Bài phát biểu khai mạc buổi tọa đàm "Tịnh độ giữa lòng nhân gian"

17/12/2018
BÀI PHÁT BIỂU KHAI MẠC
BUỔI TỌA ĐÀM “TỊNH ĐỘ GIỮA LÒNG NHÂN GIAN”

          Hôm nay trong không khí trang nghiêm thanh tịnh và vô cùng hoan hỷ của buổi tọa đàm với chủ đề“Tịnh độ giữa lòng nhân gian”, lời đầu tiên cho phép chúng tôi thay mặt Ban tổ chức thành kính đỉnh lễ tri ân chư Tôn đức Tăng ni, chư vị khách quý cùng quý vị Phật tử đã hoan hỷ nhận lời cung thỉnh của Ban tổ chức quang lâm chứng minh và tham dự buổi tọa đàm ngày hôm nay. Sự hiện diện của quý vị đã thể hiện được tinh thần đoàn kết đạo - đời và cũng chính là góp phần cho thành công của buổi tọa đàm ngày này.
             Kính bạch Chư Tôn đức! 
             Kính thưa quý liệt vị!
          Phật giáo khởi nguyên ở Ấn Độ, người sáng lập ra Đạo Phật chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Kể từ khi thành đạo, Ngài đã đem chân lý giác ngộ giảng dạy không mệt mỏi đến tất cả chúng sinh. Với tư tưởng Trung đạo và một tinh thần quảng đại bao dung, Đức Thế Tôn đã đem lại trong lòng người một niềm tin với sự quy ngưỡng lâu dài qua bao thế kỷ.
          Tư tưởng Phật giáo từ thời Đức Phật không ngừng phát triển và lan tỏa rộng rãi, từ nguyên thủy Phật giáo cho đến Phật giáo phát triển. Dù phát triển dưới nhiều pháp môn, phương thức khác nhau và phương tiện quyền xảo nhưng gốc rễ của các pháp môn tu tập trong Phật giáo đều lấy tinh thần Giới - Định - Tuệ làm kim chỉ nam để đưa đến giác ngộ giải thoát. Vì thế cho nên, các truyền thống tu học của Phật giáo có những tên gọi, tông phái, hình thức sinh hoạt đa dạng. Nhưng căn bản của các pháp môn đều quay về tự thân nỗ lực quán chiếu các pháp là Vô Thường - Khổ - Không, Vô Ngã. Với cái nhìn duyên khởi từ chất liệu của Từ Bi và Trí Tuệ, Phật giáo đã vượt qua giới hạn của không gian và thời gian, cách trở về địa lý để đi đến xây dựng, kiến tạo những con đường và lý tưởng sống cao đẹp cho những quốc gia có nhân duyên tiếp xúc.
          Có thể thấy, trong tất cả các kinh điển của Đức Phật thuyết pháp đều nói đến con đường giác ngộ và giải thoát. Mà con đường giải thoát của đạo Phật căn bản là ở tự thân, tức là phải nỗ lực cá nhân. Dù Phật pháp có đến tám vạn bốn nghìn pháp môn thì pháp môn nào cũng phải tự mình tu tập để đi đến giải thoát. Pháp môn Tịnh Độ cũng xây dựng trên tinh thần ấy.
          Pháp môn Tịnh Độ là một trong những pháp môn tu tập phổ biến đối với các Phật tử tại nhiều nước Phật giáo Đại thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,.... Nhìn về lịch sử phát triển Phật giáo, từ thời Phật giáo nguyên thủy, pháp môn Tịnh Độ chú trọng đến tự lực. Về sau này, vào những thế kỷ đầu của Tây lịch, Phật giáo Đại thừa phát triển, đa dạng hóa lối tu hành nên có những pháp môn chú trọng đến tha lực, tức nhờ vào Phật lực mà tu hành đạt thành đạo quả, vượt thoát khổ đau. Đây chính là tinh thần của pháp môn Tịnh Độ. Vì vậy, Tịnh độ là một đường lối tu tập phổ biến, đáp ứng nhu cầu tâm linh về một đời sống an vui và giải thoát hoàn toàn khổ đau của con người để được sống trong cõi Tịnh Độ.
          Tại Việt Nam với số lượng Phật tử hành trì pháp môn Tịnh độ, có thể nói đông đảo và rộng rãi nhất. Nhưng thực tế, đường hướng sinh hoạt của các đạo tràng Tịnh độ khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng tiêu cực từ các luồng tư tưởng, phương pháp tu tập xa dời văn hóa truyền thống của người Việt. Nhất là đối với hàng Phật tử tại gia, việc tu theo pháp môn Tịnh Độ, cho đến nay vẫn còn nhiều điều cần phải tìm hiểu sâu, để qua đó bổ sung những kiến thức cần thiết cho việc hành trì tu tập. Đa số Phật tử hiện nay nhận thức rằng muốn vãng sinh về Tây phương Cực lạc thì chỉ cần niệm Phật nhất tâm là đủ, thậm chí cho rằng không cần tụng kinh và thực hành các giáo lý tu tập khác. Hơn nữa, có một số Phật tử tu theo pháp môn Tịnh độ chưa nắm bắt được những vấn đề cốt lõi của giáo lý Phật giáo từ đó dẫn đến những tư tưởng lệch lạc với giáo lý truyền thống.     
 
