Nguyên nhân làm cho triều đại nhà Trần hưng thịnh.

31/12/2020
NGUYÊN NHÂN NÀO LÀM CHO
TRIỀU ĐẠI NHÀ TRẦN HƯNG THỊNH?
Thích Phước Sơn

Bất cứ người Việt Nam nào khi xem qua lịch sử của dân tộc cũng đều thừa nhận triều đại nhà Trần là một trong những triều đại hưng thịnh và vẻ vang nhất trong lịch sử nước ta. Nguyên nhân nào đã đưa đến sự hưng thịnh ấy? Đó là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu sử học thường đặt ra và cố gắng đưa ra giải đáp. Thế nhưng, hình như chưa có một giải đáp nào làm cho tất cả mọi người hoàn toàn thỏa mãn. Do đó việc tìm hiểu những nguyên nhân kia vẫn còn là trách nhiệm đặt ra cho mỗi chúng ta. Sau đây, chúng tôi xin nêu lên một vài dẫn chứng lịch sử để góp phần làm cho vấn đề này thêm sáng tỏ.
1. ĐỨC ANH MINH NHÂN ÁI YÊU DÂN CỦA CÁC VUA ĐẦU ĐỜI TRẦN
Nhằm mục đích chấn hưng nền học vấn nước nhà, tháng 6 năm Nguyên Phong thứ 3 (1253) vua Thái Tông (1225 - 1258) lập ra Quốc học viện, cho người đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Mạnh Tử và vẽ tranh 72 người hiền để thờ. (Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), II, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1985, tr. 23)
Qua việc làm ấy chứng tỏ Thái Tông có tầm nhìn xa thấy rộng, có tinh thần khoáng đạt cởi mở. Với cương vị là một Phật tử, chẳng những ông không kỳ thị Nho giáo mà trái lại còn nỗ lực xiển dương Nho học, quí trọng nhân tài, tạo điều kiện cho quốc gia trở nên cường thịnh. Thế thì ông biết đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi bản thân và tôn giáo của mình. Việc tha tội cho Hoàng Cự Đà sau đây càng chứng tỏ điều đó.
Vì không được ăn xoài do vua ban, Hoàng Cự Đà tức giận đào ngũ khi quân giặc đến. Sau khi tan giặc, triều đình đòi xử tội Cự Đà, vua nói: “Tội của Cự Đà thật đáng chết, nhưng đó là do lỗi của ta. Nay tha tội chết, cho đánh giặc lập công để chuộc tội” (ĐVSKTT, II, tr. 26)
Đức anh minh nhân ái của Thái Tông như thế, nên khi bàn về nhà vua, sử gia Phan Huy Chú (1782 - 1840) viết: “Thiên tính vua rất nhân hậu, tin dùng hiền tài, định ra các lễ nghi, hình luật, pháp độ điển chương, thật đáng khen ngợi”. (Lịch triều hiến chương loại chí)
Để thấy rõ hơn hành trạng của Thái Tông, chúng ta có thể đọc thêm lời bình phẩm sau đây của sử gia Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780): “(Mấy năm sau) vua để tâm đến việc học nên tiến bộ rất nhiều, lại nghiên cứu sâu nội điển, làm sách Khóa Hư Lục, mến cảnh sơn lâm, coi sống chết như nhau, tuy ý tứ gần với đạo “không tịch” mà chí khí thì xa rộng cao siêu, cho nên bỏ ngôi báu như trút đôi dép nát”. (Việt sử tiêu án, Xb 1960, tr. 184). Thiết tưởng, qua ý kiến của hai sử gia trên đây cũng đã minh họa được phần nào chân dung của vì vua khai sáng đời Trần.
