Hình tượng Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh và ý vị Thiền trong thơ ca vịnh cảnh chùa Thầy (Qua khảo sát văn bản Sài Sơn thi lục)

12/11/2018

Chùa Thầy ở Sài Sơn là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng dưới triều đại nhà Lý, có tên chữ là Thiên Phúc Tự (天福寺) nằm ở chân núi Sài Sơn (Phật Tích)1 thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội 25 km về phía Tây Nam.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì chùa Thiên Phúc được xây dựng vào tháng Mười hai niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ 4 thời Lý Thánh Tông (1057)2, ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ có tên Hương Hải để tu hành của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh, một vị cao Tăng thời nhà Lý. Theo Thiền uyển tập anh và Sài Sơn thực lục, thì Thiền Sư họ Từ, tên tục là Lộ, con quan Đô sát Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Ngọc Loan, quê ở làng An Lãng, huyện Vĩnh Thuận, nay là làng Láng, thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Di tích nền nhà còn lại của gia đình Thiền sư đó chính là chùa Nền (Đản Cơ Tự) Hà Nội ngày nay. Bởi vậy, nhân gian có câu thơ rằng:

                    Nhớ ngày mùng bẩy tháng ba

                    Trở vào hội Láng trở ra hội Thầy.

Chùa Thầy gắn liền với sự tích và cuộc đời tu hành của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thiền sư sau khi sang Tây Trúc (Ấn Độ) cầu pháp cùng với ngài Giác Hải và Không Lộ trở về núi Sài Sơn dựng tích trượng, ngày đêm tập tụng. Đến khi thù cha trả xong, niềm tục lắng trong, lòng thiền rộng mở bèn đi khắp bốn phương tham thiền học đạo. Lúc ngộ được tâm ấn, thiền sư trở về giảng đạo, dạy học, hái thuốc giúp dân, dạy cho dân trò chơi múa rối nước, ngài được cho là ông tổ của nghề múa rối nước ở nước ta. Do đó, dân trong vùng cảm phục, kính mến gọi thiền sư bằng một từ thân mật, gần gũi là “Thầy”. Bởi vậy, núi ngài hóa gọi là núi Thầy, làng ngài ở gọi là làng Thầy, tổng ngài ở cũng gọi là tổng Thầy, chùa ngài tu gọi là chùa Thầy, danh xưng chùa Thầy có từ thời đó. Thiền sư thị tịch ở động Thánh hóa gắn liền với sự tích trút xác đầu thai làm vua Lý Thần Tông, một câu chuyện mang nhiều yếu tố kỳ bí huyền thoại.Năm đó là mùa hạ tháng 6 năm Bính Thân, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 7 (1116).

Trước khi thị tịch thiền sư nói bài kệ với đồ chúng rằng:

Thị tịch cáo đại chúng3

Thu lai bất báo nhạn lai quy

Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi

Vị báo môn nhân lưu luyến trước

Cổ sư kỷ độ tác kim sư.

Tạm dịch:

Thu sang không báo thì nhạn cũng về

Cười nhạt cho người đã chẳng hay

Nhắn với môn đồ chớ lưu luyến

Thầy xưa mấy thủa tức thầy nay.

Nhắc đến chùa Thầy thì không thể không nhắc đến Hòa Thượng Thích Viên Thành, một vị cao tăng thời hiện đại. Ngài đã có công rất lớn trong việc tiếp nối và phát huy quang rạng nơi này, là người đi lần tìm từng con chữ của chư tổ sư, gây dựng mạng mạch Phật pháp truyền lưu thắng tích, làm sống dậy đất Phật - chùa Thầy. Hòa thượng có vai trò trong việc đào tạo Tăng tài, hoằng dương đại nguyện Pháp thí nhân gian và truyền đăng dòng thừa Drukpa ở Việt Nam.

