Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới lần thứ 29 tại Nhật Bản

18/11/2018

Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB) lần thứ 29 diễn ra từ ngày 05-09/11/2018, sự kiện được tổ chức tại ngôi già lam cổ tự Tổng Trì (Sōji - 總持寺), một trong hai Tổ đình Thiền phái Tào Động, Yokohama, thủ phủ tỉnh Kanagawa, Nhật Bản và tại Marroad International Hotel Narita, thành phố Narita, tỉnh Chiba. 

  Đại biểu tham dự Hội nghị tại ngôi già lam cổ tự Tổng Trì (Sōji - 總持寺) Yokohama, thủ phủ tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Hội nghị do Giáo hội Phật giáo Nhật Bản (全日本佛教會 - The Japan Buddhist Federation (JPF) đăng cai tổ chức. Ảnh: Miranda Chen 
Các vị diễn giả bao gồm Ni trưởng Tiến sĩ Roshi Joan Halifax, thiền sư, nhà nhân chủng học, người sáng lập và trụ trì Trung tâm Thiền Phật giáo Upaya Zen Center, 1404 Cerro Gordo Road Santa, Hoa Kỳ và Trung tâm Thiền Phật giáo ở Santa Fe, New Mexico; lãnh đạo Thiền phái Lâm Tế (Rinzai-shū - 臨済宗), Jyotetsu Nemoto; đại diện tông phái Tịnh độ tông Tây Sơn Thâm Thảo, trụ trì Đại Thiện Tự (浄土宗西山深草派 大善寺); Hòa thượng Taiko Kyuma, trụ trì ngôi già lam cổ tự Long Đức (Ryutoku-ji - 瑞雲山 龍徳寺), cố vấn Hội Thanh niên Phật tử Thiền phái Tào Động, cố vấn Hiệp hội Cứu trợ và Phục hồi Thiên tai Nhật Bản. 
 
Hội thảo khoa học với chủ đề “Tạo ra niềm hy vọng trong cuộc sống và sau khi chết” (Creating hope in life and death), Ni trưởng Tiến sĩ Roshi Joan Halifax thuyết trình về chủ đề “Sự cần thiết cho niềm hy vọng kỳ diệu” (The Strange and Necessary Case for Hope). 
 
Trong bài thuyết trình, Ni trưởng Tiến sĩ Roshi Joan Halifax đề nghị: “Là phật tử, chúng ta biết rằng niềm hy vọng dựa trên ước mơ, kết quả có thể khác với những gì thực sự có thể xảy ra... Nếu chúng ta nhìn hy vọng qua lăng kính Phật giáo, chúng ta sẽ khám phá ra rằng niềm hy vọng trí tuệ được sinh ra từ sự bất ngờ, bắt nguồn từ cái không biết và không thể biết trước được”. Ni trưởng ngữ cảnh hóa niềm hy vọng trong tầm nhìn của mình về Phật giáo, đặc biệt là Ni trưởng Tiến sĩ Roshi Joan Halifax, vị danh ni nổi tiếng ở Hoa Kỳ. 
 
Người đứng đầu Thiền phái Lâm Tế (Rinzai-shū - 臨済宗), Jyotetsu Nemoto thuyết trình về chủ đề “Phật giáo: Trợ giúp cho cuộc sống” (Buddhism: Help for the Living). Ngài nhấn mạnh đến các vấn đề thách thức ở xã hội Nhật Bản, bao gồm 3 vấn đề nan giải ở quốc gia Nhật Bản: 
 
1. Lão hóa dân số (koureika - 高齢化, shousika - 少子化)
 
Biểu hiện rõ nhất của lão hóa dân số là tỷ lệ sinh suy giảm, tỷ lệ người già tăng lên. Vấn đề này xuất hiện ở Nhật Bản từ lâu và ngày càng trầm trọng. Gây ra rất nhiều hệ lụy và tạo thành một vòng luẩn quẩn: thiếu lao động, gia tăng gánh nặng tiền lương hưu và phúc lợi xã hội, suy giảm sức mua làm kinh tế trì trệ, hoang phế hóa các khu dân cư, gây áp lực lên xã hội về chế độ chăm sóc người già. 
 
Có thể thấy Nhật Bản phải sử dụng lực lượng lao động người nước ngoài, bao gồm tu nghiệp sinh để bù đắp sự thiếu hụt lực lượng lao động trẻ. Rất nhiều trường học phải đóng cửa vì thiếu... học sinh. Nước Nhật đang lúng túng với vấn đề này vì để giải quyết cần có những chính sách liên hoàn, hệ thống và lâu dài.
 
