), 12 từ xuân (春), 10 từ thu (秋), 6 từ vân (雲), 5 từ thảo (草)… Nếu chỉ có giáo lý được luận thuyết, nếu thiếu đi mặt trời tỏa nắng, làn gió đưa hương, đông qua xuân tới chắc hẳn thi ca của Trần Tung sẽ mất đi phần thanh thoát, sức truyền cảm mãnh liệt. Thượng sĩ đem đến cho người đọc khoảnh khắc được rộng mở tâm hồn, an nhiên tự tại đón nhận thiên nhiên hiện hữu như một phần bản ngã của mình.
3. Chữ không – nỗi niềm nhân thế
Chữ không là danh từ khi biểu thị nội hàm tư tưởng của Phật giáo hay mang nghĩa bầu trời bao la. Trong thơ Trần Tung, chữ không còn là hình dung từ và phó từ. Khái niệm Phật giáo đem đến tính triết học cho thơ ca, hàm nghĩa bầu trời tạo dựng một không gian thiên nhiên nhiều xúc cảm còn hình dung từ và phó từ không lại gợi nỗi sầu nhân sinh. Không gian vắng lặng, quạnh quẽ đã chạm đến tâm thức, cảm nghiệm của người đọc đem đến sự đồng điệu với kẻ ở người đi, với những mất mát không gì đắp đổi (bài Giang hồ tự thích):
謝 三 今 已 無 消 息,
留 得 空 船 閣 淺 沙.
Tạ Tam kim dĩ vô tiêu tức,
Lưu đắc không thuyền các thiển sa.
Tạ Tam nay đã không còn tăm hơi gì nữa,
Chỉ còn lưu lại chiếc thuyền không, ghếch mình lên cát.
Xúc cảm trước tang thương dâu bể xuất hiện nhiều trong thơ Thiền, ngay cả thơ của những Thiền sư chỉ cần một cái nón tre, một cây gậy trúc, một chiếc túi vải cũng đủ cho cuộc vân du, như Basho viết trong Lối lên miền Oku(10): Người thân đã tụ tập từ đêm trước để cùng lên thuyền tiễn chân tôi. Vừa bước chân lên thuyền ở bến Senju tôi cảm thấy xúc động mạnh khi chợt nghĩ rằng mình sắp khởi đầu cuộc hành trình ba ngàn dặm. Mắt tôi đẫm lệ phân li của thế giới ta bà: Mùa xuân đi qua / Chim kêu khóc / Mắt cá đẫm lệ (Lên đường, Lối lên miền Oku, Basho). Vinh hoa phú quý ba đời của dòng họ Fujiwara ở Hiraizumi biến đi trong chốc lát chẳng khác gì một giấc chiêm bao… Tại Takadachi, yoshitsune đã lựa chọn bộ hạ trung thành nhất để giữ thành, nhưng tên tuổi của họ phút chốc đã trở thành đám cỏ hoang… Ngồi trên chiếc nón lật ngửa lại, giọt lệ hoài cựu lại trào lên trong mắt tôi: Xin hãy lay động nấm mồ / Lời than khóc của tôi / Gió thu (Kanazawa, Lối lên miền Oku, Basho)… Xúc cảm nhân bản, giàu tính nhân văn luôn xúc động trong thơ ca Phật giáo. Các bậc Thiền sư có thể đắc đạo không, vượt bi lụy thường tình trong nhiều thời điểm ở suốt cuộc đời tu hành của mình. Nhưng thơ ca cho ta hiểu trái tim thi nhân vẫn đong đầy buồn vui của con người. Bởi vậy, thơ ca Phật giáo khả năng lay động sức mạnh nội tâm một cách kỳ lạ. Trần Tung mang niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau vào thơ ca, trong các tác phẩm Giản để tùng (Cây thông dưới khe), Chiếu thân (Soi mình), Vấn Phúc Đường đại sư tật (Thăm bệnh Đại sư Phúc Đường), Hý Trí Viễn Thiền sư khán kinh tả nghĩa (Đùa Thiền sư Trí Viễn xem kinh giảng nghĩa), Giang hồ tự thích (Vui ths giang hồ)… Chiếc thuyền không gác mình trên cát phảng phất hình ảnh chiếc thuyền cô liêu dưới ánh trăng thanh bạch, trên dòng Tầm Dương lạnh lẽo mà Bạch Cư Dị viết trong Tỳ bà hành: 去來江口守空船 / 繞船月明江水寒 (Khứ lai giang khẩu thủ không thuyền / Nhiễu thuyền nguyệt minh giang thuỷ hàn - Thuyền không đậu bến mặc ai / Quanh thuyền trăng giãi, nước trôi lạnh lùng – Phan Huy Thực dịch)…