Với địa thế phong cảnh sông núi hữu tình, là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi linh khí trời đất hội tụ, cùng với lối kiến trúc xây dựng độc đáo, tất cả đã tạo nên cho chùa Thầy một vẻ đẹp thoát tục làm  say lòng níu chân biết bao lữ khách. Chính nơi đây đã từng in dấu chân và bút tích của các bậc danh nhân thi sĩ, từ vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Căn, vua Thiệu Trị đến các bậc thức giả và các cư sỹ ẩn mình tịch cư nơi thôn dã, từ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, tiến sĩ Hoàng Đức Lương, tiến sĩ Bùi Huy Bích, tiến sĩ Nguyễn Thì Trung, Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực, tới Phó sứ Bùi Văn Dị, Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, Chu Thần Cao Bá Quát,…đều đã từng dạo bước tới Chùa Thầy và không khỏi không động lòng lưu bút tích tại nơi này.

2. Thơ văn vịnh phong cảnh chùa Thầy, núi Thầy thì quả là cả một kho tàng quý báu. Hòa thượng Như Tùng và Cử nhân Hoàng Thúc Hội bằng những tâm huyết của mình đã dày công sưu tập, biên định, khắc ván in tác phẩm Sài Sơn thi lục, tập hợp các sáng tác thơ, phú, bia ký vịnh cảnh chùa Thầy, với mục đích lưu giữ lại những tinh hoa văn chươngđã được kết tinh qua nhiều thời gian và triều đại của lịch đại danh gia, thi nhân mặc khách đã từng dạo bước non Sài.

Thi nhân khi đến với Sài Sơn hòa mình vào trong cảnh sắc non nước hữu tình, với núi non trùng điệp, lắng nghe nỗi lòng tự trong sâu thẳm tâm hồn. Cũng là quay về lại với quá khứ, dò tìm những dấu tích xưa.

Chính nơi đây, thi sĩ Tồn Am cũng ví tựa như động Đào Nguyên xưa:

洞中應有神仙窟       Động trung ứng hữu thần tiên quật

坐憶桃源古避秦.      Tọa ức Đào Nguyên cổ tỵ Tần.

                                        (Sơn phòng tạp phú - Bùi Huy Bích)

Dịch nghĩa:

Hang động thần tiên ngồi thiền định

Ngồi nhớ Đào Nguyên xưa lánh Tần.

Tác giả đến với núi Thầy, đến với động Thánh hóalần tìmtích xưa của tiền nhân, nơi xưa kia Đức Thánh Tổ trút xác hóa kiếp đầu thai làm vua, còn lưu lại dấu tích đầu chân trên vách đá. Mà ngỡ như mình đã lạc vào động tiên, chính ngay trong cảnh vật ấy, chạnh lòng nhớ lại Đào Nguyên xưa lánh Tần. Khung cảnh khói mây mờ ảo, yên bình thoát tục, từ đỉnh núi cao có tiếng chuông chùa vang vọng trong sương sớm.

Cử nhân Hoàng Thúc Hội cũng cảm tác khi về Sài Sơn:“Chùa cổ Sài Sơn, xưa đức Thánh Tổ Từ Công Từ Đạo Hạnh trác tích tu hành, ba lần hóa sinh chứng đạo tái thế Thanh văn. Là một thắng cảnh tuyệt đẹp, một di tích linh thiêng kỳ lạ.”

(柴山古剎,徐公卓錫,三生証道再世聲聞,一勝境,一靈跡也-Sài Sơn cổ sát, Từ Công trác tích, tam sinh chứng đạo tái thế Thanh văn. Nhất thắng cảnh, nhất linh tích dã).

Trong dòng chảy lịch sử văn hóa chùa Thầy, câu chuyện về cuộc đời tu hành của Đức Thánh Tổ nhuốm màu huyền thoại. Hòa thượng Như Tùng đã cảm tác về cuộc đời tu hành kỳ lạ của ngài:

生化𠄩𠀧刦     Sinh hóa hai ba kiếp

𡽫渃𦊚岸秋     Non nước bốn ngàn thu

氣天𨕭洞碧     Khí thiên trên động bích

群想𨁪青修.    Còn tưởng dấu thanh tu.