2. "Vấn đề quá tải" và "hoang phế hóa" (kamitsumondai - 過密問題,  kasomondai - 過疎問題)
 
“Vấn đề quá tải” hiểu một cách đơn giản là hiện tượng dân số tập trung đông và tăng nhanh với số lượng lớn ở các đô thị gây nên một loạt hệ lụy khác về kinh tế, xã hội, môi trường.
 
Ngược lại “hoang phế hóa” là hiện tượng dân số của địa phương nào đó suy giảm mạnh làm cho các chức năng kinh tế, xã hội… của nơi đó trì trệ và rơi vào khủng hoảng.
 
Hai hiện tượng này có liên quan chặt chẽ đến chính sách phát triển kinh tế vĩ mô và quy hoạch đô thị. Hiện tượng dân cư nông thôn đổ về thành phố kiếm sống sẽ gây ra cả hai hiện tượng trên.
 
3. Xã hội vô cảm (muenshakai - 無縁社会)
 
Đây là hiện tượng số người độc thân tăng lên và mối quan hệ giữa con người với con người ngày càng trở nên hời hợt. Hiện tượng xã hội này có liên quan mật thiết với hiện tượng kết hôn muộn (bankon - 晩婚) và lão hóa dân số.
 
Trong dòng chảy đó, mối quan hệ giữa con người với con người trở nên “xa cách” và bị bao vây bởi sự “cô độc”. Mối quan hệ gia đình cũng bị phá vỡ khi con cái không sống cùng cha mẹ khi trưởng thành, các chức năng kinh tế, giáo dục, tôn giáo của gia đình chuyển sang cho các tổ chức khác. Những khó khăn của nền kinh tế, sự sụp đổ của chế độ tuyển dụng suốt đời, sự bảo vệ thông tin quyền riêng tư nghiêm ngặt đã tạo nên những mối quan hệ “khách sáo” và “xa cách”.
 
Xã hội vô cảm” là thủ phạm trực tiếp của nạn tự tử (Nhật Bản mỗi năm có khoảng 30.000 người tự tử). Và các vấn đề bạo hành, thất nghiệp, nghèo đói và chăm sóc người già...”
 
Hòa thượng Taiko Kyuma, cố vấn Hội Thanh niên Phật tử Thiền phái Tào Động, cố vấn Hiệp hội Cứu trợ và Phục hồi Thiên tai Nhật Bản thuyết trình về chủ đề “Tuyệt vọng và hy vọng trong các khu vực thiên tai từ góc nhìn của người lãnh đạo tôn giáo” (Despair and Hope in Disaster Areas from the Perspective of a Faith Leader). Ngài tập trung vào quá trình hồi phục tâm lý từ trận động đất và sóng thần Tōhoku (東日本大震災) năm 2011, đã cướp đi mạng sống của 15.896 người, 6.157 người bị thương và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hiện nay.
 
Ngài đã thảo luận về tình hình thể chất và tâm lý của trẻ em trong các khu vực thiên tai và cách các nhà lãnh đạo tôn giáo cố gắng quan tâm đến quá trình phục hồi của những nạn nhân chịu ảnh hưởng tâm lý. Việc xây dựng một xã hội chia sẻ, chăm sóc, đặc biệt là sau chấn thương bởi thiên tai, đòi hỏi trí tuệ và sự đồng cảm để xây dựng lại các mối quan hệ xã hội.
 Diễn giả tại Đại hội WFB lần thứ 29 năm 2018. Ảnh: Miranda Chen
Tại hội nghị đã đồng thời tổ chức Hội nghị Tổng quát về Đại hội Hội Liên hữu Thanh niên Phật giáo Thế giới lần thứ 20 (the 20th General Conference of Buddhist Youth, WFBY) và Hội nghị Hội đồng Đại học Phật giáo Thế giới lần thứ 11 tại Thái Lan (the 11th Meeting of Thailand’s World Buddhist University, WBU).
 
Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (The World Fellowship of Buddhists, WFB) được thành lập và hội nghị lần đầu tiên tổ chức vào ngày 25/5/1950 vào dịp Phật Đản tại chùa Xá lợi Răng Phật (Sri Dalada Maligawa Pagoda), thành phố Kandy Sri Lanka. Gồm 129 đại biểu đại diện cho 29 quốc gia, trong đó có Hòa thượng Thích Tố Liên - trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam.
 
Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB) với 5 chủ trương như sau: 
 
1. Khuyến khích hội viên học và tu theo lời Phật dạy; 
 
2. Siết chặt tình hữu nghị, đoàn kết và thống nhất giữa các quốc gia Phật giáo; 
 
3. Đẩy mạnh công tác truyền bá giáo lý mầu nhiệm của đức Phật; 
 
4. Tổ chức và đưa các hoạt động phật sự vào các lĩnh vực như xã hội, giáo dục, văn hóa; 
 
5. Mang lại hòa bình, an lạc và hạnh phúc đến hành tinh này và sẵn sàng liên kết với những tổ chức khác có cùng đường hướng.
 
