Báo cáo tổng kết công tác đào tạo lớp cao cấp giảng sư khu vực phía bắc năm thứ nhất (2018 - 2019)

16/09/2019
BAN HOẰNG PHÁP GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
PHÂN BAN ĐÀO TẠO GIẢNG SƯ
 
 
BÁO CÁO
Tổng kết công tác đào tạo lớp cao cấp giảng sư
khu vực phía bắc năm thứ nhất (2018 - 2019)
 
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG
Với đặc thù và những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, Phật giáo khu vực phía Bắc nhiều năm qua mặc dù đã có hệ thống đào tạo Học viện, Cao đẳng và các trường Trung cấp Phật học, nhưng chưa có “Khoa” hoặc lớp đào tạo chuyên biệt về công tác giảng sư hoằng pháp. Từ đó đưa đến hệ lụy, Tăng Ni có trình độ Phật học, nhưng lại thiếu và yếu về kỹ năng, phương pháp hoằng pháp. Để giải quyết vấn đề này, thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017-2022), được sự đồng thuận của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban hoằng pháp Trung ương và các cơ quan có chức năng, Phân Ban đào tạo giảng sư trực thuộc Ban hoằng pháp Trung ương đã tổ chức khai giảng “Lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc” vào ngày 16/10/2018 (tức ngày 08/09/Mậu Tuất) tại chùa Vạn Phúc, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Với mục đích mở lớp đào tạo giảng sư nhằm đào tạo ra những vị Tăng Ni có trình độ về Phật học, có năng lực, kỹ năng, phương pháp giảng dạy và hoằng pháp; Từ đó cung cấp đội ngũ giảng sư có chất lượng cho ngành hoằng pháp các tỉnh thành khu vực phía Bắc nhằm thúc đẩy sự nghiệp hoằng pháp của Giáo hội trong thời đại mới.
Về công tác triển khai: Trước và sau ngày khai giảng, Ban điều hành và các bộ phận chuyên môn đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ mở lớp, khai giảng; hoàn thiện cơ sở vật chất, hoàn thiện công tác tuyển sinh trên địa bàn 17 tỉnh thành khu vực phía Bắc; kết hợp với Trường Đại học quốc gia Hà Nội, Ban điều hành đã xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình; công tác tổ chức quản lý và đào tạo một cách khoa học, thực tiễn; Đặc biệt có những đột phá, đổi mới về công tác đào tạo, phù hợp với tính chất văn hóa vùng miền, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của Giáo hội.
 
II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Công tác tổ chức, quản lý
+ Công tác tuyển sinh: Đối tượng tuyển sinh là Tăng Ni sinh tốt nghiệp Học viện, Cao đẳng Phật học, thuộc 17 tỉnh thành khu vực phía Bắc. Tổng số Tăng Ni sinh đăng danh theo học là 159 vị; với tỉ lệ 1% Tiến sĩ, 54% Cử nhân, 45% Cao đẳng. Kết thúc năm học thứ nhất vì nhiều lý do khác nhau đã có 32 vị xin không tham gia lớp học, sĩ số lớp còn là 117 vị chính thức và 10 vị xin theo học hệ dự thính.
+ Công tác tổ chức văn phòng: Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chư tôn đức lãnh đạo Ban hoằng pháp Trung ương, bộ máy tổ chức của Lớp đào tạo giảng sư  gồm: Ban điều hành, Văn phòng, Ban chủ nhiệm, Ban cán sự, Ban Bảo trợ học đường, Ban quản chúng. Các ban đều có kế hoạch, quy chế, nhiệm vụ hoạt động cụ thể. Đặc biệt các phòng ban hoạt động trên nguyên tắc dân chủ, hòa hợp, trân trọng sự cống hiến, phát huy năng lực, tạo ra không khí hoan hỷ tham gia, có sự hỗ trợ một phần kinh phí đi lại.
Qua một thời gian hoạt động, các bộ phận chuyên môn đã có những điều chỉnh nhân sự kịp thời, phù hợp với công tác đào tạo. Bộ phận Văn phòng luôn đảm bảo 03 người trực thường xuyên. Vào ngày mồng 5 hàng tháng, tiến hành họp giao ban giữa Ban điều hành và Văn phòng để triển khai công việc cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác đào tạo.
Chư Tăng sinh hoạt nội trú tại chùa Vạn Phúc, chư Ni tại chùa Thiên Tuế đã luôn được quan tâm giúp đỡ của hai Trụ xứ, sinh hoạt theo nề nếp thiền môn.
2. Công tác đào tạo
+ Đội ngũ giảng sư, giảng viên: Chư tôn đức giảng sư và các giảng viên tham gia giảng dạy tại lớp đào tạo đều là những vị có trình độ - năng lực - chuyên môn - kinh nghiệm - tâm huyết ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Ngoài ra, có có sự tham gia nói chuyện chuyên đề của chư tôn đức Hòa Thượng, Thượng tọa, các Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ, giảng viên các trường đại học, các nhà nghiên cứu có uy tín ở các lĩnh vực có liên quan đến công tác hoằng pháp.
+ Chương trình đào tạo: Năm học thứ nhất đã hoàn thành 9 môn học và 13 chuyên đề.
Chín (9) môn học bao gồm: Phương pháp soạn thảo bài giảng, Phương pháp thuyết giảng, Kỹ năng luyện âm biểu đạt trước hội chúng, Kỹ năng làm chủ giọng nói, Nghệ thuật dẫn chương trình Phật giáo, Tiếng Việt thực hành, Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Phật học ứng dụng, Hướng dẫn thực hành Thiền.
Mười ba (13) chuyên đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Những kinh nghiệm hoằng pháp, kinh nghiệm thuyết giảng của chư tôn đức; những kiến thức về Văn hóa, tôn giáo, lịch sử, triết học, truyền thông của các nhà nghiên cứu, học giả.
Tổng số tiết học chương trình đạo tạo năm thứ nhất là 424 tiết. Trong đó 180 tiết học chính chiếm 42%; 140 tiết thực hành chiếm 33%; 104 tiết nói chuyện chuyên đề chiếm 25%.
 