Kế nghiệp Thái Tông là Thánh Tông (1258 - 1278). Đức sáng suốt và lòng nhân hậu của ông có thể nói là đã nối chí được vua cha. Khi triều đình mở dạ yến, vua cùng ăn chung với các vương hầu, tôn thất. Hôm nào trời tối không về được thì vua tôi cùng trải chiếu dài ngủ với nhau tại hoàng cung rất là thân mật. Vua từng nói với các người trong Hoàng tộc: “Thiên hạ là thiên hạ của Tổ tông, người nối nghiệp của Tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc” (ĐVSKTT, II, tr. 35)
Chẳng những đối với gia tộc vua cư xử đầy lòng nhân hậu mà đối với triều thần vua cũng tỏ ra độ lượng khoan dung. Khi quân Nguyên tiến vào kinh thành, triều đình có người trở lòng giao thiệp với giặc; đến khi giặc rút, triều đình bắt được một tráp biểu hàng giặc của các quan. Có người đòi khui ra để trị tội những kẻ phản trắc, nhưng Thánh Tông (lúc này đã là Thượng Hoàng) sai đem đốt hết để yên lòng mọi người. (ĐVSKTT, II, tr. 63)
Tư cách đặc biệt của vua đã được Ngô Thì Sĩ mô tả: “Họp quần thần ở Bình Than, đãi phụ lão ở Diên Hồng, không hạng người nào không hỏi đến… Nghĩ lại khi đi Chí Linh, Vạn Kiếp, trận đánh Đại Than, Bạch Đằng, những lúc con thuyền lênh đênh, dùng bát cơm hẩm, vua tôi, cha con vẫn một lòng lo sao cho nước nhà qua cơn sóng gió” (Việt sử tiêu án)
Và sau đây là lời bình luận của sử thần Ngô Sĩ Liên: “Vua trung hiếu, nhân t, tôn hiền trọng đạo, cha khai sáng trước, con kế thừa sau, cơ nghiệp nhà Trần được bền vững vậy” (ĐVSKTT, II, tr. 28)
Đức nhân hiếu là cái gốc của con người. Đối với bậc đế vương, đức tính ấy lại càng cần thiết để thu phục nhân tâm, khiến mọi người tin yêu, kính trọng và tuân phục, nhờ đó mới xây dựng được một triều đại hùng cường và thịnh trị.  
Nối nghiệp vua cha, giữ gìn giềng mối xã tắc là Nhân Tông (1279 - 1293). Ông cũng nổi tiếng là bậc minh quân như lời nhận định của sử thần họ Ngô: “Vua bẩm thụ tinh anh của Thánh nhân, hình dáng đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng… nhân từ hòa nhã, cố kết lòng người, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thật là bậc vua hiền của nhà Trần” (ĐVSKTT, II, tr. 42)
Khi Toa Đô thua trận Tây Kết, bị quân ta giết đem đầu đến dâng. Trông thấy đầu Toa Đô, vua thương hại nói: “Người làm tôi nên như thế này”, rồi cởi áo bào bọc đầu Toa Đô, sai quân liệm chôn. Cử chỉ ấy vừa biểu lộ phong độ của bậc đế vương, vừa có tác dụng cổ vũ tinh thần quân sĩ hết lòng vì nước.
Lúc ngự chơi bên ngoài, nếu gặp gia đồng của các vương hầu ở dọc đường, vua thường gọi lại thăm hỏi, không cho các vệ sĩ quát tháo họ, và nói với tả hữu: “Ngày thường thì có thị vệ tả hữu, nhưng khi quốc gia lâm hoạn nạn thì chỉ có bọn chúng có mặt” (ĐVSKTT, II, tr. 66)
Biểu lộ tình thương chân thật với từng gia đồng hèn mọn của các vương hầu, cử chỉ ấy còn có người làm được, chứ yêu thương cả kẻ thù của mình thì chỉ có Nhân Tông, người đã thấm nhuần tinh thần từ bi vị tha của Phật giáo, một Tổ sư Thiền mơi làm được như vậy.
Năm 1293, Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông (1293 - 1314). Sau khi lên ngôi, Anh Tông vâng di chúc của Thượng hoàng, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân (1306). Vua Chiêm dâng hai châu Ô, Lý để làm sính lễ. Việc làm của Anh Tông vừa giữ được lòng thành tín, gây tình thân với lân bang, vừa mở mang thêm bờ cõi, làm cho đất nước hùng cường.
Một hôm, đã đến giờ rước linh cữu của Thượng hoàng Nhân Tông nhập lăng mà dân chúng đứng chật cả cung điện, quân tướng xua đuổi mấy cũng không tan được. Vua sai Trịnh Trọng Tử giải tán. Trọng Tử bèn tổ chức từng đội quân chia ra làm nhiều chỗ, hát những khúc Long ngâm, dân chúng thấy lạ đua đến xem, nhờ vậy mới rước được linh cữu của Thượng hoàng về an trí ở lăng Qui Đức. Qua cảnh tượng này, chúng ta càng thấy rõ lòng ái mộ của nhân dân đối với triều đình, và đức thân dân của các vua nhà Trần.
Sau khi lên làm Thái Thượng hoàng, một hôm Thượng hoàng cho mời Huệ Túc Vương vào cung đàm luận. Vốn hay bài xích Phật giáo, thấy Thượng hoàng đang ăn chay, Huệ Túc Vương nói: “Thần không biết ăn chay, ăn chay thì có ích lợi gì?”. Thượng hoàng đoán biết ý ông, liền dụ rằng: “Ông cha ta ngày xưa thường ăn chay, cho nên ta bắt chước đó thôi, còn có ích lợi gì hay không thì ta không biết”. Huệ Túc Vương im lặng rồi lui ra. (ĐVSKTT, II, tr.114). Lời nói của Anh Tông sao mà thâm trầm, đôn hậu và cung kính đến thế!
