Đại đức Thích Chánh Thuần: Bước đầu tìm hiểu các phương thức truyền thống trong giáo dục Phật giáo.

06/11/2018
"Bước đầu tìm hiểu về các phương thức truyền thống trong giáo dục Phật giáo"
 
Chương 1.   XUẤT GIA VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC
TRUYỀN THỐNG TRONG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
 
1.1. XUẤT GIA VÀ NGƯỜI XUẤT GIA
1.1.1. Xuất gia
1.1.1.1 Định nghĩa “Xuất gia”
            Xuất gia, tiếng phạn là Pravrajyà, âm Hán là Ba phệ nễ da. Xuất gia là người từ bỏ nếp sống gia đình và cuộc sống thế tục, cảo bỏ râu tóc, thụ giới, học hạnh Sa môn đệ tử Phật.
            Nghĩa đầy đủ của xuất gia có ở đây có ba phương diện: Xuất thế tục gia: Lìa bỏ gia đình, lìa bỏ nhà thế tục; Xuất phiền não gia: Lìa bỏ mọi ràng buộc phiền não; Xuất Tam giới gia: Ra khỏi nhà Tam giới.
            Xuất gia bao gồm có năm chúng là: Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni[1]
1.2.1.2 Nguồn gốc, và các quan niệm về xuất gia.
            * Nguồn gốc.
            Từ xưa, xuất gia đã được thực hành ở Ấn Độ, ngay vào thời đại Phệ đà đã có người bỏ thế tục, lìa bỏ gia đình để cầu giải thoát. Từ đó về sau tín đồ Bà la môn giáo theo phong tục ấy, phần nhiều vào những nơi rừng núi vắng vẻ để chuyên tâm tu đạo. Trong Phật giáo thì Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên xuất gia học đạo và sáng lập Phật giáo. Về sau những người xuất gia được tổ chức thành giáo đoàn, và Giáo hội như ngày nay. Việc xuất gia của Đức Thế tôn được ghi chép rõ ràng trong các kinh như kinh Tu hành bản khởi quyển hạ, kinh Thải tử thụy ứng bản khởi quyển thượng[2].
            * Các quan niệm về xuất gia. 
            Xuất gia là lìa chốn bụi bặm của thế tục, cho nên xuất gia còn gọi là "Xuất trần". Xuất gia phải cạo bỏ râu tóc, không trang sức, đồng thời mặc áo hoại sắc, vì thế xuất gia còn được gọi là "Lạc sức"(bỏ trang sức), "Thế phát cạo tóc", "Lạc phát nhiễm y"(Cạo tóc nhuộm áo), "Thế phát nhiễm y, Thế nhiễm, Lạc nhiễm. Trong bẩy chúng là đệ tử Phật, thì hai chúng tại gia là ưu bà tắc(người nam) và ưu bà di(người nữ) thuộc tại gia, 5 chúng còn lại là tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na là thuộc chúng xuất gia.
            Luật Ma ha tăng kì quyển 23 và 24 có nêu ra 26 hạng người không được nhận cho xuất gia, như quá nhỏ, quá già, thiếu nợ, ngoại đạo… Kinh Hà khổ trong Trung a hàm quyển 36 nói xuất gia, tại gia đều có niềm vui, nỗi khổ, còn đối với xuất gia tự tại buông thả theo dục vọng, sân si là khổ. Hội Úc già trưởng giả trong kinh Đại Bảo Tích quyển 82 cũng nói rông về chỗ hay, dở của tại gia và xuất gia, như tại gia thì nhiều ô nhiễm, xuất gia thì tốt lành; tại gia bị ràng buộc, xuất gia thì vô ngại; tại gia thuộc ác, xuất gia thuộc thiện; tại gia hèn nhát, xuất gia không hèn nhát; tại gia thuận dòng sinh tử, xuất gia ngược dòng sinh tử. Luận Đại trí độ quyển 13 có nói rõ sự hành đạo giữa tại gia và xuất gia có khó, dễ khác nhau, như tại gia nếu muốn chuyên về đạo nghiệp thì bỏ phế gia nghiệp, cho nên khó; còn xuất gia thì đã lìa tục, cắt đứt mọi ràng buộc, chỉ chuyên một mặt hành đạo, vì thế nên dễ. Luận Du già sư địa quyển 47 so sánh công đức tu học của Bồ tát xuất gia và Bồ tát tại gia. Còn kinh Hiền ngu quyển 4 thì nói công đức xuất gia không cùng tận.
            Nhưng Đại thừa thì không câu chấp giữ giới về mặt hình thức mà chủ trương phát tâm bồ đề và tu hạnh lợi tha mới là điều cốt yếu của việc xuất gia, vì thế phản đối Thanh văn tăng cho rằng nghĩa căn bản của việc xuất gia chỉ là cạo tóc được giới… Phẩm đệ tử trong kinh Duy ma cật sở thuyết (Đại 14, 541 hạ) ghi: “ Tôi nghe đức Phật dạy, cha mẹ không cho phép thì không được xuất gia. Duy ma cật nói: Nhưng các vị cứ phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác thì đó chính là xuất gia”. Kinh Đại Trang Nghiêm pháp môn quyển hạ (Đại 17, 830, trung) nói: “Bồ tát xuất gia, chẳng phải cứ tự mình cạo tóc mà gọi là xuất gia, (…). Chẳng phải tự mình giữ gìn luật nghi gọi là xuất gia; nếu phát khởi được bốn tâm vô lượng rộng lớn, làm cho chúng sinh yên vui, đó mới gọi là xuất gia”.
            Nếu người muốn xuất gia thì trước phải sinh khởi tâm thiện pháp, sau mới theo thầy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca sa, thụ trì giới pháp. Xuất gia còn có 3 thứ khác nhau đó là: Thân xuất gia, tâm không xuất gia; Tâm xuất gia, thân không xuất gia; Thân tâm đều xuất gia. Các vị Tỷ khiêu  tiểu thừa và Bồ Tát tăng đại thừa thuộc những người thân tâm đều xuất gia; còn các vị Bồ Tát cư sĩ như các vị Duy Ma Cật, Hiền Hộ… thì thuộc những người tâm xuất gia thân không xuất gia”. [3]
            Do đó xuất gia nghĩa là khước từ những điều mơ ước của thế gian để chọn lấy đời sống tu sĩ, cũng có nghĩa là tạm thời vượt qua khỏi các phép che lấp Niết Bàn bằng cách thực nghiệm con đường Giới –Định – Tuệ. Kinh tạng Nikàya thường mô tả: Xuất gia là cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, từ bỏ gia đình sống không gia đình, sống trong pháp và luật của Đức Thế Tôn. Đời sống xuất gia còn được gọi là đời sống phạm hạnh. Phạm hạnh ở đây chỉ cho sự cố gắng liên tục để hướng đến sự thanh tịnh tối thượng, sự đoạn tận mọi thứ bất tịnh nhiễm ô, sự chế phục đối với những nhu cầu khát vọng của cuộc sống thế tục…
            Kinh Hiền Ngu cho rằng: "Pháp xuất gia tiêu diệt họ hàng nhà ma, làm lợi ích cho dòng xuất thế của Phật Pháp, nuôi thiện pháp, trừ tội cấu, thêm phúc lành, được thành Phật"[4]. Truy Môn Cảnh Huấn còn gọi người xuất gia là Đạo nhân, là tức tâm:
"Người đã xuất gia
đã được danh hiệu
Gọi là Đạo nhân
…..Người đã xuất gia
Gọi là tức tâm
Uế tạp chớ dính
Riêng đạo là cần
Chí hướng thanh khiết
Như ngọc như bằng"[5]
1.2.1.3 Các hình thức xuất gia.
            Bản chất của xuất gia là sự viễn ly đời sống thế tục, thực tập đời sống phạm hạnh theo tinh thần của Đức Phật. Thời gian và không gian có thể thay đổi, nhưng bản chất trên luôn giữ nguyên giá trị. Cho nên, tùy từng thời kỳ, quốc độ, các hình thức xuất gia khác nhau đã xuất hiện để đảm bảo bản chất có được đầy đủ ý nghĩa. Trong Phật giáo, sự công nhận một người thành chúng xuất gia, cũng đồng nghĩa với việc đắc được giới. Từ thời Phật đến nay, căn cứ vào Nhất Thiết Hữu Bộ có các hình thức đắc giới và xuất gia như sau:
  • Tự nhiên đắc giới: Trường hợp của vị Độc Giác Phật
  • Kiến đế đắc giới: Đắc giới do thấy lý Tứ Đế, như trường hợp năm anh em Kiều-trần-như.
  • Thiện lai tỷ khiêu: Do Phật gọi: “Thiện lai Tỷ khiêu” mà đắc giới như trường hợp Da-xá.
  • Xác nhận Phật là bậc đạo sư: Như trường hợp của Tôn giả Ca-diếp, khi gặp Đức Thế Tôn liền tuyên bố: “Đây là bậc Đạo sư của tôi”, và liền đắc giới.
  • Do khéo trả lời: Đây là trường hợp duy nhất dành cho thiếu niên Tô-đà-di mới 7 tuổi nhưng đã khéo trả lời câu hỏi “Nhà con ở đâu?” của Phật bằng câu: “Ba cõi không đâu là nhà” mà đắc giới
  • Do thu bát kính pháp: Đây là trường hợp của Ba-xà-ba-đề.
  • Do gửi đại biểu: Đây là trường hợp của Tỷ khiêu ni Pháp Thụ, do sợ nạn phạm hạnh mà Phật cho phép cử đại diện đến thụ rồi về truyền lại.
  • Tam ngữ đắc giới: Do tuyên bố 3 lần: Tôi xin quy y Phật, Pháp, Tăng” đây là trường hợp thường xảy ra khi Phật chưa quy định pháp bạch Tứ Yết-ma thụ giới.
  • Thụ giới với tăng 10 người: Dành cho mọi giới tử thụ giới ở nơi đô thị có đông đảo Tỷ khiêu.
  • Thụ giới với tăng 5 người: Đây là trường hợp dành cho giới tử ở những nơi biên địa không có đông đảo Tăng chúng. Trong trường hợp này phải có ít nhất là một vị trì Luật và hiểu các pháp Yết-ma.
            Trong 10 trường hợp trên, 8 hình thức đầu chỉ có thời Đức Phật, 2 trường hợp cuối cùng gọi chung là "Bạch tứ Yết ma đắc giới" được áp dụng phổ thông và tồn tại đến ngày nay. Sau khi đắc giới, nghiêm nhiên hành giả đó trở thành "Tỷ khiêu", hay "Tỷ khiêu Ni", chính thức đi vào đời sống của người xuất gia, chính thức trở thành một thành viên của Tăng già.
1.1.2 Người xuất gia.
1.1.2.1 Khái niệm Người xuất gia.
            Người xuất gia, là những người có đầy đủ quyền công dân, đảm bảo đầy đủ các tiêu trí được thụ giới pháp, tự nguyện thực hành đời sống xuất gia, được nhà nước chấp thuận, được Giáo hội thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni.
            Về bản chất, xuất gia có năm chúng, Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni. Nhưng chỉ có hai chúng đầu, được dự vào hàng Tăng mới được coi là người xuất gia. Ba chúng sau, mặc dù được xếp vào năm chúng xuất gia, nhưng chưa được dự vào hàng Tăng già, nên chỉ được coi là chúng dự bị cho Tăng già, hay tiểu chúng.
1.1.2.2 Mục đích, nhiệm vụ của Người xuất gia.
            Người xuất gia có hai mục đích chính là Tự lợi và lợi tha. Tự lợi, đó chính là bỏ đi các điều ác, tăng trưởng các việc lành, tự làm thanh tịnh thân thân, cầu thành Phật đạo. Lợi tha là việc "Hoằng pháp lợi sinh", cứu giúp chúng sinh hiểu được nguồn tâm, xa lìa ác đạo, thành tựu đạo quả Bồ đề. Nên trong Truy Môn Cảnh Huấn có dạy: Xuất gia làm Tăng đâu phải việc dễ. Đó chẳng phải là cầu an nhàn, đó chẳng phải mưu cầu lấy an nhàn, đó chẳng phải mưu cầu cuộc sống ấm no, chẳng phải là để mưu cầu danh lợi tủn mủn như râu sên, mà vì lẽ sinh tử, vì chúng sịnh vậy. Đó là để đoạn trừ phiền não, thoát ra khỏi biển khổ ba cõi, nối dòng tuệ mệnh của Đức Phật vậy"[6].
            Nhiệm vụ chính của người xuất gia bao gồm các nhiệm vụ: "Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng, tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự"; "Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ"; "Hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh"; "Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức"
1.1.2.3 Đặc điểm người xuất gia.
            Người xuất gia có ba hạng: Thân xuất gia, tâm không xuất gia; tâm xuất gia, tâm không xuất gia, thân tâm đều xuất gia. Mỗi một hạng người xuất gia, lại có những đặc điểm riêng. Nhưng tựu chung lại, người xuất gia có những đặc điểm sau:
  • Thân tướng khác người thế tục. Thân tướng người xuất gia khác người tại gia. Người xuất gia bỏ đi quần áo thế tục, mặc pháp phục nhà Phật, cạo bảo râu tóc.
  • Thực hành đời sống ly dục: Nếu người tại gia tăng trưởng về dục, thì đời sống phạm hạnh người xuất gia là ly dục, thiểu dục tri túc(ít muốn biết đủ) ly các ác bất thiện pháp,và không ngừng tăng trưởng các pháp lành.
  • Uy nghi đĩnh đặc: Người xuất gia, đòi hỏi phải có hình tướng trang nghiêm trong tứ uy nghi: đi, đứng, nằm, ngồi đều uy nghĩ đĩnh đạc,  tĩnh tại như pháp, làm khuôn thước mô phạm cho người thế gian noi theo.
  • Cắt ái từ thân: Người xuất gia phải bỏ đi cuộc sống gia đình, không thể cung phụng bố mẹ, anh em.. không kết thêm quyến thuộc(cha mẹ, anh em… nuôi) với hữu tình, chuyên tâm thực hành đời sống Thánh hạnh trong Phật pháp.
  • Tư tưởng luôn hướng thượng: Đó là tư tưởng mong cầu thành Phật đạo, và tế độ quần sinh, giúp mình giúp người thành tựu giải thoát an lạc.
  • Tự tại, tùy duyên: Người xuất gia, nhờ thực tập hạnh thiểu dục tri túc, lại năng thiền định, quán chiếu, tụng niệm, nên thân tâm được tự tại, an vui.
            Nói về đặc điểm người xuất gia, Truy Môn Cảnh Huấn ghi: "Xuất gia theo đạo, đó là việc rất nặng rất khó. Không thể tự coi là nhẹ, không thể tự mình coi là dễ. Nói là nặng vì phải mang Đạo, đeo Đức, địu Nhân, cõng Nghĩa, phụng trì Tịnh giới cho đến chết mới thôi. Nói là khó vì phải dứt với thế gian, lìa với thói tục, vĩnh viễn vắt bỏ quan hệ với những người thân yêu xoay tình đổi tính, chẳng giống với chúng nhân. Làm điều mà người khác chẳng thể làm, cắt thứ mà người khác chẳng thể cắt, nhịn khổ, chịu nhục, vứt bỏ thân mệnh. Chính vì khó như vậy, cho nên mới gọi người xuất gia là Đạo nhân. Đạo nhân có nghĩa là người hướng đạo dẫn đường vậy"[7]. Quy Sơn Cảnh Sách thì dạy: "Người xuất gia, chân bước đến phương trời cao rộng; tâm hình khác thế tục, nối theo dòng Thánh, nhiếp phục ma quân, trên báo bốn ân lớn, dưới cứu ba đường khổ"[8]
1.1.2.4 Một số quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay về thụ giới, độ người người xuất gia.
            Mặc dù, Ban Tăng Sự Trung Ương Giáo hội có những quy định tương đối rõ về việc xuất gia, thụ giới, độ đệ tử, song những quy định về việc xuất gia, thụ giới, độ đệ tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội lại chi tiết, đầy đủ hơn, có tính quy phạm, phổ quát cao, phù hợp với giáo dục truyền thống Phật giáo, phù hợp với Phật giáo thực tại, có thể áp dụng tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Những quy định đó được thể hiện như sau:
* Tiêu chuẩn xuất gia:
  • Người xin xuất gia phải là công dân tốt, không vi phạm pháp luật. Có Đơn xin xuất gia.
  • Đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần..vv.
  • Được cha mẹ, hoặc người giám hộ đồng ý có đơn đảm bảo. Trường hợp những người đã có gia thất, muốn xuất gia phải có Giấy ly hôn do Toà án cấp.
  • Được Tăng – Ni trụ trì các cơ sở Tự viện nơi người xin xuất gia đến cư  trú, tu hành bảo lãnh.
  • Tăng Ni trụ trì các cơ sở Tự viện khi tiếp nhận người xuất gia phải đăng ký với Chính quyền địa phương ( UBND phường, xã, thị trấn ).
  • Thông qua ý kiến chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN cấp Huyện nơi người xin xuất gia đến tu hành.
* Thụ giới Sa di, Sa di ni.
+ Tiêu chuẩn của Nghiệp sư:
  • Là thành viên chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, đang sinh hoạt hợp pháp tại các cơ sở Tự viện thuộc các đơn vị quận, huyện, thị  trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
  • Nghiệp sư tăng đủ từ 08 Hạ lạp; Nghiệp sư ni đủ từ 10 Hạ lạp trở lên, có tham gia An cư kết hạ (Trừ trường hợp đặc biệt như ốm đau, cao tuổi .. ) được thụ giới Sa di, Sa di ni cho đệ tử.
  • Mỗi vị Nghiệp sư một năm được thụ giới Sa di, Sa di ni cho đệ tử không hạn chế số lượng.
+ Tiêu chuẩn của giới tử:
  • Tuổi đời từ 16 đến 60 tuổi tính theo Giấy khai sinh. Không vi phạm giới luật của Phật và pháp luật Nhà nước.
  • Đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh không tàn tật, không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần..vv.
  • Đã tu học ít nhất là 01 năm, tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận xuất gia đến thời điểm kết thúc nhận Hồ sơ thụ giới.
  • Có trình độ văn hoá ít nhất là tốt nghiệp Phổ thông cơ sở hoặc tương đương.
  • Phải thuộc lòng các nghi thức tụng niệm nghi thức truyền thống Phật giáo Bắc tông.
  • Trúng tuyển kỳ khảo hạch của Đàn giới
*  Thụ giới Thức Xoa ma na ni.
+ Tiêu chuẩn của Nghiệp sư:
  • Là thành viên chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, đang sinh hoạt hợp pháp tại các cơ sở Tự viện thuộc các đơn vị quận, huyện, thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội
  • Đủ từ 10 Hạ lạp trở lên, có tham gia An cư kết hạ ( Trừ trường hợp đặc biệt như ốm đau, cao tuổi ..vv. ) được thụ giới Thức xoa ma na ni cho đệ tử.
  • Mỗi vị Nghiệp sư một năm được thụ giới Thức xoa ma na cho đệ tử số lượng không hạn chế.
+ Tiêu chuẩn của giới tử:
  • Tuổi đời từ 18 đến 40 tuổi tính theo Giấy khai sinh. Không vi phạm giới luật của Phật và pháp luật Nhà nước.
  • Đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh không tàn tật, không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần..vv.
  • Đã được thụ giới Sa Di Ni ít nhất là 02 năm.
  • Có trình độ văn hoá ít nhất là tốt nghiệp Phổ thông cơ sở hoặc tương đương.
  • Phải thuộc lòng các nghi thức tụng niệm theo nghi thức truyền thống của Phật giáo Bắc tông.
  • Trúng tuyển kỳ khảo hạch của Đàn giới.
  • Bắt buộc phải đi tòng hạ an cư.
* Thụ giới Thanh văn.
+ Tiêu chuẩn của Nghiệp sư:
  • Là thành viên chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, đang sinh hoạt hợp pháp tại các cơ sở Tự viện thuộc các đơn vị quận, huyện, thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
  • Nghiệp sư Tăng đủ từ 10 Hạ lạp; Nghiệp sư Ni đủ từ 12 Hạ lạp trở lên, có
  • tham gia An cư kết hạ ( Trừ trường hợp đặc biệt như ốm đau, cao tuổi .. ) được thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni cho đệ tử.
  • Mỗi vị Nghiệp sư một năm được thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni cho đệ tử không hạn chế số lượng
+ Tiêu chuẩn của giới tử:
  • Tuổi đời từ 20 đến 45 tuổi tính theo Giấy khai sinh. Không vi phạm giới luật của Phật và pháp luật Nhà nước.
  • Đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh không tàn tật, không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần..vv.
  • Đã được thụ giới Sa di (Tăng), Thức xoa ma na (Ni) ít nhất là 02 năm.
  • Có trình độ tốt nghiệp Trung cấp Phật học hoặc tương đương.
  • Có trình độ văn hoá ít nhất là tốt nghiệp phổ thông Trung học hoặc tương đương.
  • Phải thuộc lòng các nghi thức tụng niệm theo nghi thức truyền thống của Phật giáo Bắc tông.
  • Trúng tuyển kỳ khảo hạch của Đàn giới.
  • Bắt buộc phải đi tòng hạ an cư.
* Nội dung thi khảo hạch.
            Bao gồm hai môn là thi Lý thuyết  và thi Thực hành. Nội dung như sau:
+  Đối với giới tử thụ giới Sa Di - Sa Di Ni:
  • Lý thuyết: Thi giáo lý tổng hợp, bao gồm chương trình Phật học phổ thông khoá I của Hoà thượng Thiện Hoa và phần 24 Uy nghi. Hình thức thi viết tự luận. Thời gian 180 phút.
  • Thực hành: Kiểm tra hiệu lệnh chuông, mõ, khóa tụng buổi tối và cảnh sách niệm Phật. Hình thức khảo hạch trực tiếp. Thời gian 10 phút/người
+  Đối với giới tử Thức xoa ma na ni:
  • Lý thuyết. Thi giáo lý tổng hợp, bao gồm chương trình Phật học phổ thông khoá I của Hoà thượng Thiện Hoa và 10 giới Sa Di Ni. Hình thức thi viết tự luận. Thời gian 180 phút.
  • Thực hành: Kiểm tra hiệu lệnh chuông, mõ, khóa tụng buổi sớm - buổi tối và cảnh sách niệm Phật. Hình thức khảo hạch trực tiếp. Thời gian 10 phút/người
+  Đối với giới tử Tỷ khiêu:
  • Lý thuyết: Thi giáo lý tổng hợp, bao gồm chương trình Phật học phổ thông khoá II của Hoà thượng Thiện Hoa và phần 10 giới Sa Di. Hình thức thi viết tự luận. Thời gian 180 phút.
  • Thực hành: Kiểm tra hiệu lệnh chuông, mõ, khóa tụng buổi sớm - buổi tối và cảnh sách niệm Phật. Hình thức khảo hạch trực tiếp. Thời gian 10 phút/người
+  Đối với giới tử Tỷ khiêu ni:
  • Lý thuyết: Thi giáo lý tổng hợp, bao gồm chương trình Phật học phổ thông khoá II của Hoà thượng Thiện Hoa và  giới Thức - xoa – ma – na - ni. Hình thức thi viết tự luận. Thời gian 180 phút.
  • Thực hành: Kiểm tra hiệu lệnh chuông, mõ, khóa tụng buổi sớm - buổi tối và cảnh sách niệm Phật. Hình thức khảo hạch trực tiếp. Thời gian 10 phút/người
 
1.2. CÁC PHƯƠNG THỨC GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
1.2.1 Giáo dục
1.2.1.1.  Định nghĩa Giáo dục
            Giáo dục là một hình thái ý thức xã hội và là một hiện tượng xã hội đặc thù, riêng có của xã hội con người. Đó cũng là một hoạt động xã hội cơ bản và chuyên biệt. Tất cả các hoạt động nào dó của con người nhằm truyền thụ cho thế hệ sau, hoặc là giúp họ lĩnh hội kinh nghiệm xã hội - lịch sử từ thế hệ trước….thì đều được gọi là giáo dục. Giáo dục lúc đầu là hành động mang tính tự phát, sau đó dần trở thành hoạt động có ý thực tự giác xã hội.
  • Giáo dục(education) theo nghĩa rộng nhất: Giáo dục là quá trình xã hội hóa con người.
  • Giáo dục nghĩa rộng: Giáo dục là hoạt động của các lực lượng, các tổ chức giáo dục xã hội tác động đến đối tượng giáo dục, theo mục tiêu giáo dục của xã hội. Giáo dục trong nhà trường đồng nghĩa với quá trình sư phạm, là quá trình tác động có kế hoạch, có mục đích đến đối tượng giáo dục nhằm hình thành, phát triển toàn diện nhân cách người học.
  • Giáo dục nghĩa hẹp: Là hoạt động giáo dục chuyên biệt nhằm tác động, hình thành các phẩm chất, đạo đức, giá trị sống.           
            Bản chất của giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc biệt, chức năng đặc thù của nó là sự chuyển giao(truyền đạt và lĩnh hội) hệ thống kinh nghiệm xã hội - lịch sử của các thế hệ trước(của loài người) cho thế hệ sau(đến từng cá thể người) một cách có mục đích, có tổ chức, đảm bảo cho thế hệ sau được phát triển nhân cách thuận lợi và phù hợp với yêu cầu cuộc sống, phát triển xã hội. Bản chất giáo dục đồng thời cũng là quá trình xã  hội hóa nhân cách được tổ chức một cách chuyên biệt, nhằm mục đích phát triển hoàn thiện nhân cách con người(cá nhân, nhóm, xã hội)[9]
12.2.2 Khái niệm phương thức giáo dục
            Phương thức giáo dục là là cách thức và phương pháp giáo dục, bao hàm những tính chất đặc thù, hướng đến những những loại đối tượng, và mục đích nhất định nhằm đạt được mục tiêu giáo dục đề ra.
            Phương thức giáo dục cũng là một hình thức giáo dục, được ra đời nhằm mục đích phù hợp với những yêu cầu, thách thức mới, có thể giải quyết và nâng cao kết quả giáo dục. Khi giáo dục đòi hỏi những yêu cầu mới, thì phương thức giáo dục cũ sẽ không còn phù hợp, bị thay thế bằng một phương thức giáo dục khác.
1.2.2 Giáo dục Phật giáo.
1.2.2.1  Khái niệm Giáo dục phật giáo
            Giáo dục Phật giáo là hình thái, ý thức Phật giáo, trên nền tảng Giới, Định, Tuệ, với hệ tư tưởng Kinh, Luật, Luận Phật giáo, bao hàm các hoạt động tác động đến con người, nhằm giúp họ có được những nhận thức đúng đắn về bản chất và các giá trị sống, từ đó có những thay đổi về hành vi, nhận thức, ý thức, có nhứng ứng sử phù hợp trong cuộc sống nhằm mục đích loại bỏ các điều ác, tăng trưởng các điều lành, làm cho thân tâm trở nên an tịnh và thanh tịnh.
            Bản chất của giáo dục Phật giáo là sự tác động Phật giáo nhằm giúp con người thay đổi nhận thức, hành vi từ: Xấu sang tốt, ác sang thiện, chưa hoàn thiện đến hoàn thiện…..
            Bản chất và tinh thần này bao hàm toàn bộ hệ thống kinh điển và tư tưởng Phật giáo, được Đức Phật nói rõ nhất trong suốt 12 năm đầu sau khi Ngài thành đạo cho chúng đệ tử chỉ bằng duy nhất bài kệ:
"Thiện hội ư khẩu ngôn
Tự tịnh kỳ chí ý
Thân mạc tác chư ác
Thử tam nghiệp đạo tịnh
Năng đắc như thị hành
Thị đại tiên nhân đạo"[10]
Nghĩa là:
"Giữ gìn tốt lời nói
Trong sáng tâm ý mình
Thân đừng gây tội ác
Ba việc này thanh tịnh
Nếu làm được như thế
Là đạo bậc Đại nhân"
            Ba nhân tố then đóng vai trò then chốt trong tiến trình giáo dục Phật giáo là Giới - Định - Tuệ. Ba nhân tố này vừa mang tính "đồng thời" nhưng cũng vừa mang tính "tiệm tiến" không thể thiếu một trong ba, vì "Lìa giới mà tu định tuệ, đó là nhân của ngoại ma. Lìa định tuệ tu giới là nhân của cõi trời. Tam học đầy đủ là nhân thành Phật"[11]. Đức Phật dạy: "Khi người sáng suốt vững chắc kiên cố trong giới đức(Sila), trau giồi tâm kiên định(citta - samadhi) và trí tuệ(panna) chừng ấy, là một Tỷ khiêu nhiệt thành và thận trọng, vị ấy tháo gỡ được phiền não của mình"[12]
            Ba nhân tố trên cũng là những động lực cơ bản để hoàn thiện mục đích giáo dục Phật giáo. Mục đích giáo dục Phật giáo theo nghĩa rất rộng là: "Đưa chín cõi chúng sinh đến chỗ chí thiện viên mãn"; Theo nghĩa rộng là: Giúp con người giải thoát sinh tử, thành tựu Phật đạo, nên kinh Pháp hoa dạy: "Đức Phật ra đời nhằm mục đích: khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật chi kiến; Theo nghĩa hẹp, mục đích giáo dục là con đường diệt khổ. Đức Phật khảng định trong kinh Trung Bộ I: "Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ"  
            Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đối với mục tiêu giáo dục Phật giáo là giúp hành giả trở lại với chính mình, để tự mình "hội đầu thị ngạn", không phải đào tạo ra một sản phẩm giáo dục khi họ không phải là chính họ. Huống nữa, giáo dục Phật giáo, và pháp của Phật, luôn là "bất định pháp". Nên trong tiến trình giáo dục hiển bày chân tâm các hành giả luôn phải nhận thức được điều Đức Phật răn dạy: “Đừng tin những điều nghe nói, hay những cổ truyền, những điều truyền lại từ thời đại xa xưa, những tin đồn, những tranh luận, những luận ý diễn dịch, những hình thức bề ngoài, những ý kiến ưa chuộng, những biện luận và những điều khả dĩ. Và càng đừng tin rằng: ta là Đạo sư của ông. Nhưng nếu chính ông đã thấy bằng kinh nghiệm của mình rằng, đó là điều ác và sẽ dẫn tới sự bất hòa và khổ đau, thì ông phải chối bỏ và chính ông đã thấy bằng kinh nghiệm riêng của mình rằng, đó là một việc thiện và không thể chê trách và sẽ mang tới hạnh phúc và an vui, thì ông phải thực hành”[13]. Nguyên lý này cho thấy, giáo dục Phật giáo không bắt buộc tuân thủ một quy định, một khuôn mẫu nào nhất định. Điều căn bản nhất là phải tùy thuận khế cơ, khế thời, khế lý, và từ đó chủ thể giáo dục đưa ra những phương pháp giáo dục phù hợp.
1.2.2.2 Các phương thức giáo dục Phật giáo
- Các phương thức truyền thống trong giáo dục Phật giáo.
            Phương thức truyền thống trong giáo dục Phật giáo, là hình thức giáo dục, dựa trên tính chất đặc thù của đối tượng, căn cơ, văn hóa, tư tưởng… của từng vùng, từng thời điểm, từng hệ phái Phật giáo, từn giai đoạn Phật giáo khác nhau, có những cách thức và phương pháp giáo dục phù hợp với yêu cầu đặt ra.
            Phương thức trong truyền thống giáo dục Phật giáo Việt Nam bao gồm hai phương thức giáo dục cơ bản là: Phương thức giáo dục Tự viện, và phương thức giao dục Sơn môn.
-  Các phương thức phi truyền thống trong giáo dục Phật giáo.
            Các phương thức phi truyền thống trong giáo dục Phật giáo là các phương thức giáo dục mới được ra đời, do ảnh hưởng của nền giáo dục quốc dân, hoặc đáp ứng những yêu cầu mới của giáo dục Phật giáo hiện nay như: Phương thức giáo dục sơ cấp Phật học, Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học, Học viện Phật giáo…  
 