Chữ không còn là phó từ đứng trước động từ để gợi niềm tiếc nuối vì sự vô vọng, vô nghĩa, trống trải của hành động hay sự tồn tại. Chúng ta nhớ đến vần thơ bất hủ của Thôi Hiệu cảm thán trước lầu Hoàng Hạc bên sông Trường Giang. Hạc vàng một đi không trở lại nên lầu gác trơ lại thật vô nghĩa vì đơn độc vô cùng: 昔 人 已 乘 黃 鹤 去 / 此 地 空 餘 黃 鶴 樓 (Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ /Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu – Hạc vàng ai cưỡi đi đâu / Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ – Tản Đà dịch). Trong thơ của Trần Tung, phó từ không xuất hiện hai lần. Lần thứ nhất, ông nhấn mạnh việc con người bị bả vinh hoa biến năm tháng cuộc đời thành vạn hộc sầu. Từ thủa đầu xanh cho đến khi tóc trắng, nhiều kiếp nhân sinh vật vã với ảo mộng tiền tài, danh vọng. Trần Tung dùng từ không hoài để chỉ ra sự cay đắng của mê lầm phù hoa. “Hoài trong cổ văn vốn được tạo thành bởi chữ 衣 (y - y phục) và chữ 涕 (thế - nước mắt). Hoài vốn là chữ hội ý, biểu thị trong lòng dấu kín một nỗi niềm nào đó, hễ nghĩ tới là người ta muốn khóc.”(11) Động từ hoài mang tân ngữ là chuyện đau lòng, khiến người rơi lệ (bài Khuyến thế tiến đạo):
榮 華 肯 顧 一 場 夢,
歲 月 空 懷 萬 斛 愁.
Vinh hoa khẳng cố nhất trường mộng,
Tuế nguyệt không hoài vạn hộc sầu.
Chẳng chịu ngoái nhìn vinh hoa như một giấc mộng.
Năm tháng ôm ấp muôn hộc sầu một cách vô nghĩa.
Phó từ không bổ nghĩa cho động từ về sự trống trải, gợi xúc cảm nhân sinh (bài Thướng Phúc Đường Tiêu Dao Thiền sư).
春 回 虛 對 開 桃 蘂,
風 起 空 聞 擊 竹 竿.
Xuân hồi hư đối khai đào nhị,
Phong khởi không văn kích trúc can.
Xuân đến, lặng lẽ ngắm cây đào nẩy nhị,
Gió nổi lên, luống nghe khóm trúc khua vang.
Thiền sư Tiêu Dao là thầy khai đạo của Tuệ Trung thượng sĩ. “Người đến tham vấn Thiền sư Tiêu Dao ở Phúc Đường, lãnh hội được yếu chỉ, bèn dốc lòng thờ Thiền sư Tiêu Dao làm thầy” (Thượng sĩ hành trạng). Lời đề dẫn của bài thơ viết: Lâu nay xa phong thái, kiều ngụ ở thôn hoang. Sâm Thương thân cách phương trời, loan phượng ý hằng chung bóng. Khúc hát vô sinh thảnh thơi cất tiếng. Công ơn pháp nhũ gọi chút báo đền”. Vậy nên, Thân tuy phì độn ngụ hương quan / Tứ trọng ân thâm vị cảm hàn / Ý chuyết thiểu phùng thiêm ý khí / Tâm hôi cô thủ thốn tâm đan (身 雖 肥 遯 寓 鄉 關 / 四 重 恩 深 未 敢 寒 / 意 拙 少 逢 添 意氣 / 心 灰 孤 守 寸 心 丹- Thân tuy quê kệch ở nơi xóm làng / Tứ trọng ơn sâu, lòng chưa dám lạnh / Ý vụng về, nhờ gặp gỡ ít nhiều cũng đã tăng thêm ý khí / Lòng như tro nguội, song riêng gìn giữ tấc son). Tấm lòng Thượng sĩ chưa bao giờ nguội lạnh trước công ơn của cha mẹ, của chúng sinh, của quốc vương, của Tam bảo. Tấm lòng ngưỡng vọng người thầy vẫn là nhất thốn tâm đan. Không gian xuân về, hoa nở, gió thổi, trúc vang gợi xúc cảm bồi hồi. Hai cụm từ hư đối và không văn đã góp phần bày tỏ niềm này. Hư và không bộc lộ trạng thái bâng khuâng của hành động đối (đối diện), văn (nghe). Thơ ca Trần Tung không chỉ tác động đến nhận thức lý tính bởi giáo lý được trực tiếp thể hiện mà còn cuốn hút tâm hồn con người bằng tình cảm bình dị đời thường. Thơ ông mang phong vị thơ ca Phương Đông, như tác giả Will Durant khẳng định: “Thơ phải cho ta thấy cả bức tranh trong một vài nét, phải diễn cả một triết lý trong mươi hàng, một ý nghĩa sâu sắc trong vài chữ”(12).