Để đạt được mục đích trên, WFB đã cho thành lập nhiều chi nhánh trên khắp thế giới và một Hội đồng trị sự gồm các tiểu ban như: Ban Giáo dục, In ấn và Nghệ thuật, Ban Hoằng pháp, Ban Từ thiện, Ban Đoàn kết, Ban Tài chánh… Trong 30 năm hoạt động, với sự bảo trợ và ủng hộ nhiệt thành của chính phủ Myanmar, Thái Lan, Nepal, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Campuchia… từ 27 chi nhánh ban đầu đã phát triển đến 135 chi nhánh của 40 quốc gia trên khắp các châu lục. 
 
Năm 1952, Hòa thượng Thích Tố Liên được bầu làm phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB).
 
Năm 1970, Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB) được UNESCO thừa nhận là tổ chức phi chính phủ. Từ đó Hội là thành viên thường trực trong ban cố vấn cho UNESCO trong vấn đề giáo dục, văn hóa, xã hội theo quan điểm của Phật giáo.
 
Trụ sở Trung ương được đặt tại Tích Lan từ năm 1950 đến 1958, sau đó được dời qua Myanmar. Sau 6 năm (1958-1963) trụ sở đặt tại Myanmar, trụ sở chuyển qua thủ đô Bangkok, Thái Lan cho đến ngày hôm nay.
 
Chủ trương của Hiệp hội là hai năm tổ chức Đại hội một lần. Đại hội lần thứ nhất tổ chức tại Colombo, Tích Lan (1950); lần thứ 2 tại Tokyo, Nhật Bản (1952); lần thứ 3 tại Yangon, Myanmar; lần thứ 4 tại Kathmandu, Nepan (1956); lần thứ 4 tại Bangkok, Thái Lan (1958); lần thứ 6 tại Phnom Penh, Campuchia (1961); lần thứ 7 tại Sarnath, Ấn Độ (1993); lần thứ 8 tại Chiangmai, Thái Lan (1966); lần thứ 9 tại Kuala Lumpur, Mã Lai (1969); lần thứ 10 tại Colombo, Tích Lan (1972); lần thứ 11 tại Bangkok, Thái Lan (1976); lần thứ 12 tại Tokyo, Nhật Bản (1978); lần thứ 13 tại Bangkok, Thái Lan (1980); lần thứ 14 tại Colombo, Tích Lan (1984); lần thứ 15 tại Kathmandu, Nepan (1986); lần thứ 16 tại Los Angeles, Hoa Kỳ (1988); lần thứ 17 tại Seoul, Triều Tiên (1990); lần thứ 18 tại Taipei Kaoshiung, Đài loan (1992); lần thứ 19 tại Bangkok, Thái Lan (1994). 
 
Đại hội lần thứ 20 lúc ấy dự tính nhóm họp tại Tích Lan vào 1996, sau đó được dời qua Nam Triều Tiên, nhưng do biến cố chính trị của hai quốc gia này, nên đến năm 1998 Đại hội mới được triệu tập tại Wollongong, New South Wales, Úc (1998); lần thứ 21 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan; lần thứ 22 tại Kuala Lumpur, Malaysia; lần thứ 23 tại Cao Hùng, Đài Loan; lần thứ 24 tại Tokyo, Nhật Bản; lần thứ 25 tại Colombo, Sri Lanka; lần thứ 26 tại Yeosu, Hàn Quốc; lần thứ 27 tại Baoji-Shanx, Trung Quốc; lần thứ 28 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc và Đại hội lần này tổ chức tại Yokohama, thủ phủ tỉnh Kanagawa, Nhật Bản.
 
Vị khai sáng và làm chủ tịch đầu tiên của hội này là Tiến sĩ G. P. Malalasekera, người Tích Lan (1950-1958); Các vị kế nhiệm là Cư sĩ U Chan Htoon, người Miến Điện (1958-1963); Công chúa P. P. Diskul, người Thái Lan (1963-1983); Giáo sư Sanya Dharmasakti, người Thái (1983-1998) và Cư sĩ Phan Wannamithee (1998-hiện tại).
 
(Nguồn: World Religion News)

Bạn nghĩ gì về thông tin này? 0

Giới thiệu

Thống kê truy cập

00765507

Hôm nay: 128

Ngày hôm qua: 303

Tháng này: 6749

Tháng trước: 18170

Tất cả: 765507


Đang Online: 1
IP: 34.237.140.238
Unknown 0.0