1.3 TỰ VIỆN VÀ GIÁO DỤC TỰ VIỆN
1.3.1. Tự viện
1.3.1.1 Sự hình thành Tự viện.  
            Tự viện có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ cổ đại. Trong Phật giáo, Tự viện có sớm nhất đó là Tịnh xá Trúc viên ở thành Vương Xá và tịnh xá Kỳ viên ở Thành xá Vệ thuộc Trung Ấn Độ thời Đức Phật còn tại thế.
            Tự viện có sớm nhất ở Trung quốc có nguồn gốc như sau: Vào năm Vĩnh Bình thứ 10 (67) đời vua Minh Đế nhà Đông Hán, các ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đến Trung Quốc truyền đạo, các Ngài được mời ở tạm tại Hồng Lô Tự là nhà Quốc khách để đón tiếp sứ thấn các nước Tây vực. Sau đó, Minh đế ban sắc cất nhà ở ngoài kinh đô Lạc Dương để hai ngài ở lâu dài. Sau khi xây cất, không biết đặt tên cho kiến trúc mới này là gì, bền lấy "Bạch mã" - ngựa trắng mà hai ngài dùng để chở kinh Phật ddwwns, và "Tự" trong Hồng lô tự thành "Bạch mã tự"để kỉ niệm, đó là ngôi chùa đầu tiên tại Trung Quốc, hiện nay vẫn còn và trong đó có hai ngôi tháp một của Ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Như vậy, danh từ "Tự", cốn có nghĩa là "nhà quan"(Hồng lô tự) đã được chuyển sang chỉ cho nơi thờ Phật và Tăng Ni an trụ để tu đạp.
            Còn danh từ "viện" vốn chỉ cho những kiến trúc có xây tường bao chung quanh, hoặc cũng cho cho nhà quan. Đến đời Đường, khi ngài Huyền Trang từ Ấn Độ mang kinh điển Phật về nước, vu Thai tông ban sắc xây "Viện' dịch kinh trong khuôn viên chùa Đại từ ân để ngài ở dịch kinh. Đó là kiến trúc "Viện" đầu tiên của Phật giáo. Đến cuối đời Đường, có rất nhiều chùa Phật được gọi là Viện. Sang đời Tống, các ngôi chùa lớn do các quan xây dựng, phần nhiều cũng được gọi là Viện[14].
            Ở Việt Nam, một trong nhưng ngôi chùa đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là chùa Dâu, vùng Thuận Thành Bắc Ninh. Chùa còn có các tên gọi khác là chùa cả, chùa Cổ Châu, chùa Diên Ứng. Ngôi chùa được xây dựng khoảng những năm đầu kỷ nguyên do các nhà Sư Ấn Độ, theo các thương buôn, đến Việt Nam truyền giáo, dừng chân ở Thuận Thành Bắc Ninh và kiến lập ngôi chùa Dâu, hình thành nên Trung tâm Phật giáo đầu tiên ở Đông Nam Á được gọi là Trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, thì Trung tâm Luy Lâu là một trung tâm Phật giáo lớn, có đến 500 vị Tăng ở, có trước cả trung tâm Lạc Dương và Bành Thành Ở Trung Quốc.
            Về sau, do Việt Nam bị ảnh hưởng văn hóa 1000 năm Bắc thuộc, cho nên, tên những ngôi chùa Phật giáo đều có chữ "Tự" đằng sau.
1.3.1.2. Các quan niệm về “Tự viện”
            Tự viện còn gọi là: Tự sát, Tăng Tự, Tịnh xá, Đạo tràng, Phật sát, Phạm sát, Lãn nhã, Tùng lâm, chiên đàn lâm, Cám viên. Pháp uyển châu lâm quyển 39 còn nêu ra nhiều tên gọi khác như: Tịnh trụ xá, Pháp đồng xá, Xuất thế gian xá, Kim cương tịnh sát, Tịch diệt đạo tràng, Thanh tịnh vô cực biên, Viễn li ác xứ, Thân cận thiện xứ.. Phật quang.
            Tiếng Phạm tương đương với từ 'Tự viện" có: Vihàra, Hán âm là Tỳ ha la, Hán dịch là Trụ xứ, Du hành xứ; Samghàràma, Hán âm là Tăng già lam, Già lam, Hán dịch là Chúng viên; Aranya, Hán âm là Lan nhã, Hán dịch là Vô tránh, Không nhàn xứ. Trong đó Tăng già lam và Tỳ ha la đều có thể dịch là Tịnh xá, nghĩa là nơi để tinh luyện tu hành; A lan nhã là nơi vắng vẻ, nghĩa là nơi yên tĩnh cách xa những xóm làng, thích hợp cho việc tu hành. Tự viện cũng được gọi là Sát, vốn là dịch âm sai của chữ Phạm Lakasatà, có nghĩa cây cột phướn, vì trước các tự viện thường dựng cột phướn nên gọi tự viện là sát.
            Tự viện còn được gọi là Tùng Lâm. Theo Đại Trí Độ Luận quyển 3 thì: chúng tăng hòa hợp ở chung một chỗ, giống như rừng cây tụ tập, nên dùng tùng lâm để ví dụ. Theo kinh A Dục Vương Quyển 7 thì Bẩn đà bà na chính là Tăng viện(pindavana),dịch ý là "Phạn lâm"[15]
1.3.1.3 Định nghĩa tự viện.
            Tự viện hay còn gọi là chùa, là một công trình kiến trúc có tôn thờ các hệ thống tượng Phật giáo, được xây dựng lên nhằm mục đích phục vụ các nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân Phật tử, phục vụ nhu cầu tu học của tầng lớp Tu sĩ Phật giáo.
            Tự viện thời Đức Phật còn tại thế như Kỳ viên, Trúc lâm… chỉ là những trung tâm tu Phật và học Phật, không có có người ở, không có người trụ trì, không cất chứa tiền của, thức ăn, vật dụng…Tuy nhiên, tùy theo từng thời kỳ, quốc độ khác nhau, mà những nhu cầu về trụ trì, ăn ở, sinh hoạt, cất chứa tiền của, vật dụng, vật thực… như ngày nay.
            Theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Chùa, Tổ đình, Tịnh xá, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh thất, Niệm Phật đường (gọi chung là Tự viện), dưới sự quản lý của các cấp Giáo hội. Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
1.3.1.4 Vai trò Tự viện trong quá trình lịch sử phát triển của Phật giáo
            Thời kỳ Đức Phật còn tại thế các ngôi chùa Phật giáo có vai trò là những trung tâm giáo dục Phật giáo. Tuy nhiên những trung tâm này không có nhiều, mặt khác những trung tâm ấy đơn giản chỉ là nhưng khu đất, và những dãy nhà không để đàm thoại Phật pháp. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, tinh thần Phật giáo được truyền bá nhiều nơi trong và ngoài lãnh thổ Ấn Độ, nhiều trung tâm Phật giới mới được xuất hiện, các kỳ kết tập kinh điển diễn ra, kinh sách được in ấn, nhu cầu Phật pháp ngày một cần thiết và đòi hỏi ngày một nhiều, chính vì vậy chùa Phật giáo dần dần thay đổi từ phương thức, có người định cư, và cất chứa tài sản. Vai trò trung tâm Phật giáo không những được đảm bảo, mà còn được nâng lên một tầm mới, trong đó các sinh hoạt tu học Phật giáo được diễn ra thường xuyên, ổn định hơn. Ở các quốc độ và thời điểm khác nhau, tự viện luôn giữ được vị trí trung tâm hoằng truyền Phật giáo.
            Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tự viện ban đầu chỉ mang tính chất như những ngôi đền lớn để nhân dân đến cầu cúng như hệ thống chùa thờ tượng tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp lôi, Pháp điện… Tuy nhiên, sau đó, trong 1000 năm Bắc thuộc, người Việt dị ứng và không mạn mà với Nho giáo, tinh thần Phật giáo lại cởi mở, bao dung, phù hợp với tín ngưỡng thuần Việt, nên Phật giáo mau chóng có sự tiếp biến văn hóa và trở thành một tôn giáo có vai trò chủ đạo ở Việt Nam. Trong giai đoạn này, các ngôi chùa không chỉ là trung tâm Phật giáo, mà đồng thời là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là trường học, bệnh viện… Thầy chùa vừa là thầy tu, lại vừa là thầy giáo, thầy thuốc. Nhận xét về giai đoạn này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Thục cho rằng: "Thời Giao Châu đô hộ phủ, các lò huấn dục nhân tài ắt phải ở tại các ngôi chùa Phật giáo cổ xưa, vốn thân cận với nhân dân bị trị, nơi quy tụ tín ngưỡng của nhân dân"(PGVN, Nguyễn Đăng Thục, T.284). Có thể khảng định, suốt 1000 năm Bắc thuộc, tư tưởng văn hóa Phật giáo, vai trò của các ngôi chùa, cùng với văn hóa làng là cái nôi giữ nền văn hóa Việt đối kháng lại tư tưởng ngu dân đồng hóa của đế quốc phương Bắc. Nhờ vậy, mà văn hóa Việt Nam không bị tiêu diệt bởi 1000 năm Bắc thuộc.   
            Đến thời kỳ Đinh, Lê, Lý, Trần(TK X - TK XII), là thời kỳ Phật giáo cung đình. Phật giáo có vai trò là cố vấn chính trị quan trọng cho chính quyền phong kiến. Đội ngũ các nhà sư lúc này chính là nguyên khí, là tài sản, là đội ngũ tri thức của Dân tộc. Bởi lẽ vua chúa phong kiến thời kỳ này, chịu ảnh hưởng chế độ ngu dân đồng hóa phương Bắc, nên chỉ là những anh hùng áo vải, đứng lên khởi nghĩa. Các nhà sư lại thông Tam giáo do nhu cầu học kinh điển. Bản thân vua Lý Thái Tổ cũng tu ở chùa, và được Thiền Sư Quốc Sư Vạn Hạnh đưa lên ngôi hoàng đế. Vị trí các ngôi tự viện lúc này thêm một vai trò nữa, đó là trung tâm sản sinh ra nhân tài cho đất nước cả về đạo lẫn đời. Nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp khảng định: "Bấy giờ, chưa có các kỳ thi Nho học, những người thông minh và có học chỉ được biết, được học qua các vị Tăng (PGVN, Trần Văn Giáp). Sang thời Trần, vai trò các ngôi tự viện giảm dần các yếu tố chính trị, mà thay vào đó trở thành những Trung tâm văn hóa Phật giáo tại cung đình. Vì vậy, thời đại Lý Trần, Phật giáo phát triển hết sức rực rỡ, bản thân vua Trần Nhân Tông cũng đã ngộ đạo xuất gia tại núi Yên Tử. Từ thế kỷ 12, đến thế kỷ 18, Phật giáo rời cung đình, đi vào dân gian, vai trò các ngôi tự viện thời kỳ này là những trung tâm Phật giáo tín ngưỡng dân gian. Đến khi Thực dân Pháp, Đế quốc Nhật, Mỹ xâm lược Việt Nam, thì chùa triền trong cả nước đều là những căn cứ địa cách mạng, là nơi cất dấu cán bộ, đã góp phần quan trọng đào tạo nên không biết bao nhiêu Đảng viên ưu tú phục vụ cho phong chào đấu tranh giải phóng dân tộc. Cho đến hôm nay, đất nước đang trên đà hội nhập phát triển, các ngôi chùa không chỉ là trung tâm Phật giáo, mà còn có các vai trò giữ gìn bản sắc văn hóa Dân tộc. Đặc biệt ở đó, như là một nơi trở về của tất cả mọi người, để được thanh lọc tâm hồn trước cuộc sống vồn vã, náo nhiệt.
            Với vị trí, vai trò ấy, dân gian đã khảng định:
"Mái chùa che trở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông"
            Hình ảnh mái chùa, cây đa, giếng nước, sân đình… đã trở thành hình ảnh quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam. "Thầy chùa là bùa làng"; "Ngôi chùa là tổ mộ của dân thôn".
1.3.2 Bản chất của Giáo dục tự viện
1.3.2.1 Khái niệm Giáo dục Tự viện.
            Giáo dục tự viện, là hình thức giáo dục "Thầy - trò" tại các tự viện. Trong đó, người thầy sử dụng phương pháp "thị phạm"(Thân - khẩu - ý giáo), trên nền tảng tư tưởng căn bản về Giới - Định - Tuệ, tác động đến người học trò, nhằm giúp người đệ tử lĩnh hội, thực hành, trở nên thuần thục về uy nghi, phép tắc, giới luật, đạo đức, nhân cách, ứng sử, tri thức... thông qua đó, giúp người đệ tử dần trở thành một bậc "Mô phạm", phép tắc trong chốn thiền gia.
            Mặc dù, các phương thức giáo dục khác cũng đều là hình thức của quan hệ giáo dục "Thầy - trò", nhưng chỉ trong Phật giáo, và giáo dục tự viện mới có phương pháp giáo dục "Thị phạm", và cứ thế "Sư truyền sinh thụ", như một sự di truyền ngẫu nhiên của quy luật Phật giáo. Giáo dục thị phạm khác các hình thức và phương thức giáo dục khác. Phương pháp thị phạm không chỉ đề cao mề mặt tri thức, hình thức, nội dung, mà còn hết sức chú trọng về mặt phạm hạnh. Trong đó, tri thức chỉ là một mặt của quá trình giáo dục, mà quan yếu là tính "mô phạm" của người thầy.
1.3.2.2 Nguồn gốc của Giáo dục Tự viện.
            Về hình thức, giáo dục tự viện xuất hiện rõ nét khi Phật giáo Đại thừa Phật triển. Ban đầu, đời sống phạm hạnh của Tăng chúng nương vào tứ y, không ngủ quá ba đêm dưới một gốc cây. Khi tư tưởng Phật giáo Đại thừa phát triển, và những nhu cầu mới của xã hội, đã đòi hỏi cả Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ cần có hình thức tu tập mới đó là Tăng chúng dần chuyển phương thức tu tập khất thực sang phương thức tu tập ổn định tại các tự viện. Khi tự viện được xây dựng, Tăng chúng được hình thành trong các tự viện, thì phương thức giáo dục tự viện xuất hiện.
            Về bản chất, giáo dục tự viện có nguồn gốc từ thời Đức Phật còn tại thế. Ngay sau khi thành đạo, Đức Phật đã sử dụng phương thức giáo dục "Thầy - trò" theo phương pháp "Thị phạm" tại vườn Nai cho năm anh em Ngài Kiều Trần Như. Đây chính là hình thức giáo dục sơ khởi của Phật giáo, cũng là phương thức sơ khởi giáo dục tự viện. Mặc dù sau này, Ngài Cấp Cô Độc ở nước Xá Vệ mới cúng tịnh xá  Trúc Lâm, được coi là ngôi tự viện đầu tiên của Phật giáo cho Đức Phật, nhưng không phải đợi đến lúc này giáo dục tự viện mới được hình thành. Mà ngay tại vườn Nai, hình thức giáo dục tự viện đã ra đời. Vườn Nai, tuy không ai gọi là một ngôi tự viện, tuy nhiên chính tại vườn Nai ngôi Tam bảo đã được hình thành: Phật - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; Pháp - pháp Tứ đế; Tăng - năm anh em Ngài Kiều Trần Như. Theo quan niệm, ở đâu có Tam Bảo, thì ở đó cũng được gọi là tự viện, được gọi là chùa. Nên có thể khảng định, ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo chính là vườn Nai, và hình thức giáo dục tự viện ra đời chính tại vườn Nai.
            Nói một cách khác, ở đâu trong Phật giáo sử dụng phương pháp giáo dục "Thị phạm" đì ở đó có thể được gọi là phương thức giáo dục tự viện. Lúc Phật còn tại thế, bản thân Ngài và các vị đệ tử của Ngài đều sử dụng phương pháp giáo dục "Thị phạm". Khi các ngôi tự viện xuất hiện, phương pháp pháp giáo dục thị phạm không chỉ được kế thừa mà còn được nâng lên một tầm mới bằng hệ thống các thanh quy tự viện.
1.3.2.3 Đặc điểm của giáo dục tự viện.
* Tính mô phạm.
            Giáo dục Phật giáo nói chung và giáo dục tự viện nói riêng, đặc điểm nõ nét và nổi bật nhất đó chính là "Tính mô phạm". Đây là một trong những điều kiện tiên quyết bắt buộc phải có nếu như muốn đạt được mục tiêu giáo dục đề ra. Tính mô phạm chính là điều kiện "cần" không thể thiếu. Nó đồng thời cũng là động lực để thúc đẩy giáo dục tự viện. Thiếu nhân tố này, giáo dục tự viện dễ bị thế tục hóa, mục tiêu giáo dục cũng bị thay đổi theo.
            "Mô phạm" nghĩa là khuôn mẫu, khuôn thước, là chuẩn mực… tính mô phạm là đặc điểm đòi hỏi phải có ở mỗi vị thầy. Giáo dục Phật giáo khác với giáo dục thế gian, giáo dục Phật giáo không đơn giản chỉ là sự truyền trao kiến thức, kinh nghiệm… từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người này sang người khác, mà đó là quá trình chuyển hóa và chuyển đổi đồng thời cả tâm thức, tư duy, hành động của đối tượng giáo dục. Năng lực tham gia chuyển hóa đối tượng giáo dục không chỉ là tri thức, mà năng lực chính phát động chuyển hóa, là nội lực phạm hạnh của chủ thể chuyển hóa đó chính là tính mô phạm của người thầy. Vì quá trình giáo dục Phật giáo bao gồm hai mặt: Tự giáo dục và tha giáo dục. Nếu không có tự giáo dục, sự "mô phạm" có thể bị ngụy trang, nhưng năng lực tâm linh không có. Khi không có năng lực tâm linh, sự chuyển hóa chỉ nghiêng về mặt tuệ học, thiếu yếu tố giới, định, thì kết quả giáo dục không thành tựu như mục tiêu đề ra. Tự giáo dục vốn là bản chất của tính mô phạm. Nghĩa là trước khi muốn giáo dục người, trước tiên phải giáo dục mình. Điều đó đòi hỏi người thầy điều đầu tiên phải trở phải là bậc mô phạm mới có thể giáo hóa và dạy dỗ đệ tử. Cho nên muốn hoàn thiện mục tiêu giáo dục đề ra, Sự tự giáo dục, và trang bị tính mô phạm của người thầy là nhân tố bắt buộc không thể thiếu. Khảng định điều này, Đại sư Trí Húc nhấn mạnh: "Không thể điều phục được mình mà đòi điều phục người; không thể tự độ mà đòi độ tha, mình chưa giải thoát mà muốn giải thoát cho người khác. Tất cả những việc này đều không có được"[16]. Không thể điều phục mình, lại muốn điều phục người, khuông thể độ mình, lại muốn độ người, Đức Phật dạy đó là kẻ đáng sợ: "Có hạn tỷ khiêu không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu trí, mà độ người xuất gia thụ giới. họ không có khả năng dạy chúng tu thân, tu giới, tu tâm, trí. Đó là hạng người đáng sợ thứ nhất. Có hạng tỷ khiêu không tu thân, giới, tâm, trí mà cho ngời khác y chỉ. Họ nuôi Sa di không có khả năng dạy chúng tu thân, giới, tâm, trí. Đó là hạng người đáng sợ thứ hai"[17]
            Khi tính mô phạm đã đầy đủ, thì sự giáo hóa tự nhiên như pháp. Sự mô phạm của người thầy vốn là tấm gương, là khuôn mẫu, đồng thời cũng là mục tiêu, là sản phẩn đầu ra của giáo dục Phật giáo. Do đó, nếu khuôn mẫu không phải là "mô phạm" thì sản phẩm cũng chắc chắn khó có thể "mô phạm". Không có thầy giỏi, khó có trò hay, huống nữa không phải người nào cũng thuộc căn cơ xếp vào loại thượng căn, thượng trí, có thể tự mình bước đi,  như thế mục tiêu giáo dục thất bại.
            Đức Phật vốn đã nhập Niết Bàn, giáo pháp vốn mênh mông, người mới sơ cơ vào đạo, thì vị trí của người thầy sánh ngang vị trí của Phật. Thông qua người thầy, người đệ tử sẽ thấy được tính Phật ở cấp độ nào. Vì thế, người thầy có tính mô phạm cao, thì người đệ tử thấy tính Phật cao, người thầy tính mô phạm thấp thì người đệ tử thấy tính Phật thấp. Nếu vị trí người thầy, được sánh ngang như vị trí của Phật, thử hỏi, khi người thầy thiếu sự mô phạm, người đệ tử sẽ thấy vị Phật của mình ra sao để noi theo? "Cha nghiêm thời con kính. Quy huấn ở ngày nay là mô phạm cho ngày sau"[18], Nếu "Thượng bất chính" thì "Hạ tắc loạn", thầy không là bậc mô phạm, học trò không đúng như pháp cũng là quy luật tất yếu.
            Bản thân người thầy không có mô phạm, không thể giáo dục người đệ tử như pháp. Đó cũng là một trong những tội làm cho Phật pháp bị hoại diệt. Luật Thập tụng thuyết minh: "Một trong năm pháp khiến chính pháp hoại diệt là: không có khả năng khiến cho người lĩnh thụ, không có uy nghi cung kính, không có thuyết pháp, không có khả năng dạy dỗ như pháp"[19]
* Tính "Thị phạm".
            Đặc điểm thứ hai của giáo dục tự viện đó là tính thị phạm. Thị là chỉ dạy, là thực hành; phạm là mô phạm, khuôn mẫu. Giáo dục tự viện, chính là giáo dục thị phạm, là phương thức giáo dục mà người thầy vừa là khuôn mẫu, vừa làm mẫu, bắt tay bẻ ngón từng việc để chỉ dạy người học trò.
* Tính tôn nghiêm.
            Sự tôn nghiêm của ngôi tự viện, được xây dựng bằng tính mô phạm của người thầy, các ứng sử uy nghi, hệ thống thanh quy thiền gia. Và đây cung là  phong  khí Phật giáo. Nếu tự viện không có tôn nghiêm, cũng có nghĩa không có phong khí thiền gia, không có môi trường Phật giáo. Nó là một đặc điểm cho thấy sự khác biệt giữa môi trường thế tục và môi trường trong thiền môn. Muốn phát triển giáo dục tự viện, trước hết phải tạo ra môi trường giáo dục. Không có môi trường giáo dục tốt, điều tất yếu không thể có kết quả giáo dục tốt.
1.3.2.3 Mục đích chức năng giáo dục tự viện.
*  Mục đích
            Mục đích giáo dục tự viện là đào tạo ra một người xuất gia, có đầy đầy đủ phạm hạnh, uy nghi, phép tắc; có tri thức cơ bản về Phật pháp; hình thành, định hướng phương pháp tu tập và lý tưởng giác ngộ.
* Chức năng giáo dục tự viện.
            Giáo dục tự viện có ba chức năng cơ bản như sau:
-  Chức năng giáo dục nhân cách đạo đức cơ bản cho một vị tu sĩ Phật giáo. Theo quy định của luật, mỗi vị xuất gia, sau khi được thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni, thì đều phải tuân thủ quy tắc: "Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật, ngũ hạ dĩ hậu thính giáo tham thiền" (5 hạ đầu tiên phải tinh thông giới luật, thì năm hạ kế tiếp mới được học giáo học thiền). Tuân thủ nguyên tắc này, Vị Tỷ khiêu đó được xem là đã trưởng thành, được phép không phải y chỉ người khác, được phép nuôi dạy để tử, và có thể được coi là kết thúc thời gian giáo dục tự viện đối với bản thân mình. Như thế, theo truyền thống Phật giáo, khoảng thời gian đào tạo nên một vị Tỷ khiêu từ khi nhập đạo, cho đến lúc trưởng thành trong Phật pháp cũng mất khoảng thời gian trên dưới 15 năm. Trong khoảng 15 năm này, vị Tỷ khiêu đó chủ yếu tu tập tại tử viện, và được hình thành nhân cách đạo đức nhờ giáo dục tự viện.
- Chức năng trang bị kiến thức nền tảng. Giáo dục tự viện trang bị cho hành giả những kiến thức nền tảng về Phật pháp như: Uy nghi, thanh quy, Tỳ Ni, Sa di luật nghi yếu lược, Luật Tỷ khiêu, Luật tỷ khiêu ni, Luật tứ phần,  các thời khóa tụng niệm, các kiến thức cơ bản về Phật pháp……
- Chức năng định hướng con đường giải thoát. Từ khi sơ cơ nhập đạo, cho đến khi trở thành một vị tỷ khiêu trưởng thành, nhân cách, đạo đức cơ bản của hành giả xuất gia đã được định hình. Đây là thời điểm then chốt hình thành nhân cách, đạo đức, phạm hạnh. Lý tưởng xuất gia, và lý tưởng giải thoát cũng được hình thành trong thời gian này. Với những tư tưởng căn bản nền tảng về giới luật, uy nghi, phạm hạnh, giáo dục tự viện vừa trang bị cho hành giả xuất gia về tri thức, phạm hạnh, nhưng đồng thời cũng tác động đến hệ tư tưởng những lý tưởng giải thoát. Đó cũng chính là động cơ thúc đẩy hành giả xuất gia nỗ lực trong tương lai.
1.3.2.4 Vai trò giáo dục tự viện.
            Giáo dục tự viện, từ xa xưa cho đến hôm nay luôn giữ một vị trí, vait trò quan trọng trong Phật giáo. Cho dù các phương thức giáo dục hiện đại có xuất hiện và ảnh hưởng đến Phật giáo, thì suốt 2000 năm tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam, giáo dục tự viện luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Xét trên một khía cạnh và nhìn nhận thực tiễn, thì suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam, giáo dục tự viện đã sản sinh ra không biết bao nhiêu bậc pháp khí thiền gia(có những giai đoạn làm nguyên khí, làm đội ngũ tri thức của dân tộc) cho Đạo pháp - Dân tộc. Dù xưa hay nay, giáo dục tự viện luôn có vai trò chủ đạo trong nền giáo dục Phật giáo Việt Nam.
- Giáo dục tự viện là cái nôi đầu tiên giáo dục người xuất gia. Hành giả xuất gia, bước chân vào cửa chùa, nghĩa là đã thay đổi con đường, hướng đi và môi trường sống. Môi trường tự viện, khác hoàn toàn với môi trường thế tục. Trong đó hành giả xuất gia sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về Phật pháp, cùng sự thực hành, thực tập các pháp uy nghi, giới luật, thời khóa… hành giả xuất gia được huân tập và thực tập đời sống phạm hạnh, bắt đầu thay đổi hành động, suy nghĩ về uy nghi, phép tắc, ứng sử… được loại bỏ đi các tập khí và hành động thế tục, thay vào đó là đời sống phạm hạnh. Có thể nói, bước chân vào ngôi chùa, tự nguyện đời sống xuất gia, thực hành như pháp đời sống ấy, hành gia xuất gia đã được sinh ra lần thứ hai trong cuộc đời. Và giáo dục tự viện, chính là cái nôi đầu tiên nâng đỡ hành giả xuất gia trên bước đường tiến tu đạo nghiệp.
- Giáo dục tự viện giữ vai trò chủ đạo quyết định đến nhân cách đạo đức cơ bản và lâu dài của người xuất gia: Theo nguyên tắc tu tập của một vị Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni luật có nêu: "ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật, ngũ hạ dĩ hậu thính giáo tham thiền". Như vậy, hành giả xuất gia, khi thực sự đã được trưởng thành trong Phật pháp, thì đồng nghĩa phải thực tập nguyên tắc trên. Khuông những vậy trong luật lại có chép: : "Ví dù chứng đắc tam minh, lục thông, nếu chưa đủ năm hạ cũng còn phải y vào thầy mà ở. Năm hạ tuy đủ, nếu không rõ khai, gia, trì, phạm thì suốt đời phải y chỉ người khác. Xuất gia đã đủ năm hạ, lại tinh thông giới luật mới cho phép lìa thầy đi ra ngoài để thính giáo, sam thiền"[20]. Cho nên, giáo dục tự viện vai trò chủ đạo trong việc quyết định nhân cách phạm hạnh hành giả xuất gia. Cho đến khi nào, hành giả ấy đã được hình thành đầy đủ nhân cách phạm hạnh như pháp, được trưởng thành trong Phật pháp mới có thể nuôi dạy đệ tử, không phải y chỉ người khác.
- Giáo dục tự viện là cơ sở đảm bảo tính kế thừa và phát triển các truyền thống tu tập Phật giáo: Trong các phương thức giáo dục truyền thống Phật giáo, giáo dục tự viện là phương thức chủ đạo và then chốt. Do đó, giáo dục tự viện luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc kế thừa, phát triển các yếu tố truyền thống Phật giáo. Các phương thức giáo dục mới như phương thức giáo giục Phật đường, ít nhiều chịu ảnh hưởng các phương thức giáo dục hiện đại, nếu không có những hướng đi đúng đắn, các phương thức này dễ để lại những hệ lụy thế tục về bằng cấp, danh lợi, xu hướng thế tục hóa… Đặc biệt, trong xã hội hiện đại, Phật giáo đứng trước nhiều thách thức của vật chất, và đời sống xã hội phát triển, tác động trở lại, thì phương thức giáo dục tự viện có thể coi là một giải pháp tối ưu, để đạo tạo ra những hành giả xuất gia đúng nghĩa, một mặt là lại phương tiện để đối trị lại vật chất và sự phát triển của xã hội. Nếu thực hiện đúng như pháp, thì giáo dục tự viện như một cương giới bảo vệ người xuất gia trước những bão tố trong đời sống xã hội hiện đại.
1.3.3 Nội dung cơ bản của giáo dục tự viện.
1.3.3.1 Chủ thể, đối tượng, phương pháp giáo dục tự viện.
* Chủ thể, đối tượng.
            Chủ thể là đối tượng nhận thức, quyết định đến bản chất nhận thức của con người. Con người vừa là chủ thể vừa là đối tượng của giáo dục. Trong giáo dục tự viện, chủ thể giáo dục là người thầy, còn đối tượng giáo dục là người đệ tử. Mục tiêu của phương thức giáo dục tự viện, không phải tạo ra một người đệ tử giống nguyên bản người thầy, mà giúp người đệ tử trở lại với chính bản thân mình, trên cơ sở tính mô phạm và thị phạm, tri thức Phật pháp làm nền tảng.
*  Phương pháp giáo dục tự viện.
            Phương pháp giáo dục là cách thức phối hợp hoạt động giữa chủ thể giáo dục và đối tượng giáo dục,  nhằm giúp đối tượng giáo dục lĩnh hội thuận lợi một nội dung giáo dục - dạy học, từ đó giúp hình thành ở họ một trình độ phát triển nhất định về mặt nhân cách, đạo đức, học vấn, nhận thức, thái độ, thói quen, hành vi… phù hợp với yêu cầu mục đích và các mục tiêu giáo dục đề ra.
            Không chỉ giáo dục tự viện, trong giáo dục truyền thống Phật giáo, phương pháp giáo dục cơ bản, chủ đạo nhất vẫn là phương pháp giáo dục "Thị phạm". Phương pháp này có nguồn gốc từ thời Đức Phật còn tại thế, và suốt quá trình 49 năm hoằng pháp độ sinh, Đức Phật luôn sử dụng phương pháp thị phạm chuyển hóa các đệ tử: "Đức Phật không dùng ma thuật và phép lạ để lôi kéo, mà dùng phép lạ của sự giáo huấn"[21]. Sự giáo huấn ở đây, chính là "Thân, khẩu, ý giáo" đó chính là phương pháp "Thị phạm". Sau này, Phật giáo có phân làm nhiều hệ phái, tông phái, nhưng Chư Tổ luôn sử dụng phương phạm thị phạm, như một quy chuẩn và tiêu chuẩn trở thành nguyên tắc để giáo dục người xuất gia.
            "Thị" có nghĩa là chỉ dạy, là thực hành, là uấn nắn, là thực tập. "Phạm" là mô phạm, là khuôn mẫu, là phép tắc. Thị phạm có những nghĩa sau:
- Thứ nhất: Người thầy phải là người khuôn mẫu: Nghĩa là muốn "thị" muốn dạy được đệ tử, đòi hỏi người thầy phải có "phạm", là người thầy mô phạm, khuôn mẫu, phép tắc. Đây cũng chính là bậc thầy A Xà Lê - Quỹ Phạm Sư. Truy Môn Cảnh Huấn dạy: "Con chim kia sắp nghỉ ắt phải chọn rừng, con người cần học cũng phải chọn thầy. Thầy chính là khuôn mẫu của mọi người"[22]. Sự mô phạm của thầy chính là yếu tố thân giáo. Thân giáo là hình thức vừa tự giáo dục, nhưng đồng thời cũng là tha giáo dục. Khác với nguyên tắc giáo dục khác, giáo dục Phật giáo đòi hỏi tính "mô phạm" của người thầy rất cao. Vì nó chính là động lực tâm linh để chuyển hóa tâm thức người đệ tử. Người dạy, không đơn giản chỉ là truyền trao tri thức, kiến thức kinh nghiệm, mà cần phải có năng lực phạm hạnh, năng lực tu tập. Năng lực này là sự giáo huấn và chuyển hóa vô hình, nhưng lại đạt hiệu quả cao. Chính vì thế, Đức Phật chỉ im lặng, hay nói câu "hồi đầu thị ngạn"… thì chúng sinh có thể tỉnh ngộ. Hay như Ngài Đại Ca Diếp, chuyên tu hạnh đầu đà, Phật dạy nhờ năng lực tâm linh ấy mà chính pháp được cửu trụ 500 năm. "Tính mô phạm" không đơn giản là khuôn mẫu, nội hàm trong đó là đạo lực của người thầy. Trong Phật giáo, người thầy không có đạo lực, khó có thể chuyển hóa được người học trò. Nếu có chăng đi nữa, chỉ chuyển hóa được về mặt "Trí" mà không thể chuyển hóa được về mặt tuệ. Trí do học có thể có được, còn Tuệ chỉ do tu mới có được. Nếu người thầy không mô phạm, không có đạo lực, thì không thể chuyển hóa, và thăng tiến Tuệ cho người đệ tử. Vì thế: "Người xuất gia cần phải lựa chọn cẩn thận, xét thấy người nào có khả năng dạy dỗ cho mình thành người thì mới làm lễ suy tôn người đó là Thầy mà học tập"[23]
- Thứ hai: Người thầy làm mẫu dạy đệ tử(thầy làm mẫu trước, đệ tử thực hành theo). Có thể khảng định đây là yếu tố then chốt thứ hai trong phương thức giáo dục tự viện. Mục tiêu của giáo dục tự viện là thay đổi tập khí, kỹ năng, ứng sử, hành động… của thế tục, thay bằng những hành đồng, ứng xử… trong thiền môn. Người mới sơ cơ nhập đạo, mọi hành động, ứng sử, hiểu biết trong đạo bằng con số không, giống như người mới được sinh vào Phật pháp. Vì thế, nhiệm vụ của người thầy, giống như nhiệm vụ của người cha người mẹ, bắt đầu dạy con cái từ thủa nằm nôi, dạy từ chập chững bước chân đi, lời ăn, tiếng nói, chử chỉ hành động… Trong đạo cũng thế. Người xuất gia, không coi trong tuổi đời, mà chỉ coi trọng tuổi đạo. Dù ông lão 70, 80 tuổi có vào đạo tu tập đi chăng nữa, cũng chỉ là trẻ thơ mới được sinh ra trong Phật pháp. G.Rutxo - nhà giáo dục Pháp (1712 - 1778), nói: "Giáo dục phải gắn liền với bản tính của đứa trẻ"[24]; JA. Coomenxki - nhà giáo dục Tiệp (1552 - 1670) quan điểm: "Con người trở thành Người chỉ có được nhờ giáo dục ngay từ tuội ấu thơ. Ông khảng định bất cứ đứa trẻ như thế nào cũng có thể trở thành người"[25]. Trẻ thơ, đương nhiên không hiểu biết nhiều, cho nên đòi hỏi người thầy phải làm mẫu. Mình thực hành trước, mình làm mẫu trước, rồi dạy để tử thực tập theo. Các cụ gọi phương pháp giáo dục này là "Bắt tay, bẻ ngón". Người thầy, bắt tay, bẻ ngón, dạy người đệ tử đến từng hành động, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt… Những hành động này tuy nhỏ, nhưng nó lại thể hiện bản chất bên trong của người xuất gia. Huống nữa, nó lại là chủng tử được huân tập từ ngàn đời ngàn kiếp, được thể hiện theo định hướng của tham, sân, si, mạn, nghi, ái, thủ hữu… nên rất khó chuyển đổi, và chuyển hóa. Điều đó, đòi hỏi người thầy phải làm mẫu, phải tác động một cách hệ thống, khoa học, liên tục trong một thời gian dài vào người đệ tử, cho đến khi mọi uy nghi, phép tắc người đệ tử trở nên thuần thục. Nếu không có tính khuôn mẫu của người thầy, không có sự huân tập, thực hành liên tục, bản chất thế tục là tính trội, thì mục tiêu giáo dục thất bại. Người xuất gia: "Đã mặc pháp phục mà xuất gia, thì nhất cử nhất động đều phải là phép tắc"[26]. Nhờ uy nghi, phép tắc mà tập khí thế tục dần được thay đổi.
            Trong sự nghiệp hoằng pháp của mình, Đức Phật luôn lấy mình làm tấm gương cho người đệ tự noi theo. Ngài thân hành, thân giáo trước, rồi các đệ tử thân thừa và thân hành theo. Trước khi chế điều giới nào, và trong quá trình triển khai các điều giới đó, Đức Phật đều thực thực hành trước, thực hành mẫu, và luôn là khuôn mẫu cho các đệ tử thực hành theo: "Đức Phật đích thân chăm sóc đệ tử bị ốm lở loét là Ngài Pùtigatta tissa. Phật dạy: Bất luận ai hết lòng chăm sóc người bệnh, này chư tỷ khiêu, là hành theo lời của Như Lai "[27]. Không chỉ chăm  sóc người ốm, trong mọi Phật sự, Đức Phật đều sử dụng phương pháp "Thị phạm" giáo dục đệ tử của mình. Kết quả phương pháp thị phạm của Ngài đưa đến, các đệ tử Phật, khi thực hành như pháp, đều được xưng tôn là bậc: "Nhân thiên chi mô phạm" - Thầy của trời người.
            Như vậy hai ý nghĩa của phương pháp thị phạm, lại đồng thời là hai nguyên tắc cơ bản giáo dục tự viện. Đặc biệt nó cũng là hai tiêu chí cần phải hội đủ của người thầy mà không thể thiếu một trong hai. Khi tiến hành giáo dục tự viện, người thầy không tuân thủ theo hai nguyên tắc này, và cũng không hội đủ hai điều kiện này, giáo dục tự viện, và mục tiêu giáo dục tự viện chắc chắn thất bại.
1.3.3.1.3 Tư cách nghiệp sư và vai trò của người thầy.
* Tư cách nghiệp sư:
            Luật dạy có các bậc thầy như sau ngồi đàn giới:
+ Thầy Hòa thượng: Tiếng phạn là Ô ba đà la, Trung Quốc dịch là lực sinh, hay gọi là Thân giáo sư, nghĩa là các vị thầy này lấy thân mình giáo dục để tử, nên sinh ngã giới thân, dưỡng ngã tuệ mệnh. Luật quy định thế phát Hòa thượng, với truyền giới Hòa thượng vốn là một người. Mỗi năm người Thầy không được độ quá hai Sa di, hai Tỷ khiêu. Theo luật, ai là Thầy thế phát thì cũng là Thầy truyền giới. Do bản thân những người thế phát không đủ năng lực để truyền giới cho đệ tử nên phải đi thỉnh người khác cao đức hơn, nên gọi là đàn đầu Hòa thượng. Thầy Hòa thượng có bốn loại sau:
- Thầy pháp Hòa thượng
- Thế phát Hòa thượng(Bản sư)
- Truyền giới Hòa thượng(Thầy Hòa thượng)
- Y chỉ Hòa thượng.
+ Thầy Yết Ma A Xà Lê: Thầy Yết Ma A Xà Lê là Thầy làm các pháp yết ma truyền giới. A Xà Lê tiếng Phạn là A Gia Lê Gia, dịch là truyền thụ, hay "Quỹ phạm sư"(có thể làm thầy khuôn mẫu cho kẻ hậu học).
+ Giáo thụ A Xà Lê: Thầy giáo thụ dạy bảo giới tử các uy nghi phép tắc, nghi thức trong giới đàn, sau đó dạy kinh sách cho họ.
+  Thầy tôn chứng: Bao gồm bẩy Thầy, là những người chứng minh và quyết định sự thành tựu của các pháp yết ma thụ giới.
            Theo Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Tập Giải, thầy A Xà lê có năm bậc:
- "Thế độ A Xà lê: Y cứ theo vị đó thế phát xuất gia.
- Yết Ma A Xà lê: Thầy Yết ma thụ giới.
- Giáo thụ A Xà Lê; Thầy dạy bảo uy nghi phép tắc.
- Thụ kinh A Xà Lê: Thầy dạy bảo kinh luận.
- Y chỉ A Xà Lê: nương theo y chỉ trong một đêm"[28].
            Các bậc thầy trên, tuy chức năng có khác nhau, nhưng đều phải đảm bảo những nguyên tắc và điều kiện về phương pháp và tính "thị phạm".
            Tư cách căn bản của nghiệp sư, của người thầy như sau:
- Tăng phải đủ từ mười hạ trở lên, Ni phải 12 hạ
- Có phẩm chất đạo đức, có trí tuệ
- Đối với giới luật phải thanh tịnh và hiểu biết các pháp khai, gia, trì phạm
- Biết pháp: Hiểu biết các pháp Tứ đế, nhân duyên, vô thường, bát chính đạo...
- Có pháp tu chân chính
- Có khả năng giải quyết các nghi nghờ của đệ từ, giải quyết các tà pháp.
- Có Uy nghi, phép tắc, biết dạy đệ tử uy nghi phép tắc.
- Có khả năng nuôi và chăm sóc đệ tử khi bệnh.
- Được Tăng Tác pháp, cho phép thu nhận đệ tử truyền giới cụ túc bằng yết ma súc chúng, yết ma bạch nhị.
            Tư cách giới sư, tư cách người thầy nuôi độ đệ tử rất quan trọng, vì đó chính là khuôn mẫu làm cơ sở hình thành nhân cách cho người đệ tử. Do vậy, nếu người thầy không có tư cách, thì cũng không thể dạy được người đệ tử có tư cách. Người đệ tử khi vào đạo, hầu hết là những người mang tâm và thân thế tục, còn nhiều hữu lậu. Khi vào đạo, nhiệm vụ của người Thầy chính là biến đổi thân tâm thế tục đó của người để tử thành thân và tâm trong sáng của người xuất gia. Khi người Thầy đã hoàn thành bổn phận trách nhiệm của người Thầy, người đệ tử không nên người là do người đệ tử không tự tinh tiến, hoặc vì nghiệp chướng còn sâu dày. Nhưng nếu người thầy không dạy dỗ đệ tử, không hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của người Thầy, thì người để tử hư hỏng, người Thầy phải chịu một trách nhiệm lớn cho sự hư hỏng, không nên người đó của đệ tử. Vì vậy “Làm bậc thầy thâu nhận đệ tử mà không biết giáo dục là một trọng tội”[29] (Yết ma yếu chỉ). Sở dĩ là trọng tội bởi vì Phật pháp tồn tại là bởi chư Tăng thanh tịnh, mà người Thầy có thanh tịnh thì mới dạy được đệ tử thanh tịnh. Nếu người Thầy không thanh tịnh, thì khó mà dạy được đệ tử thanh tịnh, Phật pháp vì thế bị hoại diệt, nên gọi trọng tội. Cho nên Thiện Kinh Giới nói: "Làm Thầy mà không biết răn dạy đệ tử, thì đó là phá Phật pháp, nhất định sẽ đọa vào Địa ngục. Nếu vì danh dự, lợi dưỡng mà tu tập súc dưỡng đồ chúng, đó là Tà Kiến, hủy hoại Phật pháp, là đệ tử của ma. Nếu không nuôi độ đệ tử, chẳng tiếp dẫn đồ chúng, cũng gọi là Tà kiến". Người thầy cũng không thể vin vào cớ trước thầy mình cũng chẳng hiểu kinh luật, chẳng dạy kinh luật, nên mình cũng vậy, như một cái lệ bất thành văn. Hòa thượng Kim Cương Tử đã nhắc nhở điều này: "Việc này không thể vin cớ đại đại số vị tiền bối làm như thế từ bao đời quen rồi, mà cứ lấy cái sai trái làm đúng phải không lưu tâm nghiên cứu luật pháp gì nữa. Đên nỗi ngày càng phạm luật nặng nề, tưởng cứ thế là được. Mà những sơ cơ phải nhắm mắt theo bậc tôn túc vị thiết nhiều công đức lơi ích, khiến cả hậu tiến lẫn tiền tu cũng nhau đi sai đường đạo bồ đề mãi"[30]. Kinh Ưu Bà Tắc giới nói rằng : “ Thà thụ ác giới, trong một ngày mà đoạn vô lượng mạng căn chứ nhất quyết không nuôi dưỡng đệ tử tệ ác không thể điều phục. Vì sao vậy bởi ác luật nghi chỉ đem lại sự tác hại cho thân mình thôi, còn nuôi đệ tử tệ ác, không thể dạy dỗ thì làm cho vô lượng chúng sinh tạo ác. Chúng có thể hủy báng vô lượng pháp tốt đẹp huyền diệu và phá hòa hợp tăng khiến cho nhiều chúng sinh tạo ngũ vô gián tội. Cho nên tai hại hơn ác luật nghi vậy ” và "Cho thụ giới bừa bãi trong một ngày giết vô số mạng sống; cho nên quyết không nuôi đệ tử mà không dạy dỗ". Kinh Bồ Tát Thiện Giới nói: “ Từ những kẻ chiên đà la cho đến hạng đồ tể, tuy làm nghiệp ác, nhưng không phá hoại chính pháp Như Lai, thì không hẳn sẽ đọa vào trong ba đường ác. Nhưng làm thầy mà không thể dạy bảo khiển trách đệ tử thì đó là phá pháp của Phật, chắc chắn đọa vào địa ngục ”. Bách Trượng Thanh Quy nêu: "Vị thầy muốn độ đệ tử mà không khâm thừa lời dạy của Phật, là chưa hiểu trách nhiệm và bổn phận là thầy. Cũng như không theo quy tắc làm sao đủ cơ duyên hướng dẫn đồ chúng trong việc thực hành giáo pháp"[31] . Luật Tăng kỳ nói : "Không được nghĩ rằng nuôi đệ tử để phục vụ cho mình. Nên nghĩ rằng mình độ cho họ để họ nhờ mình mà tu các thiện pháp, đắc thành đạo quả.Phải thành tựu 10 pháp sau đây mới cho độ người xuất gia thụ giới cụ túc :
- Giữ giới
- Học nhiều luật (Thông suốt luật)
- Học nhiều luận (Thông suốt luận)
- Học giới nhiều
- Học thiền định
- Học trí tuệ
- Có thể xuất tội, có khả năng dạy người xuất tội.
- Có khả năng chăm sóc bệnh, có khả năng dạy người chăm sóc bệnh.
- Đệ tử gặp khó khăn, có khả năng giải quyết vấn đề khó khăn đó mau chóng và có khả năng khiến người giải thoát mau chóng.
- Đủ 10 hạ. Vừa đủ 10 hạ mà biết hai bộ luật cũng được độ người
- Không nên nuôi nhiều sa di. Chỉ nên nuôi nhiều lắm là ba vị mà thôi".
            Kinh Đại Tỳ Khiêu Tam Thiên Uy Nghi nói: "Tỷ khiêu giới đủ mười năm mới cho độ người, nếu chẳng biết đủ ngũ pháp, thì suốt đời chẳng được độ người. Ngũ pháp là:
+ Thông hiểu sự lợi ích rộng của hai bộ giới tỷ khiêu, tỷ khiêu ni
+ Giải quyết được nghi vấn và tội kinh trọng đáng phạm của đệ tử
+ Để tử ở phương xa đủ sức khiến đệ tử quay về
+ Phá được kiến chấp tà ác của đệ tử và răn dạy đừng làm điều ác.
+ Nếu đệ tử bệnh, chăm sóc được như cha nuôi con.
            Lại nói Tỷ khiêu muốn độ Sa di phải đủ năm việc:
+ Phải biết 4 bộ A hàm
+ Phải biết giới
+ Phả biết kinh
+ Phải có tuệ
+ Phải có đức
            Lại nói có 5 điều:
+ Phải trì giới
+ Phải không phạm giới
+ PHải nhẫn nhục
+ Phải hiểu được kinh
+ Phải tự giữ tất cả
            Trong Tăng Kỳ Luật quyển 28, Phật nói có mười pháp thành tựu mới cho độ người xuất gia thụ cụ túc giới:
+ Trì giới
+ Học rộng A tỳ đàm
+ Học giới
+ Học định
+ Học tuệ
+ Có thể xuất tội và khiến người xuất tội
+ Có thể săn sóc bệnh và sai người săn sóc bệnh
+ Đệ tử gặp nạn có thể sai người đưa đi
+ Đủ 10 hạ.
            Thiện Kiến Luật nói: Nếu chẳng biết luật, biết Tu đa la, A tỳ đàm thì chẳng thể độ được Sa di"[32]
            Nói rộng về tư cách người Thầy trong Tứ Phần luật có dạy:
- "Có năm pháp không thành tựu  thì không  được trao giới cụ túc cho người: giới   không  thànhtựu, định không thành tựu, trí tuệ không thành tựu, giải thoát không  thành tựu, giải thoát tri kiến không thành tựu.
- Tự thân giới không thành tựu, không thể dạy người kiên trụ nơi giới. Tự thân  định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến không thành tựu, không thể dạy người   kiên trụ đối với định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến
- không  tín, không tàm, không quí, biếng nhác, quên nhiều. Năm pháp trên thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người .
- Phá tăng thượng giới, phá tăng thượng kiến, phá tăng thượng oai nghi, ít học,  không trí tuệ. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người
- không chăm sóc bệnh cho đệ tử, không thể nhờ người chăm sóc cho đến khi   lành hay qua đời; đệ tử không thích sống trú xứ này mà không thể phương tiện gởi đi chỗ khác; đệ tử có điều nghi không thể giải quyết được như pháp, như luật,  như lời Phật dạy; không thể giáo thọ để bỏ ác kiến, trụ nơi thiện kiến; hoặc dưới mười tuổi. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người.
- Không biết điều gì phạm, không biết điều gì không phạm, không biết điều gì  khinh, không biết điều gì trọng, dưới mười tuổi hạ. Năm pháp này thành tựu thì   không được trao giới cụ cho người.
- Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không biết giáo thụ đệ tử tăng thượng oai nghi,tăng thượng tịnh hạnh, tăng thượng Ba-la-đề-mộc-xoa, bạch và yết-ma. Không biết tăng giới, tăng tâm, tăng trí tuệ, không  biết bạch, không biết yết-ma.
- Cũng  như vậy không được cho y chỉ và được phép cho y chỉ , không
được nuôi  sa-di  và được phép cho nuôi  sa-di , đều như trên"[33].
            Còn Bộ luật Nhiếp nói : Đủ 10 hạ, ở vào vị trí bậc thầy, nhưng phải thành tựu 5 pháp :
- Biết có tội.
- Biết không phạm tội.
- Biết phạm nhẹ.
- Biết phạm nặng.
- Đối với kinh Biệt Giải Thoát phải thấu hiểu thâm nghĩa, đối với các học xứ nên hiểu rõ duyên khởi kết giới, tùy khai như thế nào. Nếu gặp nạn duyên khác biết vận dụng. Thường tụng giới bản, có thể giải quyết lòng nghi của người khác. Hiểu nghĩa về giới luật ; mình người đều được lợi.Uy nghi hành pháp không hề sai phạm. Đầy đủ đức độ như vậy gọi là thân giáo sư.
* Trách nhiệm người Thầy.
            Trong Luật Tứ Phần ghi: "Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở  trách, rồi bảo các tỳ-kheo: "Từ nay về sau phải chế pháp tắc của Hòa thượng, bắt buộc phải làm  theo  pháp Hòa thượng. Hòa thượng đối với đệ tử phải  có phận sự  như vậy, nên thực hành pháp như vậy: Nếu đệ tử bị chúng Tăng tác pháp yết-ma, tác pháp ha trách, tác pháp tẩn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác  pháp cử tội; thì Hòa  thượng nên như pháp liệu lý, khiến cho Tăng  đối với đệ tử  ấy không tác pháp yết-ma. Nếu trường hợp phải tác pháp, thì khiến cho đúng pháp. Nếu Tăng đối với đệ tử ấy tác pháp yết-ma, tác pháp ha trách, ác pháp tẩn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y,tác pháp cử tội; thì Hòa thượng nên liệu lý như pháp, khiến đệ tử thuận tùng Tăng không trái nghịch, cần cầu, trừ bỏ tội lỗi, khiến cho Tăng sớm vì đệ tử giải pháp yết-ma.Trường hợp đệ tử  phạmTăng  tàn, Hòa  thượng nên liệu lý như pháp. Cần cho ba-lợi -bà-sa thì cho ba- lợi-bà-sa. Cần cho bản nhật trị thì cho bản nhật trị. Cần cho ma-na-đỏa  thì cho ma-na-đỏa. Cần xuất tội thì nên xuấ tội"[34]. "Nếu đệ tử bị bệnh, Hòa thượng nên chăm sóc, hoặc nhờ người khác chăm sóc cho đến khi  lành hay mạng chung. Nếu đệ tử không thích sống nơi trú xứ này, nên tự mình đưa đi hay nhờ người đưa đi đến trú xứ khác. Nếu đệ tử có điều nghi, nên đem pháp, đem luật, đemlời Phật dạy giáo dục đúng  như  pháp để trừ nghi.Nếu đệ tử sinh ác kiến, nên giáo thọ khiến cho bỏ ác kiến, an trụ nơi  thiện  kiến. Nên dùng hai pháp để nhiếp hộ, tức là pháp và y thực. Dùng pháp nhiếp hộ là dạy tăng  thượng giới, tăng  thượng  tâm,tăng  thượng  huệ, dạy học vấn, tụng kinh. Dùng y thực nhiếp hộ là cho y thực, giường, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh theo khả năng có thể. “Từ  nay về sau chế  phép tắc cho Hòa thượng  như vậy.  Hòa  thượng nên  làm  như vậy. Nếu Hòa thượng không làm thì như pháp trị"[35]
            "Đệ tử có năm việc, Hòa thượng, A-xà-lê  nên  khiển trách  đệ tử: không  biết xấu, không biết hổ, không nghe lời dạy, làm điều phi  uy nghi , không  cung  kính.  Đệ tử  có năm việc như vậy Hòa thượng, A xà-lê cần phải quở trách. Hòa thượng,  Axà-lê cần phải quở trách đệ tử:  làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến nhà dâm nữ, ưa đến  nhà phụ nữ, ưa đến nhà đồng nữ lớn, ưa đến nhà  huỳnh môn, ưa đến tinh xá của Tỳ-khiêu-ni, ưa đến tịnh xá của thức-xoa-ma-na, sa-di -ni, ưa xem bắt ba ba, rùa"[36].
            "Đức Thế Tôn cho phép  khiển  trách đệ tử.  Cáctỳ-kheo lại khiển trách suốt đời . Đức Phật dạy: “Không được khiển trách suốt đời .” Vị  ấy khiển trách suốt mùa an cư. Đức Phật dạy: “Không được như vậy.”; “Không được khiển trách người bệnh.”, “Không nên quở trách người vắng mặt.”, “Không nên không nói rõ tội trạng  mà  khiển  trách". Nên nói  rõ tội trạng như vậy: ‘Ngươi phạm tội như vậy, như vậy”. Người bị  khiển trách rồi lại cung cấp vật dụng và chịu sai  khiến. Đức Phật dạy: “Không  nên nhưvậy.” Vị kia đã tác pháp quở trách rồi vẫn nhận sự cung cấp  và  sai  khiến người ấy; Ngưòi  khiển trách rồi  mà vẫn ở đó y chỉ; Vị kia tác pháp khiển  trách rồi  mà vẫn  cho  người  ấy  y chỉ; Người bị quở trách rồi  không sám hối  Hòa thượng, A-xà-lê, bèn đi. Đức Phật dạy: “Không  nên như vậy.” Người bị quở trách rồi bèn ở bên cácTỷ khiêu  khác, không chấp sự cho  Hòa  thượng, A-xà-lê,  mà cũng  không  chấp sự  cáct ỳ-kheo khác, Người bị quở trách rồi không có người hướng dẫn việc  tùy  thuận nên bỏ đi xa hoặc thôi  tu, hoặc không tin ưa Phật pháp. Đức Phật dạy: “Nhữngvị khác  nên với  ý nghĩ vì Hòa thượng, A-xà-lê của vị ấy khuyên họ sám hối để thầy trò hòa hợp.” Bấy giờ nhóm  sáu Tỷ khiêu dụ dẫn đệ tử người khác đi . Các Tỷ khiêu đến bạch đức Phật. Đức Phật dạy: “Không  được dụ dẫn đệ tử  người  khác  đi . Nếu dụ dẫn đi thì nên như pháp trị .” Vị Hòa  thượng,  A-xà-lê kia hoặc phá giới, phá  kiến, phá uy nghi,hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn,  hoặc đáng diệt tẫn, đối với pháp sa-môn khônglợi ích. Các Tỷ khiêu đến bạch Phật. Phật dạy: “Cho  phép dụ dẫn đi ,với ý nghĩ khuyên bảo để cho vị ấy được thêm lớn sự lợi ích đối với pháp sa-môn.”[37]
            Cũng theo luật Ma Ha Tăng Kỳ quy định : Hòa Thượng, A xà lê nên dạy bảo đệ tử đồng hành, đệ tử y chỉ. Phương pháp dạy dỗ là:
-Họ không thanh tịnh nên ngăn cản.
- Khuyên đừng đến những nơi không nên đến.
- Họ bị yết ma phải giúp đỡ.
- Họ sinh tà kiến, mình phải giải tỏa, hay nhờ người giải tỏa.
- Tự mình xuất tội, hay nhờ người xuất tội.
- Khi họ bệnh, tự mình hoặc nhờ người chăm sóc.
* Bổn phận người đệ tử. 
            Người đệ tử, ngoài bổn phận tu tập, còn có bổn phận kính hầu thầy. Khi vào đạo, vị trí của người thầy đối với đệ tử, tương đương vị trí cha mẹ, sánh ngang như vị trí của Phật. Vì vậy, người đệ tử phải rất mực kính hầu thầy. Căn Bản Tạp Sự thuyết minh: "Có người nương tựa thầy, xuất gia trong giáo pháp của Phật, cạo bỏ râu tóc, mắc áo pháp của Phật, tâm hồn trong trắng, đầy đủ lòng tin, gọi là xuất gia như pháp. Người ấy đối với Thầy, cho đến trọn đời tứ sự cúng dường cung chưa thể trả hết ơn"[38]. Cho nên Bộ Luật Nhiếp nói: "Trường hợp cha mẹ và hai thầy(Hòa thượng, A Xà lê), bốn hạng người này có phá giới, vân nên cúng dường, không nên khinh mạn"[39]
            Nói về bổn phận người đệ tử, Luật Tứ phần chép: Pháp của  đệ tử là: "Nếu Hòa thượng bị chúng Tăng tác pháp yết-ma, tác pháp ha trách, tác pháp tẩn xuất, tác  pháp y  chỉ, tác pháp ngăn  không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội, thì đệ tử phải nên như pháp liệu lý, khiến choTăng không tác pháp yết-ma đối với Hòa  thượng. Nếu phải tác pháp thì khiến cho nhẹ bớt. Nếu Tăng tác pháp yết-ma  đối với Hòa thượng, tác pháp ha trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp  ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội, thì đệ tử nên liệu lý như pháp, khiến Hòa thượng thuận tùng Tăng, không trái nghịch. Cần cầu, trừ tội, khiến Tăng mau giải yết-ma. Trường hợp Hòa thượng phạm Tăng tàn, đệ tử nên liệu lý như pháp. Cần  hành ba-lợi -bà-sa  thì cho ba-lợi -bà-sa. Cần  trao bản nhật trị thì trao bả nhật trị. Cần trao ma-na-đỏa thì  trao ma-na-đỏa. Cần xuất tội thì  nên xuất tội. Nếu Hòa thượng bị bệnh, đệ tử phải chăm sóc hoặc nhờ người chăm sóc cho đến khi mạnh khoẻ hay mạng chung. Nếu ý của Hòa thượng không muốn ở trú xứ này thì  nên tự dời hay nhờ người khác dời. Nếu Hòa thượng có điều gì nghi ngờ thì nên đem pháp, đem luật,đem lời Phật dạy giải quyết như pháp. Nếu Hòa thượng sinh ác kiến thì khuyên khiến cho bỏ ác kiến, trụ nơi  thiện kiến. Nên dùng hai việc để nhiếp hộ, tức là pháp và y thực. Dùng pháp nhiếp hộ: l à khuyên khiến cho tăng giới ,tăng tâm, tăng  huệ, học vấn, tụng kinh. Y thực nhiếp hộ: là phải cúng dường y thực, giường nệm, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh, vật cần dùng theo khả năng của mình có thể. Đệ tử  không thưa với Hòa thượng thì không được vào thôn, không được đến nhà người, không được theo các Tỷ khiêu  khác, hoặc làm bạn với các Tỷ khiêu khác; không  được  cho, không  được nhận, không được giúp đỡ các việc, không được cạo đầu cho người khác, không được nhờ người  khác cạo đầu, không được vào nhà tắm để tắm, không được xoa kỳ thân cho người , không được nhờ người xoa kỳ thân, không được ban ngày đến phòng (khác) của trú xứ, không được đến nơi gò mả, không được ra ngoài giới, không được đến phương khác. Đệ tử nên mỗi sáng sớm vào phòng Hòa thượng thọ pháp, tụng kinh hỏi nghĩa; nên đem đổ đồ tiểu  tiện, nên bạch  giờ cơm; cung cấp tháo đậu hoặc phân bò, tro để rửa tay. Nếu có thức ăn gì thì nên nhận phần của Hòa thượng. Nếu trong Tăng có lợi dưỡng, nên nhận cho Hòa thượng. Nên đem tháo đậu, tăm xỉa răng trao cho Hòa thượng để Hòa thượng rửa tay,súc miệng. Có thức ăn dâng cho Hòa thượng. Trong Tăng có lợi dưỡng nên bạch với  Hòa  thượng: ‘Có  phẩm vật như vậy là phần của Hòa thượng. Đệ tử muốn xin  phép  Hòa thượng vào thôn, nói: Con xin phép vào thôn, bạch Hòa thượng, được  không?’ Nếu  Hòa  thượng  nói: ‘Không được vào, thì hỏi: ‘Vậy lấy thức ăn ở đâu?’ Nếu Hòa thượng nói:‘Lấy thức ăn tại chỗ nào đó’, thì nên như lời dạy, đến đó để lấy. Nếu Hòa thượng trả lời: Tôi vào thôn, đệ tử nên rửa tay, nhẹ nhàng lấy y từ trên giá, đừng cho nhầm lộn; lấy an-đà-hội trương ra đập giũ, xem xét có các loài ác trùng như rắn, ong  không; kế đó lấy dây buộc lấy tăng kỳ chi, uất đa la tăng ra đập rũ, xem xét có các loài ác trùng như rắn, bọ cạp, ong không, trao cho Hòa thượng. Nên xếp tăng già lê đội trên đầu hay trên vai. Kết đó lấy bình bát dùng tháo đậu, tro, phân bò, rửa cho sạch đựng vào trong đãy lưới hoặc lấy khăn tay gói lại, hoặc để trong đãy đựng bát, rồi mang đi. Nên lấy áo lót cho Hòa thượng. Lại lấy những vật rửa chân, tấm giạ để nằm, chăn trao cho Hòa thượng. Khi Hòa thượng xuất hành, nên lấy đoi guốc đi đường của Hòa thượng ra ngoài phòng. Khi ra khỏi phòng xá nên xem lại cửa lấy, lấy tay xô thử cánh cửa có chắc hay không. Nếu không chắc, phải đóng lại. Nếu chắc rồi thì bỏ sợ dây vào trong. Xem khắp bốn bên, cất chìa khóa chỗ kín. Nếu sợ người thấy hay sợ không chắc, bị người thấy thì nên đem theo, hoặc dời chỗ khác kín và chắc. Mời Hòa thượng đi trước. Trên đường đi gặp người quen biết nên khéo lời chào hỏi với thiện tâm ghi nhớ. Khi đi nên tránh người đi đường. Khi thầy muốn vào thôn nên tạm dừng lại bên đường để bát xuống một bên, lấy y tăng già lê từ trên đầu hay trên vai xuông trương ra xem coi có rắn, bọ cạp, loài ác trung hay không rồi mới trao cho Hòa thượng. Nếu bên ngoài thôn có khách xá hay quán bán hàng, hay phường hội, thì nên đem đôi guốc đi đường gởi trong đó, rồi hỏi Hòa thượng: Thưa thầy, con có đi theo hay không? Nếu Thầy bảo đi thì đi. Nếu nói không cần đi, Thầy bảo chờ chỗ nào đó thì chờ. Nếu Hòa thượng vào thôn mà trở ra không đúng giờ, thì nên nghĩ như sau: Vào thôn khất thực, đây là phần dành Hòa thượng, đây là phần thuộc về mình. Khi Thầy ra khỏi thôn, nên đến chỗ gửi đôi guốc đi đường lấy lại, rồi ghé bên đường, để bình bát xuống đất, xếp tăng già lê, đội lại trên đầu hay trên vai. Giữa đường gặp người quen biết nên với thiện ý hỏi chào. Nếu Hòa thượng dùng cơm chỗ nào thì nên quét dọn cho sạch, trải tọa cụ, bình nước sạch đầy đủ, đồ tắm rửa, đồ đựng thức ăn. Nên trao cho Hòa thượng ghế ngồi tắm, hòn đá rửa chân, khăn lau chân. từ xa thấy Hòa thượng đến, liền đứng dậy nghin đón, rước bình bát nơi tay, đặt trên đế để bát, hay trên bàn để bát, hoặc treo nơi đầu võng; lấy tăng già lê từ trên đầu hay trên vai đem ra có mồ hôi, đất bẩn hay không, hoặc bị bùn nhơ hay phân chim...Nếu có các thứ bẩn ấy thì đem giặt cho sạch, vắt ráo nước, đem ra phơi trên giường cây hay giường dây. Lại nên trải chỗ ngồi cho Hòa thượng; mang guốc dép, đá rửa chân, khăn lau chân, đồ đựng nước cho Hòa thượng. Đập đoi guốc rồi nên để bên tả chỗ đất không ẩm thấp. Nếu chỗ đất bị ẩm thấp thì nên dời chỗ khác. Hòa thượng rửa chân rồi nên đổ nước, đem hòn đá rửa chân, khăn lau chân để lại chỗ cũ rồi rửa tay mình cho sạch, trao nước sách cho Hòa thượng rửa tay. Mình có thức ăn gì nên đem dâng lên Hòa thường và thưa: đây là phần ăn của con, mời Hòa thượng dùng. Nếu Hòa thượng dùng thì phải đứng hầu, cung cấp các thức cần dùng. Sau bữa ăn có sữa, nước nấu, cao nước, muối chua, nước đại mạch, rau hay củ nên dâng Thầy. nếu nóng thì quậy cho nguội, cầm nước thì dâng nước. Nếu gần quá nửa ngày thì nên cùng thầy đồng ăn. Hòa thượng dùng rồi nên rước bình bát từ nơi tay đem rửa. Mình ăn rồi còn thức ăn dư nên cho người hoặc phi nhân, hay đổ nơi chỗ đất sạch không có cỏ hoặc chỗ nước sạch không có quăng. Lấy tọa cụ, đồ rửa chân bình tịnh thủy, bình súc miệng để trở lại chỗ cũ: đem dẹp sạch sẽ chỗ ăn. Khi vào phòng Hòa thượng nên để ý xem có bụi đất hay khoong, nếu có phải lau quét. giường dây, giường cây, tọa cụ, nệm lớn nệm nhỏ, gối chăn, mềm, chân giường, đồ trải dưới đất nên ghi nhớ chỗ để của nó rồi đem ra ngoài hong phơi. Khi lau quét dọn dẹp trong phòng nên để ý, nếu có ống đựng kim chỉ, dao hoặc vải y rách chũ cho đến một vài viên thuốc cũng để chỗ dễ thấy để người chủ thấy mà lấy. Nên lau quét trên các cây móc y, trên cọc, hoặc trên móc ngà voi. Nếu trong phòng bị hư mục, hay bị chuột làm ổ thì phải tu bổ sửa sang lại, cần trét thì trét, cần nện thì nện, cần làm cho bằng thì làm cho bằng, cần dùng nước bùn rưới lên trên cho sạch sẽ thì nên dùng nước vùn rưới lên cho sạch, nên dùng đất trải lên trên cho khô ráo, thì làm cho khô giáo"[40]
* Quan hệ thầy trò.
            "Người xuất gia là bỏ gia đình, bỏ cha mẹ để sống đời phạm hạnh. Cuộc sống thiếu thốn tình cảm cha mẹ được người thầy bồi đắp và giữ vai trò thay thế cha mẹ đẻ. Trong đạo Phật có thuật ngữ “Sư phụ” để chỉ cho ý này. Người thầy ngoài chức năng làm “Sư” (thầy) mà còn cả chức năng làm “Phụ” (Cha). Ngược lại, người sơ cơ xuất gia cũng có trách nhiệm “Đệ tử”. Vừa là “Đệ” (học trò) nhưng vẫn có chức năng “Tử” (Con). Do đó, người thầy phải coi đệ tử của mình như con đẻ, người trò con thầy mình chư cha (mẹ) sinh ra. Thầy trò giữ đúng trách nhiệm thì đạo ngày càng thêm lớn, chúng sinh càng được lợi lạc. Trong quan hệ thầy-trò nếu thiếu một phía cũng không được. Người thầy làm tròn bổn phận của mình nhưng đệ tử thiếu trách nhiệm của người đệ tử thì việc tu đạo không lợi ích cho trò. Nếu trò làm tròn bổn phận nhưng thầy thiếu một phần trách nhiệm thì học trò cũng không thể tiến tu đạo nghiệp được. Quan hệ biện chứng Thầy – Trò cần phải rõ ràng, đúng chuẩn mực như luật thì đời sống tu tập sẽ thăng tiến, Phật pháp có người nối tiếp. Trước đã nói tư cách làm thầy, phần tiếp theo cũng cần nêu trách nhiệm của học trò.
            Nếu người xuất gia có ý chí, trước khi xuất gia phần phải biết bốn tiêu chí sau để lựa chọn thầy.
Theo luật Tăng kỳ, tiêu chuẩn để lựa chọn đó là :
  • Hạng thầy không thưa mà đi: Có những vị thầy sống nương tựa với họ không có y phục ẩm thực, khi đau ốm không có thuốc men, cũng không thể thuyết giảng về quả vị Sa-môn vô thượng của người xuất gia tu phạm hạnh. Hạng thầy như vậy không cần thưa mà nên bỏ đi.
  • Hạng thầy thưa rồi mới đi: Có những vị thầy sống nương tựa với họ, tuy có y phục ẩm thực, khi đau ốm có thuốc men nhưng không thể thuyết giảng về quả Sa-môn vô thượng của người xuất gia tu phạm hạnh. Hạng thầy như vậy nên thưa rồi mới đi.
  • Hạng thầy dù khổ vẫn ở: Có những vị thầy sống nương tựa với họ, tuy không có y phục ẩm thực, khi đau ốm không có thuốc men, nhưng khéo thuyết giảng về quả vị Sa-môn vô thượng của hạnh xuất gia tu phạm hạnh. Hạng thầy như vậy tuy sống với họ cực khổ suốt đời cũng không nên rời bỏ.
  • Hạng thầy sống gần được an vui: Có những vị thầy sống nương tựa với họ, họ có thể cung cấp y phục ẩm thực, khi đau ốm có thuốc men, có thể thuyết giảng về quả vị Sa-môn Vô thượng của người xuất gia tu phạm hạnh. Hạng thầy như vậy, dù có bị xua đuổi, suốt đời cũng không nên rời bỏ"[41].
1.3.3.2 Nội dung giáo dục.
1.3.3.2.1 Tịnh nhân, Hình đồng Sa di Tăng, Hình đồng Sa di Ni.
1.3.3.2.1.1 Định nghĩa.
            Hình đồng Sa di Tăng, Hình đồng Sa di Ni, là người tập sự xuất gia, được thụ Tam quy, Ngũ giới, được mặc áo nâu, có hình tướng đồng với Sa di Tăng, Sa di Ni, nhưng chưa được thụ giới Sa di.
            Tịnh nhân cũng được gọi là Hình đồng. Bách Trượng Thanh Quy định nghĩa: " xưa người ngoài ngoài phát tâm xuất gia, hay người muốn xin cầu học; sợ họ gian thật - giả khó lường cho nên trước phải cho thọ ba pháp quy y gọi là hình đồng, cũng gọi là Tịnh nhân. Chứng tỏ người có hạnh thanh tịnh, vào Tam bảo mà không bị năm món ràng buộc. Từ do giao công việc phục dịch công quả thừa hành Phật sự"[42]
1.3.3.2.1.2. Kiểm tra động cơ và thời gian thử thách.
            * Kiểm tra động cơ.
            Kiểm tra động cơ, là bước đầu tiên nhận người xuất gia nhập đạo. Người thầy kiểm tra người để tử của mình động cơ tu tập xuất gia, kiểm tra về thân thế, các căn… xem có đủ các tiêu chí về độ người xuất gia hay không. Nếu đủ tiêu chí thì độ, không đủ tiêu chí thì không nên độ.
            Người xuất gia, vốn để làm bậc "Nhân thiên chi mô phạm", nên tiêu chí được xuất gia Đức Phật quy định phải đảm bảo 13 già nạn không phạm. Tu tuy không có hình tướng tại gia hay xuất gia. Nhưng xuất gia, lại phải thực hành các công việc Phật sự, mang tính mô phạm, khuôn mẫu cao. Do đó, nếu người xuất gia không phải là bậc mô phạm, thì đó là kẻ phá hoại Phật pháp. Kinh Phạm võng nêu: "Phật pháp chẳng phải ngoại đạo, thiên ma phá được, như sư tử, chỉ có vi trùng bên trong mới ăn thịt nó. Giáo pháp của Như Lai chỉ đệ tự Phật mới hoại diệt được". Luật Tăng Kỳ nói: "Không nên được nghĩ rằng nuôi Tiểu để nó phục vụ cho mình. Nên nghĩ rằng mình độ họ để nhọ nhờ mình mà tu các thiện pháp, đắc thành đạo quả"[43]. Vì thế, kiểm tra động cơ xuất gia, là bước đầu chọn lọc những yếu tố có thể phát triển thành bậc "mô phạm" trong chốn tùng lâm.
            Nói về kiểm tra động cơ độ người, Luật ngũ phần nói : "Khi độ người nên hỏi : “ Ngươi vì cái gì xin đi xuất gia ? ”. Nếu họ nói là vì cơm áo thì không nên độ. Nếu họ nói vì cầu pháp lành, nhàm chán sinh lão bệnh tử ưu bi khổ não thì nên độ"[44]. Trùng Trị Tỳ Ni dạy: "Đối với người tín tâm xuất gia thì không trở ngại. Kẻ tà tâm nhập đạo cần phải gạn lọc. Đối với người thiện tâm mà trở ngại thì làm cho họ thối mất thiện căn, mà nếu không gạn lọc thì làm cho Phật pháp bị bại hoại"[45]. Bách Trượng Thanh Quy khuyên: "Nếu người căn cơ thấp kém, nghĩ thương muốn giúp đỡ, tạm gửi một nơi âm thầm tu tập để dò xét, theo dõi chờ một thời gian cho lòng tin thêm vững, lúc đó cầu xin xuống tóc chư muộn. Vì thế độ, cần nhất thầy thế độ phải có cặp mắt tinh vi vừa trông một người là thấu hiểu"[46]. Việc truyền độ người xưa nay chẳng phải việc dễ: "Truyền đạo lợi sinh, cần ở chỗ chọn lựa được người, mà biết người là một việc rất khó, cũng đến ngay như bậc thánh triết còn lấy đó làm lo"[47]
            Theo nguyên tắc của luật, trước khi thụ giới Sa di, Thanh Văn, phải kiểm tra 13 già nạn. Tuy nhiên, người thầy có thể kiểm tra 13 già nạn này của người đệ tử ngay mới lúc nhập đạo. Nếu bước đầu không đảm bảo tiêu chí, thì đến lúc thụ giới, cũng chẳng thể thụ. 13 già nạn bao gồm:
  • Không phạm biên tội
  • Không làm ô nhục Tỷ khiêu Ni.
  • Không phải là tặc tâm thụ giới.
  • Không phá nội ngoại đạo.
  • Không phải là hoàng môn.
  • Không giết cha
  • Không giết mẹ.
  • Không giết A la hán.
  • Không phá hòa hợp Tăng.
  • Không có ác tâm phá tượng Phật.
  • Không phải là phi nhân
  • Không phải là Súc sinh.
  • Không phải là ái nam, ái nữ
Bách Trượng Thanh Quy dạy tám điều kiện độ người xuất gia như sau:
  • "Cha mẹ không cho phép không được giữ đương sự ở lại.
  • Không nhận cho xuất gia người phạm pháp bỏ trốn đi tu
  • Kẻ bị giữ giữ, tù tội không cho tu.
  • Người theo ngoại đạo trà trộn làm lũng đoạn chính pháp không cho xuất gia.
  • Người không có thân nhân, lai lịch bất minh không cho đi tu.
  • Sau khi được chấp thuận ở chùa phải học thuộc các thời khóa tụng; siêng năng không lỗi lầ mới cho xuống tóc. Khảo sát không thuộc kinh không cho cạo tóc.
  • Người đã xin xuất gia đối với lễ nghi, phép tắc phải nhất nhất tuân hành.
  • Xuất gia ở tùng lâm nên tuân theo lệ cấm xưa. Chỉ y theo một người là vị trụ trì"[48].
            Theo cuốn công đức của người xuất gia, Đức Phật quy định : Mười hai loại người không được thế độ xuất gia.
  • Người dưới bảy tuổi, vì tuổi đời họ còn nhỏ, không tự chăm sóc cho bản thân được, phải cần đến người khác chăm sóc thì không được xuất gia.
  • Người già tuổi cao, ốm yếu, không tự chăm sóc cho bản thân nên không được xuất gia. 
  • Người sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không đầy đủ thì không được xuất gia.
  • Hoàng môn không được xuất gia, Hoàng môn chỉ những người thái giám ở trong cung vua, con trai không có sinh thực khí (dương vật).
  • Thân hai hình không được xuất gia. Đây là chỉ người trên cơ thể của họ có hai bộ phận sinh dục nam và nữ.
  • Cha mẹ không đồng ý thì không được xuất gia.
  • Người nợ nần quá nhiều không được xuất gia.
  • Người mà có tâm giặc vào đạo cũng không được xuất gia.
  • Ngoại đạo đồ chúng không được xuất gia.
  • Phi nhân không được xuất gia. Là chỉ quỷ thần, trời rồng, yêu tinh... dùng các phép thần thông để biến thành người, có thể sống thời gian dài như con người.
  • Phạm tứ trọng giới không được xuất gia. Tứ trọng giới là chỉ: sát, đạo, dâm, vọng. Đó là người có tính ác sâu nặng, ăn sâu vào tâm thức. Những người như thế không được xuất gia.
  • Người tạo tội ngũ nghịch không được xuất gia. Ngũ nghịch là chỉ những người giết cha, giết mẹ, giết A - La – Hán, phá hòa hợp Tăng, ác ý làm cho thân Phật chảy máu. Đây là người mắc phải tội cực ác nên không được đến Phật môn xuất gia”[49]
            * Thời gian thử thách.
            Đối với Phật giáo Bắc truyền, đặc biệt Phật giáo Trung Quốc Việt Nam thời gian thử thách khi còn làm tiểu (trước khi được thụ giới cụ túc) là khá dài. Thông thường thời gian thử thách đó là 3 năm. Bằng những đúc kết từ kinh nghiệm thực tế, chư Tổ đã đưa ra những quan điểm: "Con ở ba mùa, tiểu chùa ba năm", rồi "Làm tiểu già còn hơn bà sư trẻ". Giai đoặn làm tiểu có thể nói là giai đoặn quan trọng nhất của người tu hành trong cuộc đời. Tâm hồn người mới xuất gia mới sơ cơ nhập đạo như tờ giấy trắng, có động lực, có động cơ, mục đích xuất thế mạnh mẽ nhất: "Sơ cơ xuất gia, thành Phật hữu dư"; "Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật đáo hiên, tam niên Phật thăng thiên". Bởi vậy, hầu hết nhân cách người xuất gia được hình thành trong giai đoạn này. Giai đoạn này vừa là giai đoạn thử thách, đồng thời là giai đoạn người Thầy huân tập cho người đệ tử các pháp uy nghi giới luật, nhằm cải đổi tâm tính của người thế tục thành tâm tính của người xuất gia. Qua thời gian thử thách huân tập đó, họ được thụ giới Sa di, hay Cụ túc giới, trở thành người xuất gia, họ mới biết được điểm khác biệt giữa người tại gia và người xuất gia ở điểm nào; biết được nhiệm vụ của mình là gì, điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Tuy nhiên, nếu chỉ biết thôi, thì chỉ cần học ba bốn ngày cũng biết sơ sơ hết các pháp của người xuất gia. Nhưng điều quan trọng là biến cái biết đó thành tâm tính, thành bản chất tu tập, hành đạo, thì cần phải có thời gian huân tập, thực hành. Thời gian 3 năm thử thách chính là thời gian huân tập thuận lợi nhất cho một người xuất gia.
            Tu thì cả đời, học luật, học nghi, học kinh luận cũng là cả đời, đâu phải ba năm. Nhưng ca dao có câu "uốn tre từ lúc còn non, dạy con từ thủa con còn thơ ngây.Trong Phật giáo, đối với một vị tu sĩ, thời gian làm tiểu cũng chính là tuổi thơ của vị tu sĩ đó, bất kể khi mới vào đạo tuổi đời của họ là bao nhiêu. Vì vậy, cần phải uốn tre lúc còn non, dạy trẻ lúc còn ấu thơ. Nếu để tre già, trẻ lớn uốn tất tre sẽ gẫy. Vị tu sĩ cũng vậy. Cho nên giáo dục, huân tập bản chất tuổi ấu thơ của một vị tu sĩ cũng có nghĩa là tạo nên nhân cách căn bản nhất trong đời tu của họ. Trải qua giai đoạn thử thử thách này các Tổ gọi là "Có chân làm tiểu". Hầu hết người có chân làm tiểu tu tập tốt, người không có chân làm tiểu tu tập đều không ra gì.
            Tại sao các Tổ lại quy định thời gian thử thách tối thiểu là ba năm. Ca giao có câu "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", thời gian ba năm là lượng thời gian đảm bảo cho một chú tiểu thực hành các pháp uy nghi, giới luật dưới sự hướng dẫn như pháp của thầy thì có thể cải đổi tâm tính thế tục thành tâm tính của người xuất gia. "Cổ nhân nói: "Muốn leo cao ắt phải tự rơi xuống thấp, muốn sâu xa hóa nông cạn". Nay bỏ thấp mà muốn cao, bỏ gần cầu xa đó là việc làm của kẻ ngu si nông nổi. Trong kinh tạng Phật dạy rằng: "Nếu trước không học pháp Tiểu thừa sau học Đại thừa thì không phải là đệ tử Phật". Ngài Tuệ Khả, Tuệ Năng hai vị tổ sư, một người là bậc bác học sâu xa, một người tuệ giải siêu việt, các Ngài còn phải chấp lao phục dịch, làm việc của Sa di, chúng ta là hạng người nào mà lại không biết, không học ư"[50]. Nếu không thế, thì quả là "Phật pháp dị hành, sa môn dị tác", "Dục tốc" thì "Bất đạt", chưa có tư chất, phẩm chất của người xuất gia, đã trở thành vị Tân tỷ khiêu, thì vị Tỷ khiêu đó hành động theo kiểu thế tục cũng là lẽ đương nhiên. Phật pháp cũng vì đây mà ngày một mai một.
            Như vậy, người thầy cần có thời gian thử thách nhất định đối với để tử, khi thấy thân tâm đã hội đủ điều kiện xuống tóc, thụ giới, thì mới cho xuống tóc, thụ giới. Nếu không có thời gian thử thách, mà cho thế phát, thụ giới ngay, thì kết quả tu tập không được như ý muốn. Buông lỏng khâu này, mục tiêu giáo dục dễ bị thế tục hóa.
1.3.3.2.1.2. Yết ma súc chúng. 
            Luật Tăng kỳ thuyết minh: "Không cho phép  không bạch Tăng mà độ người xuất gia. Bạch cạo đầu, không bạch việc xuất gia phạm tội Việt tỳ ni. Cả hai không bạch mắc tội Việt tỳ ni"[51]
            Yết ma súc chúng là thủ tục hành sự của  Tăng, chấp nhận cho một vị tỷ khiêu nào đó, được thu nhận đệ tử, thế phát xuất gia, thụ giới sa di và cụ túc. Sau khi đã xem xét cẩn thận, tử cách làm thầy của vị tỷ khiêu đó, đã thỏa mãn những điều kiện luật quy định. Thỏa mãn tăng làm yết ma, không thì Tăng không cho. Đảm bảo người xuất gia được nuôi dạy trong diều kiện tốt nhất. không chỉ quan hệ giữa thầy và trò, mà còn quan hệ với Phật pháp.
            Ngoài việc chấp thuận của Tăng, kiểm nghiệm tư cách làm thầy nhằm đảm bảo tương lai cho những người xuất gia, được tu tập và hướng dẫn giáo dục của người Thầy mẫu mực, nó còn có mục đích duy trì sự hòa hợp của Tăng. Nếu một người tự xác nhận tư cách của mình, tự thu nhận đệ tử, tự truyền giới, có thể làm thành những nhóm sư môn biệt lập, không cần biết đến sự hiện diện của Tăng. Bất chấp đến thẩm quyền của Tăng đến vấn đề sử trị. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ trong Tăng. Gây chia rẽ trong Tăng là một trong năm tội đại nghịch, không bao giờ được tha thứ trong Phật pháp
            Như vậy, "Nếu muốn cạo đầu để độ xuất gia trong phạm vi Tăng già lam, thì phải thưa với tất cả Tăng được biết. Nếu không tập hợp được thì dẫn đương sự đến từng phòng để thưa cho biết rồi mới cạo đầu"[52]
            "Tỷ khiêu muốn bạch Tăng xin phép yết-ma súc chúng, trước hết lễ thỉnh các tỷ khiêu trong cương giới tập họp lại. Nếu trụ xứ không đủ túc số tăng cần phải đi thỉnh các vị Tăng lân cận. Sau khi Tăng họp, tỷ khiêu xin yết-ma súc chúng bước ra lễ Tăng ba lễ, rồi quì xuống, chấp tay bạch rằng:
            Đại đức Tăng, xin lắng nghe, tôi tỷ khiêu…Yêu cầu xin được độ người, truyền giới cụ túc. Kính mong Tăng chấp thuận, tôi tỷ khiêu…Được phép độ người, tuyền giới cụ túc, tứ mẫn cố.
Bạch như vậy ba lần. Sau khi Tăng nghiệm xét, nếu nhận thấy tỷ khiêu này chưa đủ điều kiện và khả năng, có thể bác bỏ thỉnh cầu bằng cách tuyên bố rằng:
            Này đại đức, thôi đi, hãy khoan độ người.
Trái lại, nếu nhận thấy đủ tư cách, thì Tăng tiến hành yết-ma súc chúng. Các nghi thức tiền phương tiện của Yết Ma làm xong, vị Thầy yết-ma bạch:
            Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tỷ khiêu… này nay thỉnh cầu Tăng cho phép độ người, Truyền thụ giới cục túc, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, mong Tăng chấp thuận. Tăng nay cho phép tỷ khiêu… được độ người, truyền thụ giới cụ túc. Đây là lời tác bạch.
            Đại đức Tăng, xin lắng nghe, tỷ khiêu…. Này, thỉnh cầu Tăng cho phép độ người, Truyền thụ giới cụ túc Tăng. Nay cho phép tỷ khiêu… Này được độ người, truyền thụ giới cụ túc. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng cho phép tỷ khiêu… được độ người, truyền thụ giới cụ túc, thì im lặng. Ai không chấp thuận, hãy nói.
Tăng đã chấp thuận cho tỷ khiêu… được độ người truyền thụ giới cụ túc, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy"[53].
1.3.3.2.1.3 Yết ma Thế phát.
            Khi người thầy, thấy đệ tử của mình đã thuần thục các pháp uy nghi, thời khóa tụng niệm, có ý chí xuất gia cầu Phật đạo, thì cho xuống tóc. Không nên chưa hiểu các phép tắc nhà chùa, chưa biết rõ căn cơ thế nào đã vội xuống tóc để có người. Bách Trượng Thanh Quy dạy: "Người xuất gia trước hết phải biết rõ nhân địa, chí hướng quyết định và thệ nguyện kiên cường. Vị Thầy phải trắc nghiệm nhiều lần làm sáng tỏ mới có thể hẹn kỳ xuống tóc"[54]. Yết Ma Chỉ Nam nêu: "Nếu có người cầu xuất gia, nên bạch Tăng rồi, trước cho cạo tóc, nhưng phải lưu lại một chòm tóc trên đầu. Sau rồi thụ tam quy, ngũ giới cho làm tịnh nhân ở trong thường trụ(chùa) học làm hạnh lành. Hoặc ba năm, hay một năm, coi xem hạnh kiểm, chí hí người kia như thế nào? Nếuquả là thâm tín Phật pháp, quyết chí xuất gia, không có nạn duyên cản tở, nhưng vẫn phải bạch Tăng mới cho xuất gia thụ giới sa di"[55]
            Thông thường, pháp yết ma súc chúng được thực hiện đồng thời với pháp thế phát xuất gia. Bởi khi đã đủ điều kiện của thầy và trò thì sẽ tiến hành nghi thức bạch yết ma thế phát.
            Theo nguyên tắc của Luật, nếu người được phép cạo tóc xuất gia thì phải được truyền giới Sa-di ngay. Nếu dù đã xuống tóc mà chưa thụ sa-di thì chưa thể gọi là người xuất gia được. Tuy nhiên, theo thông lệ phổ biến ở nước ta, cũng như của Trung Quốc từ xưa, bất kể tuổi đời lớn nhỏ bao nhiêu, sau khi được thầy cho cạo tóc xuất gia, phải trải qua một thời gian tối thiểu ba tháng, thụ trì tam qui và ngũ giới, làm tịnh nhân để tập sự. Trong thời gian này, người Thầy quan sát thấy căn cơ chín muồi, mới cho thụ giới Sa Di.
            Về nghi thức làm lễ xuất gia, sẽ được nói trong phần phụ lục sẽ trình bày chi tiết. Ở đây, chỉ đề cập những đòi hỏi phải thực hiện giữa Tăng.
            "Tỷ khiêu đã được Tăng làm yết-ma cho súc chúng rồi thì có thể độ người xuất gia bất cứ lúc nào nhưng một năm không được nuôi hai sa-di và truyền giới cụ túc cho hai người. Nếu việc độ người thế phát được thực hiện ngoài phạm vi đại giới của Tăng, thì không cần phải cáo tri cho Tăng biết. Nhưng nếu ở trong phạm vi đại giới của Tăng, tỷ khiêu làm thế độ bản sư có bổn phận phải bạch cho tất cả Tăng trong già lam được biết. Tăng cùng tập họp cả vào một chỗ thì tốt, bằng không thể tập họp thì phải dẫn người xin xuất gia đi đến từng phòng mà giới thiệu.
            Sau khi Tăng đã tập họp, thầy yết-ma hướng dẫn giới tử tác bạch:
Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Thiện nam tứ…. Kia muốn cầu tỷ khiêu….cho xuống tóc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, mong Tăng chấp thuận, cho thiện nam tử… xuống tóc. Đây là lời tác bạch.
            Phép này chỉ một lần đơn bạch mà không có yết-ma.
Sau khi thế phát xuất gia làm hình đồng sa di. Đủ điều kiện sẽ cho vị xuất gia thụ giới sa di, tỷ khiêu giới vv"[56]...
1.3.3.2.1.4 Nguyên tắc cơ bản giáo dục Tịnh nhân, Hình đồng Tăng, Hình đông Ni.
            Nguyên tắc giáo dục Phật giáo là những quy định, yêu cầu được đúc kết, khái quát hóa từ thực tế trong quá giáo dục Phật giáo, phù hợp với tư tưởng của Đức Phật, có tính quy luật khách quan nhằm đảm bảo quá trình giáo dục đạt được mục tiêu đề ra. Tịnh nhân, Hình đồng Tăng Ni có các nguyên tắc giáo dục cơ bản sau:
- Nguyên tắc "Thị phạm". Nguyên tắc này bao hàm hai nguyên tắc: Thứ nhất, người thầy phải là người mô phạm, có uy nghi, ép tắc, có thể làm khuôn mẫu dạy dỗ đệ tử; Thứ hai người thầy phải làm mẫu, bắt tay bẻ ngón, dạy đệ tử trong từng việc làm, hành động, sinh hoạt, uy nghi...
- Nguyên tắc: "Luật nghi học trước, kinh đình học sau": Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải ghi: "Trong Phật pháp, việc học tập có trình tự nhất định, trước phải học giới Luật, sau mới học Kinh, Luận. Trình tự này được xây dựng trên nền tảng của tam vô lậu học: Giới - Định - Tuệ, nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ, bởi Luật thuộc về Giới học, Kinh thuộc về Định học, Luận thuộc về Tuệ học. Vì thế trước phải học Giới luật để điều chỉnh thân tâm. Trước học luật cũng giống như gieo xuống hạt giống, sau mới học kinh cũng như vun bồi tưới bón cho cây tốt tươi, thì mới mong thu hái được thánh quả. Nếu giới luật bỏ không học, không hành trì mà đã vội học kinh luận thì khác nào không gieo hạt mà gia công tưới bón, phỏng có ích gì? Cho nên phải hiểu biết được thứ lớp mà học theo, chẳng được trái vượt"[57].
            Mặc dù nguyên tắc này dành cho Sa di, nhưng đối với Phật giáo Trung quốc Việt Nam, bổn phẩn hình đồng, tịnh nhân đã phải thuần thục các uy nghi, phép tắc, thời khóa của Sa di. Cho nên ở nguyên tắc này, hình đồng, tịnh nhân chưa được phép học giới luật của Sa di, Thanh văn, nhưng bắt buộc phải học các pháp tỳ ni, uy nghi, phép tắc thiền gia, sau đó học các thời khóa tụng niệm khi được thầy cho phép, học lên các giới phẩm trên mới học những thứ khác.
1.3.3.2.1.5. Nội dung học, hành trì.  
            * Tỳ Ni nhật dụng.
            Tỳ ni nhật dụng, là các bài kệ chú thiết yếu dùng trong sinh hoạt hàng ngày do Ngài Độc Thể(1601 - 1679) - Tổ thứ hai Luật tông phái Thiên Hoa, cuối đời Minh, người Vân Nam - Trung Quốc, họ Hứa, tự Thiệu Như - Kiến Nguyệt rút ra từ phẩm Tịnh Hạnh trong kinh Hoa Nghiêm rồi bổ sung phần mật chú thành bản Tỳ ni nhật dụng.
            Nội dung ý nghĩa của Tỳ ni nhật dụng nói chung chứa đựng giáo lý kinh luật, kể cả các bản thanh quy, cách thức hành trì xuyên suốt từ thời Phật đến nay. Cho nên, học và thực hành tiểu Luật này là pháp căn bản không chỉ chú tiểu phải thực hành, mà cả các bậc tôn túc, Hòa thượng, niên cao lạp trưởng trong tùng lâm cũng phải thực hành đến chọn đời, như món ăn pháp thực hàng ngày. Việc học và thực hành Tỳ ni, vừa tăng trưởng được về kiến cơ bản kinh luật, vừa tăng trưởng về đạo lực, lại được thuần thục trong các pháp uy nghi, nhờ vậy thân tâm được an ổn hơn. Đặc biệt, khi thực hành Tỳ ni nhật dụng, thì mỗi hành động của người xuất gia đều được sông ướp trong pháp vị. Đạo quả tu hành cũng nhờ vậy mà được tăng trưởng.
            * 24 Chương uy nghi.
            Theo quy định của Luật, uy nghi vốn là phép tắc của Sa di, nhưng theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, thì chú tiểu bắt đầu bước chân vào chùa là phải học và thực tập 24 chương uy nghi.
            "Uy nghi" là thái độ uy nghiêm. Nghĩa là mọi cử chỉ hành động đều có uy đức, phép tắc, xứng hợp với phạm hạnh của người xuất gia trong bốn phép tắc đi đứng nằm ngồi. "Uy" lấy đức để hiển bày chứ không phải lấy thế lực để ra oai nên gọi là uy đức. "Nghi" lấy đạo hạnh để biểu hiện chứ không phải giả hiện có phép tắc nên gọi là "nghi biểu". Lại nữa, "uy" nghĩa là có uy đức làm cho người nể sợ, chiết phục chúng sinh cương cường. Đó là do nghiêm trì giới luật mà mọi đức uy nghiêm, cho nên mới khiến mọi người kính sợ. "Nghi" nghĩa là có phép tắc khiến mọi người kính trọng, thu nhiếp quần sinh. Đó là do cử chỉ hành động đúng phép tắc, tiến thoái ung dung, mọi người trông thấy đều kính trọng. Bởi vậy nói rằng: "Hạnh thanh tịnh thành tựu do đạo nghi, trong trằng tròn đầy nhờ vào giới phẩm". Như Ngài Mã Thẳng Tỷ khiêu, ung dung hành đạo, cảm hóa Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên phát khởi tín tâm xuất gia; Tôn giả Xá Lợi Phất an tường khất thực mà thu nhiếp được bọn ngoại đạo bỏ tả theo chính. Nên nói rằng: "Uy nghi là phương pháp giáo hóa không dùng lời nói, có thể khiến cho các loài hữu tình phát khởi tín tâm"[58]
            24 chương uy nghi, bao gồm các phép tắc, uy nghi cơ bản của người xuất gia, mà hình đồng, sa di bắt buộc phải học và thực hành. 24 chương uy nghi này, được Luật Sư Châu Hoằng, tự Phật Tuệ, hiệu Liên Trì, họ Thẩm, người huyện Nhân Hòa, Hàng Châu, Trung Quốc, xem các phép tắc trong kinh: Sa di uy nghi, Cổ thanh quy, Sa di thành phạm, Hành hộ luật nghi của Luật sư Đạo Tuyên biên tập thành 24 chương uy nghi trong sách Sa Di Luật Nghi Yếu Lược.
            "Uy nghi đi đứng đó là pháp khí trong tăng - Uy nghi nghiêm tĩnh, đi đứng dễ coi, đức bên trong đã đủ mới là con người đạo"[59]. Uy nghi, là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất đối với người sơ cơ nhập đạo nhằm loại bỏ đi tập khí thế gian và huân tập các đời sống phạm hạnh thiền môn. Uy nghi là biểu tướng bên ngoài, biểu hiển cái bản chất bên trong nội tâm. Nếu nội tâm thuần thục thì uy nghi tự nhiên thuần thục. Tập khí thế tục của con người vốn nhiều, nên biểu tướng bên ngoài cũng là thế tục. Vì thế, uy nghi là là phương thuốc lấy "Ngoại" trị "Nội", điều chỉnh cái lệch lạc bên ngoài, điều chỉnh các hành động đi đứng, nằm ngồi, ngủ nghỉ, sinh hoạt... Khi các hành động bên ngoài thuần thục, thì cái nội tâm bên trong dần dần được chuyển hóa, giống như mưa dầm thấm lâu, đi trong màn sương đêm rồi cũng ướt áo. Người mới sơ cơ nhập đạo, nội lực không có, tập khí thế tục lại nhiếu, nếu khinh thường không học, và thực hành uy nghi, thì tâm khó mà thuần thục, đường vào đạo cũng hết sức mờ mịt buông lung, dễ nhầm đường lạc lối.
            Giới luật, tuy là căn bản, nhưng Uy nghi lại là biểu tướng của giới luật. Uy nghi được thành tựu, giới luật tự nhiên đầy đủ. Nếu uy nghi không đầy đủ, giới luật có giữ thì trước sau cũng phá. Uy nghi là phương pháp giáo dục và giáo hóa không dùng lời, nhưng lại đạt được kết quả cao về giáo dục phạm hạnh, vì nó đảm bảo được hai yếu tố: Tự giáo dục và tha giáo dục, trong đó có đầy đủ thân, khẩu, ý giáo. Uy nghi, phạm hạnh của người xuất gia vốn là truyền thống, là sự "thân thừa" từ các bậc uy nghi phạm hạnh niên cao lạp trưởng, là sự "thân hành và thân giáo" của người thầy cho hàng hậu học. Cho nên, người thầy không có thân thừa, thân hành, thân giáo cho người đệ tử, không làm mẫu dạy người đệ tử, uy nghi, phép tắc, hành động, ứng sử của người đệ tử không được thuần thục như pháp.
            * Hiệu lệnh chuông mõ.
            Chuông mõ tuy đơn giản, nhưng cũng không phải là việc dễ thuần thục. Vì tiếng chuông, tiếng mõ một phẩn cũng thể hiện cái nội tâm bên trong. Cho nên, điều chỉnh, và thuần thục chuông mõ cũng là một phương pháp điều thân, trị tâm. Do đó, người học cần phải học cẩn thận từ cách dung chuông, lên hồi chuông, dồn chuông, điểm chuống, đánh nhịp mõ. Tiêu chí đặt ra, là nghe tiếng chuông tiếng mõ được nhẹ nhàng, khoan thai, chứa đựng sự an lạc, tự tại, giải thoát.
            Khi rung tiếng chuông, thường dung nhẹ nhàng, khoan thai, theo nguyên tắc: "Rung 7 dồn 8". Trước khi rung, chạm nhẹ rùi vào chuông một hai cái, để báo hiệu và không làm giật mình chúng. Rung chuông, rung từ nhanh đến chậm, khi đến tiếng thứ 7, hoặc 8, thì bắt đầu đánh giải chuông - tiếng chuông gần ngắt tiếng lại đánh, để đợi chúng, hoặc cho chúng ổn định. Tùy thời gian mà đánh giải chuông, nhưng ít nhất phải đánh ba tiếng. Sau đó dồn chuông. Dồn chuông, dồn dồn khoảng 8 tiếng, "dồn từ nhanh đến chậm". Kêt thúc dồn chuông đánh ba tiếng. trước khi điểm chuông, cần trạm nhẹ rùi vào chuông rồi điểm. Thông thường hết một đoạn kinh, hoặc hết số lần tụng chú, niệm Phật... thì điểm một tiếng chuông. Hết kinh, hoặc hết số lần niệm Phật... điểm ba tiếng chuông. Nguyên tắc của điểm chuông là hiệu lệnh để dắt dắt cho chúng tụng niệm theo đúng pháp, biết chỗ nào hết, chỗ nào dừng, chỗ nào sang mõ... Khi đánh tiếng chuông, cần tùy phải loại chuông mà đánh ở miệng chuông hay thân chuông để tiếng chuông được khoan thai. Đặc biệt cần lưu ý, đánh tiếng chuông cần nhẹ nhàng, đủ mạnh, không tạo sự sự phản cảm, nghe tiếng chuông chát chúa đập vào tai.
            Vào mõ và dồn mõ cũng theo nguyên tắc: "Vào 7 dồn 8". Trước khi vào mõ, dùng dùi chạm vào mõ. Vào mõ 7 tiếng. Bắt đầu vào mõ, đánh một tiếng mõ xuống, sau đó hơi dâng cao tay lên đánh 7 tiếng mõ tiếp theo. 7 tiếng mõ đánh nhịp hơi nhanh, và tương đối đều, trung bình 7 tiếng mõ đánh trong khoảng hơn 3 giây. Khi đến tiếng thứ 6 thì hơi chậm hơn một chút, và tiếng thứ 7 thì bắt đầu nhấc dùi mõ lên cao hơn, đánh mạnh tay hơn một chút, khi nhấc rùi mõ lên cao, đồng thời bắt đầu tụng vào câu kinh đầu tiên. Nhịp mõ từ tiếng thứ 8 bắt đầu chậm, rồi nhanh dần lên ở tiếng thứ 9, 10, 11, cho đến khi đúng nhịp tụng kinh thì tiếng mõ tụng đều. Khi dồn mõ, chuẩn bị đến từ thứ hai, kể từ cuối, thì đánh tiếng mõ rền, mạnh, đồng thời dâng cao dùi mõ hơn, rồ đánh tiếng mõ cuối cùng tương đương với tiếng kinh cuối cùng như tiếng vừa rồi, nhưng nhẹ hơn, rồi dồn mõ. Dồn mõ dồn mõ, dồn khoảng 8 tiếng, từ nhanh đến chậm. Khi sang mõ, tùy vào từng kinh sang mõ ở chỗ nào. Thông thường bắt đầu vào thân kinh, và chuyển sang văn niệm Phật, hồi hướng... là sang mõ. Khi sang mõ, tiếng thứ hai tính từ cuối của đoạn kinh đang tụng chuẩn bị sanh, thì đánh tiếng mõ mạnh, và dền hơn, đồng thời nhấc dùi mõ cao hơn, đánh chậm rùi nhanh dần theo nhịp kinh đang tụng.
            Tay cầm dùi mõ, thường cầm bằng ba ngón tay: ngón cái, ngón trỏ, và ngón giữ. Cầm bằng ba ngón này, lực đánh mõ sẽ dùng ba ngón là chính, và chỉ có cổ tay đưa lên đưa xuống. Tiếng mõ được nhẹ nhàng, không mất sức. Nhìn từ phía sau, không thấy người chuyển động, cũng không cần dùng lực cả cánh tay đánh mõ.
            Nguyên tắc điểm chuông và đánh mõ là đồng thời, tay phải cầm mõ, tay trái cầm chuông.
            * Thỉnh chuông Đại hồng chung.
            Cách lên hồi và dồn chuông đại hồng chung cũng tương đối giống như lên hồi và dồn chuông nhỏ. Khi đánh dải, tiếng chuông ngân gần hết thì đánh tiếp. Thỉnh chuông, có đọc văn thỉnh chuông riêng. Thỉnh chuông Đại hồng chung thường thỉnh ba hồi vào buổi chiều, trước khi cúng cháo.
            * Thời khóa: Mộc bản, cảnh sách ngày thường, kinh Di Đà, cúng cháo, niệm thực, lâm thụy.
            Mộc bản, cảnh sách ngày thường, kinh Di Đà Huân tu, cúng cháo, niệm thực, lâm thụy, là những thời khóa thường nhật của người xuất gia, cũng là thời khóa hình đồng phải học thuộc và thực hành hàng ngày.
            Ngoài khóa tụng niệm, Hình đồng, tịnh nhân còn được học chữ hán, chữ phạn, những điều cần thiết khác.
1.3.3.2.2. Sa di, Sa di ni.
1.3.3.2.2.1 Định nghĩa.
            * Sa di.
            Theo Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải: "Sa di là phát âm tiếng Phạm, Trung Quốc dịch là "Tức từ", nghĩa là bỏ ác làm lành, dứt trừ mọi thế nhiễm ở đời, làm việc lành cứu vớt chúng sinh. Cũng dịch là Cần sách, cũng dịch là Cầu tịch"... trong đó: "Cần là "tác trì", làm mọi điều thiện, sách là "chỉ trì", không làm mọi điều ác, tức Vị nhân tất đàn thuộc về hành. Cầu tịch(viên tịch): Viên là quả tác trì, mọi đức đầy đủ. Tịch là quả của chỉ trì, mọi hoặc đều dứt trừ tức Đệ nghĩa tất đàn, thuộc về lý"[60].
            "Sa Di tiếng Phạm là Sràmanesaka, Pali là Sàmanera, cũng gọi là Thất la na noa, gọi đủ là Thất la ma noa lạc ca, Thất la mạt ni. Hán dịch là Cầu tịch, Pháp công, Tức ác, Tức từ, Cần sách.
            Chỉ cho người Nam xuất gia trong Phật giáo, tuổi từ 7 đến 70, được được thụ 10 giới, chưa được thụ Cụ túc giới, là một trong năm chúng, một trong bẩy chúng của Đức Phật.
            Sa di hàm ý là tìm cầu sự vắng lặng trong tâm hồn, chấm dứt các việc ác, tu tất cả các điều thiện. Theo luật Ma Ha Tăng Kỳ quyển 29, tùy theo tuổi tác Sa di chia ba loại:
  • Khu ô sa di: Tuổi từ 7 đến 13, có thể sua đuổi được chim quạ trên sân phơi thóc.
  • Ứng pháp Sa di: Tuổi thừ 14 đến 19, đã có năng lực làm các việc nặng nhọc, thị giả thầy, tham thiền, tụng kinh, có đủ khả năng tham dự các sinh hoạt xuất gia.
  • Danh tự Sa di:  Tuổi từ 20 đến 70.
            Trong Tăng đoàn Phật giáo, vị Sa di đầu tiên là La Hầu La. Đến đời sau, Sa di thụ trì giới gọi là Pháp đồng Sa di, người cạo tóc chưa thụ giới gọi là Hình đồng Sa di"[61].
            *Sa di ni.
            "Sa di ni, tiếng Phạm là: Sràmanerikà, Pali là Sàmanerì, gọi đủ là Thất la ma noa li ca, Hán dịch là Cần sách nữ, Tức từ nữ. Chỉ cho người nữ xuất gia, thụ trì mười giới, chưa thụ cụ túc giới, là một trong năm chúng, một trong bẩy chúng của Đức Phật.
            Theo Luật Tứ Phần quyển 48, người nữ 18 tuổi chưa lập gia đình mà xuất gia, thì thụ mười giới Sa di ni rồi, lại phải thụ Thức xoa ma na trong hai năm, đủ 20 tuổi mới được thụ Tỷ khiêu ni. Nếu có chồng, cũng vẫn phải hai năm thụ Thức xoa ma na mới được thụ Tỷ khiêu ni giới"[62].
1.3.3.2.2.2 Nguyên tắc cơ bản giáo dục Sa di, Sa di ni. 
- Nguyên tắc 1: "Luật nghi học trước kinh đình học sau".
            Nguyên tắc này, ở Sa di nâng thêm một điều kiện nữa. Nếu ở Hình đồng chỉ học về "nghi" - bao gồm 24 uy nghi, tỳ ni, các các uy nghi thanh quy khác, thì ở cấp độ Sa di, ngoài tuân thủ nguyên tắc cũ, còn phải học thêm phần giới luật của Sa di. Khi thông hiểu Luật Sa di rồi mới được phép học các kiến thức khác. Ở nguyên tắc này, một mặt giúp Sa di tu tập theo đúng tiến trình: Giới - Định - Tuệ, nhưng một mặt giúp Sa di hiểu được giới luật Sa di, từ đó biết được điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Trên cơ sở này, Sa di nhận thức được cần học cái gì, học như thế nào, học để đạt được mục đích gì, và học giải quyết vấn đề gì của người tu, mà không bị học lan man, sai đường, sai mục đích, sai tôn chỉ và đường hướng tu hành.
- Nguyên tắc 2: Học bộ kinh nào, trước phải bạch thầy.
            "Bởi vì Sa di đới với Phật pháp chưa hiểu biết nhiều, kiến thức còn nông cạn, chưa biết được thứ lớp của việc học và những gì cần học, cho nên cần phải bạch thầy. Thầy cho phép mới được học, chẳng được tự ý. Người xưa nói: Muốn biết đường tới Linh Sơn, nên hỏi người đã tới đó". Thầy là người đối với cách thức học đã từng trải qua, nên cần phải hỏi, sau rồi sẽ học, ôn cũ biết mới mỗi ngày một tiến lên. Còn nếu một ngày học, lại bỏ mười ngày thị đạo nghiệp khó mà thành tựu"[63]
            Thứ nữa, Sa di tập khí thế tục còn nhiều, nếu không hỏi thầy mà tự học, thì dễ sa đà vào kiến thức làm tăng trưởng tập khí thế tục, hoặc không biết học vượt thứ lớp, không những không đạt được kết quả gì, mà còn khiến xuất hiện những lệch lạc, ngộ nhận trong nhận thức và tu hành. Có rất nhiều người tự học như vậy, không bị lạc vào thế tục, thì cũng bị tảu hỏa nhập ma, không thì cũng thoái mất Bồ đề tâm, bụng rỗng lòng kiêu.
- Nguyên tắc 3: Phàm làm việc gì không được tự ý:
            Sa di hiểu biết Phật pháp và đạo lực còn nông cạn, nên không biết được việc nào là điều tâm, việc nào trị thân, việc nào để loại bỏ đi tạp nhiễm thế tục, việc nào bỏ đi tập khí thế tục, việc nào tăng trường Bồ đề tâm. Thầy là người đi trước, có sự chứng ngộ nhất định về tu tập, nên Sa di phàm làm gì đều phải bạch thầy. Nếu tự ý làm, sẽ không đi đúng pháp. Không biết mà tự làm, không hiểu mà tự đi, nhất định không thể đến được với mục đích Bồ đề giải thoát. Chính vì vậy, mới cần đến nguyên tắc "thị phạm" của người thầy trong từng hành động, đi đứng của người đệ tử. Luật quy định, có 5 việc Sa di không phải bạch thầy bao gồm: xỉa răng, uống nước, khi đại tiện, trong giới nội 49 tầm lễ Phật, lễ Pháp. Ngoài ra đều phải bạch thầy, nếu không bạch thầy đều mắc tội.
1.3.3.2.2.3. Nội dung học và thực hành.
            * 10 Sa di, 24 chương uy nghi.
            Ở cấp bậc Sa di, Sa di tiếp tục phải học và thực hành thuần thục 24 chương uy nghi. Ngoài ra phải học rõ cách trì phạm của 10 giới Sa di. Đồng thời thực hành, gìn giữ thanh tịnh 10 giới Sa di.
            * Sa di luật nghi yếu lược.
            Đây là Bộ sách luật nghi căn bản, do Đại sư Vân Thê người Trung Quốc biên soạn. Nội dung bộ sách nói về mười điều giới luật và 24 chương uy nghi của Sa di. Đây được coi như bộ sách gối đầu giường của Sa di.
            * Khóa sáng: Thủ Lăng Nghiêm.
            Ngoài thời khóa của Hình đồng học, Sa di phải học thêm khóa sáng: Thủ lăng nghiêm, và thường xuyên hành trì lễ niệm.
            * Cảnh sách ngày trai:
            Là thời khóa niệm Phật sáng chiều đọc bằng phiên âm Hán Việt, tụng đọc trong các ngày Trai.
1.3.3.2.3 Thức Xoa Ma Na.
1.3.3.2.3.1 Định nghĩa.
            Thức Xoa Ma Na, tiếng Phạm là Siksamànà, Pali là Sikkhamànà, cũng gọi là Thức xoa ma ni, Thức xoa ni, Thức xoa ma xoa. Hán dịch là Học giới nữ, Học pháp nữ. Từ đời Đường - Trung Quốc trở đi gọi là Chính học nữ. Chỉ cho Ni chúng trong học pháp chưa được thụ giới cụ túc, là một trong 5 chúng, một trong bẩy chúng xuất gia.
            Trong hai năm trước khi thụ giới Cụ túc, Ni chúng phải học 4 giới căn bản và 6 pháp, tức học tập tất cả giới hạnh của Tỷ khiêu ni. Nhờ khoảng hai năm ấy mà chiêm nghiệm biết ni chúng này có thai hay không, đồng thời nhờ tu hành giới pháp và rèn luyện tâm tính, tu tập theo nếp sống người xuất gia, khiến cho đạo tâm được vững chắc.
1.3.3.2.3.2 Nội dung học.
* 6 Học pháp.
- Không được hành hạnh bất tịnh, hành pháp dâm dục.
- Không được trộm cắp cho đến một gọng cỏ.
- Không được cố ý dứt sinh mạng của chúng sinh.
- Không được nói láo nói giỡn
- Không được ăn phi thời, không được uống rượu.
1.3.3.2.4 Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni.
1.3.3.2.4.1 Định nghĩa.
            * Tỷ khiêu.
            Phạm ngữ là Bhiksu, Pali Bhikkhu, cũng gọi là Bật sô, Phức sô, Bị sô, Tỉ hô, Hán dịch là: Khất sĩ, Khất sĩ nam, Trừ sĩ, Phá phiền não, Trừ cận, Bố ma. Tỷ khiêu chỉ cho người nam được độ xuất gia, thụ cụ túc giới. Theo Đại trí độ luận quyển ba, Tỷ khiêu có 5 nghĩa là: Khất sĩ, phá phiền não, người xuất gia, giữ giới hạnh thanh tịnh, làm cho ma sợ hãi.
            * Tỷ khi ni.
            Phạm ngữ là Bhiksunì, Pali là Bhikkhnì, cũng gọi là Bật sô ni, Tỉ hô ni, Phức sô ni… Hán dịch là Khất sĩ nữ, Trừ nữ, Huân nữ. Người nữ được độ xuất gia thụ cụ túc 348 giới. Tỷ khiêu ni ở Ấn Đồ bắt đầu có từ khi Đức Phật cho phép Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề xuất gia, thụ giới cụ túc, sau đó lại có 500 người nữ dòng họ Thích được độ xuất gia.
1.3.3.2.4.2. Nguyên tắc giáo dục Tỷ khiêu, tỷ khiêu ni.
            Nguyên tắc căn bản giáo dục Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni là: Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật, ngũ hạ dĩ hậu thính giáo tham thiền.(Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni năm hạ đầu phải chuyên tinh giới luật, năm hạ kế tiếp mới được học giáo học thiền).
            Nguyên tắc giáo dục này, chính là cách nói khác của tiến trình: Giới - Định - Tuệ. Người tu đạo, luôn lấy giới luật là nền tảng. Có thể khảng định, giới luật chính là lá chắn bảo vệ người xuất gia, là công cụ phương tiện để đoặn diệt cấu trước, là hành trang bước trên con đường giải thoát… Nếu xuất gia tiến đạo, không có lá chắn bảo vệ, không có phương tiện công cụ đoặn diệt phiền trược cấu tâm, không có hành trang tiến đạo thì làm sao có thể giải thoát sinh tử, thành tựu đạo quả bồ đề. Cho nên, Đức Phật dạy Tỷ khiêu 5 hạ đầu chuyên tinh giới luật, chính là muốn các đệ tử của mình có được lá chắn bảo vệ, có được phương tiện, công cụ, có được hành trang cần thiết. Khi không hiểu luật hiểu nghi, cũng có nghĩa vị tỷ khiêu ấy vẫn chưa trở thành một vị Tỷ khiêu đúng nghĩa. Mặt khác, Bản thân người xuất gia vốn được mệnh danh là "Nhân thiên chi mô phạm", nếu luật chẳng hiểu, nghi chẳng thông, hành chẳng có, muốn làm người còn khó, đừng nói làm vị Tăng trong đạo. Không những thế, không hiểu và hành luật nghi, không những bản thân tạo nhiều nghiệp, mà còn khiến thế tục cơ hiềm, làm giảm niềm tin nơi tín chúng. Vì vậy Đại luật nói: "Ví dù chứng đắc tam minh, lục thông, nếu chưa đủ năm hạ cũng còn phải y vào thầy mà ở. Năm hạ tuy đủ, nếu không rõ khai, gia, trì, phạm thì suốt đời phải y chỉ người khác. Xuất gia đã đủ năm hạ, lại tinh thông giới luật mới cho phép lìa thầy đi ra ngoài để thính giáo, sam thiền"[64]. Cùng tinh thần này, Căn Bản Ni Đà Na nói: "Chưa đủ 5 hạ, tuy thành tựu 5 pháp, cho đến khéo biết rõ tam tạng, Tam minh chứng đủ, trừ hết ba cấu, nhưng cũng phải y chỉ"[65]. Bộ Tư Trì nhấn mạnh: "Luật thập tụng dạy Tỷ khiêu năm hạ đầu chuyên tinh luật bộ. Nếu thông suốt được trì phạm, làm xong việc của Tỷ khiêu rồi sau mới cho học tập kinh luận. Nay vượt thứ lớp mà học, hành đã mất thứ tự, không nhờ đâu vào đạo được. Đức Thế Tôn quở trách họ suốt đời chẳng phải môn đồ của ta vậy"[66]. Trùng Trị Tì Ni nêu: "Nếu Tỷ khiêu không biết rõ pháp, không biết luật, không thể tự lập, không thể hướng dẫn kẻ khác thì trọn đời không được ly y chỉ để sống"[67]. Bách Nhất Yết Ma nói rõ: "Cho dù thụ Tỷ khiêu đến 60 tuổi hạ, 80 tuổi đời, mà đối với kinh Biệt giải thoát chưa từng đọc tụng, không rõ nghĩa nó, thì cũng phải y chỉ nơi bậc Trưởng lão"[68] Luật Thập Tụng thì dạy: "Phải thành tựu 5 pháp, cùng 5 hạ đầy đủ, thì khỏi cầu y chỉ. 5 pháp ấy là:
  • Biết phạm
  • Biết không phạm
  • Biết tội nhẹ
  • Biết tội nặng
  • Tụng Ba la đề mộc xoa, học rộng, khéo nói.
            Trường hợp Tỷ khiêu thụ giới lâu năm, mà không biết năm pháp trên, thì trọn đời y chỉ với người khác. Đại Tỷ khiêu nên theo tiểu Tỷ khiêu y chỉ nếu chưa đủ năm pháp trên"[69]. Vì thế, Truy Môn Cảnh Huấn dạy: "Nếu thấu hiểu trì phạm, làm được các việc của Tỷ khiêu thì rồi sau mới có thể học tập kinh luận. Nay vượt khỏi trình tự đó mà học, việc học hành đã sai thứ tự, thì cũng không có cách nào nhập đạo được"[70]
1.3.3.2.4.3 Nội dung học.
- 250 giới
- 348 giới.
- Luật tứ phần
- Luật Tứ Phần Tỷ khiêu ni.
- Các bộ luật khác.
- Các bộ kinh Di Đà, Từ Bi Thủy Sám, Dược Sư, Sám Hối, ….
 