Cuộc đời ngài gắn liền với sự tích chuyển hóa ba kiếp “vi Phật, vi tiên, vi quốc vương”. Bài thơ miêu tả hang Thánh hóa, nơi lưu giữ dấu tích thoát xác của thiền sư. Nơi có bia Hiển Thụy là minh chứng cho sự cầu tự hiển linh ở nơi này. Trong khung cảnh huyền hoặc như thế, lữ khách đến đây với mong muốn thỏa chí tiêu dao ngắm nhìn sông núi, đồng thời lần tìm những dấu tích kỳ lạ của tiền nhân.

景統碑鑴明洞窟       Cảnh Thống bi huề minh động quật

正和詩刻鎮崔嵬,      Chính hòa thi khắc trấn thôi ngôi,

有僧道行禪庵在       Hữu tăng Đạo Hạnh thiền am tại

托化拓生望矣哉.      Thác hóa tháp sinh vọng hỹ tai.

Dịch nghĩa:

Bia Cảnh Thống sáng mãi về sự tích hang động

Thơ Chính Hòa được khắc nơi cao lớn trang trọng,

Có tăng Đạo Hạnh vẫn ngồi thiền định ở trong am

Thác sinh nơi này lại hóa sinh nơi khác kỳ lạ thay.

                                                                                (Bùi Huy Bích)

Đến với chùa Thầy là đến với sự huyền hoặc, linh dị, nơi gắn với truyền thuyết Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh tu hành và thoát xác hóa kiếp đầu thai làm vua. Câu chuyện huyền thoại đã làm cho chùa Thầy vốn nổi tiếng với cảnh sắc tú lệ càng thêm vẻ huyền bí, thu hút lữ khách thập phương về đây.

Cử nhân Hoàng Thúc Hội khi về Sài Sơn cũng đã cảm tác dấu tích kỳ lạ đó:

頭痕足跡石皆穿              Đầu ngân túc tích thạch giai xuyên

生化何年史亦玄,             Sinh hóa hà niên sử diệc huyền,

神悟色空成佛地              Thần ngộ sắc không thành Phật địa

身要解脫入禪天.             Thân yêu giải thoát nhập Thiền thiên.

縱然皇帝知爲貴              Túng nhiên hoàng đế tri vi quý

應是風塵未了緣,             Ưng thị phong trần vị liễu duyên,

辭國牟尼真自在              Từ quốc Mâu Ni chân tự tại

化身世界大三千.             Hóa thân thế giới đại tam thiền.

Dịch nghĩa:

Dấu vết đầu chân lưu lại xuyên vào tường đá

Sinh hóa năm nao sử sách còn ghi lại sự huyền hoặc,

Chứng ngộ lý sắc không thành tựu quả vị Phật

Thân giải thoát nhập vào cõi thiền định.

Cho dù có biết ngôi hoàng đế là cao quý

Ứng với lẽ phong vận chưa dứt được duyên trần,

Đức Mâu Ni từ bỏ nước ra đi đạt được tự tại chân thật

Nên hóa thân rộng lớn ra ba ngàn thế giới.

Bài thơ nói về sự chứng ngộ giải thoát triết lý sắc không của thiền sư, cho dù ở hay đi thì cũng thuận theo lẽ vô thường của cuộc đời. Biết được duyên trần chưa dứt, dẫu biết rằng ngôi vua chỉ là ảo mộng nhưng ngài vẫn vì sự ứng hóa của trời đất mà hóa kiếp làm vua. Đây cũng là một hình ảnh trái ngược và vô cùng thú vị của lịch sử. Ở nơi đây, thiền sư Từ Đạo Hạnh hóa kiếp đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Trong lịch sử nước nhà cũng đã ghi nhận một vị Hoàng đế từ bỏ cung vua để tu hành đạt đạo, đó là Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Câu chuyện đó có nét tương đồng với lịch sử ra đời của Phật Giáo hơn hai nghìn năm trước. Thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, để lại ngôi báu ra đi tìm đạo giải thoát và thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, hóa thân rộng lớn ra ba ngàn thế giới. Trong lý sắc không thì tất cả muôn sự việc đều ứng với phong vận, đều là có cái lý nhân duyên của nó. Đức Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia thành đạo cũng là vì muốn cứu độ chúng sinh trong bể khổ trầm luân, quay về nẻo giác. Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh từ một vị thiền sư giác ngộ ứng hóa sắc thân làm một vị Hoàng đế thì cũng không nằm ngoài hạnh nguyện ấy. Truyền thuyết kể rằng, Đức Thánh tổ hóa kiếp làm vua cũng là muốn ngăn chặn Giác Hoàng (do pháp sư Đại Điên hóa kiếp) đầu thai làm vua sẽ làm loạn nước nhà, việc này cũng liên quan đến cơ đồ triều Lý, sự ấm no của muôn dân.