Đến khi Minh Tông (1324 - 1329) lên nối ngôi, ông cũng tỏ ra là vì vua nhân hậu, sáng suốt, xứng đáng giữ gìn sự nghiệp vẻ vang của cha ông. Qua câu trả lời của vua với Hiệu Khả cho ta thấy rõ điều đó. Một hôm, Hiệu Khả ca ngợi vua giỏi hơn Anh Tông, vua biến sắc mặt, ngăn không cho nói và trách: “Ai mà khen người khác giỏi hơn cha thì người ấy hẳn là bất hiếu với cha mẹ, nên mới nói ra câu ấy”. (ĐVSKTT, II, tr. 112). Cử chỉ này vừa tỏ lòng tôn kính với Tiên vương, vừa có tác dụng uốn nắn tính tình của Hiệu Khả.
Bấy giờ, có người dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người sống lang thang tới già vẫn không có hộ tịch, không chịu sưu dịch thuế má gì cả, vua nói: “Không như thế, thì sao có thể thành đời thái bình. Ngươi muốn ta trách phạt họ thì có được việc gì không?” (ĐVSKTT, II, tr. 138)
Nhân cách của vua thật đặc biệt nên sử thần Phan Phu Tiên đã ngợi khen: “Minh Tông có bẩm tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của Tổ tông không thay đổi gì cả.” (ĐVSKTT, II, tr. 137)
Năm 1362, đời vua Dụ Tông (1341 - 1369), đất nước bị thiên tai, mất mùa, dân chúng đói và bệnh, triều đình mở kho lấy tiền gạo đem phát cho dân. Ai đau ốm được phát cho hai viên hồng ngọc sương (viên thuốc trừ trăm bệnh), hai tiền và hai thăng gạo. (ĐVSKTT, II, tr. 141)
Để thấy rõ lòng nhân ái, đức sáng suốt và phẩm cách đặc thù của các vua đời Trần như thế nào, chúng ta có thể nghe lời nhận xét của Lê Quí Đôn (1726 - 1784): “Nét đặc sắc của triều đại nhà Trần là việc truyền ngôi cho con... Nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ. Cho nên nhân tài ngày ấy có chí khí tự lập, hòa hiệp cao siêu, vững vàng vượt qua thói thường, làm rạng rỡ sách sử, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất. Ôi! người đời sau còn có thể theo kịp thế nào được. Từ bản triều (nhà Lê) về sau, phong độ ấy dần dần không nghe thấy nữa!” (Kiến văn tiểu lục, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 258)
2. CÁC TƯỚNG LĨNH VĂN VÕ TOÀN TÀI
a/ Giỏi quân sự
Quân Nguyên Mông là đoàn quân thiện chiến, đánh bộ giỏi, cỡi ngựa hay, vượt đường xa, từng đánh chiếm nửa châu Au, rất tự hào là ít khi thất bại. Thế mà ba lần sang xâm lược nước ta, cả ba lần đều chuốc lấy thất bại thê thảm. Những chiến công lừng lẫy của quân dân ta có nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân đó chính là tài thao lược, đức dũng cảm của tướng lĩnh lúc bấy giờ. Các tướng đã biết dùng sở trường của mình để chọi sở đoản của địch: 1) Dùng thủy chiến giao tranh với giặc; 2) Dùng phục binh để đánh bất ngờ; 3) Dùng đội quân ái quốc đánh quân xâm lược; 4) Dùng quân bản địa đánh quân viễn chinh; 5) Chận đánh các đoàn quân tiếp tế.
Phàm là quân viễn chinh thì chúng rất lo ngại về phương tiện tiếp tế. Trần Khánh Dư (? - 1339) hiểu rõ nhược điểm ấy của địch nên đã phục binh đánh đoàn quân tiếp tế của chúng tại bến Vân Đồn, thu được quân lương và khí giới vô số.
Ngày 28-11-1287, Nhân Đức Hầu dùng thủy quân đánh thắng quân giặc tại vũng Đa Mo, thu được nhiều chiến thuyền và khí giới. Đến ngày 8–3–1288, quân ta lại đánh một trận quyết định ở sông Bạch Đằng. Trận đánh này quân ta toàn thắng, giành được chiến công oanh liệt, thu 400 thuyền giặc, bắt sống Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ, kết thúc cuộc chiến. Khi làm lễ mừng thắng trận tại Chiêu Lăng, Nhân Tông đã cảm hứng đọc hai câu thơ:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
Non sông ngàn thuở vững âu vàng) (ĐVSKTT, II, tr. 60)
b/ Giỏi cả văn chương
Các tướng lĩnh đời Trần không những giỏi quân sự mà còn có tài văn chương, biết dùng ngòi bút để động viên quân sĩ. Đọc đoạn văn sau đây trong bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương (1232 - 1300), ai mà không cảm kích:
Huống chi ta cùng các ngươi sinh ra thời loạn lạc, gặp phải buổi gian nan. Trông thấy tướng giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, đem thân dê, chó mà bắt nạt tổ phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để thỏa lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng để vét của kho có hạn. Chẳng khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, tránh sao khỏi tai vạ về sau!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù, dẫu cho trăm thây này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng” (Thơ văn Lý Trần (TVLT), II, q. thượng, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1988, tr.392)
Rõ ràng có một sức kích động phát ra từ những lời văn như hồi trống giục, khiến ta có thể liên tưởng đến lời nhận xét của Quang Trung về ngòi bút của Ngô Thì Nhiệm: “Ngòi bút của Ngô Thì Nhiệm mạnh hơn cả mấy sư đoàn”.
