Câu chuyện cướp lộc: Đã trở thành vấn nạn, trái tinh thần Phật giáo

15/02/2019
"Lộc có được là do nhân duyên nghiệp báo, không phải giành giật mà được. Người thiếu hiểu biết về đạo Phật mới hành động vậy", nhiều độc giả nhận định trước cảnh cướp lộc đầu xuân.

Các chuyên gia về Phật giáo, nghiên cứu văn hoá nói gì về hiện tượng người dân xô đẩy, dẫm đạp, tranh giành… để cướp lộc tại các lễ hội và các cơ sở thờ tự?
 
Chuyện cướp lộc đã trở thành vấn nạn
 
Chuyện hàng nghìn người xô đẩy, dẫm đạp và tranh giành để cướp lộc tại một số lễ hội truyền thống cũng như đền chùa dịp đầu năm không phải là câu chuyện quá mới.
 
Sự việc này đã tồn tại rất nhiều năm nay, đặc biệt là khi niềm tin của con người đối với việc cướp lộc có quá nhiều vấn đề đáng bàn. Sự tồn tại của “vấn nạn” này ngày càng làm cho hình ảnh lễ hội thêm phần xấu xí và chốn thiêng đã không còn giữ được tính thiêng.
Cảnh người dân chen lấn, xô đẩy, tranh giành lộc là cảnh tượng quen thuộc tại các lễ hội. Ảnh: Internet
Cảnh người dân chen lấn, xô đẩy, tranh giành lộc là cảnh tượng quen thuộc tại các lễ hội. Ảnh: Internet

Mới đây, người ta lại chuyền tay nhau hình ảnh cướp lộc đầy xấu xí ở một vài lễ hội phía Bắc kèm theo rất nhiều ý kiến trái chiều mà đa phần là lên án. Nên nhìn nhận sự việc này như thế nào và liệu có cách nào để khắc phục?
 
Đại đức Thích Tâm Kiên - Trụ trì chùa Một Cột (Hà Nội) khẳng định, quan niệm cướp được nhiều lộc sẽ được nhiều may mắn là một quan niệm sai lầm bởi lộc ở đây chỉ mang ý nghĩa tinh thần chứ không phải mang ý nghĩa vật chất.
 
Người xưa đến chùa lễ Phật, xin một tí lộc có thể là một nắm oản, có thể là một bông hoa và có thể là một cái quả… mang về nhà với mong muốn được Phật - Thánh gia hộ cho một năm may mắn. Và tất nhiên, trước khi xin lộc, họ chấp tay thành kính trước ban Phật - Thánh để xin. Thậm chí, nhiều nơi, họ còn phải xin ý kiến của sư trụ trì và được sư trụ trì đồng ý mới dám mang về chứ không có chuyện cướp bóc, giành giật…
 
“Tôi cho rằng, hành động đổ xô cướp lộc tại chốn thiêng là hành động phản cảm. Hành động đó đi trái ngược với tinh thần Phật giáo. Đã cướp có nghĩa là phải rất hung hãn, manh động… mà như thế đâu gọi là đi lễ nữa. Đó là hành động gây mất trật tự, gây ảnh hưởng đến văn hoá.
 
Tranh cướp lộc là trái với tinh thần Phật giáo
 
Luật nhân quả của nhà Phật dạy con người ta rằng, ai sống thiện, ai làm được nhiều việc lành… ắt sẽ gặp được nhiều điều tốt đẹp. Còn một khi đã mang tâm cướp bóc, giành giật… đến trước cửa chùa thì chưa chắc đã nhận được nhiều may mắn mà thậm chí có khi còn tạo thêm nghiệp”, Đại đức Thích Tâm Kiên nói.
 
Đại đức Thích Tâm Kiên kể, vào đêm giao thừa hàng năm, chùa Một Cột đón rất nhiều người dân đến lễ Phật cầu an. Trong khuôn viên chùa có hai cây táo khá nhiều quả.
 
Nhiều năm trước, người dân đến lễ thường tự ý bẻ táo, bẻ cành… gọi là xin lộc để mang về nhà gây nên tình trạng lộn xộn. Thậm chí, nhiều người còn bị gai táo đâm vào tay chảy máu. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, cứ chiều 30, nhà chùa sẽ cắt cành táo, chia nhỏ ra từng nhánh nhỏ bằng bàn tay gồm cả quả lẫn lá để phát cho các Phật tử thì hiện tượng đổ xô bẻ cành lộc đã giảm hẳn.
 
Tại lễ hội làng Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) thường xuyên xảy ra tình trạng tranh cướp đến mức ẩu đả. Để giành được quả phết may mắn, hàng nghìn thanh niên sẵn sàng giẫm đạp, dọa nạt thậm chí có người đổ máu. Ảnh: Internet
Tại lễ hội làng Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) thường xuyên xảy ra tình trạng tranh cướp đến mức ẩu đả. Để giành được quả phết may mắn, hàng nghìn thanh niên sẵn sàng giẫm đạp, dọa nạt thậm chí có người đổ máu. Ảnh: Internet
 
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam cho rằng, việc xô đẩy, tranh giành, dẫm đạp… để cướp lộc ở các chùa là hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Phật giáo.
 
“Chỉ riêng việc đi lễ chùa mà mang ý niệm tranh - cướp là đã xấu rồi, dù là cướp lộc. Và càng cố tình xô đẩy, tranh giành, chen lấn… để cướp cho mình được thật nhiều lộc là lại càng xấu và trái với tinh thần Phật giáo nữa. Thanh niên dẫm đạp lên cụ già, trẻ em, phụ nữ… để cướp lộc; người làng nọ tranh giành với người làng kia… tất cả đều không đẹp một chút nào”, ông Trần Đình Sơn nói.
 