Trong thơ văn vịnh cảnh chùa Thầy, hình tượng Đức Thánh Tổ đã hiện lên sinh động, vẫn còn đó những câu chuyện huyền thoại gắn liền với cuộc đời, vết tích đầu chân lưu ở động Thánh hóa. Tuy đã về với cõi hư vô nhưng dường như ngài vẫn còn ngự trị trong dòng chảy lịch sử, hay sự ra đi đó cũng là thuận theo lẽ vô thường của kiếp nhân sinh, chẳng hề vướng bận hệ lụy, sự ở hay đi đối với bậc giác ngộ thì cũng nhẹ tựa như áng mây bay. Cuộc đời của ngài đã nói rõ chân lý bất sinh bất diệt và hình ảnh đó trường tồn mãi với thời gian.

Trong cảnh u linh huyền tịch đó, càng tô điểm ý vị thiền trong khung cảnh chùa Thầy.Thiền là sự tĩnh lặng của thân tâm, thở thật sâu nhìn vào nội tâm, gạn lọc những cấu uế trần tục, buông bỏ sự ràng buộc của thế gian. Trong sự huyền bí của tích xưa, thi nhân đến đây đôi lúc cũng chỉ muốn quay về với bản lai diện mục, yên tĩnh ngắm nhìn khung cảnh thiền vị và đàm đạo cùng sư Tăng trên núi cao.

突屹雲間寺     Đột ngật vân gian tự

人生幾度過,    Nhân sinh kỷ độ quá,

幽岩藏佛跡     U nham tàng Phật tích

峭壁倚僧家.    Tiễu bích ỷ Tăng gia.

地遠飛塵少     Địa viễn phi trần thiếu

山高得月多,    Sơn cao đắc nguyệt đa,

上人留客宿     Thượng nhân lưu khách túc

煨芋又烹茶.    Ổi vu hựu phanh trà.

                                                  (Nguyễn Trực)

Dịch nghĩa:

Cao vời vợi mây bay trên đỉnh chùa

Đã biết bao kiếp người trôi qua,

Hang núi u hiểm cất chứa vết tích Phật

Sư Tăng tựa vào vách núi cao dựng làm nhà.

Mặt đất xa xa bụi trần bay

Núi cao được ánh trăng chiếu rọi nhiều,

Bật thượng nhân giữ khách lại trú ngụ

Nướng khoai lại đun nước pha trà.

Tác giả, một vị Trạng Nguyên từ chốn phồn hoa về đây, bỏ lại sau lưng những vội vã của cuộc đời. Thi nhân với mong muốn tìm chốn bình yên, đến Sài Sơn chợt gặp căn nhà nhỏ bên vách núi của sư Tăng, được giữ lại làm khách để rồi cùng nướng khoai, đun nước, pha trà. Khung cảnh bình dị, đẹp đến lạ thường! Nơi chốn phồn hoa kia mấy ai tìm được, chỉ ở đây, trong nếp sống thanh tu giản dị của thiền sư, người lữ khách như được trở về với thiên nhiên, về với khoảng lặng sâu thẳm của tâm hồn. Thiên nhiên là chốn bình yên mà con người ta đều muốn trở về an nhàn nghỉ ngơi, muốn hòa mình với thiên nhiên bỏ lại sau lưng mọi ưu phiền trần thế.