Tỳ kheo Tuệ Nguyên viết lời tựa khi trùng san văn bản Thượng sĩ ngữ lục: “Những ghi chép này là do Đại đức Tiêu Dao nói với Tuệ Trung Thượng sĩ, Thượng sĩ nói với Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều ngự Giác hoàng. Điều ngự Giác hoàng nói với Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa Đại sư. Pháp Loa Đại sư nói với Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả. Huyền Quang Tôn giả nói cho tông phái Trúc Lâm và Thiền tông khắp thiên hạ. Xưa nay việc truyền thụ vẫn như vậy. Quyển sách này là phương thuốc hay đối với các chứng bệnh, nhanh chóng đốn ngộ thành Phật, thẳng suốt nguồn tâm, vượt qua bể giác, giết chết vọng thức, phá sạch danh tướng, là nguồn cội của đạo không, vượt Tam thừa, vượt Phật thừa, trở thành yếu chỉ thượng thượng”(13). Từ không xuất hiện trong thơ Trần Tung bao hàm tư tưởng căn yếu của Phật giáo, không gian thiên nhiên khoáng đạt và xúc cảm đủ sức mạnh chạm đến cõi tâm linh mỗi con người. Ngôn từ nghệ thuật diệu dụng góp phần tạo nên phong cách thơ ca của Thượng sĩ, bồi đắp cho thơ ca Phật giáo Việt Nam phát huy giá trị qua nhiều thế kỷ.
Chú thích
1. Nguyễn Thị Thanh Chung, “Khảo sát văn bản Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục”, Thông báo Hán Nôm học năm 2012, Nxb. Thế giới, tr. 141-155.
2. Lao Tử, Thịnh lệ (chủ biên), Từ điển Nho Phật Đạo, (Trương Đình Nguyên, Mai Xuân Hải, Trần Quyền, Nguyễn Đức Sâm, Phan Văn Các biên dich), Nxb. Văn học, H., 2001, tr.626.
3. Daisetz Taitaro Suzuki, Thiền luận Quyển trung, (Trúc Thiên dịch), Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, Tp.HCM., 2001, tr.370.
4. Quyển Thiền luận viết về 18 con đường dẫn đến tư tưởng không gồm: Nội không (Không của pháp nội tại), Ngoại không (Không của pháp ngoại tai), Nội ngoại không (Không của các pháp nội ngoại tại), Không không (Không của hông), Đại không (Không lớn), Đệ nhất nghĩa không (Không của chân lý cứu cánh), Hữu vi không (Không của các pháp hữu vi), Vô vi không (Không của các pháp vô vi), Tất cánh không (Không tối hậu), Vô tế không (Không không biên tế), Tán không (Không của sự phân tán), Bản tính không (Không của bản tính), Tự tướng không (Không của tự tướng), Nhất thiết pháp không (Không của sự vạn hữu), Bất khả đắc không (Không của cái bất khả đắc), Vô tính không (Không của vô thể), Tự tính không (Không của tự tính), Vô tính tự tính không (Không của vô thể của tự tính) [Daisetz Taitaro Suzuki, Thiền luận Quyển hạ, (Trúc Thiên dịch), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM., 2001, tr.351].
5. Tác phẩm của Trần Tung và Thượng sĩ hành trạng (do Trần Nhân Tông viết) trong bài viết này được trích dẫn theo Thơ văn Lý Trần, tập II, Nxb . Khoa học Xã hội, H., 1989.
6. Trần Trọng Kim, Phật giáo, Nxb. Tôn giáo, H., 2007, tr.68.
7. Nguyễn Huệ Chi, Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, Nxb. Giáo dục Việt Nam, H., 2013, tr.377.
8. Thích Thanh Từ, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM, 1996, tr. 532.
9. Daisetz Taitaro Suzuki, Thiền luận Quyển hạ, (Trúc Thiên dịch), Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp.HCM., 2001, tr.374.
-
Matsuo Basho, Lối lên miền Oku, (Vĩnh Sính dịch, giới thiệu và chú thích), Nxb. Thế giới, H., 1999.
11. Lí Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1997, tr.277.
12. Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa, (Nguyễn Hiến Lê dịch), Nxb. Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM, 2013, tr. 156.
1 13. Nguyên văn chữ Hán: 此 錄, 逍 遙 大 德 說 與 慧 中 上 士, 上 士 說 與 竹 林 第 一 祖 調 御 覺 皇. 調 御 覺 皇 說 與 竹 林 第 二 祖 法 螺 大 師. 法 螺 大 師 說 與 玄 光 尊 者. 玄 光 尊 者 說 與 竹 林 宗 派, 天 下 禪 宗. 古 往 今 來, 相 傳 授 受. 這 此 錄 的 巧 對 證 之 良 樂, 太 速 成 佛 之 頓 悟, 直 徹 心 源, 騰 超 覺 海, 殺 死 識, 破 名 相, 空 空 之 心 宗, 超 三 乘 , 越 佛 乘, 上 上 之 旨.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Chung