 
3. Tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng
Sau một thời gian đào tạo, bộ phận chuyên môn đã tiến hành khảo sát, đánh giá mặt bằng trình độ kiến thức chung. Kết quả là các Tăng Ni giảng sinh có trình độ, kiến thức chênh lệch nhau khá nhiều, có nhiều lỗ hổng về kiến thức Phật học, thế học; thiếu và yếu về kỹ năng hoằng pháp, thiếu tự tin trước hội chúng. Khắc phục tồn tại này, Văn phòng đào tạo đã điều chỉnh các môn học phù hợp với đối tượng, tăng tính tương tác môn học, xây dựng các phương pháp học nhóm, thực hành nhóm, chú trọng phương pháp thực hành các môn học và thực hành thuyết giảng; không nặng về tính hàn lâm, xác định mục tiêu học để tu, học để phục vụ sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, học đạt được kết quả thực chất.
Do vậy, công tác kiểm tra đánh giá chất lượng được đổi mới triệt để. Kết quả của các môn thi không chỉ đơn giản là điểm trên các bài thi. Năng lực của mỗi vị Tăng Ni giảng sinh trong mỗi môn học còn được đánh giá qua các buổi thực hành, sự tự đánh giá điểm của nhóm qua phương pháp học nhóm, thực hành nhóm, sự đánh giá của các giảng viên thông qua việc học tích hợp.
Một vị giảng sư hoằng pháp đòi hỏi phải có nhiều kiến thức, kỹ năng tổng hợp. Vì vậy, Văn phòng đào tạo đã tổ chức cho Tăng ni Giảng sinh thực hành và thi tích hợp. Nhiều môn học được thực hành, thi thực hành trong một môn học; nhiều môn học thi tích hợp trong một môn; nhiều giáo viên bộ môn khác nhau cùng đánh giá một buổi thi thực hành tích hợp, hoặc cùng chấm bài thi tích hợp với những đánh giá chuyên môn khác nhau. Ưu điểm phương pháp này tiết kiệm thời gian thi, chấm thi; phát triển tư duy sáng tạo, hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng tổng hợp, đánh giá đúng trình độ năng lực của các Tăng Ni giảng sinh.
Thông qua phương pháp học và kiểm tra đánh giá này, đã giúp những người thiếu tự tin thành tự tin, chững chạc trước hội chúng. Kết quả, trong kỳ thi kết thúc cuối năm, 90% Tăng Ni giảng sinh lên thực hành thuyết giảng trước Hội đồng chấm thi, cơ bản nói năng lưu loát, tự tin, làm chủ được tình huống, có sự chuẩn bị, đầu tư bài giảng kỹ lưỡng.
Kết quả chung của năm học thứ nhất như sau: Loại giỏi, có 21 vị Tăng Ni, chiếm 17%; loại khá có 64 Tăng Ni, chiếm 50%; loại trung bình có 42 Tăng Ni, chiếm 33%.
 