囬頭塵霧敲芒履       Hồi đầu trần vụ xao mang lí

滿日煙霞解衲衣,      Mãn nhật yên hà giải nạp y,

禽鳥滿山棲不動       Cầm điểu mãn sơn thê bất động

往來相慣已忘機.      Vãng lai tương quán dĩ vong cơ.

                                                  (Sơn đỉnh quy Tăng - Nguyễn Văn Siêu)

Dịch nghĩa:

Quay đầu gõ chiếc giày đã nhuốm hoa cỏ bụi trần

Trọn ngày ráng chiều buông xuống giải nạp y,

Loài chim đậu nghỉ nằm bất động đầy trong núi

Quay đi đảo lại mọi việc cũng đã quên đi mất rồi.

Hình ảnh của vị Tăng rũ sạch những sự đua chen chốn bụi trần, tựa như gõ bụi gót hài, quay lưng lại thì đã quên đi mọi chuyện đã qua của trần thế, không chút vướng bận. Sự buông bỏ để sống với nếp sống thanh tu thiền vị, ngắm nhìn mây bay thư thả trên đầu núi, cánh chim đậu nghỉ yên tĩnh, tự lòng cũng thấy thanh thản, bình yên. Khung cảnh thiền vị ấy khiến cho thi nhân cứ ngỡ như mình đang dự vào hội Linh Sơn:

奇句摩沙千古石       Kỷ câu Ma Sa thiên cổ thạch

禪心了徹一聲鐘,      Thiền tâm liễu triệt nhất thanh chung,

殷勤遥想山靈意       Ân cần dao tưởng Sơn Linh ý

三月岩花未改容.      Tam nguyệt nham hoa vị cải dung.

                                                            (Nguyễn Mộng Bạch)

Tạm dịch:   

Kỳ lạ Ma Sa ngàn năm còn lưu trên đá

Một tiếng chuông ngân lên tâm thiền tỏ ngộ.

Ân cần xa tưởng ý chỉ núi Linh Sơn

Tháng ba hoa trên núi vẫn chưa đổi sắc màu.

Bài thơ diễn tả tâm thế của tác giả trước cảnh núi cao muôn trùng, đi lần tìm dấu tích Phật trong hang đá ngàn năm vẫn còn mãi. Chợt tiếng chuông chùa ngân vang trong gió, khiến cho tâm thiền tỏ ngộ. Trong khung cảnh tiết trời tháng ba hoa trên núi vẫn còn khoe sắc, tác giả đứng ở núi này mà xa tưởng ý chỉ Linh Sơn. Ý Linh Sơn chính là tâm thiền giác ngộ, hay nơi này cũng chính là Hội Linh Sơn.

Tướng công Nguyễn Thì Trung vãn cảnh chùa thầy cảm tác khi tiết thu sang:

蘭若倚岩幽     Lan nhược ỷ nham u

林山一徑修,    Lâm sơn nhất kính tu,

地寬先得月     Địa khoan tiên đắc nguyệt

洞古早知秋.    Động cổ tảo tri thu.

鳥却波間宿     Điểu khước ba gian túc

魚翻木末遊,    Ngư phiên mộc mạt du,

一僧禪定久     Nhất tăng thiền định cửu

雲重懶囬頭.    Vân trùng lãn hồi đầu.

Dịch nghĩa:

Chỗ nhà tu thanh vắng dựa vào vách núi đá âm u

Lên núi có một con đường tắt dài để đi,

Đất rộng rãi nên trăng mọc thì trông thấy trước

Động lâu đời nên biết mùa thu đến sớm.

Chim ngủ trên cành cây (bóng chiếu xuống nước) tựa hồ như đang ngủ trong làn sóng

Bóng cây chiếu xuống nước cá bơi lội (vào chỗ bóng cây) như bay giỡn trên ngọn cây,

Một vị tăng vào thiền định đã từ lâu

Mây lười bay tập trung lại trên đầu núi.