1.4 SƠN MÔN VÀ GIÁO DỤC SƠN MÔN
1.4.1. Sơn môn
1.4.1.1 Sự hình thành Sơn môn.
            Sơn môn còn được gọi là Tam môn, chỉ cho cổng chính(Tam quan) của các chùa viện. Vì chùa phần nhiều được xây cất ở chốn núi rừng, nên có tên Sơn môn. Sơn môn cũng tượng chưng cho Tam giải thoát môn: Không, giả, trung, hay: Không, vô tướng, vô tác.
            Sơn môn còn gọi là Sơn tự, chỉ chung cho các chùa viện. Bởi chùa viện xưa phần nhiều được kiến tạo trong núi rừng, nên dùng Sơn môn(cửa núi) làm tên khác của chùa viện. Nhưng đời sau, dù chùa viện được xây cất ở đồng bằng, nơi thanh thị vẫn cứ gọi chung là Sơn môn.
            Nguyên nghĩa Sơn môn ban đầu chỉ cho cổng chùa, hay đó là cửa núi, sau lại chuyển nghĩa dần thành "Sơn tự". Trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam, danh từ Sơn môn có nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc. Khi danh từ này đến Việt Nam thông qua các văn bản Hán, thì "Sơn môn" vẫn dùng để chỉ cho cổng núi, và chỉ cho các ngôi chùa trong núi. Do thời kỳ đầu Phật giáo du nhập, và 1000 năm Bắc thuộc, hầu hết các ngôi chùa đều được xây trên núi, với những nơi được gọi là "Danh sơn", nên chùa thường được gọi là Sơn tự. Đến thời kỳ Phật giáo Lý Trần, danh từ "Sơn môn" vẫn được dùng để chỉ cho những ngôi chùa. Các ngôi chùa lúc này được gọi là Quốc tự, chia thành ba bậc Đại danh lam, Trung danh lam, Tiểu danh lam. Chữ "Tự" lúc đó tương ứng với "Hành cung" biểu thị cho Phật giới thời kỳ cung đình. Từ thế kỳ thứ 12 trở đi, sau thời đại nhà Trần, Phật giáo rời cung đình, đi vào dân gian, "Sơn môn" vẫn dùng chỉ các ngôi chùa. Bắt đầu đến thời kỳ Phật giáo Lê Sơ, Phật giáo đằng trong và đằng ngoài, danh từ "Sơn môn" mới dần được chuyển nghĩa. Từ nguyên nghĩa là cửa núi, đến thời kỳ Phật giáo Lê Sơn, Sơn môn có thêm một nội hàm lớn đó là chỉ cho cho các chùa, các sư có chung nguồn gốc là một chốn tổ, một vị thầy. Ý nghĩa Sơn môn tương đương với một dòng họ trong chùa. Cho nên, Sơn môn có nghĩa tương đương với Tổ đình, chốn tổ. Tức từ một ngôi chùa, từ một vị thầy ban đầu, mà độ được nhiều đệ tử, các đệ tử đó lại phân đi các nơi, tỏa ra nhiều ngánh. Từ thế hệ đầu, cho đến các thế hệ sau, đều chung nguồn gốc từ ngôi chùa và vị thầy ban đầu, nên ngôi chùa ban sơ đó được gọi là Chốn tổ, tổ đình, Sơn môn. Tất cả những người có chung nguồn góc đó được gọi là cùng sơn môn. Sơn môn lúc này, có vai trò như một Giáo hội thu nhỏ. Mọi sinh hoạt Tăng chúng trong các chùa thuộc hệ thống sơn môn, đều do Sơn môn đó đảm nhiệm.
            Như vậy, trong thời kỳ Bắc thuộc, và đến thời kỳ Đinh, Lê, Lý, Trần, Phật giáo có ba dòng thiền chính là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, sau Phật Hoàng Trần Nhân Tông thống nhất thành thiền phái Trúc Lâm  Yên Tử, nội hàm ý nghĩa Sơn môn chỉ cho một tổ đình lớn chưa xuất hiện. Do lúc này, Việt Nam vẫn đang bị ảnh hưởng bởi tư tưởng phân tông, biệt phái của Trung Quốc. Đặc biệt lại bị chi phối bởi Phật giáo cung đình, với người đứng đầu là Tăng thống, với hệ thống những quy định được chính quyền phong kiến đặt ra nhằm quản lý và tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển. Cho nên có thể nói, dù có các thiền phái tồn tại song hành khác nhau, nhưng sinh hoạt của Tăng đoàn vẫn đi theo những định hướng của tổ chức các Tăng quan bằng nhiều điều lệ nhà nước quy định. Tư tưởng ảnh hưởng lớn, vẫn mang nặng tư tưởng thiền phái, và sinh hoạt theo hình thức Phật giáo cung đình, nên nội hàm ý nghĩa Sơn môn chỉ cho chốn tổ, tổ đình và Giáo hội sơn môn chưa cần thiết ra đời.
            Tuy nhiên, sang đến thời Lê Sơ, Phật giáo mang nặng màu sắc dân gian, phát triển một cách tự phát không có sự hỗ trợ của chính quyền phong kiến, mặt khác đất nước lâm vào nội chiến phân chia Đằng Trong và Đằng Ngoài. Chính những yếu tố này, đã đặt ra yêu cầu các ngôi chùa phải tự tồn tại. Vì thế, những vị sư cùng thầy, khi đi trụ trì các ngôi tự viện khác nhau, thường dựa vào nhau trong các công việc Phật sự. Cứ thế, từ một ngôi chùa, vị thầy ban đầu, chia thành nhiều nghánh khác nhau. Các chùa và sư Tăng ở các nghánh khác nhau, cũng vẫn nương tựa vào nhau để thực hiện các công việc Phật sự, dần dần quan niệm Sơn môn chỉ cho những chốn tổ lớn được hình thành. Có thể khảng định, sơn môn không còn là cổng chùa, mà Sơn môn lúc này là một Giáo hội thu nhỏ, các công việc an cư, tự tứ, Bố tát thuyết giới, thụ giới… đều do Chư tăng trong sơn môn đảm nhận.
            Quan niệm sơn môn mới xuất hiện từ những yêu cầu thực tế do đất nước chiến tranh, Phật giáo dân gian phát triển tự phát. Thứ nữa, Thiền phái Trúc Lâm cũng bị mai một, và đang có có xu hướng được phục hưng bởi thiền sư Chân Nguyên. Nhưng Phật giáo Việt Nam thời Lê Sơ trở đi cho đến tận ngày nay, có hai dòng thiền chính là Lâm Tế và Tào Động được truyền từ Trung Quốc vào Việt Nam. Điều đặc biệt, hai thiền phái này, dường như thay máu gần như toàn bộ cho Phật giáo dân gian hóa, bằng sự phát triển mạnh mẽ của mình, và mau chóng trở thành tính phổ quát của Phật giáo Việt Nam cả Đằng Trong, Đằng Ngoài. Không giống như ba thiền phái trước, còn nặng về tư tưởng và sự truyền thừa tông phái, hai thiền phái hiện tại, tư tưởng thiền phái chỉ ảnh hưởng ban đầu, mà đến các thể sau, tư tưởng không còn rõ nét, và chỉ mang tính hình thức, nguồn gốc do đã bị Việt Nam hóa toàn bộ. Chính vì thế, nó cũng là tiền đề tạo điều kiện cho tư tưởng Sơn môn ra đời.
            Trong giai đoạn ấy, khái niệm Sơn môn được xây dựng, cũng bắt nguồn từ sự du nhập và truyền thừa của Lâm Tế và Tào Động. Những chốn tổ lớn của Lâm Tế và Tào Động truyền vào Phật giáo Đằng Ngoài như: chùa Long Động(Đồng Ngọ, Thanh Hà, Hải Dương) và Quỳnh Lâm (Đông Triều Quảng Ninh), chùa Phật Tích - Thuận Thành, Bắc Ninh, chùa Tư Phúc Côn Sơn, Nhẫm Dương ở Hạ Long, chùa Vọng Lão - Đông Triều Quảng Ninh, chùa Hòe Nhai, Trấn Quốc, Hàm Long, chùa Liên Phái- Hà Nội; những chốn tổ lớn của Lâm Tế, Tào Động truyền vào Đằng Trong như: chùa Thập Tháp Di Đà - Bình Định, chùa Thiền Lâm - Thuận Hóa, chùa Phúc Thánh - Quảng Nam, chùa Thiên Ân Quảng Ngãi, chùa Hội Sơn Tông - Phú Yên… vừa là những ngôi chùa được hai dòng thiền trên lấy làm điểm điểm truyền bá tư tưởng, nhưng đồng thời cũng là nơi hình thành tư tưởng và hệ thống hình thức Giáo hội sơn môn. Đến giai đoạn sau, nhiều sơn môn khác được hình thành như: Sơn môn Vĩnh Nghĩa, Tôn Sơn ở Bắc Giang; sơn môn Quang Khánh, Yên Ninh ở Hải Dương, Sơn môn Đa Tốn, Bút Tháp, Bụt Mọc ở Bắc Ninh; sơn môn Khê Hồi, Đa Bảo, Thọ Ngãi, Long Đạo, Tế Xuyên ở Hà Nội Hà Nam…cùng nhiều Sơn môn khác được hình thành trong khắp đất nước..
            Khoa cúng mang tên "Cúng sư nghi" cúng Tổ sư Chân Nguyên, do Thiệu pháp Sa di Như Như soạn thuật niên hiệu Bảo Thái, năm Nhu triệu đôn dương tắc trừ. Viện Ly Trần chùa Liên Tông tàng bản, chùa Hàm Long Bắc Ninh tàng thư, danh từ "Sơn môn" chỉ cho hàm nghĩa Giáo hội sơn môn đã xuất hiện. Đây là một trong những văn bản cố nhất tồn tại từ Sơn môn diễn đạt ý nghĩa mới.
1.4.1.2 Định nghĩa Sơn môn.
            Sơn môn nguyên nghĩa là cửa núi. Sơn môn như ngày nay, chỉ cho các tổ đình, các chốn tổ lớn, có nguồn gốc từ một ngôi chùa, một vị thầy, sau đó phân ra là nhiều chi, nhiều nghành. Các chùa, các Sư cùng thuộc chi nghánh đó, cùng chung chốn tổ ban đầu đều thuộc cùng một sơn môn.
            Sang thời kỳ Phật giáo Lê Sơ, và trước khi thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sinh hoạt chính của đời sống Tăng đoàn Việt Nam là sinh hoạt theo hình thức Sơn môn hệ phái. Điều đó có nghĩa mọi sinh hoạt của Tăng, cho đến mọi Phật sự đều theo hình thức Sơn môn hệ phái. Cho nên, sơn môn tương đương với một Giáo hội thu nhỏ.  
            Hình thức sinh hoạt Sơn môn ra đời, đã giúp Phật giáo Việt Nam dần thoát khỏi sự phát triển tự phát của Phật giáo dân gian, bước đầu tạo điều kiện và kiện toàn lại đời sống sinh hoạt trong Tăng dưới dạng hình thức Giáo hội Sơn môn. Điều đó, thúc đầy sự phát triển về mặt Đạo pháp hơn trong Tăng chúng. Đồng thời cũng tạo ra động cơ tu tập cho Tăng chúng với những chuẩn mực hơn của Tăng đoàn Sơn môn.
1.4.2 Bản chất giáo dục Sơn môn.
1.4.2.1 Định nghĩa.
            Giáo dục Sơn môn là hình thức giáo dục liên kết giữa các tự viện trong một sơn môn, và sự giáo dục của Tăng đoàn sơn môn đối với các tự viện, và thành viên sơn môn, trong đó các bậc trưởng thượng trong Sơn môn dùng phương pháp "Thị phạm" giáo dục Tăng chúng trong Sơn môn, giúp họ phát triển và bổ trợ thêm những tri thức, đạo đức, kỹ năng, lối sống, phạm hạnh… thiền gia.  
 