          Trước tình hình đó, Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đứng ra tổ chức chương trình Tọa đàm về pháp môn Tịnh độ và đêm hoa đăng hướng về kính mừng ngày Khánh đản của Đức Phật A Di Đà. Thông qua đó nhằm trao đổi, giao lưu và định hướng cho các đạo tràng Phật tử có được nhận thức đúng đắn về giáo lý Phật giáo nói chung và pháp môn Tịnh độ nói riêng. Trong phạm vi buổi tọa đàm này, Ban tổ chức xin đưa ra một số gợi ý nhằm định hướng vấn đề cần trao đổi như sau:
                      -  Pháp môn Tịnh độ là pháp môn tu thiên về tự lực hay tha lực?
                      - Mối liên hệ của pháp môn Tịnh  độ với tư tưởng truyền thống nguyên thủy?
                      - Người tu theo pháp môn Tịnh độ có thể tu các pháp môn khác hay không?
                      - Người tu theo Đạo Phật có phải là bi quan yếm thế để buông bỏ hết trách nhiệm cuộc đời hay không?
                      - Tại Việt Nam có sự truyền thừa của Tông Tịnh độ từ Trung Hoa sang hay không ?
 
          Từ những vấn đề trên, Ban tổ chức hy vọng rằng, chúng ta có thể trao đổi, đánh giá, đóng góp thêm phần tri kiến cho tự thân của mỗi hành giả tu tập. Từ đó chúng ta có thể áp dụng pháp môn này vào thực tiễn đời sống, cùng nhau xây dựng một cõi Tịnh độ ngay trong thế gian này.
          Như trong Kinh Di Đà, Đức Phật Thích Ca đã chỉ rõ: Cảnh giới của Đức Phật A Di Đà là cảnh giới được xây dựng ở đỉnh cao nhất của văn hóa, nơi đó vắng bóng hẳn các thứ khổ đau: “vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc”. Nói khác đi, văn hóa trong Kinh A Di Đà là nền văn hóa lý tưởng của nhân loại. Ở đó rất an ninh và thanh bình; ở đó có đời sống y thực sung túc; ở đó không có bệnh tật, dân chúng đều khỏe mạnh và trường thọ; ở đó tất cả dân chúng đều thoải mái cả thân lẫn tâm, tất cả đều sống lương thiện và chánh hạnh; ở đó dân trí cao, thông minh trí tuệ; ở đó trời đất đều đơm hoa thơm và trỗi diệu nhạc; ở đó có trí tuệ và tín ngưỡng rất trong sáng. Và sau cùng, ở đó - thế giới Tây Phương Cực Lạc có một hòa điệu tuyệt vời giữa con người và con người, giữa con người với thiên nhiên. Ai có thể bảo rằng đó không phải là nền văn hóa của con người rất người và rất tốt đẹp.
          Nhưng bằng cách nào để thực hiện nền văn hóa đó trên trái đất này? Con đường thực hiện nền văn hóa trong Kinh A Di Đà là con đường đạo đế trong Tứ Thánh Đế bằng phương pháp thực hiện dần dần các pháp của 37 phẩm trợ đạo. Nói gọn hơn, con đường thực hiện nền văn hóa mới là Bát chánh đạo, xây dựng đủ các yêu cầu văn hóa như: âm nhạc, thẩm mỹ, giáo dục, đạo đức, kinh tế, y tế và an ninh trong một nhịp nhàng, hòa điệu. Tất cả được xây dựng trong một tương quan, tương duyên không phiến diện, cục bộ; tất cả tồn tại và phát triển đồng bộ trong tương quan mật thiết và vững vàng như là có bảy lớp lan can, bảy hàng cây báu và bảy lớp lưới châu xung quanh xứ sở Cực Lạc.
          Với ý nghĩa và tinh thần đó, chúng tôi xin tuyên bố: Khai mạc buổi Tọa đàm với chủ đề “Tịnh độ giữa lòng nhân gian”.
          Thành kính cầu nguyện chư Phật mười phương gia hộ cho Chư tôn đức Tăng ni: Tuệ đăng thường chiếu, đạo quả viên thành; kính chúc quý vị khách quý, quý Phật tử thân khỏe, tâm an, thành tựu được mọi sở nguyện trong cuộc sống.
          Chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp!
          Xin trân trọng cám ơn!
Bạn nghĩ gì về thông tin này? 0

Giới thiệu

Thống kê truy cập

00775687

Hôm nay: 312

Ngày hôm qua: 203

Tháng này: 8298

Tháng trước: 8631

Tất cả: 775687


Đang Online: 1
IP: 18.223.106.232
Mozilla 0.0