TẦM ĐẠO TRONG THƠ, GIÁC NGỘ TRONG ĐỜI

24/05/2021
Mãn Giác Thiền sư từng viết:
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
(Trích “Thơ Thiền Lý – Trần”)
 
Mãn Giác mượn sự vận hành của thiên nhiên để nói rõ nguyên tắc của luân hồi. Vòng xoay của luân hồi vô tình như dòng chảy của thời gian. Khởi đầu tựa kết thúc, kết thúc lại là một khởi đầu khác. Đó là điều hiển nhiên chẳng thể thay đổi được. Sinh tử cũng vậy, đến và đi vô tình vô hậu. Nó là một vòng lặp dài miên man bất tận, kết thúc là khởi đầu. Con người sống một đời nhưng thật ra chỉ là một khoảnh khắc rất nhỏ. Hàn San thời Đường từng viết: “Hoa lạc phục hoa khai” (Hoa rụng rồi lại nở) cũng hàm chỉ nguyên tắc vận động của luân hồi tưởng kết thúc nhưng chẳng phải kết thúc.
 
“Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.”
(Trước mắt sự việc đuổi nhau qua,
Tuổi già đã đến trên đầu.)
 
Thời gian trong hai câu thơ vội vàng, gấp rút. Cuộc đời của con người quả thực quá ngắn ngủi, nhắm mắt lại đã thấy chính mình ở cuối bến dừng. Quá khứ, hiện tại trôi qua trước mắt như dòng Hoàng Hà cuồn cuộn chảy đi. Phải chăng hai câu thơ này trái ngược với hai câu đầu bài kệ? Trong hai câu đầu bài kệ, đại sư đưa ra một quy luật của sinh tử luân hồi: kết thúc cũng là khởi đầu, hoa rụng rồi sẽ nở, hoa nở rồi cũng lụi tàn. Còn ở hai câu này lại nêu lên việc: thời gian vội vã, con người chẳng thể theo kịp.
 
Vả chăng, Mãn Giác đại sư cho rằng cuộc đời này vốn là một vòng luân hồi đau khổ bất tận? Sinh ra tức có chết đi, dù phú quý hay bần cùng cũng không thể tránh khỏi. Cái chết chính là sự khổ đau, là nổi ám ảnh nhân tâm. Con người ta luôn quan tâm khi nào bản thân chết đi nhưng liệu có ai nghĩ rằng khi nào mình “sống lại”.
 
Nhập luân hồi chính là đau khổ, trong thập đạo luân hồi không có cửa nào là cửa hỉ. Chẳng có ai từ khi sinh ra mỗi ngày đều cười đến lúc rời bỏ nhân thế nhưng lại có người khổ đau cả một đời. Chúng ta sống chính là trầm mình vào vòng quấn ấy. Đại sư dùng bốn câu thơ đặc ra một câu hỏi lớn là: Làm thế nào để thoát khỏi đau khổ?
 
Trong thiền đạo, mai là loại hoa tượng trưng cho tâm chính đẳng chính giác. Trong hai câu thơ "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" không còn không gian cũng không còn thời gian. “Xuân tàn” kia liệu chắc đã là xuân? Ở câu đầu Mãn Giác viết rằng “bách hoa lạc” có hàm ý chỉ sự tận diệt nhưng ở câu này lại lật ngược lại vấn đề. Rõ ràng “xuân” kia chỉ là xuân của tâm thức, “đình tiền” hay “tạc dạ” cũng chỉ là phù sinh mơ hồ và ngay cả “nhất chi mai” kia cũng là một ảo mộng. Tận cùng liệu có là tận cùng, mất hết rồi liệu có thực sự là không còn gì? Hay chẳng qua thời gian chỉ là ý niệm của con người? Sinh hay tử cũng chỉ là một cách gọi, tâm thức con người mới là bất diệt. Trong “Tảo Mai”, Tề Kỷ viết:
 
“Vạn mộc đống dục chiết,
Cô căn noãn độc hồi.
Tiền thôn thâm tuyết lý,
Tạc dạ nhất chi khai.”
(Muôn cây cóng muốn rụi,
Rễ mai riêng ấm lành.
Trước thôn trong tuyết ngập,
Đêm qua nở một cành)
 
Có thể cảnh nhận được cành mai của Mãn Giác và Tề Kỷ có nét tương đồng: bất khuất, kiên cường. Nhưng rõ ràng, mai của Tề Kỷ là loài mai tỉnh giấc khi muôn loài chưa trở mình còn mai của Mãn Giác là loài hoa còn trụ lại khi vạn vật đã tàn lụi. Cành mai của Tề Kỷ là “chân mai” còn của Mãn Giác đã không còn là loài mai của thế tục. Cành mai ấy đã nằm ngoài luân hồi, đã vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó là tượng trưng cho chính quả, cho giác ngộ. Giác ngộ là điều ai cũng mong muốn nhưng thực sự nó là gì?
 
Ngày xưa có một vị thiền sư gọi là Mã Tổ, ngày ngày ngồi thiền ai hỏi cũng không trả lời, một vị cao tăng đương thời gọi là Hoài Nhượng đã đến bên cạnh Mã Tổ mà mài đá mỗi ngày. Một ngày nọ, Mã Tổ hỏi: “Mài gạch để làm gì?”, Hoài Nhượng đáp: “Để làm gương soi”. Mã Tổ lại hỏi “Mài đá có thể thành gương soi hay sao?”, Hoài Nhượng nhân đó cũng đáp: “Vậy mỗi ngày ngồi thiền là có thể thành Phật sao?
 
Kinh Lăng Nghiêm có kể, A Nan là em trai út của Đức Phật, học rộng hiểu sâu, ham thích kiến thức, một ngày nọ A Nan vì vướng nghi hoặc đã hỏi Phật Tổ rằng tâm ở đâu, chấp chướng ở đâu? Phật Tổ hỏi A Nan rằng tâm của A Nan ở đâu, là ở trong thân hay ở ngoài thân, là lay động hay tĩnh động. Rồi ngày giơ bàn tay của mình ra, nắm lại rồi buông ra, sau đó Ngài hỏi A Nan là thứ gì lay động là tay của Đức Phật hay tâm của Ngài? Thật ra A Nan đã quên mất đi một điều rất quan trong trọng giác ngộ, đó chính là đốn ngộ. Trong tu hành, đề cao nhất chính là sự tự chiêm nghiệm, giống như Đức Thích Ca chỉ cần chỉ vào một bông hoa thì Ca Diếp đã tự ngộ ra được đạo pháp.
 
Tựu trung lại, qua hình tượng hoa mai, Mãn Giác muốn thể hiện rõ rằng, trong tu học, quan trọng nhất vẫn là tự giữ mình thanh tịnh, tự nhập thế, tự hoà đời. Bởi đại nghi sẽ có đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ. Dù ít, dù nhiều, chỉ có những gì mình tự chiêm nghiệm mới thật là của mình.
_______________________
Tài liệu tham khảo:
1. Đọc Văn - Học Văn, Trần Đình Sử, NXB Văn Học.
2. Thi viện.

Bạn nghĩ gì về thông tin này? 0

Giới thiệu

Thống kê truy cập

00775974

Hôm nay: 199

Ngày hôm qua: 400

Tháng này: 8585

Tháng trước: 8631

Tất cả: 775974


Đang Online: 1
IP: 18.191.174.168
Mozilla 0.0