1.4.2.2 Đặc điểm giáo dục Sơn môn.
            Về cơ bản, giáo dục Sơn môn tương đối giống với hình thức Giáo dục tự viện. Giáo dục sơn môn vẫn sử dụng phương pháp "Thị phạm" làm chủ đạo, nhưng phạm vi rộng hơn so với giáo dục tự viện. Nếu giáo dục Tự viện chỉ là phạm vi Thầy - Trò trong tự viện, thì phạm vi Giáo dục Sơn môn là phạm vi các bậc trưởng thượng, niên cao, lạp trưởng, các bậc mẫu mực Thiền gia trong sơn môn đối với các tự viện thuộc sơn môn.  
             Một đặc điểm khác trong hệ thống giáo dục sơn môn, đó là phạm vi giáo dục trên nhiều phương diện. Do hình thức duy trì và hoạt động sơn môn tương đương với hình thức một giáo hội thu nhỏ, mọi công việc Phật sự trong Tăng thuộc sơn môn đều do Sơn môn giải quyết. Nên việc giáo dục sơn môn, tuy trên nền tảng của phương pháp thị phạm, nhưng nội dung triển khai triên nhiều phương diện. Từ an cư, kết hạ, thụ giới pháp, dạy đồ chúng… đều do chư tăng đảm nhiệm.
            Trong giáo dục Sơn môn, hình thức giáo dục chéo giữa các tự viện, điều đó tạo ra một thuận lợi lớn cho người mới xuất gia. Điều đó có nghĩa, người sơ cơ mới xuất gia, đến tự viện này tu, tuy không gặp được thầy hay bạn tốt, nhưng vẫn được gửi đến những nơi tự viện có các bậc tu hành cẩn thận tại các tự viện khác trong hệ thống sơn môn tu tập. Chính điều này, giúp cho đạo mạch của Phật pháp luôn được duy trì, giúp cho thanh quy và phong khí thiền gia trong sơn môn luôn có người tiếp nối. Cái hay của giáo dục Sơn môn ở chỗ, một ngôi tự viện có thể không có người mẫu mực tu hành, nhưng cả sơn môn thì nhất định có những bậc thầy mẫu mực mô phạm. Sự đào tạo chéo, gửi người giữa các tự viện trong sơn môn đã tạo điều kiện cho người xuất gia có thể được học tập và thân cận những bậc trưởng thượng, mô phạm trong Sơn môn. Điều này cũng lý giải vì sao, các Sơn môn luôn có các bậc pháp khí, phạm hạnh trong mọi thời kỳ.
            Thứ nữa, mỗi Sơn môn, luôn có những bậc pháp khí thiền gia, sự cạnh tranh về tu học giữa các Sơn môn cũng là một động lực thúc đẩy người tu tiến đạo. Bên cạnh đó, mỗi hệ thống sơn môn lại có hệ thống thanh quy riêng. Những thanh quy này như những quy định sinh hoạt, hoạt động Phật sự chung, đòi hỏi cả số môn phải tuân thủ. Thanh quy lại luôn có các bậc trưởng thượng mẫu mực cầm cân, nảy mực, gương mẫu thực hiện, điều đó tạo ra một phong khí thiền gia, là cơ sở Tăng đoàn sơn môn chuyển hóa sự tu tập tại các tự viện. Sợi dây liên kết và chuyện hóa giữa tự viện và sơn môn ở đây chính là niềm tin tưởng và sự quy kính của các tự viện đối với các bậc trưởng thượng duy trì nếp nếp sơn môn. Nhân tố này, đồng thời tạo ra phong khí thiền gia, đó cũng là một trong những cơ sở đảm bảo nề nếp Sơn môn được phát triển một cách tực giác, tự nguyện giữa các tự viện.
            Thứ nữa, Giáo dục sơn môn lấy Đạo đức để chuyển hóa đồ chúng, lấy thanh quy thiền gia làm nguyên tắc sinh hoạt chung, lấy sự tu tập làm mục đích hướng đến, trong các sơn môn lại luôn có bậc mô phạm duy trì, cho nên tạo ra sự phát triển bền vững cả về mặt lượng và chất của Sơn môn.
1.4.2.3 Mục đích chức năng giáo dục Sơn môn.
            Về mục đích của Giáo dục Sơn môn, đó là mục đích duy trì sự tu học và ổn định chung của cả Tăng đoàn Sơn môn, nhằm đào tạo ra những vị Tăng có đủ năng lực đạo hạnh phục vụ tu tập và giáo hóa chúng sinh.
            Vì thế, giáo dục sơn môn có chức năng:
- Giáo dục nhân cách, đạo đức cơ bản cho người mới xuất gia.
- Hoàn thiện nhân cách, đạo đức cơ bản cho người mới xuất gia tại các tự viện trong hệ thống sơn môn.
- Duy trì nề nếp, tu tập, phong khí thiền gia, hệ thống thanh quy trong sơn môn.
- Duy trì sự ổn định, và tạo ra sự liên kết Phật sự, với những định hướng phát triển Sơn môn.
- Sản sinh ra các bậc pháp khí cho Tăng đoàn, cho Sơn môn, duy trì Phật pháp.
1.4.2.4 Vai trò giáo dục Sơn môn.
            Sau thời đại Lý Trần, và trước năm 1981, Phật giáo Việt Nam chủ yếu mang màu sắc Phật giáo dân gian, phát triển một cách tự phát mà không có định hướng rõ ràng. Trong giai đoạn này, Sơn môn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo con người và duy trì các truyền thống tu tập của Phật giáo Việt Nam. Hình thức hoạt động sơn môn thời điểm ấy, tương đương với hình thức của một Giáo hội thu nhỏ. Mọi hoạt động Phật sự của các tự viện trong hệ thống Sơn môn đều do Sơn môn đảm nhiệm. Sở dỉ, hệ thống các sơn môn duy trì được sự phát triển trong một thời gian dài như vậy, là do hệ thống giáo dục sơn môn tương đối khoa học và hợp lý, một mặt đào tạo ra nhiều bậc pháp khí cho sơn môn, một mặt góp phần duy trì truyền thống tu tập Sơn môn.
- Giáo dục sơn môn là nhân tố quan trọng duy trì các truyền thống tu tập. Ở Việt Nam, có nhiều Sơn môn khác nhau, mỗi sơn mỗi có những thế mạnh riêng của mình, tuy nhiên, lại không đối kháng nhau về mặt học thuật và tu tập, không những thế lại luôn giao lưu, tiếp thu những cái hay cái đẹp của nhau, dần dần tích lũy mà có được những tinh hoa, truyền thống tu tập riêng. Mặt khác, từ thế kỷ thứ 12, đến trước năm 1981, Phật giáo Việt Nam phát triển một cách tự phát, không có Giáo hội chung lãnh đạo và thống nhất. Đất nước không rơi vào nội chiến thì cũng triền miên chính tranh. Trước những yêu cầu mới đặt ra của lịch sự và hiện thực xã hội, phương thức sinh hoạt Sơn môn đã ra đời, như một phương tiện mới nhằm thúc đầy và duy trì sự phát triển của Phật giáo. Phương thức sinh hoạt sơn môn, không chỉ giải quyết được vấn đề sinh hoạt trong Tăng, mà nó đã làm tốt nhiệm vụ Duy trì các nền tảng truyền thống tu tập. Hình thức sinh hoạt sơn môn, lại tương đương với một Giáo hội thu nhỏ, điều đó đòi hỏi sơn môn phải có những quy định, điều lệ, hệ thống thanh quy, bên cạnh truyền thống sơn môn… để hoạt đồng và duy trì nề nếp thiền gia. Nhờ vậy, mà các nề nếp truyền thống tu tập được tích lũy, và duy trì.
- Giáo dục sơn môn đảm bảo các nề nếp, truyền thống tu tập tại các tự viện. Không giống như hình thức sinh hoạt giáo hội hiện tại nghiêng về tính hành chính, hình thức sinh hoạt theo sơn môn tạo ra một tính tự giác, và tự nguyện cao trong các thành viên thuộc hệ thống sơn môn. Sợi dây liên kết quan trọng nhất đối với tự viện và sơn môn, đối với cá nhân và tập thể Tăng đoàn sơn môn chính là "niềm tin" luôn được đảm bảo. Vì tự viện, có thể không có bậc mô phạm, nhưng cả sơn môn thì luôn có những bậc mô phạm làm khuôn mẫu. Cái hay ở hình thức giáo dục Sơn môn là hình thức đào tạo và giáo dục chéo. Sơn môn không chỉ có trường học riêng để dạy đồ chúng, mà những bậc niên cao lạp trưởng, những bậc mô phạm, có trí tuệ, có phạm hạnh, thường được các tự viện trong sơn môn uy tín, gửi người đến để học và tu. Nhờ đó, người xuất gia trong các sơn môn ở mọi thời điểm luôn được học tập và thân thừa với các bậc pháp khí trong Phật giáo. Có thầy hay, đương nhiên có trò giỏi. Bên cạnh đó, Sơn môn có thanh quy riêng, các tự viện luôn được chư tôn đức trong sơn môn quan tâm về đời sống tu tập, có những tác động nhất định nhằm giúp các tự viện duy trì nề nếp tu tập. Không những vậy, uy đức của các bậc niên cao lạp trưởng trong sơn môn cũng là nhân tố quan trọng cảm hóa lòng người, và luôn là tấm gương sáng thiền gia cho đồ chúng noi theo.
1.4.2.5 Nội dung giáo dục Sơn môn. 
1.4.2.5.1 Phương pháp, quy trình giáo dục Sơn môn.
            * Phương pháp.  
            Cũng giống như phương pháp giáo dục tự viện, giáo dục sơn môn sử dụng phương pháp "Thị phạm" làm chủ đạo. Phương pháp này vừa là phương pháp, nhưng đồng thời lại là nguyên tắc, là yếu tố cần thiết của giáo dục tự viện và sơn môn. Nó cũng chính là yếu tốt quyết định đến sự tồn tại của Tự viện, Sơn môn, là phương tiện tạo ra niềm tin của tín chúng đối với các bậc niên cao lạp trưởng.
            * Quy trình giáo dục.
            Thông thường, người mới đến xuất gia, thời gian đầu ở các tự viện, được thầy nghiệp sư dạy giỗ, uốn nắn, giáo dục một thời gian. Sau đó, được gửi về chốn tổ của Sơn môn để chấp tác, thừa hành Phật sự, và tu học với các bậc trưởng thượng trong Sơn môn. Nếu không cũng được gửi đến các tự viện trong hệ thống sơn môn có các bậc thầy mô phạm, để học và tu ở nơi các bậc thầy ấy. Cũng có thể, các bậc thầy mô phạm gửi chéo học trò cho nhau để dạy dỗ, nhằm mục đích muốn học trò của mình tiếp thu được nhiều tinh hoa phạm hạnh tu tập từ các bậc thầy khác. Ngoài ra, một số sơn môn còn mở trường học, lớp học tại các tự viện, hoặc ở nơi chốn tổ để cho những người đến du phương sam học. Các lớp học này do các bậc trưởng thượng mô phạm trong sơn môn đảm trách.
            Thứ nữa, các hình thức, Bố tát, hạ sơn môn… Tăng chúng sơn môn thông qua các môn học tiểu trưởng, đại trường, các nề nếp và quy của của hạ sơn môn cũng học được nhiều các nề nếp thiền môn trong sơn môn.
            Phương thức giáo dục này, tạo ra một sự giao lưu, giao thoa, thống nhất về nề nếp, pháp tu trong cả sơn môn, đồng thời tạo ra những động lực thúc đẩy sự phát triển về phạm hạnh trong sơn môn. Do đó, nó cũng trả lời cho câu hỏi tại sơn các sơn môn có thể duy trì được truyền thống tu tập, và sản sinh ra nhiều bậc pháp khí cho Phật giáo ở mọi thời kỳ.
1.4.2.5.2. Nội dung Giáo dục sơn môn.  
            Nội dung giáo dục Sơn môn, đa dạng hơn nội dung giáo dục tự viện. Nội dung giáo dục tự viện chủ yếu đào tạo nên một vị tỷ khiêu trưởng thành trong Phật pháp, có khả năng độ người, không phải y chỉ. Nội dung giáo dục sơn môn không chỉ dừng lại ở đây, mà tiếp tục phát triển hơn cho người xuất gia những tri thức và phạm hạnh cao hơn.
+ Nội dung giáo dục cơ bản cho người xuất gia: Bao gồm những nội dung cần phải học, và giáo dục của: Hình đồng tăng, Hình đồng ni, Sa di tăng, Sa di ni, Thức xoa ma na, Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni.
+ Nội dung giáo dục hạ sơn môn: Các môn học bao gồm trong hệ thống ba tạng Kinh - Luật - Luận. Tùy từng mùa hạ, mà Chư tăng giảng bộ kinh hoặc bộ luật nào. Bên cạnh đó, các môn học tiểu trường cũng được giảng dạy như: Chuông mõ, 24 chương uy nghi, Sa di luật nghi…
+ Nội dung giáo dục trường học Sơn môn: Một số sơn môn có mở lớp học dạy cho người mới sơ cơ, hoặc mở lớp học cho những người đi sam học. Nội dung dạy học cho người mới sơ cơ, chủ yếu phương pháp thị phạm, bao gồm những điều cần thiết nhất cho người mới xuất gia. Nội dung dạy học cho những vị Tỷ khiêu sam phương học đạo, bao gồm các bộ sách trong hệ thống Kinh - Luật - Luật. Ngoài phương pháp thị phạm, ở cấp độ dạy học này, các vị Tỷ khiêu học theo hình thức: Tầm chương trích cú là chủ yếu.
+ Bố tát, Thụ giới Sơn môn: Bố tát cũng là một hình thức giáo dục nhằm nhắc nhở vị Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni đó về sự thanh tịnh phạm hạnh của mình, cũng như đó là dịp để các mọi người phát lồ sám hối. Thụ giới cũng là một hình thức giáo dục, vừa là một sự chắc nghiệm đạo hạnh, lại đồng thời truyền giới cho người đó được tiếp cận với những bậc thang giải thoát.
+ Các nội dung khác: Ngoài các nội dung trên, giáo dục sơn môn còn nhiều nội dung giáo dục khác như nghi lễ, nề nếp thiền môn, đàn tràng, ứng sử… được Chư tăng trong sơn môn giáo dục trực tiếp bằng thân giáo, khẩu giáo thông qua các công việc Phật sự cụ thể.
 