4. Công tác tài chính, xây dựng cơ sở vật chất
+ Công tác thu chi tài chính: Để đảm bảo  cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, sinh hoạt ăn ở của Tăng ni Giảng sinh năm thứ nhất; Ban điều hành đã nhận được sựu quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ nguồn kinh phí hoạt động từ chư tôn đức Tăng ni và Quý Phật tử phát tâm cúng dường, bảo trợ cho lớp học cơ bản đã đáp ứng được bước đầu phục vụ cho hoạt động năm đầu tiên là:
 
Tổng thu: 1.164.215.000 đ
(Một tỷ một trăm sáu mươi tư triệu hai trăm mười lăm nghìn đồng chẵn)
 
Tổng chi: 808.656.000 đ
(Tám trăm lẻ tám triệu sáu trăm năm mươi sáu nghìn đồng chẵn)
 
Tồn Quỹ còn: 355.559.000 đ
(Ba trăm năm mươi lăm triệu năm trăm năm mươi chín nghìn đồng chẵn)
 
+ Xây dựng cơ sở hạ tầng: Ban điều hành cùng với hai chùa Vạn Phúc và chùa Thiên Tuế đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tu học; đảm bảo chỗ ăn ở, sinh hoạt cho các Tăng ni học viên đăng ký tham gia nội trú với điều kiện tốt nhất có thể.
 
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc là lớp giảng sư đầu tiên được tổ chức ở khu vực phía Bắc, chính vì vậy kinh nghiệm đào tạo, chương trình, nội dung, phương pháp đạo tạo,… còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên Lớp đào tạo giảng sư đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của chư tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội, Ban hoằng pháp Trung ương. Với tâm huyết trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, chư tôn đức trong Ban điều hành và bộ phận Văn phòng đã từng bước khắc phục khó khăn, xây dựng kế hoạch đào tạo có nhiều đổi mới, đột phá, phù hợp với đối tượng, văn hóa vùng miền, đáp ứng được yêu cầu đào tạo đề ra.
Chính vì vậy, kết quả đào tạo năm thứ nhất đã đạt được mục tiêu đề ra; bước đầu trang bị, bổ trợ những kiến thức, kỹ năng, phương pháp thuyết giảng. Vì thế, sau 1 năm học đã có 90% Tăng Ni giảng sinh tự tin, nói năng lưu loát, làm chủ được tình huống trong việc thực hành thuyết giảng. Tuy nhiên, đó mới là những thành tựu bước đầu, để đạt được mục tiêu mà khóa học đề ra của một vị giảng sư hoằng pháp, còn là sự phấn đấu của cả thầy và trò trong hai năm kế tiếp.
 
IV. PHƯƠNG HƯỚNG ĐÀO TẠO NĂM THỨ HAI ( 2019 – 2020)
Phát huy những kết quả đã đạt được bước đầu của năm thứ nhất, Ban điều hành đề ra một số phương hướng đào tạo năm thứ hai trên căn bản kế hoạch đã đề ra từ đầu khóa học:
- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, phù hợp đối tượng và yêu cầu thực tiễn; nhằm hoàn thiện các kỹ năng sư phạm, kỹ năng hoằng pháp cơ bản của một vị giảng sư.
- Củng cố bộ phận Văn phòng hoạt động ngày một thực chất và hiệu quả, đáp ứng cho việc đào tạo ngày một tốt hơn.
- Hoàn thiện và xuất bản một số sách giáo trình môn học phục vụ công tác đào tạo cho những năm kế tiếp.
- Chú trọng thời lượng thực hành tại lớp và thực tập thuyết giảng của Tăng ni sinh tại các đạo tràng tu học ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
- Triển khai, hoàn thiện Thư viện sách nghiên cứu phục vụ cho công tác đào tạo và học tập.
- Kêu gọi sự phát tâm cúng dàng, ủng hộ tịnh tài, tịnh vật từ chư tôn đức Tăng ni, Quý vị Phật tử phục vụ cho công tác đào tạo cũng như quản lý chi tiêu tiết kiệm, đúng mục đích.
 
Trên đây là bản Báo cáo tổng kết năm học thứ nhất (2018 – 2019) của Lớp đào tạo cao cấp giảng sư khu vực phía Bắc. Kính trình chư tôn đức cùng quý vị đại biểu chứng minh. Rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của chư tôn đức cùng quý vị đại biểu.
 
 
BAN ĐIỀU HÀNH LỚP ĐÀO TẠO GIẢNG SƯ
Bạn nghĩ gì về thông tin này? 0

Giới thiệu

Thống kê truy cập

00774162

Hôm nay: 78

Ngày hôm qua: 458

Tháng này: 6773

Tháng trước: 8631

Tất cả: 774162


Đang Online: 2
IP: 3.17.74.227
Mozilla 0.0