Bức họa vẽ tiết trời thanh, trăng thu chiếu rọi, khung cảnh tịch mịch. Trong tâm thế tĩnh lặng, nhà thơ ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, trên kia cành cây chim đang đậu nghỉ, bóng chiếu xuống hồ tựa như đang ngủ trong làn sóng, cá bơi lội trong bóng cây tựa như đang bay giỡn trên ngọn cây. Một hình ảnh cách điệu, một sự cảm nhận đến tuyệt vời, người đọc cảm thấy thú vị vô cùng, đó là hình ảnh chẳng bao giờ có được trong hiện thực: cá thì bay giỡn trên ngọn cây, chim thì ngủ trong làn sóng. Với sự cảm nhận đầy tinh tế của nhà thơ, hình ảnh đó đã hiện lên một cách chân thực và đầy sáng tạo. Phải có một tâm thái đầy yên tĩnh, thi nhân mới có được cách nhìn sâu sắc đó. Hình ảnh thơ đã tỏa lên nét thiền vị của cảnh vật trong đêm thu thanh mát và cũng chính trong khung cảnh thiền ấy, tự trong núi sâu vị thiền sư đã nhập vào thiền định từ lâu.

3.

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Duy Anh (2009), Từ Điển Hán Việt, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.

2. Phan Bá Ất (2015), Vài nết đất xưa Kẻ Thầy - Sài Sơn, Nxb Hội nhà văn.

3. Nguyễn Huệ Chi chủ biên (1989), Thơ Văn Lý - Trần, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

4. Ngô Sĩ Liên (bản dịch) (2009), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn Học, Hà Nội.

5. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật Giáo sử luận, Nxb Văn Học, Hà Nội.

6. Nhiều tác giả (2012), Kỷ yếu hội thảo Phật giáo chùa Thầy, Nxb Viện Nghiên cứu Tôn Giáo.

7. Thích Viên Thành (2012), Nguyệt Trí Văn Tập, Tập IV - Chùa Thầy, Nxb Hải Phòng.

8. Thích Viên Thành (1999), Danh Thắng Chùa Thầy, Nxb Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Tây.

9. Lê Mạnh Thát (2013), Thiền uyển tập anh, Nxb Phương Đông.

10. 柴山詩錄,Ký hiệu A.3033, 182tr, 26 x 15cm. Kho thư tịch, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

11. 柴山詩錄,Ký hiệu VHv.2358, 172tr, bản Photocoppy. Kho thư tịch, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

12. 柴山詩錄,Ký hiệu R.1622, bản mềm. Kho thư tịch, Thư viện Quốc gia, Hà Nội.

13. 柴山實錄,Ký hiệu A.3227. Kho thư tịch, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội và bản Photocoppy lưu giữ tại chùa Bối Am.

Chú thích:

(1). Theo An Nam chí lược của Lê Tắc người thời Trần ghi chép một số thông tin sơ lược về núi Phật Tích. Quyển thứ nhất, phần về núi non viết: “Núi Phật Tích: vì trên đá có dấu chân nên đặt tên là núi Phật Tích”.

(2). Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý – Lý Thánh Tông, trang 194.       

(3). Bài thơ này được trích tuyển trong sách Thơ văn Lý - Trần, đầu đề do Lê Quý Đôn thêm, với câu thơ đầu được dịch nghĩa là: “Mùa thu về không báo tin cho chim nhạn cùng về”. Theo HT Thích Viên Thành dịch như vậy là không đúng ý của tác giả. Ý tác giả muốn nói mùa thu về thì chim nhạn cũng tự bay về, cũng như thọ mạng hết thì con người cũng về với cõi hư vô. Báo hay không báo cũng vậy mà thôi. Qua đó đủ để thấy sự giác ngộ chân lý nhiệm mầu Phật tổ của thiền sư Từ Đạo Hạnh.

ThS. Thích Thành Trí
Bạn nghĩ gì về thông tin này? 0

Giới thiệu

Thống kê truy cập

00775130

Hôm nay: 218

Ngày hôm qua: 125

Tháng này: 7741

Tháng trước: 8631

Tất cả: 775130


Đang Online: 1
IP: 3.145.23.123
Mozilla 0.0