Trong lời di chúc lúc lâm chung, Hưng Đạo Vương đã bàn về chiến lược quân sự với vua Anh Tông: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước dồn sức lại thì chúng đành phải chịu trói... nếu thấy quân giặc đến ồ ạt như lửa to, gió táp thì đó là tình thế dễ chế ngự... phải gây dựng một “đội quân cha con” rồi mới có thể sử dụng được. Vả lại, nên dưỡng sức dân để làm kế gốc sâu rễ bền, đó là thượng sách giữ nước vậy” (TVLT, II, tr. 397)
Gây dựng một đội quân cha con, đó là mục đích mà Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) đã thực hiện. Ông sống rất bình dị, đối xử với quân sĩ như người thân, đồng cam cộng khổ; người bấy giơ gọi đội quân của ông là “Phụ tử chi binh”. (TVLT, II, tr. 562). Ngoài ra, ông còn có tài làm thơ, trong bài Thuật hoài của ông toát ra một hùng khí ngút trời:
Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu,
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu
(Múa giáo, non sông trải mấy thu
Ba quân hùng khí át sao Ngưu,
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).
(Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, xb 1964, tr. 144)
Cùng một giọng lẫm liệt và hùng tráng như vậy là giọng thơ của tướng Trần Quang Khải (1241 - 1294):
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san.
(Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù,
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu). (TVLT, II, tr. 424)
Các tướng mỗi người một vẻ khác nhau. Quang Khải có giọng văn khí khái, hùng hồn. Nhật Duật (1255 - 1330) thì thâm trầm và rất am tường phong tục của thổ dân miền thượng, lại biết rành ngôn ngữ của họ. Do đó, khi Trịnh Giác Mật ở Đà Giang làm phản, ông cùng vài tên lính hầu đến thẳng trại giặc thuyết phục chúng đầu hàng. Giác Mật vì cảm phục đởm lược và tài năng của ông nên đem cả gia thuộc ra hàng, khiến cho ba quân không tốn một mũi tên mà thu được thắng lợi.
Tướng tài của đời Trần còn nhiều, chúng ta có thể nhắc đến một tướng nữa vừa có tài xông pha trận mạc, vừa giỏi binh pháp, đó là tướng Trần Khánh Dư (? - 1339). Khi đề tựa sách Vạn kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo Vương, ông viết: “Phàm người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết” (ĐVSKTT, II, tr. 82)
Đời Trần sở dĩ có nhiều viên tướng tài kiêm văn võ như vậy là vì: “Vua lập ra trường học tôn trọng nghề văn, dựng lên nhà tập võ, cả văn lẫn võ đều có vẻ rực rỡ lắm”. Đó là lời nhận xét của Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án. Ông tiếp: “Cho nên, có các ông Hán Siêu, Trung Ngạn, Nhật Duật, Ngũ Lão nối nhau xuất hiện. Văn Trinh và Hưng Đạo là danh Nho, danh tướng lừng lẫy thời bấy giờ, đó là kết quả của sự tôn trọng văn võ vậy”.
3. NHỮNG NHÀ NGOẠI GIAO XUẤT SẮC LÀM VINH DỰ QUỐC GIA
Khi Ô Mã Nhi tiến quân đến Đông Bộ Đầu, Nhân Tông muốn dò xét tình hình của địch, sai Đỗ Khắc Chung đến doanh trại của y nói là đến xin thương thuyết. Để trấn áp tinh thần của sứ giả, Ô Mã Nhi cật vấn nhiều điều khúc mắc, nhưng Khắc Chung vẫn bình tĩnh, thản nhiên, đối đáp lưu loát, khiến cho họ Ô rất khâm phục, bảo với các tướng lĩnh của y: “Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên... giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước của nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được” (ĐVSKTT, II, tr. 51)
Tài ứng đối lanh lẹ của sứ giả Đại Việt một lần nữa ta lại thấy xuất hiện ở Mạc Đĩnh Chi (1284 - 1361) khi ông làm trưởng đoàn ngoại giao đi sứ nhà Nguyên  năm 1308. Lúc tiếp xúc với triều thần phương Bắc, ông đã làm cho họ thán phục tài hùng biện của mình. Đến khi vào chầu, nhân lúc nước ngoài dâng quạt, vua Nguyên bảo các quan làm bài minh, Đĩnh Chi liền cầm bút  viết xong bài minh như sau:
Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho,
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngạ phu,
Y, dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng,  duy ngã dữ nhĩ, hữu nhi thị phù.