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, sở dĩ người ta có niềm tin “càng cướp được nhiều lộc thì càng may mắn” là do tín ngưỡng dân gian. Có một số lễ hội tuyên truyền về chuyện cướp lộc để thu hút người dân đến với lễ hội, đền phủ đó đông hơn.
 
“Người dân của mình đa phần không chịu tìm hiểu hoặc không có điều kiện tìm hiểu nên khi nghe tuyên truyền họ liền tin theo. Bởi vậy mới tồn tại một vấn nạn, một tập tục không hề đẹp chút nào. Không thể gọi việc đổ xô đi cướp lộc tại chốn thiêng là nét văn hoá được.
 
Nhà chùa hoặc ngôi đền nào mà tuyên truyền như vậy cũng là đi ngược với tinh thần của Phật - Thánh. Bởi Phật - Thánh khuyên con người phải sống rộng rãi, từ bi, khiêm nhường… đem những cái của mình chia sẻ với người chứ không phải chiếm hữu riêng cho mình”, ông Trần Đình Sơn nhấn mạnh thêm.
 
GS.TS Nguyễn Chí Bền - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Xuất phát điểm của những hành vi mang tính tín ngưỡng trong lễ hội là nằm trong tổng thể từ xưa đến nay rồi chứ không phải bây giờ mới có hoặc do quản lý kém nên mới phát sinh.
 
Ví dụ, cướp chiếu ở chiến trường của Thánh Gióng trong lễ hội đền Sóc thì cũng đã tồn tại hàng vài trăm năm nay. Năm nào người dân làng Gióng tổ chức lễ hội cũng diễn ra cảnh đó. Bởi người ta quan niệm, đó là nơi lắng đọng tính thiêng của lễ hội và của vị Thánh đó nên người ta rất cần.
 
Nhưng trong câu chuyện này nó có cái ngưỡng, nếu chỉ giữ mức độ vừa phải ở bên này thì là tín ngưỡng nhưng nếu đẩy sang bên kia là mê tín dị đoan”.
 
Nhiều người lao vào cướp để lấy lộc đầu năm tại hội Gióng tạo nên hình ảnh không đẹp trong mắt du khách tham dự lễ hội. Ảnh: Internet
Nhiều người lao vào cướp để lấy lộc đầu năm tại hội Gióng tạo nên hình ảnh không đẹp trong mắt du khách tham dự lễ hội. Ảnh: Internet
 
GS Nguyễn Chí Bền cho rằng, nói theo ngôn ngữ tín ngưỡng thì sau khi người dân mang lễ vật vào dâng Phật - Thánh, Phật - Thánh đã chứng lễ nhưng khi mang ra lại tranh cướp nhau như thế sẽ không còn thiêng. Nói hơi hài hước là “năng lượng thiêng” ẩn vào trong hoa tre, miếng trầu, sợi cói… sau khi tranh giành đã biến mất. Tức là lại trở về với hiện vật đời thường, tính chất thiêng của lễ vật đã mất, không còn nữa.
 
“Lộc có được do tranh nhau, đánh nhau vỡ đầu, rách quần, rách áo thì lấy đâu còn thiêng nữa. Cho nên các cụ ngày xưa thực hiện nghi lễ phát lộc rất cẩn trọng nhằm đảm bảo “năng lượng thiêng” ấy không bị mất, không bị biến đối.
 
Việc tranh cướp lộc hiện nay là hành vi rất xấu, cướp lộc làm cho người ta hiểu lệch lạc văn hóa Việt Nam toàn tranh cướp. Tôi xem nhiều đoạn clip mà đồng nghiệp chuyển cho thì thấy đó là tranh cướp tàn bạo rồi chứ không phải là tranh cướp đơn thuần. Tôi hoàn toàn không ủng hộ lối tín ngưỡng ấy”, GS Nguyễn Chí Bền nói thêm.
 
PGS Nguyễn Văn Huy: “Cướp lộc” không còn là câu chuyện riêng mà là bài toán mà xã hội đang phải giải quyết từ vài năm nay: tình trạng niềm tin tâm linh đang bị bóp méo theo xu hướng vật chất hóa. Chúng ta được chứng kiến khá nhiều hình ảnh về các mâm lễ “khủng” được dâng lên các đền chùa như một sự đổi chác kệch cỡm.
 
Đi hội Xuân, người xưa vào đền chùa với sự tôn kính đến từ tâm lý ngưỡng vọng thần linh, từ niềm tin chân chính của bản thân. Bây giờ, nhìn những hình ảnh về nạn cướp lộc tại hội đền Trần hoặc hình ảnh dòng người ken đặc ngoài đường trước cổng chùa Phúc Khánh, tôi có cảm giác rằng mọi chuyện đã bị đẩy lên quá xa so với bản chất thật. Không hiểu về tín ngưỡng, biến đền chùa thành nơi cầu lợi, thì việc chen lấn, cướp đồ lễ xảy ra cũng là dễ hiểu.
 
Hà Tùng Long
 
 

Bạn nghĩ gì về thông tin này? 0

Giới thiệu

Thống kê truy cập

00823412

Hôm nay: 160

Ngày hôm qua: 160

Tháng này: 160

Tháng trước: 11257

Tất cả: 823412


Đang Online: 1
IP: 3.235.226.14
Unknown 0.0