Báo cáo công tác lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc.

16/10/2018
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
BAN HOẰNG PHÁP TRUNG ƯƠNG
 
BÁO CÁO CÔNG TÁC TỔ CHỨC
LỚP ĐÀO TẠO GIẢNG SƯ KHU VỰC PHÍA BẮC
 
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG
1. Bối cảnh mở lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc
     Hoằng pháp lợi sinh, luôn được coi là nhiệm vụ chủ đạo, then chốt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như của mỗi người xuất gia. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, công tác hoằng pháp đã đạt được nhiều thành tựu cả về mặt chất và lượng, góp phần nâng tầm Phật giáo Việt Nam trong nước và quốc tế.
     Công tác hoằng pháp có nhiều thuận duyên phát triển, nhưng cũng đối mặt với không ít những thách thức và tồn tại, đặc biệt với đội ngũ giảng sư của Phật giáo khu vực phía Bắc. Hạn chế lớn nhất là từ khi thành lập Giáo hội đến nay, Phật giáo khu vực phía Bắc chưa mở được bất kỳ lớp đào tạo giảng sư nào, mà chỉ có một số khóa bồi dưỡng kinh nghiệm hoằng pháp cấp khu vực. Nó đưa đến hệ lụy: Mặc dù chư đại đức Tăng Ni tốt nghiệp các trường Phật học, có kiến thức về giáo lý, nhưng lại thiếu và yếu về kỹ năng, phương pháp hoằng pháp, thuyết trình, tổ chức sự kiện, kỹ năng ứng xử giao tiếp sư phạm hoằng pháp. Từ thực tế đó dẫn đến số lượng Tăng Ni đông đảo, nhưng đội ngũ giảng sư lại thiếu hụt trầm trọng. Đặc biệt những vị giảng sư đạt tiêu chuẩn không có nhiều. Chính vì thế, mà chất lượng hoằng pháp bị ảnh hưởng, thiếu hiệu quả.
    Để giải quyết vấn đề này, thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017 - 2022) về công tác hoằng pháp. Được sự đồng thuận của Thường trực Hội đồng Trị sự, sự cho phép của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, Ban hoằng pháp Trung ương - Phân ban đào tạo giảng sư đã quyết định mở lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc tại chùa Vạn Phúc, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
2. Mục tiêu đào tạo
  Trang bị cho những vị giảng sinh các kiến thức, kỹ năng, phương pháp hoằng pháp, tổ chức sự kiện; củng cố uy nghi phép tắc của vị giảng sư… nhằm đáp ứng những yêu cầu về chuyên môn, năng lực, phục vụ công tác hoằng pháp trong thời đại mới đạt được hiệu quả cao.
 
3. Nhiệm vụ
          - Đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo phù hợp với đặc thù của văn hóa Phật giáo khu vực phía Bắc; loại bỏ hình thức học “cưỡi ngựa xem hoa”; Không nặng về kiến thức mang tính “Hàn lâm”; không đào tạo lại kiến thức cơ bản trong các trường Phật học, mà chú trọng các môn học phục vụ trực tiếp công tác hoằng pháp, giảng dạy của các vị giảng sư. Thỉnh mời chư tôn đức giảng sư đủ năng lực, trình độ, đáp ứng về mặt chuyên môn đứng lớp.
          - Hoàn thiện các loại thủ tục hành chính, cơ sở vật chất hạ tầng, đảm bảo điều kiện học tập, giảng dạy, sinh hoạt nội trú tốt nhất.
          - Xây dựng bộ máy văn phòng, quản chúng có năng lực, chuyên môn, tâm huyết, đảm bảo trực văn phòng trong tất cả các giờ hành chính.
          - Xây dựng không khí học tập thân thiện, cởi mở, chia sẻ, giúp đỡ, không tạo áp lực trong học tập, thi cử, nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm túc trong học tập, giảng dạy, sinh hoạt.
          - Thành lập Ban bảo trợ lớp đào tạo giảng sư nhằm hỗ trợ kinh phí hoạt động và sinh hoạt ăn ở của Tăng Ni giảng sinh.
 
II. NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
1. Thời gian đào tạo
Thời gian đào tạo trong 03 năm; mỗi năm học 6 tháng, mỗi tháng học 16 buổi, mỗi buổi học 04 tiết. Tổng số là 390 tiết/năm. Trong đó, các buổi chiều dành cho việc thực tập diễn giảng.
2. Số lượng Tăng Ni
Tổng số Tăng Ni đăng danh theo học là 159 vị (Tăng 40 vị, Ni 119 vị).
Trong đó:   - Trình độ Tiến sĩ là 2 vị = 1%
                   - Trình độ Cử nhân là 86 vị = 54%
                   - Trình độ Cao đẳng là 71 vị = 45%
Học viên lớn tuổi nhất là 59 tuổi, học viên nhỏ nhất là 23 tuổi.
3. Chương trình đào tạo
Chương trình đạo tạo trong 03 năm học được xây dựng trên bốn nhóm vấn đề cơ bản sau đây:
          Thứ nhất, khối kiến thức Kinh, Luật, Luật: Các môn học được xây dựng nhằm trang bị cho các vị giảng sinh phương pháp nghiên cứu Kinh, Luật, Luận; xây dựng bộ khung kiến thức giáo lý và hệ tư tưởng Phật giáo mang tính đồng nhất, cốt lõi của Phật giáo và các hệ phái, tông phái Phật giáo. Các môn học này chiếm tỉ lệ 30%.
          Thứ hai, khối kiến thức về kỹ năng, phương pháp hoằng pháp: Các môn học được xây dựng nhằm trang bị cho các vị giảng sinh về kỹ năng, phương pháp hoằng pháp; bổ túc về mặt ngữ âm, soạn thảo văn bản, giáo án, giáo trình, tổ chức sự kiện, dẫn chương trình lễ hội Phật giáo... các môn học này chiếm tỉ lệ 60%.
          Thứ ba, khối kiến thức văn hóa – tín ngưỡng tôn giáo: Các môn học khối kiến thức này, nhằm trang bị cho các vị giảng sinh những đặc thù của văn hóa, tín ngưỡng khu vực phía Bắc; những vấn đề thời sự, luật pháp liên quan đến hoạt động  tín ngưỡng tôn giáo; phương pháp nghiên cứu một số tôn giáo lớn trên thế giới. Các môn học khối kiến thức này chiếm tỉ lệ 10%.
          Thứ tư, thực hành, nói chuyện chuyên đề: Vào các buổi chiều, sẽ diễn ra các buổi thực hành và nói chuyện chuyên đề. Các buổi thực hành đa dạng, phong phú, được thiết kế tổ chức tùy theo tính chất nội dung của từng môn học, qua đó hoàn thiện về những kỹ năng mục tiêu đào tạo đề ra. Các buổi chuyên đề sẽ được chư tôn đức giảng sư, các nhà tri thức, học giả có uy tín chia sẻ những kinh nghiệm hoằng pháp, tu tập, những kinh nghiệm ứng dụng Phật học trong đời sống.
 
III. KINH PHÍ TỔ CHỨC
1. Kinh phí hoạt động
          - Kinh phí dự trù mỗi năm là 660.000.000 (Sáu trăm sáu mươi triệu đồng), tổng một khóa học là 1.980.000.000 (Một tỷ chín trăm tám mươi triệu đồng)
          - Các vị giảng sinh không phải đóng học phí, toàn bộ kinh phí do chư tôn đức Tăng Ni Ban điều hành và quý Phật tử Ban bảo trợ lớp đào tạo giảng sư cúng dường.
2. Cở sở vật chất, sinh hoạt nội trú
          - Cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, văn phòng, sinh hoạt nội trú đã được hoàn thiện ổn định, đảm bảo điều kiện tốt nhất có thể. Tăng Ni giảng sinh sẽ học tại giảng đường lớn của chùa Vạn Phúc.
          - Về sinh hoạt nội trú: Số lượng Tăng nội trú tại chùa Vạn Phúc là 19 vị, số lượng Ni nội trú tại chùa Thiên Tuế là 63 vị. Vào buổi trai ngọ trưa, tất cả Tăng Ni sẽ thụ trai tại chùa Vạn Phúc.
          Trên đây là toàn bộ nội dung kế hoạch đào tạo lớp giảng sư khu vực phía Bắc, chúng con kính trình lên chư tôn đức chứng minh. Rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, chư tôn đức lãnh đạo Văn phòng Trung ương Giáo hội, sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, sự phát tâm hộ trì của quý Phật tử để khóa học được thành tựu viên mãn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của công tác hoằng pháp trong giai đoạn hiện nay.
          Kính chúc chư tôn đức Tăng Ni pháp thể khinh an, Phật sự viên thành. Kính chúc quý vị khách quý, quý vị Phật tử bình an, thành đạt mọi sở nguyện trong công tác và tu học.
          Xin trân trọng cám ơn!


Bạn nghĩ gì về thông tin này? 0

Giới thiệu

Thống kê truy cập

00774361

Hôm nay: 58

Ngày hôm qua: 219

Tháng này: 6972

Tháng trước: 8631

Tất cả: 774361


Đang Online: 3
IP: 3.21.231.245
Mozilla 0.0