(Chảy vàng tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho,
Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo.
Ôi! được dùng thì làm, bị bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là như thế ru!). (ĐVSKTT, II, tr. 93)
Qua đó, vua tôi nhà Nguyên lại càng thêm khâm phục. Và tương truyền vua Nguyên đã phong cho ông danh hiệu: “Lưỡng quốc trạng nguyên” (Trạng nguyên cả hai nước).
Lại chuyện Nguyễn Đại Phạp cầm đầu phái đoàn ngoại giao nước ta sang sứ nhà Nguyên năm 1292. Khi thăm các quan hàng tỉnh, thấy Chiêu Quốc vương Ích Tắc ngồi đó, Đại Phạp chào hỏi mọi người, chỉ chừa Ích Tắc. Ích Tắc hỏi: “Ngươi không phải là tên biên chép ở nhà Chiêu Đạo Vương đó sao? Đại Phạp đáp: Việc đời thay đổi, Đại Phạp trước vốn là tên biên chép cho Chiêu Đạo Vương, nhưng nay là sứ giả, cũng như Bình Chương xưa kia là con vua, mà nay lại là người hàng giặc. Ích Tắc có vẻ hổ thẹn” (ĐVSKTT, II, tr. 66)
Chẳng những khi đi sứ sang phương Bắc các sứ giả đã làm cho Bắc triều phải kính nể người Việt, mà lúc sang sứ phương Nam, các nhà ngoại giao nước ta cũng làm cho họ phải thay đổi cả thông lệ. Theo nghi lễ Chiêm Thành, sứ giả khi vào triều, phải lạy chúa Chiêm trước, rồi mới mở đọc chiếu thư. Nhưng khi Nhữ Hài đến đó, lúc vào triều kiến, liền bưng chiếu thư để trên án, nói với chúa Chiêm: “Từ khi sứ Thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư thực như trông thấy mặt thiên tử nên tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc”. Từ đó về sau, sứ thần ta sang Chiêm Thành không còn lạy chúa Chiêm nữa. (ĐVSKTT, II, tr. 86). Vì vậy mà ông được Thượng hoàng Nhân Tông khen: “Nhữ Hài đúng là người giỏi”.
Đành rằng nhân tài thời nào cũng có, nhưng các sứ giả ngoại giao đi sứ nước ngoài đã không làm mất thể diện quốc gia, mà còn khiến cho các lân bang phải kính nể, thán phục, thì phải thừa nhận đời Trần thật là đặc sắc.
4. TRÊN DƯỚI ĐOÀN KẾT MỘT LÒNG
Nhờ có đời sống gương mẫu, các vua đời Trần đã cố kết được lòng người, khiến cho toàn dân đoàn kết, trên dưới một lòng, thậm chí đứa trẻ con cũng thấy mình có trách nhiệm khi Tổ quốc lâm nguy. Vì vậy mà khi triều đình họp bàn việc chống giặc ngoại xâm, Hoài Văn Hầu Quốc Toản lúc này còn nhỏ chưa được phép tham dự, phấn khích bóp nát quả cam đang cầm trong tay lúc nào không biết. Sau đó lui về huy động gia nô, sắm sửa vũ khí, dựng một lá cờ đề 6 chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, báo ân vua), rồi tự động điều quân xông pha đánh giặc. (ĐVSKTT, II, tr. 46)
Thượng tướng Quang Khải và Hưng Đạo Vương vốn ít thân nhau, người ta ngờ rằng giữa hai bên có điều gì hiềm khích. Để giải mối nghi ấy, một hôm hai người gặp nhau, bèn tắm cho nhau. Hưng Đạo nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”, Quang Khải cũng bảo: “Hôm nay được Quốc Công tắm rửa cho”. Từ đó tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. (ĐVSKTT, II, tr. 70)
Một chi tiết rất nhỏ này đã nói lên cái ý nghĩa rất lớn là tinh thần đoàn kết giữa mọi người. Nhất là ý thức gia đình, tình gia tộc keo sơn. Đọc trong lịch sử xưa nay, chúng ta ít thấy triều đại nào mà tình gia tộc nồng nàn như triều đại nhà Trần.