1.5 MỐI QUAN HỆ GIÁO DỤC TỰ VIỆN VÀ GIÁO DỤC SƠN MÔN
1.5.1 Sự tương đồng và dị biệt.
*  Sự tương đồng.  
- Phương pháp: Giáo dục sơn môn và giáo dục tự viện cùng sử dụng chung một phương pháp cơ bản là phương pháp giáo dục : "Thị phạm"
- Nguyên tắc giáo dục: Giáo dục sơn môn, giáo dục Tự viện đều phải tuân thủ những nguyên tắc giáo dục chung về giáo dục người xuất gia, không có nhiều dị biệt.
- Nội dung: Nội dung giáo dục cho Hình đồng, Sa di, Tỷ khiêu, cả giáo dục sơn môn và tự viện đều có chung những nội dung giáo dục.
- Mục đích: Hai phương thức giáo dục đều nhằm mục đích: Trang bị cho người xuất gia thuần thực phạm hạnh, uy nghi, phép tắc, có tri thức, đạo đức, nhân cách…
* Sự dị biệt. 
- Nội dung giáo dục sơn môn rộng hơn nội dung giáo dục tự viện ở các nội dung: học hạ sơn môn, các lớp học, trường học sơn môn. Hệ thống thanh quy của sơn môn....
1.5.2 Sự kết hợp và giao thoa.
            Hai phương thức giáo dục tự viện và giáo dục sơn môn có sự kết hợp và giao thoa đồng nhất. Trong đó giáo dục sơn môn bao hàm giáo dục tự viện. Giáo dục tự viện là cơ sở nền tảng cho giáo dục sơn môn. Giáo dục sơn môn tác động trở lại, hoàn thiện hơn cho giáo dục tự viện về định hướng, nề nếp, truyền thống, thanh quy, phép tắc… Có thể nói, giáo dục sơn môn, vừa mang tính bao hàm nhưng đồng thời là bước phát triển thứ hai của giáo dục tự viện, nhằm hoàn thiện và nâng cao các giá trị phạm hạnh, tri thức, nhân cách, đạo đức cho người tu học.
 