Đánh, tiếng hô vang dội thốt ra từ cửa miệng của các bô lão tại hội nghị Diên Hồng do Thượng hoàng Thánh Tông triệu tập. Đấy là biểu hiện của sự nhất trí và quyết tâm cao, đồng thời là sự thách thức đối với dã tâm xâm lăng của địch. Có lẽ sử thần Ngô Sĩ Liên đã nói đúng khi nhận định về việc này: “Giặc Hồ vào cướp là nạn lớn của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì chống giặc hay sao mà phải đợi ban yến hỏi kế các phụ lão? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, cũng để dân chúng nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy”. (ĐVSKTT, II, tr. 48)
Ba lần chiến thắng quân Nguyên, tạo ra một đoạn sử hiển hách nhất của dân tộc, phải chăng các vua Trần đã khéo lợi dụng được sự nhất trí ủng hộ của toàn dân? Trong dân gian có câu tục ngữ: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Thế thì sự đoàn kết quả là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cả tập thể.
5. TINH THẦN TỰ TÍN, TỰ CƯỜNG
Tinh thần đoàn kết là một nhân tố cần thiết, nhưng muốn được đoàn kết, nhà lãnh đạo phải có ý chí tự tín, quyết đoán thì mới thuyết phục được mọi người tuân theo mệnh lệnh của mình.
Tháng 12 năm 1255 thế giặc đang tiến mạnh, quân ta phải lui về giữ sông Thiên Mạc, Thái Tông liền dời thuyền đến chỗ thái sư Trần Thủ Độ (1194 - 1264) hỏi kế chống giặc. Thấy tâm trạng đang lo lắng của Thái Tông, Thủ Độ trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo gì khác” (ĐVSKTT, II, tr. 26)
Lời nói đầy tự tin của Thủ Độ có một tác dụng rất lớn, vừa khiến cho Thái Tông yên lòng, vừa động viên mạnh mẽ lòng dũng cảm chiến đấu của ba quân.
Cùng một lối nói cương quyết và đầy khí phách là câu trả lời của Hưng Đạo với Thánh Tông. Khi quân Nguyên đang rầm rộ tiến vào kinh thành, Thánh Tông giả vờ hỏi ông: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”. Hưng Đạo trả lời: “Bệ hạ chém đầu thần trước rồi hãy hàng”. Và một lần khác vua Nhân Tông đến hỏi tình hình quân giặc thì ông đáp thản nhiên: “Năm nay đánh giặc nhàn” (ĐVSKTT, II, tr. 57)
Thủ Độ có công xây dựng cơ nghiệp nhà Trần, có tinh thần gia tộc rất mạnh, việc gì cũng lo toan chu đáo, hành động thì cương quyết tự tin. Kế thừa truyền thống của gia đình, Hưng Đạo tỏ ra là một bậc anh hùng  lỗi lạc, văn võ song toàn, vừa tự tin vào tài năng của mình, vừa biểu lộ tấm lòng yêu nước cực độ. Nhân cách và tài trí của ông khiến cho triều đình vững lòng, quân sĩ phấn khởi. Ba lần chiến thắng quân Nguyên, công ông không nhỏ. Mỗi lần lật lại trang sử xưa, chúng ta không khỏi xúc động và hãnh diện nhớ đến hình ảnh lẫm liệt của bậc anh hùng xuất chúng đời Trần.
6. TINH THẦN ĐỘC LẬP TỰ CHỦ
Tinh thần tự tín, tự cường cần thiết để xây dựng đất nước như thế nào thì tinh thần độc lập, tự chủ cũng không kém phần quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Bằng tinh thần độc lập, các văn nhân nước ta đã có ý thức tạo một thứ chữ riêng cho dân tộc gọi là chữ Nôm. Công việc này đã manh nha từ trước, nhưng phải đến đời Trần nó mới hoàn chỉnh. Bài văn tế cá sấu nổi tiếng của Nguyễn Thuyên là một ví dụ. Ông làm bài văn này giống như việc tế cá sấu trước kia của Hàn Dũ, nên được vua Nhân Tông ban cho họ Hàn, gọi là Hàn Thuyên. Nhưng rất tiếc bài văn ấy nay không còn nữa. Ngoài ra, Nhân Tông còn có hai bài là Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Huyền Quang (1254 - 1334) có Vịnh Vân Yên tự phú. Và tương truyền Mạc Đĩnh Chi có Giáo tử phú. May thay các áng văn này hiện nay vẫn còn. Đó là những bảo vật trong kho tàng văn học nước nhà.
Tính độc lập tiêu biểu nhất là câu trả lời của vua Minh Tông (1314 - 1329) với triều thần. Nhân các ông Lê Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ, vua nói: “Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam Bắc khác nhau, nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng cốt tìm đường tiến thân, thì sinh loạn ngay” (ĐVSKTT, II, tr. 138)
Vua Nghệ Tông (1370 - 1372) cũng nói: “Triều đình dựng nước tự có pháp độ riêng không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam Bắc đều làm chủ nước mình, không cần phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị (1358 - 1369) kẻ học trò mặt trắng làm việc nước không hiểu thâm ý khi lập ra pháp độ, cho nên đem pháp chế cũ của tổ tông thay đổi theo phong tục phương Bắc, như y phục ca nhạc và nhiều thứ khác. Bắt đầu từ nay chính trị phải trở lại đúng lệ đời Khai Thái (1324 - 1329)”.
Qua đó, chúng ta thấy rõ ý thức tự chủ quốc gia và tinh thần độc lập dân tộc của các vua đời Trần và những nhà yêu nước tiến bộ. Họ muốn tạo ra một bản sắc đặc thù Việt Nam, tách rời ảnh hưởng của phương Bắc bằng một niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của cha ông.
7. NHỮNG PHẨM CÁCH ĐẶC BIỆT
Người xưa nói: “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân” (một nhà có lòng nhân thì cả nước có lòng nhân). Phải chăng nhờ ảnh hưởng tinh thần độc lập và tự trọng của các vua Trần mà Bình Trọng đã khẳng khái trả lời với tướng giặc khi ông bị bắt. Biết ông là bậc danh tướng, quân giặc muốn thuyết phục ông hàng, nhưng Bình Trọng thét lớn: “Ta thà làm quỷ nước Nam, quyết không thèm làm vương đất Bắc” (ĐVSKTT, II, tr. 51). Lời khẳng định ấy vừa biểu lộ khí phách hào hùng của một viên danh tướng, vừa tự gắn chặt đời mình với hồn thiêng sông núi thân yêu.
Trần Liễu (1211 - 1251) vốn đau buồn về việc mất Thuận Thiên có ý hiềm oán Thái Tông, nên khi lâm chung cầm tay Quốc Tuấn bảo phải chiếm lấy ngôi báu. Quốc Tuấn không cho là phải. Sau đó muốn thử lòng hai kẻ tùy tướng là Dã Tượng và Yết Kiêu, Quốc Tuấn bèn đem lời cha dặn nói với hai người ấy. Hai ông cùng đáp: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu” (ĐVSKTT, II, tr. 77).
Quốc Tuấn là bậc danh tướng có học thức rộng nên biết phân biệt lẽ phải trái, điều đó cũng dễ hiểu; nhưng hai người kia là kẻ tùy tướng ít học, mà biện luận sáng suốt, có nghĩa khí cao thượng như vậy thật đáng thán phục.
Đó là khí phách đặc biệt của các võ tướng, và sau đây là đức liêm khiết của bậc danh thần. Đĩnh Chi vốn tính thanh liêm, nên gia thế rất thanh bạch. Vua thương tình cảnh ấy, sai người ban đêm mang mười quan tiền bỏ vào nhà ông. Hôm sau vào chầu, ông cứ tình thật tâu lên vua việc ấy, vua bảo: “Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu”. (ĐVSKTT, II, tr. 108)
Bề tôi thì sống đạm bạc, liêm khiết, nhà vua thì quan tâm đến từng đời sống của mỗi triều thần. Ôi! thực là cảnh vua Thánh, tôi hiền hiếm có.
Ngoài ra, còn có Chu Văn Trinh (? - 1370) là người thẳng thắn, cương nghị, giữ bền tiết tháo, không cầu danh lợi. Khi dâng thất trảm sớ (sớ xin chém 7 tên nịnh thần) lên vua Dụ Tông (1341 - 1369), không thấy vua trả lời, ông bèn rũ áo từ quan, về nhà mở trường dạy học, học trò ông có nhiều người đỗ đại khoa, giữ những chức vụ lớn trong triều đình. Phạm Sư Mạnh, Lê Quát làm đến Hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy ở dưới giường, được hầu chuyện cùng thầy thì lấy làm mừng lắm. Ai có điều không tốt thì ông thẳng thắn nghiêm trách, thậm chí quát đuổi không cho gặp mặt. Nhân cách đặc biệt của ông như thế nào qua lời bình luận của sử thần Ngô Sĩ Liên sau đây có thể thấy rõ: “Văn Trinh thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói mãnh liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm sau nghe phong độ của ông há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông thật đáng được coi là ông tổ của các nhà Nho nước Việt ta mà thờ vào Văn miếu vậy” (ĐVSKTT, II, tr. tr.152-53)
Xem thế đủ thấy nhân cách và đạo đức của các bậc tôi hiền là những nhân tố rất thiết yếu để xây dựng một xã hội có tôn ti trật tự và ổn định nhiều mặt. Phẩm hạnh của họ là những tấm gương sáng để mọi người noi theo, và nhờ đó tạo thành giềng mối kỷ cương cho một xã hội lý tưởng.