1.6 CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHƯƠNG THỨC TRONG TRUYỂN THỐNG PHẬT GIÁO
1.6.1 Những yếu tố khách quan.
* Sự thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
            Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là chủ thể kế thừa lịch sử và truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành với dân tộc của Phật giáo Việt Nam đã được tôi luyện trong suốt 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, sự ra đời ấy, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới của Phật giáo Việt Nam. Bước ngoặt này đã có tác động không nhỏ đến vai trò của tự viện, giáo dục tự viện; sơn môn và giáo dục sơn môn. Sơn môn không còn vai trò là giáo hội thu nhỏ, cũng vì thế sự liên kết giữa các sơn môn, và Chư tăng sơn môn với tự viện, với cá nhân các thành viên trong sơn môn không còn tồn tại như xưa. Thay vào đó là nhiệm vụ của Giáo hội mới ra đời. Sơn môn tồn tại chỉ mang tính chất hình thức, biểu đạt các tự viện và những người xuất gia có cùng một chốn tổ, sơn môn. Sơn môn tồn tại mang tính hình thức, nên giáo dục tự viện không còn tồn tại. Giáo hội mới ra chưa hội đủ những điều kiện để tác động lại giúp tự viện phát triển tốt hơn, do các phương thức hoạt động chủ yếu là hình thức, mang tính chất hành chính. Vì thế sự liên kết giữa tự viện dần trở lên lỏng lẻo về mặt hành chính mà không hề có sự liên kết về mặt đạo pháp như phương thức Giáo hội sơn môn thu nhỏ. Sự tác động này đã đưa giáo dục tự viện trở về con số tự phát, tự vận động và phát triển không có sự hỗ trợ của giáo hội, không có sự hỗ trợ của các bậc niên cao lạp trưởng, của các bậc mô phạm trong chốn thiền gia. Không có liên kết và hỗ trợ của Tăng đoàn, cho nên các tự viện không có nề nếp, không có người tu hành phạm hạnh… mau chóng bị cuốn theo dòng đời. Những tự viện có truyền thống, có người phạm hạnh… thì cũng dần dần bị mai một theo thời gian.
* Tác động của xu thế phát triển Giáo dục Phật giáo Việt Nam ngày nay.
            Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1981, Ban giáo giáo Tăng Ni Trung ương được hình thành, đã thay đổi phương thức giáo dục truyền thống sơn môn bằng phương thức giáo dục hệ thống các trường Phật học. Sự liên kết về mặt đạo pháp giữa tự viện và Giáo hội không có, lại bị tác ảnh hưởng tác động của xu thế xã hội vật chất hiện đại, đã dẫn đến hệ quả của sự phát triển tự phát, đang mất dần đi tính chất truyền thống, tính mô phạm, không đảm bảo điều kiện, nguyên tắc, không duy trì được phương pháp "Thị phạm". Giáo dục tự viện đã và đang tồn tại xu hướng bàn giao hẳn trách nhiệm giáo dục người mới xuất gia cho hệ thống giáo dục Trường Phật học. Như thế, giáo dục tự viện đang dần đánh mất vai trò giáo dục của mình đối với người xuất gia. Xu thế phát triển này, đến một giai đoặn nào đó, giáo dục truyền thống tự viện sẽ không còn là chính nó. Nếu có tồn tại đi chăng nữa, cũng chỉ là hình thức, mang tính tự phát mà không tồn tại tính khả thi.
* Tác động sự phát triển kinh tế xã hội.
            Tham, sân, si... là những bản năng vốn có của con người. Mà quy luật của xã hội là: Vật chất luôn tỉ lệ thuận với lòng tham và dục vọng của con người. Bởi vậy trong thập nhị nhân duyên: Vô minh, ái, thủ hữu là những nhân tố quan trọng nhất của vòng quay luân hồi sinh tử. Đức Phật thì luôn dạy các đự tử phải nương vào tứ y, và Tài, sắc, danh, thực, thụy, cho đến sắc, thanh, hương, vị súc là những thứ người tu cần phải xa lánh, cần phải "thiểu dục tri túc".
            Ngày nay, kinh tế vật chất phát triển đến chóng mặt đã trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến xã hội con người. Một mặt nó làm cho đời sống con người được nâng cao, nhưng mặt khác nó để lại rất nhiều mặt trái xã hội. Đó là những hệ quả về lòng tham, về đạo đức kinh tế, về sợi dây tinh thần liên kết xã hội, về thời gian, đạo đức, văn hóa... Đây cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến bạo lực gia tăng, tệ nạn xã hội ngày một nhiều, đạo đức giới trẻ xuống cấp, tỷ lệ trẻ phạm tội không có chiều hướng giảm, môi trường tự nhiên bị xâm phạm...
            Những vị tu sĩ Phật giáo cũng là một cá thể trong xã hội, nên luôn chịu sự tác động của thế giới vật chất phát triển. Cộng thêm vào đó, là sự cởi mở của văn hóa xã hội, sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, tu tập, sự cung kính cúng dàng của đàn việt, nên những vị tu sĩ Phật giáo có thể tùy ý sử dụng vật chất theo ý mình. Cái nguy hiểm của nó mang lại chính là vấn đề lòng tham cộng với vật chất rất dễ du ngủ đi những hạnh nguyện bồ đề, và khiến người tu nếu không đủ định lực và phạm hạnh sẽ bị lún sâu vào vòng xoáy của vật chất không thể thoát ra được. Điều này luôn luôn được kiểm chứng bằng thực tế cuộc sống. Vì thế không ngẫu nhiên Đức Phật lại lo:
"Ông Tăng ở chốn thành hoàng
Phật tổ mắng trách thêm phiền trong tâm
Thánh hiền ở chốn rừng thâm
Tiêu dao tự tại thân tâm an nhàn
Nước kia ở mãi trên ngàn
Chảy hoài thành đục thế gian nhuộm màu"
            Con người thời Phật pháp, tượng pháp, mạt pháp chẳng khác nhau là bao về tâm thức. Nhưng sở dĩ một trong những nhân tố tạo ra sự khác biệt về phẩm chất đạo đức con người giữa ba giai đoạn trên là là lòng tham và kinh tế vật chất. Tham dục là một trong những nguyên nhân căn bản đưa đến sinh tử luân hồi, còn kinh tế vật chất chính là đối tượng của tham dục. Từ đây ta dễ ràng rút ra quy luật, tham dục nhiều sẽ kéo theo nhu cầu về vật chất nhiều, và ngược lại kinh tế vật chất nhiều, sẽ luôn là một sự dụ dỗ, lôi kéo, và đó cũng làm cho tham dục tăng trưởng. Tham dục tăng trưởng đương nhiên phạm hạnh bị xâm phạm.
            Kinh tế vật chất phát triển, đã có những tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt người xuất gia, nó kéo theo nhiều phương thức mới trong sinh hoạt xuất hiện, hoặc thay đổi như: sử dụng phương tiện đi lại, sử dụng phương tiện công nghệ thông tin, nhu cầu ứng phó đạo tràng, kinh tế dư giả, xây dựng… Người xuất gia, sống trong môi trường ít bị vật chất chi phối sẽ dễ tu thân tiến đạo hơn trong môi trường vật chất dư giả. Kinh tế vật chất được dồi dào, đồng nghĩa với nó là sự đi xuống về phạm hạnh nếu hành giả xuất gia không tỉnh thức, hoặc được bảo vệ trong môi trường tốt của Phật giáo. Phạm hạnh đi xuống, lại trực tiếp tác động đến tính "Thị phạm" trong phương thức giáo dục tự viện. Khi đặc điểm phương pháp "Thị phạm" bị đi xuống, hoặc không còn tồn tại, thì chất lượng giáo dục tự viện cũng bị đi xuống, hoặc không còn hiệu quả.
* Sự tác động của môi trường văn hóa xã hội và cộng đồng khu dân cư của địa bàn tự viện.
            Điều kiện tự nhiên địa lý luôn là nhân tố quan trọng bậc nhất quy định về văn hóa của các vùng miền. Văn hóa xã hội của mỗi vùng miền lại có sự tác động nhất định đến những con người thuộc vùng văn hóa đó. Cho nên, Phật giáo mặc dù mang trong mình tinh thần xuất thế, và dung hòa mọi nền văn hóa như nước với sữa. Nhưng bản thân Phật giáo cũng như cá nhân các vị tu sĩ Phật giáo ít nhiều chịu sự chi phối và tác động trở lại. Mức độ tác động này, còn tùy thuộc vào sự tiếp nhận và nội lực Phật giáo đến đâu, nhưng những dấu ấn của nó vẫn luôn tồn tại. Điều đó cũng giải thích tại văn hóa ứng sử, tu tập của Phật giáo miền Bắc và Phật giáo miền Nan, Tây Nam Bộ, Nam Tông Khơ Me... có những đặc điểm tu tập và ứng sử khác nhau mang phong cách của các vùng miền riêng biệt.
            Văn hóa, môi trường Phật giáo vốn là "Nghịch sinh tử", còn môi trường văn hóa xã hội là "Thuận sinh tử". Vì mục đích độ sinh, Phật giáo vẫn dung hòa như nước với sữa, nhưng Phật giáo vốn "Hòa hợp" mà "không hòa tan". Cho nên khi sống trong môi trường xã hội "Thuận sinh tử", nếu các vị tư sĩ không có đủ đạo lực, sẽ bị môi trường văn hóa xã hội đồng hóa và lôi cuốn vào vòng xoáy vô thường của cuộc đời. Sự tác động này tồn tại trên nhiều phương diện về lối sống, ứng sử, suy nghĩ....Sự tác động này đồng thời có vai trò khá quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Khi đã trở thành nhân cách, thì "Giang sơn dị cải, bản tính nan di". Sự nguy hiểm ở chỗ,văn hóa môi trường ngày nay phát triển khá đa dạng, đen sen nhiều loại hình, trong đó có cả những loại hình không lành mạnh... Sự tác động của môi trường văn hóa xã hội đến một người xuất gia trước và sau khi vào chùa cũng là một vấn đề tạo nên những tâm thế ban đầu ảnh hưởng đến sự tu tập, hành đạo. Và khi văn hóa môi trường trong chùa không đủ lực, thì vị tu sĩ đó sẽ bị văn hóa môi trường xã hội cuốn đi. 
            Một yêu cầu đặt ra như một nguyên tắc đối với giáo dục tự viện đó là: Môi trường tự viện càng trong sạch bao nhiêu càng tốt, đặc biệt môi trường này càng xa cách môi trường xã hội, môi trường cộng đồng khu dân cư trên địa bàn bao nhiêu cách tốt. Mục đích của giáo dục tự viện là biến đổi tâm thức, hành động thế tục, thành tâm thức, hành động phạm hạnh thiền môn. Do đó, sự xa lánh những mặt trái của môi trường xã hội, cộng đồng khu dân cư trên địa bàn tự viện, chính là một thuận duyên để bảo dưỡng, phát triển các thiện căn cho hành giả xuất gia. Chỉ khi đạo hạnh kiên cố, thì mới có thể đi vào thế tục để cải hóa thế tục. Điều này giải thích tại sao xưa kia ngôi chùa thường được xây dựng trên núi cao.
            Tập khí thế tục, được nuôi dưỡng trong môi trường thế tục, điều tất yếu tập khí thế tục tăng trưởng. Tập khí thế tục được nuôi dưỡng trong môi trường thiền môn, tập khí ấy dần bị tiêu diệt. Do vậy, muốn tập khí thế tục không còn, trước tiên, phải để môi trường tự viện trong sạch, không để môi trường ấy bị tấn công, bị nhuộm màu hoàn toàn bởi môi trường xã hội, cộng đồng khu dân cư tự viện.
1.6.2 Những yếu tố chủ quan.
* Ý thức tu tập mà mức độ giác ngộ của người xuất gia.
            Điểm then chốt trong giáo dục truyền thống, là tính "mô phạm" và 'thị phạm'. Nếu không có ý thức, động cơ trong tu tập, sẽ không thể trở thành bậc mô phạm. Khi đó tính sự mô phạm không có, thì "thị phạm" cũng chẳng dựa vào đâu để triển khai tiến hành.
* Trình độ nhận thức và vốn văn hóa của người xuất gia.
            Trình độ nhận thức và vốn văn hóa của người xuất gia cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của giáo dục Phật giáo. Giáo dục truyền thống Phật giáo có vai trò quan trọng, là một trong những nhân tố chủ đạo quyết định đến sự tồn tại của Phật giáo Việt Nam, quyết định đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, phạm hạnh cơ bản của người xuất gia. Nhưng sự nhận thức không đúng đắn được vai trò giáo dục truyền thống của Giáo hội, và của các tự viện, đã và đang tạo ra hệ quả: Giáo dục sơn môn không còn tồn tại, giáo dục tự viện ngày một bị mai một theo thời gian. Sức mạnh của giáo dục truyền thống đang dần bị triệt tiêu, thay vào đó là hệ thống giáo dục trường Phật học có nhiều vấn đề còn tồn tại cần giải quyết. Nhưng một hệ quả khác đưa đến là phạm hạnh người xuất gia đi xuống.
 
 CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG
 
2.1 Mô tả khách thể khảo sát và cách thức khảo sát.
2.1.1 Mục đích và phương pháp khảo sát.
- Mục đích khảo sát: Chỉ ra được thực trạng về giáo dục tự viện, giáo dục sơn môn, phạm hạnh người xuất gia, từ đó tìm ra nguyên nhân, đưa ra những giải pháp trên các phương diện: Giáo hội, tự viện, người xuất gia.
- Phương pháp khảo sát: Sử dụng các phương pháp Sưu tầm và phân tích các chứng minh, phiếu hỏi, phỏng vấn, toán thống kê, nhìn nhận đánh gia….
2.1.2 Nội dung khảo sát.
            Luận văn tập trung khảo sát các nội dung sau:
- Sự tồn tại của giáo dục sơn môn.
- Thực trạng của giáo dục tự viện.
- Phạm hạnh của người xuất gia
- Sự tu tập, hành trì lễ niệm của người xuất gia.
- Tư cách nghiệp sư.
2.1.3 Mô tả khách thể khảo sát.
- Địa bàn: Khu vực phía Bắc, phía Nam.
- Đối tượng: Tự viện, Sơn môn, người xuất gia. Trong đó khảo sát 500 người xuất gia, 200 ngôi tự viện, 40 Sơn môn.
- Thời gian: Từ ngày…. đến ngày…..
2.2 Thực trạng chất lượng giáo dục truyền thống Phật giáo hiện nay
2.2.1 Phương diện giáo hội. .  
* Giáo dục sơn môn không tồn tại.
            Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập cũng là lúc các Sơn môn nhường lại quyền điều hành Phật sự Tăng đoàn của sơn môn cho giáo hội. Các sơn môn, không còn giữ được vai trò đối với các tự viện như xưa. Cũng vì thế mà phương thức giáo dục sơn môn không còn tồn tại. Sơn môn và giáo dục sơn môn không tồn tại, đưa đến những hệ quả sau:
- Sự liên kết giữa các tự viện, giữa các thành viên trong sơn môn chỉ là sự liên kết thuần túy về mặt quan hệ sơn môn(Cùng một chốn tổ), mà không còn sự liên kết về mặt "đạo pháp". Các sơn môn lớn như: Khê Hồi, Thọ Ngãi - Thường Tín; Đa Bảo - Phú xuyên; Đọi, Tế Xuyên - Hà Nam; Hòa Nhai, Liên Phái, Bồ Đề, Hàm Long; Vĩnh Nghĩa, Tôn Sơn ở Bắc Giang; Quang Khánh, Yên Ninh - Hải Dương; Đa Tốn, Bút Tháp, Bụt Mọc -Bắc Ninh; Long Động(Đồng Ngọ, Thanh Hà, Hải Dương); Quỳnh Lâm (Đông Triều Quảng Ninh); Thập Tháp Di Đà, Nguyên Thiều - Bình Định; Thiền Lâm - Thuận Hóa; Phúc Thánh - Quảng Nam; Thiên Ân Quảng Ngãi; Hội Sơn Tông - Phú Yên… đều chỉ giữ được liên hệ nội bộ sơn môn về mặt "họ hàng"(Cùng sơn môn).  Khi còn giữ được vai trò của mình, sơn môn tuy nhỏ, nhưng luôn giữ được vị thế đối với các tự viện trong sơn môn. Do tính đặc thù của định hướng phát triển đúng đắn, nên thời kỳ nào sơn môn cũng có các bậc mô phạm. Đây là cơ sở duy trì nề nếp thanh quy sơn môn. Thứ nữa, phạm vi sơn môn nhỏ, cũng là điều kiện thuận lợi cho việc quản lý điều hành. Do nó nề nếp, truyền thống sơn môn luôn được bảo đảm. Giáo hội hiện nay, tuy được thống nhất từ 9 sơn môn hệ phái lớn, nhưng đã và đang có su hướng bão hòa, không có sự đặc sắc và tạo ra được dấu ấn rõ nét. Thay vào đó là sự thiếu hụt các bậc mô phạm niên cao lạp trưởng, phạm vi quản lý lại rộng cả nước. Chính vì thế, sự liên giữa các giáo hội với các tự viện; Giáo hội với các cấp Giáo hội; Giáo hội với các thành viên Giáo hội… được giới Học giả tri thức ví như "Cái kiềng một chân". Nghĩa là sự liên kết dường như là con số "Không", hay nói đúng hơn sự liên kết ấy nằm trong câu nói: "Trên bảo dưới không nghe", hay "Mạnh ai, người ấy đi". Điều này không giống với truyền thống sơn môn và truyền thống giáo dục sơn môn xưa: Sự liên kết trong sơn môn luôn là sự liên kết về mặt đạo pháp, trong đó sơn môn đóng vai trò là tính phổ quát chuyển hóa, đảm bảo cho các tự viện và thành viên về mặt đạo pháp. Ngược lại các thành viên tuân thủ các quy định, hệ thống thanh quy sơn một một cách tự nguyện và tự giác.
- Tính bản sắc và truyền thống Phật giáo bị bão hòa, mờ nhạt theo thời gian. Trước giai đoặn Giáo hội chưa thống nhất, một yêu cầu đặt ra đối với các sơn môn đó là sự tồn tại của sơn môn. Tuy nhiên, sơn môn thời điểm này, có một quy luật bất thành văn, sơn môn luôn tương đương một Giáo hội thu nhỏ, đảm trách mọi Phật sự trong sơn môn. Vấn đề nằm ở chính chỗ "Giáo hội thu nhỏ". Vấn đề này cũng đồng thời đòi hỏi sự tồn tại của Sơn môn không nằm ở mặt quan hệ sơn môn, hay những sự tác động khách quan, mà nằm ở chính yếu tố: Bản sắc, truyền thống, thanh quy, các bậc phạm hạnh; niềm tin của các tự viện, thành viên với sơn môn đó. Vì sơn môn ra đời, nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt quan hệ "Đạo pháp' thông qua các công việc Phật sự và liên kết sơn môn. Nhưng trong một truyền thống Phật giáo có rất nhiều sơn môn song hành tồn tại, một tự viện, mà hành giả xuất gia có rất nhiều sự lựa chọn. Họ có thể vẫn là người của sơn môn này - nhưng không có niềm tin, nên họ có thể thừa hành và tuân hành Phật sự ở một sơn môn khác. Do đó, một sơn môn dù có đông quân số, nhưng khi niềm tin của tự viện, thành viên không còn, các tự viện, thành viên, có thể thừa hành và tuân hành Phật sự các sơn môn khác, thì sơn môn ấy, mau chóng mất đi vai trò, và bị mai một dần theo thời gian mà không còn tồn tại như Sơn môn: Liên Phái, Đọi, Đa Bảo, Khê Hồi... Chính vì thế, sơn môn trong giai đoạn này, muốn tồn tại được, đòi hỏi sơn môn phải tạo ra được niềm tin đối với tín chúng. Niềm tin đó được đánh đổi bằng chất lượng phạm hạnh và thanh tịnh của sơn môn. Không những vậy, nhân tố trên còn tạo ra động lực cạnh tranh giữa các sơn môn. Cạnh tranh ở đây, không phải là cạnh tranh về mặt thì trường, mà cạnh tranh về mặt "Phạm hạnh". Vô hình dung nó lại là động lực thúc đẩy phát triển "Đạo pháp'. Điều này đã lý giải vì sao các sơn môn có thể tồn tại được lâu dài, thời kỳ nào cũng có các bậc long tượng ra đời, làm đống lượng cho Phật pháp. Đặc biệt tạo ra những bản sắc, những truyền thống, thanh quy nề nếp thiền ra riêng của Phật giáo. Nhưng khi Sơn môn không tồn tại, giáo dục sơn môn không tồn tại, tất cả những điểm sáng về mặt đạo pháp trên bị diệt vong.
- Tính "Thị phạm' đứng trước nguy cơ tiệt chủng: Một thực tế cho thấy, trong giai đoặn đất nước chiến tranh, Phật giáo còn sinh hoạt theo truyền thống Sơn môn hệ phái, Phật giáo Việt Nam đã sinh ra không biết bao nhiêu bậc long tượng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam như Hòa thượng Tố Liên, Trí Hải, Khánh Anh… Nhưng kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất năm 1981 đến nay, thì bỗng nhiên Phật giáo Việt Nam bị mắc căn bệnh "Tre già măng nhiễm bệnh". Vì thế, có thể nói, trong hơn 30 năm thành lập và phát triển đến nay, Phật giáo Việt Nam chỉ có kế thừa các bậc long tượng của truyền thống Phật giáo sơn môn trước, mà chưa thể sinh ra các bậc long tượng trong thời kỳ mới. Tính "Thị phạm" vốn được nuôi dưỡng bằng chất liệu truyền thống phạm hạnh Phật giáo, nó là có thể được coi là sản phẩm di truyền từ các bậc long tượng, mô phạm, đòi hỏi cả ba điều kiện: Thân, khẩu, ý giáo từ  các bậc phạm hạnh, các bậc niên cao lạp trưởng, và sự thân thừa, thân hành của hàng hậu côn. Nhưng khi các bậc long tượng, mô phạm đã và đang dần khuất núi, Phật giáo lại mắc căn bệnh "Tre già măng nhiễm bệnh' thì tính "Thị phạm' không có cơ sở để tồn tại, không có nền tảng để kế thừa, không có điểm tựa để phát triển. Và thực tế nó chỉ còn tồn tại thoi thóp ở một vài cá nhân như: Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Chùa Ráng Phú Xuyên … Khi tính 'Thị phạm"(yếu tố quan trọng bậc nhất của giáo dục truyền thống Phật giáo) không tồn tại, giáo dục Phật giáo khi đó thực sự là quá trình "Xã hội hóa con người" và "Cư sĩ hóa Phật giáo', mà không phải là quá trình "Thiệu long Phật chủng"
* Chiếc kiềng một chân
            Mô hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tồn tại theo kiểu "Kiềng một chân". Thực tế cho thấy, sự liên kết giữa: Giáo hội - các cấp Giáo hội; Giáo hội, các cấp giáo hội - Tự viện; Giáo hội, các cấp Giáo hội - thành viên; chỉ có sự liên kết về mặt hành chính(Giấy tờ pháp nhân, pháp lý). Ngoài ra, chủ chương, định hướng, hoạt động không có tính thống nhất, đồng bộ,… dường như hoạt động độc lập, và biệt lập, trên bảo dưới không nghe: Trung ương Giáo hội chỉ có vai trò hòa giải, trung gian(không thể chỉ đạo) giữa sự hợp nhất Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây và Thành hội Phật giáo Hà Nội năm 2008; Giáo hội có vai trò tham mưu(không thể chỉ đạo) trong việc Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương tiến hành Đại hội năm 2012…Không thế, tất cả các ban ngành của Giáo hội, các Ban trị sự tỉnh, huyện trong cả nước cũng tồn tại mô hình "Kiềng một chân". Đặc biệt, ngay cả Giáo dục Phật giáo Việt Nam cũng tuân theo công thức trên. Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương; Ban giáo dục Tăng Ni cấp Tỉnh, thành, huyện; Hệ thống các trường: Sơ, Trung, Cao đẳng, Học viện Phật giáo; các tự viện… đều tự mình là cái "kiềng một chân", có nội dung, chương trình, định hướng riêng, không có bất cứ sự ràng buộc, liên kết nào với nhau. Tất cả các ban nghành, hệ thống khác nhau, tương quan với nhau chỉ mang giá trị "Tham khảo". Mô hình "Kiềng một chân" luôn luôn đưa đến một kết quả: "Không thể tồn tại lâu dài".
* Tính trội của giáo dục Phật đường.
            Theo kết quả: Bản khảo sát năm 2013 của Soạn giả tại một số Trường trung cấp Phật học có kết quả:
STT Tên Trường Sĩ số Hình đồng Sa di Tỷ khiêu
1 Trung Cấp Phật Học Hà Nội Khóa VI 171   131 40
2 Trung Cấp Phật Học Hà Tây Khóa V. 81 65 8 8
3 Trung Cấp Phật Học Khánh Hòa Khóa VI 82 50 15 17
4 Trung Cấp Phật Học Hải Phòng Khóa V 63 56 35 16
5 Trung Cấp Phật Học Hải Phòng Khóa VI 81 48 30 3
6 Trung Cấp Phật Học Hải Dương 85 0 60 25
7 Trung Cấp Phật Học Nam Đình Khóa IV 140 70 40 30
8 Trung Cấp Phật Học Lâm Đồng khóa V 105 55 15 35
9 HVPGVN tại HN Khóa VI 302 2 19 281
             Theo con số trên, thì trung bình, 60%, 70% Tăng Ni sinh là Hình đồng, Sa di. Con số này cho thấy:
  • Các tự viện đang có xu hướng chuyển giao dần sự đào tạo người cho hệ thống các Trường Phật học.
  • Các nguyên tắc giáo dục trong truyền thống Phật giáo không được đảm bảo.
            Trong ba phương thức giáo dục: Tự viện, Sơn môn, Hệ thống trường Phật học, thì:
  • Giáo dục Tự viện  tương ứng với Giới học
  • Giáo dục Sơn môn tương ứng với Định học
  • Giáo dục Hệ thống các trường Phật học tương ứng định học.
            Như vậy, Giáo dục Phật giáo Việt nam đang đi ngược lại các nguyên tắc giáo dục cơ bản trong truyền thống Phật giáo, đã và đang bỏ qua bước giáo dục "Giới - Định"(Giáo dục tự viện, sơn môn) cho Tăng Ni sinh, tập trung chủ yếu cho giáo dục Tuệ học(Trường Phật học). Nguy hại việc đi ngược nguyên tắc này Luật có nêu: : "Lìa giới mà tu định tuệ, đó là nhân của ngoại ma. Lìa định tuệ tu giới là nhân của cõi trời. Tam học đầy đủ là nhân thành Phật"[71]. Do đó nếu coi trọng hình thức giáo dục trường Phật học, xem nhẹ, bỏ qua giáo dục tự viện sơn môn thì giáo dục Phật giáo có xu hướng đi xuống về mặt "Chất". Nếu coi trọng giáo dục Định học, Tuệ học, xem thường Giới học, thì Phật giáo dễ dẫn đến diệt vong. Nhưng nếu phát triển giáo dục đồng đều cả Giới, Định, Tuệ học, mà không tuân thủ các nguyên tắc giáo dục cơ bản được đúc kết từ hàng ngàn đời nay, thì giáo dục Phật giáo cũng khó mà hoàn thành được mục tiêu đề ra.
            Nhiệm vụ giáo dục người xuất gia trong xu hướng mới có thể khảng định nhiệm vụ đó đặt nặng trên vai hệ thống giáo dục trường Phật học. Hệ thống trường Phật học đang tồn tại một loạt những vấn đề sau:
- Thiếu giảng sư cơ hữu: Các giảng sư các trường Phật học đều mang tính giải pháp tạm thời, thiếu chuyên môn, thiếu nghiệp vụ sư phạm, thiếu thời gian nghiên cứu.
- Không có giáo trình: Hầu hết các giảng sư tại các trường Phật học không có giáo trình giảng dạy. Nếu có đi chăng nữa, cũng chỉ một số ít. Nhưng những giáo trình này chưa được thẩm định, đều mang tính tự phát, các nhân.
- Kiềng một chân: Hoạt động giữa Ban giáo dục Tăng Ni trung ương, với Ban giáo dục các tỉnh, thành địa phương, các trường Phật học, tự viện… tồn tại độc lập với nhau. Các quan hệ tương quan chỉ mang tính chất tham khảo. Với kiểu giáo dục kiềng một chân, giáo dục chắc chắn không đem lại kết quả cao.  
- Đào tạo chồng chéo giữa các cấp học. Do hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam không có tính đồng bộ, nhất quán, các Ban giáo dục, Trường Phật học… tồn tại độc lập với nhau, không có sự thống nhất một định hướng chung, nên đã tạo ra sự đào tạo chồng chéo giữa các cấp học. Sơ cấp lại dạy và học cả những môn học Cao đẳng, Học viện Phật giáo. Sự đào đạo này thiếu khoa học, không mang lại hiệu quả cao.
- Thiếu nghiêm túc trong quản lý thi cử: Khoảng 90% Tăng Ni sinh quay bài trong các kỳ thi. Thực trạng này giải thích tại sao niềm tin của các nghiệp sư cho con mình thường tặc lưỡi: "Cưỡi ngựa xem hoa", nó cũng phản ánh luôn được chất lượng đào tạo.
- Mất thời gian, lãng phí kinh phí: Trung bình một trường Phật kinh phí đào tạo 1 tháng hết khoảng 200.000.000(Hai trăm triệu) một tháng. Một năm hết khoảng 2.000.000.000(Hai tỉ). Bốn năm hết 8.000.000.000(Tám tỉ).  . Một học viện đào tạo một tháng hết khoảng 400.000.000(Bốn trăm triệu); 1 năm hết 4.000.000.000(Bốn tỉ); 4 năm hết 16.000.000.000(mười sáu tỉ). Tổng cổng thời gian một Tăng Ni sinh ngồi trên ghế Phật đường 8 năm. 8 năm, một loạt các trường trung cấp đào tạo, đến học viện đào tạo, 8 năm số Tăng Ni sinh trong các Học viện ra trường đến hàng ngàn người. Những theo đánh giá của chư tôn đức, trung bình mỗi học viện, mỗi khóa, số Tăng Ni sinh ra trường, có thể làm việc phục vụ cho Giáo hội theo đúng nghĩa, thì không quá 05 người. Đây là một con số đáng báo động về chất lượng đào tạo hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam, cũng như cái giá phải trả quá đắt cho chất lượng giáo dục Phật giáo.  
- Chú trọng đào tạo về mặt Tuệ học:
            Kết quả khảo sát chương trình đào tạo một số trường Phật học:
Stt Tên Trường Số năm đào tạo Tổng số tiết Số tiết học Luật nghi Số tiết học Kinh luật Tỉ lệ Số tiết học luật nghi/Số tiết kinh luận.
  HVPGVN tại HN khóa VI 4 4155 315 3840 1/12
  Sơ Cấp Phật Học Nha Trang khóa VI 3 1080 114 966 1/8
  HVPGVN tại Huế khóa 4 3448 120 3328 1/27
  Trung Cấp Phật Học Hải Phòng Khóa VI 4 2986 250 2763 1/10
  Trung Cấp Phật Học Hải Dương 4 3118 228 2890 1/12
  Trung Cấp Phật Học Lâm Đồng khóa V 4 2657 249 2408 1/9
 
            Như vậy, 60, 70% Tăng Ni sinh theo học đều là Hình đồng, Sa di, chưa được trang bị những hành trang uy nghi, giới luật, nề nếp… cơ bản trong thiền gia. Nhưng hệ thống trường Phật học đào tạo theo đúng khung chương trình và mô hình thế tục. Các bài học về uy nghi, phép tắc, giới luật được tính bằng môn, bằng học trình. Trong khi đó Kinh luật học nhiều, Giới luật học ít, các môn về uy nghi, tỳ ni, chuông mõ chỉ có vài trăm tiết. Dựa trên bảng khảo sát cho thấy: Tỉ lệ Luật học, so với các môn kinh luận luân giữ ở mức tỉ lệ trung bình là 1/12. Trong khi đó, các môn Luật nghi mới là nền tảng tạo ra phạm hạnh. Phương thức đào tạo này dẫn đến: Tăng Ni sinh bị lỗ hổng về phạm hạnh, uy nghi, phép tắc. Bên cạnh đó, nề nếp uy nghi, ứng sử uy nghi không được chú trọng. Cơ bản, là tính tự phát của cá nhân Tăng Ni sinh. Khi nào vi phạm các một số quy định cơ bản của nhà trường, mới bị nhà trường sử lý.
- Đào tạo chồng chéo các môn học: Do tính chất đặc thù riêng, thiếu giảng sư cơ hữu. Tất cả các giảng sư chỉ mang tính "giải pháp", nên khi nào sắp xếp được thời gian, bất luật năm thứ nhất hay năm thứ tư là giảng sư đó lên dậy. Các môn học không được sắp xếp theo trật tự khoa học về mặt kiến thức, do phụ thuộc hoàn thời vào thời gian Giảng sư.
- Thiếu nhân sự quản lý:Các phòng ban chức năng trong hệ thống các trường Phật học tồn tại trên phương diện hình thức. Thậm trí có trường, thiếu giáo viên chủ nhiệm, chỉ tồn tại duy nhất bộ phận văn phòng. Bộ phận văn phòng trong các trường Phật học, đồng thời phảm đảm trách tất cả các phòng ban chức năng khác của Trường Phật học. Tính chuyên môn hóa, hệ thống hóa không có. Dẫn đến kết quả, chất lượng giáo dục không cao.
- Giảng sư chưa phải bậc mô phạm: Nếu xét theo tiêu chí của Luật nghi, giảng sư ở các trường Phật học chưa phải bậc mô phạm. Cái Tăng Ni sinh được thân thừa từ phạm hạnh, uy nghi nơi các bậc giảng sư chỉ là một vài phần trăm nhỏ. Ngoài ra, cái hơn thông thường của Giảng sư với Tăng Ni sinh, chỉ là cái hơn về mặt tuổi tác, tạo ra sự đĩnh đạc hơn. Còn về mặt uy nghi, ứng sử đang trở thành một vấn đề bị bão hòa, xem nhẹ, bỏ qua.
- Đối tượng giáo dục không đồng đều: Đây là một đặc thù riêng trong Phật giáo. Ở các trường các khóa đều tồn tại: Sự chênh lền về tuổi đời, tuổi đạo, kiến thức… giữa các Tăng Ni sinh, khiến công việc đào tạo, giảng dạy gặp nhiều khó khăn.
- Thiếu sinh khí Đạo pháp: Các mối quan hệ của Tăng Ni sinh với Tăng Ni sinh, của Tăng Ni sinh với giảng sư mang tính chất xã giao, kiến thức, mà thiếu sự liên kết phát triển về mặt đạo pháp. Môi trường chung, thiếu sinh khí tâm linh, thiếu sinh khí đạo pháp, không tạo được động lực, không có động lực đạo pháp tác động để Tăng Ni sinh phát triển phạm hạnh.
            Kết luận: "Kết quả giáo dục trên" = "Cưỡi ngựa xem hoa"
* Lỗi hệ thống Giáo hội, đã có những tác động không tốt đến Giáo dục Phật giáo.
            "Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm nay của Phật giáo Việt Nam"[72]. Chủ thể ấy có nhiệm vụ đảm bảo phương châm: "Đạo pháp - Dân tộc". Nhưng khi giáo hội đang đứng trước những nguy cơ lỗi hệ thống phạm hạnh trong toàn giáo hội, thì phương châm trên khó thực hiện. Hệ thống phạm hạnh Giáo hội bị lỗi, thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, trong đó nổi bật lên các giá trị đạo đức, phạm hạnh của người xuất gia đã và đang có xu hướng xuống cấp .
 
2.2.2 Phương diện Tự viện.
            Khi phương thức giáo dục Sơn môn không tồn tại, nó đã có những ảnh hưởng tác động lớn đến sự tồn tại của giáo dục tự viện. Vai trò của Giáo hội với các tự viện chỉ mang tính chất hành chính, sự tương quan giữa giáo dục tự viện và giáo dục trường Phật học hết sức mờ nhạt. Giáo dục tự viện không thể dựa vào giáo dục sơn môn như xưa, phải đứng biệt lập và độc lập một cách tự phát, nên đã đưa đến nhiều hệ quả khác nhau. Giáo dục tự viện đang tồn tại thực trạng sau:
- Giáo dục tự viện tồn tại phát triển mang tính tự phát: Đó là sự tồn tại độc lập, không có sự hỗ trợ, định hướng của Giáo hội, của Ban giáo dục Tăng Ni; không có sự liên kết hỗ trợ của hệ thống trường Phật học. Sự tồn tại và phát triển của giáo dục tự viện hoàn toàn tự phát theo định hướng chủ quan cá nhân từng tự viện. Vai trò của Giáo hội với giáo dục tự viện theo công thức: "Sống chết mặc bay"
- Phương pháp "Thị phạm' không được duy trì: Rất ít, và dường như không có trường hợp người thầy vừa "Thị" vừa "Phạm', vừa là người khuôn mẫu lại vừa bắt tay bẻ ngón dạy đệ tử.
- Các nguyên tắc giáo dục không được đảm bảo: Các nguyên tắc về dạy người, độ người, cạo tóc cho người, thụ giới pháp, thứ tự học, thời gian… dường như không được đảm bảo. Theo đó là cách dạy người, cạo tóc, thụ giới pháp… tùy theo ý thích.
- Chuyển giao trách nhiệm giáo dục người sơ cơ cho Trường Phật học: Có đến 70% các Tự viện đã chuyển giáo hoàn toàn việc giáo dục người xuất gia cho trường Phật học. Trường Phật học lại chú trọng đào tạo kiến thức là chủ yếu. Dẫn đến hiện tượng Tăng Ni trẻ bị lỗ hổng về phạm hạnh uy nghi.   
- Phạm hạnh người thầy có vấn đề: Dưới đây là kết quả khảo sát 500 ngôi tự viện trên một sô tiêu trí:
stt Nội dung không  
1 Thanh Quy 03 497 Số chùa có cùng đặc điểm
2 Uy nghi 32 468
3 Nề nếp thiền gia 78 422
4 Thời khóa tụng niệm 193 317
            Những con số này đều là tương đối, song nó cũng phản ảnh phần nào thực trạng. Kết quả trên cho thấy, mức độ hành trì, duy trì nề nế thiền gia, thời khóa tụng niệm, uy nghi phép tắc, thanh quy thiền gia… không có, hoặc đang xuống dốc một cách trầm trọng. Việc duy trì những vấn đề này thuộc trách nhiệm của người thầy. Có thể nói, duy trì thanh quy, uy nghi, nề nếp thiền gia, thời khóa tụng niệm… như món ăn pháp thực hàng ngày của người xuất gia để phát triển đạo lực, đời sống tâm linh. Nhưng khi nó không được duy trì hàng ngày, hoặc chỉ tồn tại ở một số ít chùa, thì hệ quả của nó là sự đi xuống về mặt phạm hạnh. Trong khi đó, các ứng sử thế tục, cúng bái, đồng bóng, sử dụng vật chất dư giả sang trọng, nhận anh em, bố mẹ nuôi, tranh tiểu, dụ dỗ tiểu, coi tiểu như đồ trang sức - độ tiểu để oai để ta đây có tiểu; độ tiểu để trông chùa, độ tiểu để cúng bái, độ tiểu không nuôi dạy như pháp, độ người cho cạo đầu thụ giới đi học ngay…đang tồn tại ít nhiều trong các ngôi tự viện. Tất cả những vấn đề trên đều phản ánh phạm hạnh của người thầy. Trước hết nó biểu hiệu tính "Thị phạm" của người thầy không có. Một khi tính "thị phạm' của người thầy được đảm bảo, tất cả các hữu lậu trên khó có thể sảy ra.
            Trong thời gian qua, trên mạng tràn lan các thông tin: "Mù quáng với tình yêu dành cho "Sư hổ mang", cô gái mới lớn đã ba lần mang thai mà không được làm mẹ, còn bị người yêu mưu sát, yểm bùa, trông cây lên xác chết phi tang"[73]; "Đời sống "Cao cấp" của nhà sư đúc tượng giống mình"[74]; "Tiểu sư thầy ném mũ cối, tung cước ngay trên phố'[75]; "Chú tiểu đi trang trí sắc đẹp cho người đẹp thi hoa hậu"[76]; 'Thảm họa trùng tu chùa Trăm gian"; "Đồng Nai - Nhà sư cưỡng hiếp cô gái 16 tuổi gây chấn động'[77]; "Nhà sư trộm SH trở bạn gái đi chơi"[78]; "Chú tiểu trộm máy tính của Sư thầy'[79]… Có lẽ, những thông tin này không phải tất cả đều là do giới báo trí "giật tít câu khách", hay cũng có thể đó chỉ là "Con sâu bỏ dầu nồi canh". Thực hư thế nào không bàn đến, nhưng dẫu sao "không có lửa khó mà có khói". Đó phải chăng là những hồi chuông cảnh báo đối với giới tu hành Phật giáo, nếu như không muốn mình tự diệt vong.
- Người mới xuất gia đã phải làm nhiệm vụ trụ trì, độ người: Đó không còn là tính trội, mà là xu hướng trong Tăng Ni trẻ. Có xuất phát điểm cả hai phương diện người thầy và đệ tử. Người thầy với tư tưởng nhận nhiều chùa, có thể cho tiểu, hoặc cổ súy, một mình không thể trông nom, nên giao cho tiểu. Mặt khác, xu thế Tăng Ni trẻ luôn định hình trong đầu vấn đề nhận một ngôi tự viện đi lại. Nhiều người thuận duyên được đi trông nom từ lúc còn hình đồng, sa di. Khi ở riêng ngôi tự viện, tuy không đủ tuổi độ người, Giáo hội cũng không cho phép, nhưng vẫn độ người xuất gia, rồi cho y chỉ. Giáo hội cũng không hề quản lý chặt chẽ và dường như làm ngơ. Và Giáo hội không chỉ làm ngơ trong vấn đề này, mà dường như Giáo hội vô cán trong tất cả vấn đề đối với các tự viện. Việc người xuất gia đã phải làm nhiệm vụ trụ trì, độ người trong khi chưa hề thuần thục về các pháp uy nghi, giới luật, thì đó chính là quá trình thế tục hóa, và cư sĩ hóa Phật giáo nhanh nhất.  
- Sinh khí Tâm linh hết sức mờ nhạt: Quan sát cung cách ứng sử uy nghi, quan sát các buổi lễ niệm, quan sát các buổi nghi lễ Phật giáo… kết quả cho thấy chỉ là sự qua loa đại khái, mang tính chất ứng phó đạo tràng là chủ yếu. Sinh khí tâm linh, sự trang nghiêm thành kính, thể hiện sự tôn nghiêm, cung kính với Phật hết sức mờ nhạt. Nó thể hiện niềm tin của Tăng Ni với Phật không có, hoặc rất ít.
- Ứng phó đạo tràng là thế mạnh:  Không biết đây là phương tiện, hay đã được chuyển hóa từ phương tiện ứng cơ thành "công cụ kiếm tiền'. Không hiểu mức độ diễn tiến của nó đã trở thành tính phổ quát hay chưa. Nhưng hiện tượng người dân kêu các sư chặt chém, đặt giá cúng bái 10 triệu, 20, 30 triệu một đàn lễ vẫn không làm… là một câu truyện có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu. Sự thô tháo về cung cách ứng sự, sự thái quá về ứng phó đạo tràng… đã và đang làm mất niềm tin ở một bộ phận khá đông đảo quần chúng nhân dân. Câu truyện chặt chém của nhà chùa trở thành những vấn đề thời sự ngoài các chợ chỉ là cơm bữa. Trên kenh14.vn cùng một loạt trang mạng đặt vấn đề: "Hành lễ đầu năm, tiền vào túi ai". Họ đặt câu hỏi: "Những đồng tiền này rồi sẽ vào túi ai. Làm giàu cho nhà chùa, hay vì lợi ích quốc dân. Trong khi tích tiểu thành đại, số tiền này không hề nhỏ"? Và họ kết luận: "đưa cái đạo vào đời, sống được như giáo lí được dạy mới là khó, còn đưa cái đời thường trần tục vào đạo thì dễ như không. Mà nếu nặng trần tục như thế, đạo không còn là đạo mà đời ô trọc vẫn là ô trọc thế thôi. Phật có nghĩa là bậc giác ngộ, giác ngộ tức là hiểu biết đạt tới sự đúng đắn, đến với Phật, hành đạo, hành lễ, cần niềm tin nhưng không phải là niềm tin mù quáng mà ắt đó phải là niềm tin được giác ngộ sâu sắc"[80]. Câu hỏi và kết luận của họ, tuy có sự châm biếm, nhưng vẫn dành cho giới nhà chùa một sự tôn trọng nhất định. Kết luận của họ cũng hoàn toàn đúng. Đó có lẽ mới chỉ là bước đầu quần chúng nhân dân Phật tử đưa ra lời cảnh báo đối với giới nhà chùa chăng? Nhưng ngẫm lại, để họ nói lại đạo lý trên, gửi thông điệp ấy đến cho những người học đạo, và hành đạo hàng ngày thì quả là một điều đáng phải suy ngẫm và tủi hổ.
2.2.3 Phương diện người xuất gia.
            Người xuất gia là đối tượng của giáo dục Phật giáo. Khi hệ thống giáo hội bị lỗi, đã tác động tạo ra nhiều ảnh hưởng không tốt đến hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam, giáo dục sơn môn không tồn tại, giáo dục tự viện mờ nhạt, chuyển giao việc giáo dục người xuất gia cho trường Phật học, Giáo dục trường Phật học được nghiệp sư tặng cho danh hiệu: "Cưỡi ngựa xem hoa". Quy trình đào tạo người xuất gia đã bị lỗi theo một hệ thống từ trên xuống dưới. Kết quả người xuất gia chính là nạn nhân của nền giáo dục đó. Chất lượng giáo dục diễn tiến theo quy luật sau: "Tre già măng mọc" đến "Tre già măng nhiễm bệnh" và kết quả hiện thực là "Tre nhiễm bệnh măng nhiễm bệnh". Khi người thầy - chủ thể giáo dục nhiễm bệnh, sản phẩm đạo tạo ra sẽ là sản phẩm gì. Các cụ lại thường bảo: Người xuất gia ban đầu như tờ giấy trắng, tùy người thầy vẽ chữ Phật hay ma". Không biết những người thầy nhiễm bệnh ấy, họ sẽ vẽ được gì trên tờ giấy trắng? Không biết khi mà hệ thống phạm hạnh Giáo hội, hệ thống giáo dục Phật giáo đang bị lỗi hệ thống, các nhà tu hành Phật giáo sẽ làm được gì cho "Đạo pháp - Dân tộc" trong tương lai. Và có khi nào, những tờ giấy trắng ấy chính là nạn nhân của những người thầy? Cho nên, khi những người ấy mải mê thế tục, chạy theo danh lợi vật chất, quên mất Bồ đề tâm, thì nên trách họ hay trách ai?
 
Chương 3. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
PHẬT GIÁO THÔNG QUA CÁC PHƯƠNG THỨC TRUYỀN THỐNG.
 
            Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể của Giáo dục Phật giáo Việt Nam. Chủ thể này vừa là tạo ra cơ chế, đồng thời định hướng những thiết chế và tạo ra sự tác động mang tính phổ quát chi phối hướng phát triển chung của giáo dục Phật giáo. Vì thế, muốn giải quyết những vấn đề tồn tại của giáo dục Phật giáo, đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả, trước hết phải giải quyết những vấn đề tồn tại của giáo hội. Khi lỗi hệ thống Giáo hội không được kịp thời sửa chữa, có tiến hành cải cách giáo dục Phật giáo chẳng khác nào "Giã tràng xe cát biển đông". Cho nên, muốn tiến hành giải quyết các tồn tại giáo dục Phật giáo bước đầu tiên cần đi từ những tồn tại của Giáo hội, sau đó từng bước tiến hành tìm ra thực trạng, nêu rõ nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả giáo dục Phật giáo.
            Nguyên nhân đưa đến những vấn đề tồn tại của giáo dục Phật giáo có hai nguyên nhân cơ bản. Một là lòng tham dục của con người, hai là sự vận động phát triển của xã hội vật chất. Cả hai nguyên nhân này vốn là quy luật phát triển của tự nhiên. Bản chất của con người luôn là tham dục. Thứ nữa, xã hội luôn luôn vận động phát triển, kinh tế vật chất cũng vậy. Một quy luật nữa tồn tại song hành trong hai nguyên nhân trên đó là kinh tế vật chất phát triển luôn tỉ lệ thuận với lòng tham, tỉ lệ nghịch với các giá trị đạo đức. Trên cơ sở này, các nhóm giải pháp được đưa ra, nhằm đối trị hai nguyên nhân chính là tham dục của con người và kinh tế vật chất xã hội phát triển.  Ngoài ra còn có các nguyên nhân chủ quan khác, các nhóm giải pháp cũng được đề cập đến để giải quyết những yêu cầu đặt ra.
3.1 Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Phật giáo.
3.1.1 Phương diện giáo hội
* Tìm ra mô hình vận hành Giáo hội mới cân bằng giữa đạo và đời:
            Mô hình mới cần đáp ứng được yêu cầu: Không cồng kềnh, thiếu hiệu quả, cá nhân hóa, hữu danh vô thực…
* Tăng quyền lực cho Hồi Đồng Chứng Minh, thành lập Hội đồng Pháp chế.
            Nghĩa là phải phát huy vài trò "Lãnh đạo, hướng dẫn và giám sát tối cao các hoạt động của Giáo hội, Hội đồng Trự sự về mặt Đạo pháp và Giới luật"[81]. Để phát huy được vai trò này, cách duy nhất là Tăng quyền lực cho HĐCM. Quyền lực mới của HĐCM là thực quyền. Quyền lực mới của HĐCM tạo ra một sức mạnh mới thực sự vừa có chức năng giám sát nhưng đồng thời như một thiết chế nhằm loại bỏ tính cá nhân hóa, loại bỏ những tồn tại của Hội đồng Trị sự. Những quy định mới về HĐCM gồm:
  • Tuổi tham gia Hội đồng trị sự: 60 tuổi đời trở lại.(Hạ lạp phù hợp với Giới luật quy đinh)
  • Tuổi tham gia Hồi đồng Trị sự: 60 tuổi đời trở lên( Hạ lạp phù hợp Giới luật). Với độ tuổi này, cả HĐCM, HĐTS đều đảm bảo sức khỏe hoạt động, lãnh đạo Giáo hội.
  • HĐCM có quyền phê bình, kỷ luật, thay mặt Đại hội tạm thời tước bỏ các chức danh trong HĐTS(nếu vi phạm kỷ luật, hoặc hoạt động thiếu hiệu quả) tạm thời, thay mặt Đại hội bổ niệm các chức danh Hội đồng Trị sự(chờ Đại hội suy cử lại), tổ sắp xếp nhân sự HĐTS trình trước Đại hội.  
  • HĐCM có thêm chức năng, quyền hạn: Chỉ đạo chủ chương, đường lối, chính sách, nhân sự, các Phật sự lớn của Giáo hội để HĐTS lấy đó làm cơ sở triển khai.
  • Thành lập thêm Hội đồng Pháp chế. Hội đồng Pháp chế tương đương như Tòa án trong Phật giáo, có chức năng giám sát tất cả các hoạt động của Giáo hội; Giải quyết các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến Phật giáo. Bên cạnh đó, sau khi Hội đồng Chứng minh đề cử nhân sự, phế chuất hoặc bổ nhiệm nhân sự trong Hội đồng Trị sự.., cần được thông qua Hội đồng Pháp chế. Hội đồng Pháp chế xem xét các tiêu chuẩn, đánh giá năng lực, phạm hạnh… sau đó trình Hội đồng Chứng Minh ra quyết định.
            Vì với mô hình hoạt động hiện tại, HĐCM chỉ có quyền lực trên danh nghĩa, quyền lực lãnh đạo tối cao dường như nằm trong tay HĐTS, tạo ra mô hình Phong kiến trung ương tập quyền. Quyền lực chính của Hội đồng Trị sự lại thuộc về Chủ tịch, và Phó chủ tịch Thường trực ba miền. Điều này dễ dẫn đến những quan liêu, cá nhân hóa, có những lúc tạo ra hệ quả không tốt mà dư luận gọi là "Gia đình trị". Nhưng với mô hình mới, ba Hội đồng: Chứng minh, Trị sự, Pháp chế tồn tại song hành, giám sát lẫn nhau. Trong đó, HĐCM, Hội đồng Pháp chế tạo ra một công cụ mới là Hội đồng Trị sự một cách khách quan, dân chủ, với những nhân sự đủ năng lực, phạm hạnh làm nhiệm vụ điều hành các hoạt động Phật sự Giáo hội. Phương thức này, làm giảm quyền lực của các nhân, tăng tính dân chủ, chọn được người tài đủ năng lực, phạm hạnh một  cách khách quan. Đồng thời giải quyết được những tồn tại, tạo ra những hệ quả không tốt từ việc quyền lực Giáo hội tập trung chủ yếu ở Chủ tịch, Phó chủ tịch Thường trực HĐTS.
* Kết hợp với nhà nước, củng cố, thống nhất quyền lực Giáo hội từ Trung ương đến cấp tự viện.
            Giáo hội, kết hợp với nhà nước, củng cố quyền lực mới của Giáo hội. Theo đó, Giáo hội có quyền hạn:
  • Giáo hội quản lý toàn bộ các cơ sở tự viện.
  • Giáo hội có quyền điều tiết nhân sự các cơ sở tự viện.
  • Giáo hội có quyền điều tiết nhân sự từ cấp Trung ương, đến địa phương(có những quy chế riêng)
* Sinh hoạt theo Tùng lâm, Tăng đoàn.   
            Từ vấn đề trên, theo đó, không có chức năng trụ trì cố định. Quy định mới, mỗi người trụ trì các ngôi tự viện không quá 10 năm. Cần đưa ra những quy định, nguyên tắc dân chủ, để chọn ra được những người đủ năng lực, phạm hạnh trụ trì các ngôi tự viện. Tùy vào từng mức độ, nhưng cơ bản, các ngôi tự viện đều là Tùng lâm. Những người không đủ năng lực, phạm hạnh, hoặc có những vấn đề hạn chế trong tu tập… đều sinh hoạt tu tập trong tùng lâm. Theo đây, mỗi huyện, cần thành lập những tùng lâm (Tùy vào mức độ nhiều ít). Chư tăng tu tập theo tinh thần tùng lâm. Không có chuyện một người trụ trì biệt lập một ngôi tự viện(trừ vùng cao, vung sâu).  Các ngôi tự viện khác, phân bổ người về kiêm nhiệm giáo hóa. Tùy theo thời gian, đặc thù phân bổ người về các ngôi tự viện. Người về kiêm nhiệm, chỉ có có trách nhiệm hướng dẫn nhân dân Phật tử, các công việc Phật sự trong một thời gian nhất định, không thể sở hữu riêng ngôi tự viện thành tài sản của mình. Bên cạnh đó, với việc Giáo hội có chức năng thuyên chuyển, luân chuyển, thì người xuất gia sẽ được phân bố đồng đều trong cả nước, trong đó có cả các vùng sâu vùng xa. Phật pháp tạo ra được tính phổ quát. Như trên thì Giáo hội cần làm các công việc:
  • Chuyển từ hình thức tu tập tự viện sang hình thức tu tập tùng lâm
  • Chọn các ngôi tự viện đầy đủ điều kiện thiết lập tùng lâm
  • Sắp xếp người tu tập trong các ngôi tự viện hiện tại vào tu tập các tùng lâm.
  • Chọn những người mô phạm, niên cao lạp trưởng đứng đầu tùng lâm.
  • Thiết lập thanh quy tùng lâm.
  • Tùy vào tính đặc thù quyết định lượng người trong một tùng lâm.
  • Bỏ cơ chế trụ trì một ngôi tự viện.
  • Mỗi tùng lâm có trách nhiệm quản lý một số cơ sở tự viện, địa bàn Phật giáo nhất định.
  • Tùng lâm phân người đến các cơ sở tự viện phục vụ tín ngưỡng
  • Sinh hoạt tùng lâm bằng các pháp yết ma.
            Theo phương thức này, tất cả người xuất gia đều được tu tập trong tùng lâm, theo một thanh quy tùng lâm, được tùng lâm chuyển hóa. Những người đủ năng lực vẫn đi làm các công việc Phật sự ở các ngôi tự viện khác, tạo ra một sức mạnh mới về tu tập và hoằng pháp. Theo đây, một loạt các vấn đề tồn tại của các ngôi tự viện được giải quyết. Một mặt nó làm giảm lòng tham dục của người xuất gia, làm mất đi những tác nhân dẫn đến hữu lậu, làm mất đi các chướng ngại chùa triền, không còn chuyện dân đuổi sư, tranh cướp, mua bán chùa triền, được sinh hoạt tu tập theo Tăng chúng…. một mặt tạo ra tính đồng đều, tất cả các ngôi tự viện đều có người làm việc Phật sự.
* Cải cách ứng sử trong Tăng
            Chư tôn đức cần tập trung, kiện toàn, cải cách lại toàn bộ ứng sử trong Tăng. Tuy vẫn tôn trọng bản sức truyền thống sơn môn hệ phái, nhưng cần ra một bộ quy định chung với Luật nghi ứng sử trên mọi phương diện từ tu tập, sinh hoạt, ứng sử, đến nghi lễ, ngoại giao… Ít nhất nó phải đảm bảo được sự trang nghiêm của người xuất gia, thể hiện được bản chất tu tập của người xuất gia trong tứ uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi điềm tĩnh, khác người thế tục. Điều này phải thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ từ chư tôn đức niên cao lạp trưởng, cho đến chú tiểu mới sơ cơ học đạo. Để người tại gia nhìn vào hàng ngũ xuất gia ở bất cứ nơi đâu, đều thực sự là những bậc mô phạm, để thay đổi toàn bộ lối ứng sử mang màu sắc thế tục hóa trong toàn Giáo hội như hiện nay. Tóm lại, Giáo hội cần có những thay đổi:
  • Ra đời bộ sách Luật nghi, ứng sử, phép tắc chung được Tăng Ni cả nước đồng thuận.
  • Từ bậc tôn túc trưởng thượng, đến chú tiểu hình đồng đều phải thực hành
  • Tổ chức, triển khai tinh thần này đồng bộ trong cả nước, trong toàn bộ Tăng Ni
  • Tổ chức các lớp tập huấn, giảng dạy triển khai về quy tắc, ứng sử luật nghi chung
  • Đảm bảo tiêu chí: Mỗi người xuất gia, tu cao hay dở không cần biết, nhưng phải đảm bảo các uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, ứng sử… đúng uy nghi, đúng phép tắc người xuất gia, không để thế tục cơ hiềm.
* Thụ giới, an cư, Bố tát …theo tùng lâm.
  • Các công việc an cư, bố tát… sinh hoạt theo tùng lâm.
  • Công việc thụ giới pháp cũng do tùng lâm đảm nhiệm(Giáo hội chứng minh)
  • Các giới tử vẫn phải trải qua các kỳ thi khảo hạch của do Giáo hội tổ chức. \
* Trị phạt theo tinh thần Yết ma.
  • Những người phạm luật, phạm nghi đều bị trị phạt.
  • Ngoài trị phạt bằng phương thức hành chính, cần trị phạt bằng tinh thần yết ma.
3.1.2 Phương diện Tùng lâm, Tự viện.
* Đảm bảo các nguyên tắc độ người, dạy người xuất gia.
  • Phải đảm bảo tuyệt đối cơ bản các nguyên tắc về việc độ, việc dạy người xuất gia ở các cấp độ Hình đồng, Sa di, Thức xoa ma na, Tỷ khiêu.
  • Các bước tiến hành Độ người xuất gia cần tiến hành như pháp như: Thời gian thử thách, yết ma súc chúng, yết ma thế phát….
  • Khi các thời gian đảm bảo, và các pháp luật nghi thành thục mới tiến hành đi học Trung cấp, Học viện Phật giáo.
* Đảm bảo nguyên tắc và phương pháp "Thị phạm"
  • Người thầy phải là bậc mô phạm, khuôn mẫu
  • Người thầy phải làm mẫu, bắt tay bẻ ngón dạy đệ tử.
* Xây dựng bộ quy tắc ứng sử với vật chất. 
  • Cần có những quy định chung của Giáo hội về việc người xuất gia sử dụng vật chất, ô tô, xe máy, điện thoại, di động, vi tính…
  • Cần quy định rõ sử dụng như thế nào, đối tượng được sử dụng, thời gian sử dụng…
3.1.3 Phương diện Ban giáo dục Tăng Ni, trường Phật học.
* Thống nhất đồng bộ chương trình đào tạo do Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương đảm trách.
  • Ban giáo dục cần kết hợp với các Ban giáo dục địa phương, các trường Phật học thống nhất chương trình đào tạo chung, có tính cấp tiến đi lên, thống nhất, đồng bộ giữa các trường Phật học, các cấp học.
  • Thành lập Hội đồng biên soạn, kiểm duyệt giáo trình.
  • Ra mắt những bộ giáo trình chung, bắt buộc phải giảng dậy trong các trường Phật học, trong đó giảng sư phải đáp ứng yêu cầu 70% nội dung của giáo trình.
* Xây dựng đội ngũ giảng sư cơ hữu, có chuyên môn, năng lực, phạm hạnh.
  • Có chiến lược đào tạo xây dựng con giảng sư ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường
  • Mở những lớp học sư phạm đặc biệt đào tạo những giảng sư từ lúc măng non.
  • Có sự chọn lọc, bồi dưỡng liên tục trong một thời gian dài.
  • Có những chủ chương, chính sách phù hợp phát triển người tài trong học tập.
  • Cần có những chính sách để đảm bảo đi lại, xe cộ, kinh tế cho các giảng sư cơ hữu, có thể đi giảng lưu động giữa các trường Phật học.
  • Cần có chính sách, động viên, khích lệ Giảng sư cơ hữu.  
* Cân bằng chương trình học Giới - Định - Tuệ một cách phù hợp.
  • Phân bổ các môn, các học trình, tiết học về Luật nghi hài hòa giữa Kinh - Luật - Luật.
* Tạo ra môi trường tu học tốt.
  • Xây dựng bộ quy tắc ứng sử trong trường Phật học.
  • Đảm bảo sự thực hành uy nghi một cách đồng bộ trong trường Phật học.
  • Giảng sư phải đảm bảo nguyên tắc:"Thị phạm"
  • Sử lý nghiêm những trường hợp không thực hành uy nghi, phép tắc(bất luận ai)
* Nghiêm túc trong thi cử.
  • Làm nghiêm túc trong vấn đề thi cử một cách đồng bộ, tuyệt đối.
  • Không công bố điểm thi ngay, tạo áp lực, công bố điểm thi vào cuối kỳ, cuối năm học.
* Thư viện sách.
  • Các trường Phật học đều phải đảm bảo có thư viện Phật học đáp ứng đủ nhu cầu học tập.
  • Tạo ra thói quen đọc sách, tự làm việc, nghiên cứu cho Tăng Ni sinh tại các thư viện.
* Tăng thời gian thực hành.
  • Tăng thời gian thực hành cho Tăng Ni sinh.
  • Phát huy tính tự học của Tăng Ni sinh là chủ yếu.
  • Giảng viên chỉ là người hướng dẫn.
* Đào tạo nội trú.
  • Đảm bảo nội trú 100% cho Tăng Ni sinh tại các trường Phật học.
* Đảm bảo thời khóa tu tập trong trường Phật học.
  • Các trường Phật học phải đảm bảo 100% Tăng Ni sinh thực hành tu tập đúng thời khóa.
* Đảm bảo đào tạo khoa học giữa các môn học.
  • Thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, khoa học.
  • Đảm bảo chương trình diễn ra đúng tiến độ.
* Mở các lớp học Sơ cấp tại chính các Tùng Lâm.
  • Mở các lớp sơ cấp Phật học tại các tùng lâm do các tùng lâm đảm nhiệm.
  • Khi thiếu giảng sư, mời các giảng sư ở các tùng lâm, của Giáo hội đến giảng dạy.
  • Các lớp sơ cấp học tập thuần túy theo phương pháp truyền thống, nhằm đảm bảo người xuất gia được giáo dục đúng nguyên tắc.
* Bắt đầu từ Trung cấp Phật học chỉ tuyển Tỷ khiêu.
  • Hệ thống các trường Trung cấp, Cao đẳng, Học viện chỉ tuyển sinh Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni. Tuyển sinh từ đối tượng này, một mặt đảm bảo nguyên tắc giáo dục truyền thống, một mặt đây là thời điểm phù hợp một người xuất gia có thể tự lập, xa thầy, học tại các trường Phật học. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục được nâng cao.
3.2 Khảo sát lấy ý kiến về tính khả thi của các giải pháp.
            Bản khảo sát lấy ý kiến tính khả thi của các giải pháp được thực hiện ở 500 vị tỷ khiêu.
stt Nội dung Tán thành Không tán thành Không phù hợp
  Các nhóm giải pháp như trên. 258 215 27
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
PHỤ LỤC:  Phiếu điều tra xã hội học về phạm hạnh người xuất gia,  chất lượng Giáo dục Phật giáo, tính khả thi các nhóm giải pháp.
1. Bạn tin tưởng bao nhiêu % vào Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội.
100% 95% 70% 50% 20% 5% 0%
2.  Theo dự đoán của Bạn, có khoảng bao nhiêu % Tăng Ni hiện nay không có uy nghi:
100% 95% 70% 50% 20% 5% 0%
3. Theo dự đoán của Bạn, số Tăng Ni hiện nay bị xuống cấp về phạm hạnh chiếm bao nhiêu %
100% 95% 70% 50% 20% 5% 0%
4. Bạn đánh giá thế nào về chất lượng Giáo dục các trường Phật học hiện nay:
Tốt Bình thường Chưa được Còn nhiều hạn chế
5. Bạn đánh giá thế nào về thực trạng Phật giáo Việt Nam hiện nay.
Tốt Bình thường Đang bị xuống cấp Còn nhiều hạn chế
6. Các giảng sư trường Phật học, đa phần là:
Mô phạm Bình thường Thiếu uy nghi Còn nhiều hạn chế
7. Các nghiệp sư đa phần nuôi người:
Làm thầy Trông chùa Vì Phật pháp Phục vụ tín ngưỡng
8. Bạn vào chùa được được thầy dạy uy nghi:
  Tự học Không
9. Khi được thầy nhận nuôi, Bạn được chư Tăng tiến hành Yết ma súc chúng
  Không
10. Khi được thầy thế phát, Bạn được chư Tăng tiến hành Yết ma thế phát
  Không
11. Mấy tuổi hạ bạn đi trụ trì, trông nom một ngôi tự viện
1 2 3 4 5 Sa di hình đồng
12. Thời gian bao lâu bạn được thế phát.
1 năm 2năm 3năm 4 năm 2 tháng nửa năm Cạo ngay
13. Khi làm tiểu, Bạn được thầy mình:
  dạy cúng Không dạy bảo Thường xuyên uốn nắn
14. Quan điểm của bạn với các nhóm giải pháp bên dưới:
Viễn tưởng không đồng ý đồng ý Chưa phù hợp
          Các nhóm giải pháp gồm:
Thành lập Hội đồng Pháp chế, tăng quyền lực Hội đồng chứng minh
  • Tuổi tham gia Hội đồng trị sự: 60 tuổi đời trở lại.(Hạ lạp phù hợp với Giới luật quy đinh)
  • Tuổi tham gia Hồi đồng Trị sự: 60 tuổi đời trở lên( Hạ lạp phù hợp Giới luật). Với độ tuổi này, cả HĐCM, HĐTS đều đảm bảo sức khỏe hoạt động, lãnh đạo Giáo hội.
  • HĐCM có quyền phê bình, kỷ luật, thay mặt Đại hội tạm thời tước bỏ các chức danh trong HĐTS(nếu vi phạm kỷ luật, hoặc hoạt động thiếu hiệu quả) tạm thời, thay mặt Đại hội bổ niệm các chức danh Hội đồng Trị sự(chờ Đại hội suy cử lại), tổ sắp xếp nhân sự HĐTS trình trước Đại hội. 
  • HĐCM có thêm chức năng, quyền hạn: Chỉ đạo chủ chương, đường lối, chính sách, nhân sự, các Phật sự lớn của Giáo hội để HĐTS lấy đó làm cơ sở triển khai.
  • Thành lập thêm Hội đồng Pháp chế. Hội đồng Pháp chế tương đương như Tòa án trong Phật giáo, có chức năng giám sát tất cả các hoạt động của Giáo hội; Giải quyết các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến Phật giáo. Bên cạnh đó, sau khi Hội đồng Chứng minh đề cử nhân sự, phế chuất hoặc bổ nhiệm nhân sự trong Hội đồng Trị sự.., cần được thông qua Hội đồng Pháp chế. Hội đồng Pháp chế xem xét các tiêu chuẩn, đánh giá năng lực, phạm hạnh… sau đó trình Hội đồng Chứng Minh ra quyết định.
Phương thức mới:
  • Giáo hội quản lý toàn bộ các cơ sở tự viện.
  • Giáo hội có quyền điều tiết nhân sự các cơ sở tự viện.
  • Giáo hội có quyền điều tiết nhân sự từ cấp Trung ương, đến địa phương(có những quy chế riêng
Tu tập tùng lâm
  • Chuyển từ hình thức tu tập tự viện sang hình thức tu tập tùng lâm
  • Chọn các ngôi tự viện đầy đủ điều kiện thiết lập tùng lâm
  • Sắp xếp người tu tập trong các ngôi tự viện hiện tại vào tu tập các tùng lâm.
  • Chọn những người mô phạm, niên cao lạp trưởng đứng đầu tùng lâm.
  • Thiết lập thanh quy tùng lâm.
  • Tùy vào tính đặc thù quyết định lượng người trong một tùng lâm.
  • Bỏ cơ chế trụ trì một ngôi tự viện.
  • Mỗi tùng lâm có trách nhiệm quản lý một số cơ sở tự viện, địa bàn Phật giáo nhất định.
  • Tùng lâm phân người đến các cơ sở tự viện phục vụ tín ngưỡng
  • Sinh hoạt tùng lâm bằng các pháp yết ma.
Ứng xử:
  • Ra đời bộ sách Luật nghi, ứng sử, phép tắc chung được Tăng Ni cả nước đồng thuận.
  • Từ bậc tôn túc trưởng thượng, đến chú tiểu hình đồng đều phải thực hành
  • Tổ chức, triển khai tinh thần này đồng bộ trong cả nước, trong toàn bộ Tăng Ni
  • Tổ chức các lớp tập huấn, giảng dạy triển khai về quy tắc, ứng sử luật nghi chung
  • Đảm bảo tiêu chí: Mỗi người xuất gia, tu cao hay dở không cần biết, nhưng phải đảm bảo các uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, ứng sử… đúng uy nghi, đúng phép tắc người xuất gia, không để thế tục cơ hiềm.
Thụ giới, an cư, Bố tát …theo tùng lâm.
  • Các công việc an cư, bố tát… sinh hoạt theo tùng lâm.
  • Công việc thụ giới pháp cũng do tùng lâm đảm nhiệm(Giáo hội chứng minh)
  • Các giới tử vẫn phải trải qua các kỳ thi khảo hạch của do Giáo hội tổ chức. \
* Trị phạt theo tinh thần Yết ma.
  • Những người phạm luật, phạm nghi đều bị trị phạt.
  • Ngoài trị phạt bằng phương thức hành chính, cần trị phạt bằng tinh thần yết ma.
+  Phương diện Tùng lâm, Tự viện.
* Đảm bảo các nguyên tắc độ người, dạy người xuất gia.
  • Phải đảm bảo tuyệt đối cơ bản các nguyên tắc về việc độ, việc dạy người xuất gia ở các cấp độ Hình đồng, Sa di, Thức xoa ma na, Tỷ khiêu.
  • Các bước tiến hành Độ người xuất gia cần tiến hành như pháp như: Thời gian thử thách, yết ma súc chúng, yết ma thế phát….
  • Khi các thời gian đảm bảo, và các pháp luật nghi thành thục mới tiến hành đi học Trung cấp, Học viện Phật giáo.
* Đảm bảo nguyên tắc và phương pháp "Thị phạm"
  • Người thầy phải là bậc mô phạm, khuôn mẫu
  • Người thầy phải làm mẫu, bắt tay bẻ ngón dạy đệ tử.
* Xây dựng bộ quy tắc ứng sử với vật chất. 
  • Cần có những quy định chung của Giáo hội về việc người xuất gia sử dụng vật chất, ô tô, xe máy, điện thoại, di động, vi tính…
  • Cần quy định rõ sử dụng như thế nào, đối tượng được sử dụng, thời gian sử dụng…
Phương diện Ban giáo dục Tăng Ni, trường Phật học.
* Thống nhất đồng bộ chương trình đào tạo do Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương đảm trách.
  • Ban giáo dục cần kết hợp với các Ban giáo dục địa phương, các trường Phật học thống nhất chương trình đào tạo chung, có tính cấp tiến đi lên, thống nhất, đồng bộ giữa các trường Phật học, các cấp học.
  • Thành lập Hội đồng biên soạn, kiểm duyệt giáo trình.
  • Ra mắt những bộ giáo trình chung, bắt buộc phải giảng dậy trong các trường Phật học, trong đó giảng sư phải đáp ứng yêu cầu 70% nội dung của giáo trình.
* Xây dựng đội ngũ giảng sư cơ hữu, có chuyên môn, năng lực, phạm hạnh.
  • Có chiến lược đào tạo xây dựng con giảng sư ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường
  • Mở những lớp học sư phạm đặc biệt đào tạo những giảng sư từ lúc măng non.
  • Có sự chọn lọc, bồi dưỡng liên tục trong một thời gian dài.
  • Có những chủ chương, chính sách phù hợp phát triển người tài trong học tập.
  • Cần có những chính sách để đảm bảo đi lại, xe cộ, kinh tế cho các giảng sư cơ hữu, có thể đi giảng lưu động giữa các trường Phật học.
  • Cần có chính sách, động viên, khích lệ Giảng sư cơ hữu. 
* Cân bằng chương trình học Giới - Định - Tuệ một cách phù hợp.
  • Phân bổ các môn, các học trình, tiết học về Luật nghi hài hòa giữa Kinh - Luật - Luật.
* Tạo ra môi trường tu học tốt.
  • Xây dựng bộ quy tắc ứng sử trong trường Phật học.
  • Đảm bảo sự thực hành uy nghi một cách đồng bộ trong trường Phật học.
  • Giảng sư phải đảm bảo nguyên tắc:"Thị phạm"
  • Sử lý nghiêm những trường hợp không thực hành uy nghi, phép tắc(bất luận ai)
* Nghiêm túc trong thi cử.
  • Làm nghiêm túc trong vấn đề thi cử một cách đồng bộ, tuyệt đối.
  • Không công bố điểm thi ngay, tạo áp lực, công bố điểm thi vào cuối kỳ, cuối năm học.
* Thư viện sách.
  • Các trường Phật học đều phải đảm bảo có thư viện Phật học đáp ứng đủ nhu cầu học tập.
  • Tạo ra thói quen đọc sách, tự làm việc, nghiên cứu cho Tăng Ni sinh tại các thư viện.
* Tăng thời gian thực hành.
  • Tăng thời gian thực hành cho Tăng Ni sinh.
  • Phát huy tính tự học của Tăng Ni sinh là chủ yếu.
  • Giảng viên chỉ là người hướng dẫn.
* Đào tạo nội trú.
  • Đảm bảo nội trú 100% cho Tăng Ni sinh tại các trường Phật học.
* Đảm bảo thời khóa tu tập trong trường Phật học.
  • Các trường Phật học phải đảm bảo 100% Tăng Ni sinh thực hành tu tập đúng thời khóa.
* Đảm bảo đào tạo khoa học giữa các môn học.
  • Thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, khoa học.
  • Đảm bảo chương trình diễn ra đúng tiến độ.
* Mở các lớp học Sơ cấp tại chính các Tùng Lâm.
  • Mở các lớp sơ cấp Phật học tại các tùng lâm do các tùng lâm đảm nhiệm.
  • Khi thiếu giảng sư, mời các giảng sư ở các tùng lâm, của Giáo hội đến giảng dạy.
  • Các lớp sơ cấp học tập thuần túy theo phương pháp truyền thống, nhằm đảm bảo người xuất gia được giáo dục đúng nguyên tắc.
* Bắt đầu từ Trung cấp Phật học chỉ tuyển Tỷ khiêu.
  • Hệ thống các trường Trung cấp, Cao đẳng, Học viện chỉ tuyển sinh Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni. Tuyển sinh từ đối tượng này, một mặt đảm bảo nguyên tắc giáo dục truyền thống, một mặt đây là thời điểm phù hợp một người xuất gia có thể tự lập, xa thầy, học tại các trường Phật học. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục được nâng cao.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
- Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển, NXB Hội Phật Quang Đài Bắc, năm 2000
- Sa môn Tuệ Giác, Kinh Hiền Ngu, NXB Tôn Giáo, năm 2005
- Truy Môn Cảnh Huấn, NXB Tôn Giáo, năm 2001
- Giáo dục học đại cương, TS. Trần Anh Tuấn chủ biên
- Đại tạng kinh Việt Nam, Luật Tứ Phần, Nhà xuất bản Hà Nội, năm 1995
- Thích Tiến Đạt, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải, NXB Tôn Giáo, năm 2007
- Tap A Ham, PIYADASSI MAHATHERA, NXB Kim Ấn Quán, 1528 South La - - ----- Ciengabl Los Angeles, CA, năm 1999
- René de Berval, Présence du Bouddhisme, page 245
- Sa Môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006
- Thích Thanh Kiểm, Thiền Lâm Bảo Huấn, NXB TP Hồ Chí Minh, năm 2000
- PIYADASSI MAHATHERA, NXB Kim Ấn Quán, 1528 South La Ciengabl Los - Angeles, CA, năm 1999
- PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Bài tham luận Triết lý về giáo dục con người, Hội thảo Khoa học - Phật giáo định hướng và phát triển, năm 2012
PIYADASSI MAHATHERA, NXB Kim Ấn Quán, 1528 South La Ciengabl Los Angeles, CA, năm 1999
- HT. Thích Bình Minh, Pháp Yết Ma Chỉ Nam, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành năm 1991
- HT. Kim Cương Tử, Phật Luật Học, Nhà xuất bản Tôn giáo, năm 2001
- Thích Bảo Lạc, Bách Trượng Thanh Quy, NXB Phương Đông, năm 2007
- Tuệ Đăng, Giới luật học cương yếu, NXB TPHCM, năm 2000
- Thích Đổng Minh, Thích Đức Thắng, Luật Tứ Phần, Ban Tu Thư Phật Học, năm 2006
- Thích Di Sơn, Luận Văn Tốt Nghiệp Cử nhân Phật Học, HVPGVN tại HN, năm 2010.
- HT Thích Thanh Kiểm, Thiền Lâm Bảo Huấn, NXB TP Hồ Chí Minh, năm 2000
- Công đức của người xuất gia-dịch giả Thích Giác Nghiên
- Thích Phổ Tuệ, Phật Tổ Tam Kinh, NXB Tôn giáo, năm 2005
- HT. Thích Hành Trụ, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú, NXB Hồng Đức, năm 2013
- http://www.nguoiduatin.vn/su-thay-giet-nguoi-yeu-phi-tang-xac-vi-khong-chiu-pha-
thai-a114242.html
- http://danviet.vn/thoi-su/doi-song-cao-cap-cua-su-tru-tri-duc-tuong-giong-
minh/20131113091315232p1c24.pic
- youtube.com/watch?v=oDFT7XGMxY0
- http://news.zing.vn/Chu-tieu-tran-tinh-viec-di-theo-trang-diem-cho-nguoi-dep-
post271177.html
- http://2sao.vn/p0c1048n20130719092156665/dong-nai-nha-su-cuong-hiep-co-gai-16-
tuoi-gay-chan-dong.vnn
- http://www.tienphong.vn/phap-luat/nha-su-trom-sh-de-cho-ban-gai-di-choi-546475.tpo
- http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Chu-tieu-an-trom-may-tinh-cua-su-
thay/10985352/218/
- http://kenh14.vn/xa-hoi/hanh-le-dau-nam-tien-vao-tui-ai-20140208082220569.chn
 
 

[1] Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển, NXB Hội Phật Quang Đài Bắc, năm 2000
[2] Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển, NXB Hội Phật Quang Đài Bắc, năm 2000
[3] Phật quang đại từ điển tập 6 Trang 7293-7294 - Thích Quảng Độ dịch-Hội Văn hóa giáo dục linh sơn Đài Bắc xuất bản năm 2000.
[4] Sa môn Tuệ Giác, Kinh Hiền Ngu, NXB Tôn Giáo, năm 2005.
[5] Truy Môn Cảnh Huấn, NXB Tôn Giáo, năm 2001.
 
[6] Truy Môn Cảnh Huấn, NXB Tôn Giáo, năm 2001
[7] Truy Môn Cảnh Huấn, NXB Tôn Giáo, năm 2001
[8] Thích Phổ Tuệ, Phật Tổ Tam Kinh, năm 1997
[9] Giáo dục học đại cương, TS. Trần Anh Tuấn chủ biên.
[10] Đại tạng kinh Việt Nam, Luật Tứ Phần, Nhà xuất bản Hà Nội, năm 1995
[11] Thích Tiến Đạt, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải, NXB Tôn Giáo, năm 2007
[12] Tap A Ham, PIYADASSI MAHATHERA, NXB Kim Ấn Quán, 1528 South La Ciengabl Los Angeles, CA, năm 1999.
[13] René de Berval, Présence du Bouddhisme, page 245
 
[14] Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển, NXB Hội Phật Quang Đài Bắc, năm 2000
[15] Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển, NXB Hội Phật Quang Đài Bắc, năm 2000
[16] Sa Môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006
[17]Sa Môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006
[18] Thích Thanh Kiểm, Thiền Lâm Bảo Huấn, NXB TP Hồ Chí Minh, năm 2000
[19] Sa Môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006
[20] Thích Tiến Đạt, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải, NXB Tôn Giáo, năm 2007
[21] PIYADASSI MAHATHERA, NXB Kim Ấn Quán, 1528 South La Ciengabl Los Angeles, CA, năm 1999
[22] Truy Môn Cảnh Huấn, NXB Tôn Giáo, năm 2001.
[23] Truy Môn Cảnh Huấn, NXB Tôn Giáo, năm 2001
[24] PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Bài tham luận Triết lý về giáo dục con người, Hội thảo Khoa học - Phật giáo định hướng và phát triển, năm 2012
[25] PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Bài tham luận Triết lý về giáo dục con người, Hội thảo Khoa học - Phật giáo định hướng và phát triển, năm 2012
[26] Truy Môn Cảnh Huấn, NXB Tôn Giáo, năm 2001.
[27] PIYADASSI MAHATHERA, NXB Kim Ấn Quán, 1528 South La Ciengabl Los Angeles, CA, năm 1999
[28] Thích Tiến Đạt, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải, NXB Tôn Giáo, năm 2007
[29] HT. Thích Bình Minh, Pháp Yết Ma Chỉ Nam, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành năm 1991
[30] HT. Kim Cương Tử, Phật Luật Học, Nhà xuất bản Tôn giáo, năm 2001
[31] Thích Bảo Lạc, Bách Trượng Thanh Quy, NXB Phương Đông, năm 2007
[32] Tuệ Đăng, Giới luật học cương yếu, NXB TPHCM, năm 2000
 
[33] Thích Đổng Minh, Thích Đức Thắng, Luật Tứ Phần, Ban Tu Thư Phật Học, năm 2006
[34] Thích Đổng Minh, Thích Đức Thắng, Luật Tứ Phần, Ban Tu Thư Phật Học, năm 2006
[35] Thích Đổng Minh, Thích Đức Thắng, Luật Tứ Phần, Ban Tu Thư Phật Học, năm 2006
[36] Thích Đổng Minh, Thích Đức Thắng, Luật Tứ Phần, Ban Tu Thư Phật Học, năm 2006
[37] Thích Đổng Minh, Thích Đức Thắng, Luật Tứ Phần, Ban Tu Thư Phật Học, năm 2006
[38] Sa Môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006.
[39] Sa Môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006
[40] Thích Đổng Minh, Thích Đức Thắng, Luật Tứ Phần, Ban Tu Thư Phật Học, năm 2006
[41] Thích Di Sơn, Luận Văn Tốt Nghiệp Cử nhân Phật Học, HVPGVN tại HN, năm 2010.
[42] Thích Bảo Lạc, Bách Trượng Thanh Quy, NXB Phương Đông, năm 2007
[43] Sa Môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006.
[44] Sa Môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006.
[45] Sa môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006.
[46] Thích Bảo Lạc, Bách Trượng Thanh Quy, NXB Phương Đông, năm 2007
[47] HT Thích Thanh Kiểm, Thiền Lâm Bảo Huấn, NXB TP Hồ Chí Minh, năm 2000
[48] Thích Bảo Lạc, Bách Trượng Thanh Quy, NXB Phương Đông, năm 2007
[49] Công đức của người xuất gia-dịch giả Thích Giác Nghiên-trang 71-74.
[50] Thích Tiến Đạt, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải, NXB Tôn Giáo, năm 2007
[51] môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006
[52] môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006
[53] Thích Di Sơn, Luận Văn Tốt Nghiệp Cử nhân Phật Học, HVPGVN tại HN, năm 2010
[54] Thích Bảo Lạc, Bách Trượng Thanh Quy, NXB Phương Đông, năm 2007
[55] HT. Thích Bình Minh, Pháp Yết Ma Chỉ Nam, Thành hội Phật giáo TPHCM ấn hành năm 1991
[56] Thích Di Sơn, Luận Văn Tốt Nghiệp Cử nhân Phật Học, HVPGVN tại HN, năm 2010
[57] Thích Tiến Đạt, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải, NXB Tôn Giáo, năm 2007
[58] Thích Tiến Đạt, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải, NXB Tôn Giáo, năm 2007
[59] Thích Phổ Tuệ, Phật Tổ Tam Kinh, NXB Tôn giáo, năm 2005
[60] Thích Tiến Đạt, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải, NXB Tôn Giáo, năm 2007
[61] Phật quang đại từ điển tập 6 Trang 7293-7294 - Thích Quảng Độ dịch-Hội Văn hóa giáo dục linh sơn Đài Bắc xuất bản năm 2000.
[62] Phật quang đại từ điển tập 6 Trang 7293-7294 - Thích Quảng Độ dịch-Hội Văn hóa giáo dục linh sơn Đài Bắc xuất bản năm 2000.
 
[63] Thích Tiến Đạt, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải, NXB Tôn Giáo, năm 2007
[64] Thích Tiến Đạt, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải, NXB Tôn Giáo, năm 2007
[65] Sa Môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006
[66] HT. Thích Hành Trụ, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú, NXB Hồng Đức, năm 2013
[67] Sa Môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006.
[68] Thích Đổng Minh, Luật Bách Nhất Yết Ma, NXB Tôn giáo năm 2000.
[69] Sa Môn Trí Húc, Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, NXB Tôn giáo, năm 2006.
[70] Truy Môn Cảnh Huấn, NXB Tôn Giáo, năm 2001.
[71] Thích Tiến Đạt, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tập Giải, NXB Tôn Giáo, năm 2007
[72] Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
[73] http://www.nguoiduatin.vn/su-thay-giet-nguoi-yeu-phi-tang-xac-vi-khong-chiu-pha-thai-a114242.html
[74] http://danviet.vn/thoi-su/doi-song-cao-cap-cua-su-tru-tri-duc-tuong-giong-minh/20131113091315232p1c24.pic
[75] youtube.com/watch?v=oDFT7XGMxY0
[76] http://news.zing.vn/Chu-tieu-tran-tinh-viec-di-theo-trang-diem-cho-nguoi-dep-post271177.html
[77] http://2sao.vn/p0c1048n20130719092156665/dong-nai-nha-su-cuong-hiep-co-gai-16-tuoi-gay-chan-dong.vnn
[78] http://www.tienphong.vn/phap-luat/nha-su-trom-sh-de-cho-ban-gai-di-choi-546475.tpo
[79] http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Chu-tieu-an-trom-may-tinh-cua-su-thay/10985352/218/
[80] http://kenh14.vn/xa-hoi/hanh-le-dau-nam-tien-vao-tui-ai-20140208082220569.chn
[81] Hiến chương GHPG Việt Nam.

Bạn nghĩ gì về thông tin này? 0

Giới thiệu

Thống kê truy cập

00774203

Hôm nay: 119

Ngày hôm qua: 458

Tháng này: 6814

Tháng trước: 8631

Tất cả: 774203


Đang Online: 1
IP: 3.143.17.128
Mozilla 0.0