Những nguyên nhân mà chúng ta đã tìm hiểu trên tạo thành các nhân tố tích cực để đưa đất nước đến phú cường. Điều đó hiển nhiên, nhưng thử hỏi động lực nào đã tựu thành các nguyên nhân ấy, và nguyên nhân nào là cốt lõi trong tất cả mọi nguyên nhân?
8. ĐỜI TRẦN LẤY PHẬT GIÁO LÀM QUỐC ĐẠO
Trong bài văn bia chùa Thiên Phúc, Lê Quát than phiền: “Cái thuyết họa phúc của nhà Phật sao mà cảm động lòng người sâu sắc đến thế? Trên từ vương công dưới đến thứ dân, hễ nói đến việc bố thí cúng dường Phật sự thì dù hết tiền, hết của cũng không tiếc. Ngày hôm nay được cúng tiền vào việc xây chùa, dựng tháp thì lấy làm hân hoan như là ngày hôm mai sẽ được báo ứng tốt đẹp. Thế nên từ trong kinh thành đến ngoài châu phủ, khắp nơi thôn cùng ngõ hẻm, không cần ra lệnh mà cũng tuân theo, không bắt phải thề mà vẫn giữ đúng. Hễ chỗ nào có nhà ở thì có chùa Phật. Chùa hư nát thì sửa lại; lâu đài, chuông trống chiếm tới phân nửa dân cư. Sự hưng thịnh của đạo Phật quá dễ dàng mà sự tôn sùng thì rất mực”. (Việt Nam Phật giáo sử luận, I, Nguyễn Lang, tr. 414)
Và văn bia chùa Khai Nghiêm, Trương Hán Siêu (? - 1354) viết: “Tượng giáo đặt ra là để đức Phật dùng làm phương tiện tế độ chúng sanh, khiến cho người ngu không biết, người mê không ngộ nương vào đó mà trở về con đường thiện... vì thế những nơi u nhã thanh kỳ trong nước, chùa chiền đã chiếm mất một nửa”. (Thơ văn Lý Trần, II, thượng, tr. 748)
Tuy hai nhà nho Siêu, Quát không ưa đạo Phật, tìm cách chỉ trích, nhưng qua đó chúng ta thấy hai ông đã chứng minh một cách cụ thể đạo Phật lúc bấy giờ rất hưng thịnh, trên từ vương khanh, dưới đến lê dân đều rất mực tôn sùng. Giáo lý từ bi cứu khổ, nhân quả, thiện ác đã thấm nhuần sâu sắc trong mọi từng lớp nhân dân. Phật giáo đã khéo triển khai những khía cạnh tích cực, sinh động, thực tiễn và tiến bộ để đáp ứng những nhu cầu thiết thực của thời đại.
KẾT LUẬN
Tóm lại, một đất nước có vua sáng, tôi hiền, triều đình hòa mục, trên dưới đồng lòng; trên từ Thiên tử, dưới đến thứ dân, tất cả đều một lòng vì dân vì nước. Trong mọi lĩnh vực quân sự, ngoại giao, giáo dục, chính trị đều có những nhân tài xuất chúng. Mọi người đều có tinh thần độc lập, tự chủ, tự tín và tự cường. Như vậy là đủ điều kiện để xây dựng một quốc gia hùng mạnh. Nhưng điều quan trọng hơn hết là tư tưởng chủ đạo để hướng dẫn tất cả mọi hoạt động ấy. Đó là tinh thần Phật giáo: một tinh thần nhập thế và hành động, từ bi cứu khổ, lấy con người làm đối tượng để phụng sự.
Các vua Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông vừa là một vị nguyên thủ quốc gia, vừa là một nhà lãnh đạo tinh thần. Họ là những nhà đạo đức gương mẫu, vừa có kiến thức thế học vững chắc, lại vừa có trình độ Phật học uyên thâm. Họ dùng đạo Phật để phục vụ mục đích chính trị, nhưng là một nền chính trị nhân bản, dạt dào nghĩa nước tình dân.
Hình ảnh một lãnh tụ quốc gia cầm quân ra trận khi tổ quốc lâm nguy đồng thời cũng là một Thiền sư siêu thoát lúc đất nước thanh bình, đó là kết tinh kỳ diệu của một nền Phật giáo tự chủ trong một quốc gia độc lập và phú cường.

Bạn nghĩ gì về thông tin này? 0

Giới thiệu

Thống kê truy cập

00774294

Hôm nay: 210

Ngày hôm qua: 458

Tháng này: 6905

Tháng trước: 8631

Tất cả: 774294


Đang Online: 4
IP: 3.17.74.227
Mozilla 0.0